Phóng to |
Nhà sưu tập Nguyễn Anh Kiệt mở đầu cuộc triển lãm "Gốm Lái Thiêu - gốm gia dụng miền Nam" bằng những lời "phát hiện" như vậy.
Đa dạng và sinh động
Dòng gốm Lái Thiêu hình thành từ khoảng năm 1860, khi những người Hoa gốc Quảng Ðông, Triều Châu, Phú Kiến dừng chân định cư nơi đây mang theo nghề làm gốm truyền thống. Từ đó, kỹ thuật gốm của những Hoa kiều được sáng tạo trên nền đất, nước, lửa của miệt Lái Thiêu, làm nên những dòng sản phẩm gốm riêng biệt.
Ðiều đáng quý là gốm Lái Thiêu từ khi ra đời luôn được trân trọng bởi chính những người con của vùng đất Nam bộ. Chính họ đã nâng niu, giữ gìn, tìm hiểu, sưu tập từ hiện vật đến thông tin về những làng nghề... để phối hợp với Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM làm nên một triển lãm chuyên đề gốm Lái Thiêu hôm nay.
Dòng chảy của gốm Lái Thiêu đa dạng quá đỗi, nên chỉ với những hiện vật tiêu biểu cho mỗi chủ đề, triển lãm đã khiến Bảo tàng Mỹ thuật huy động 13 phòng trưng bày mới đủ sức chứa.
Không gian sống của cụm từ "gốm gia dụng" thật ra rộng lớn hơn nhiều so với cách hình dung "đây là các vật dụng hằng ngày". Bởi gốm Lái Thiêu bên cạnh những dòng sản phẩm trang trí như ngói âm dương men xanh, khung gió tráng men còn có cả những sản phẩm thờ như ông Nhật bà Nguyệt, cá chép hóa rồng, tượng Phật, tượng Thánh Mẫu, tượng ông Ðịa...
Và sức sống sinh động của gốm Lái Thiêu thuộc về các sản phẩm vật dụng hằng ngày. Những du khách của thế kỷ 21 sẽ rất tần ngần khi bắt gặp chiếc nồi lẩu (cù lao) bằng gốm Lái Thiêu, để rồi hình dung những bữa ăn nóng sốt của cha ông thời đầu thế kỷ trước, lúc các sản phẩm bằng nhôm chưa phổ biến như bây giờ.
Hay khi bắt gặp hàng loạt kiểu bình dùng đựng nước tương, giấm, nước mắm Phú Quốc, các loại tô, thố dùng đựng riêng thức ăn trong chùa, các hộp gốm sản xuất theo đơn đặt hàng để đựng kẹo mạch nha, đến như hãng dầu Nhị Thiên đường cũng một thời sử dụng gốm Lái Thiêu làm hộp đựng, thật là một loại "bao bì" độc đáo, ngày nay trở thành cổ vật hiếm hoi đối với giới sưu tập gốm...
Ngày xưa ngôi chợ Lái Thiêu là nơi tập hợp các sản phẩm gốm để lưu xuất đi nhiều nơi trong vùng và sang cả các nước láng giềng. Chú Nhỏ Lái Thiêu (Lý Thân) đến nay còn nhớ khung cảnh chợ gốm ngày xưa: "Tiệm vựa chứa đồ gốm đủ thứ: chén, dĩa, tô tộ, bình bông, ống nhổ, lư hương, nồi, siêu, tay cầm...", rồi các loại chóe rượu, lu khạp, chậu bông, đôn, ảng, vịm....
Phóng to |
Nồi lẩu bằng gốm Lái Thiêu - niên đại 1942 |
Phóng to |
Dân gian và hàn lâm
"Này, có những sản phẩm của Lái Thiêu mà ngày nay nói tên chưa chắc dân Nam bộ biết đâu, điển hình như cái vịm". Nhà sưu tập Trương Ngọc Tường vừa nói vừa dẫn cô du khách chỉ vào một sản phẩm giống như chiếc chậu nhỏ tráng men vẽ hình hoa điểu: đây là cái vịm dùng để đánh bột, làm bánh - sản phẩm chính hiệu Lái Thiêu.
Sau khi bỏ nhiều thời gian và công sức cho chuyên đề triển lãm này, điều thú vị tâm đắc của nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng là phát hiện ở gốm Lái Thiêu một dụng cụ có chức năng hầm xương như một nồi áp suất hiện nay, gọi là cái nồi pứu - một loại vật dụng phổ thông thời 1950 nhưng "đã từ lâu vắng mặt trong đời sống người dân rồi" - ông chép miệng.
Len lỏi và có mặt chủ yếu ở những nhà bình dân, nhưng đề tài mỹ thuật với các hình họa trên gốm Lái Thiêu lại có hẳn một dòng mang nội dung điển tích hàn lâm như: Bát tiên, Thất hiền, Tứ dân tứ thú (ngư, tiều, canh, độc), Long truy (rồng rượt đuổi), Lưỡng long tranh châu, Lưỡng long triều nhật... Và theo ghi nhận của nhà nghiên cứu Lý Lược Tam, gốm Lái Thiêu có một loại chóe người Trung Hoa gọi là "Tướng quân quán" (mũ tướng quân). Ðây là loại chóe có nắp hình bán cầu úp, miệng chóe hơi loe ra, đỉnh nắp có núm bảo châu hình tròn, giống như kim khôi của các tướng sĩ, nên gọi là "Tướng quân quán". Với những kiểu thức và tên gọi như thế, gốm Lái Thiêu còn chờ người tri kỷ để hiểu nhau ở tầm mức sâu hơn.
Còn khách trẻ hôm nay thì xuýt xoa trước mô thức thẩm mỹ của nghệ nhân Lái Thiêu khi tạo dáng ống đũa và chiếc đèn cao chân hình thiếu nữ để ngực trần. Sản phẩm không câu nệ đường nét chuyên môn, nhưng rõ ràng đây là hiện thân của một tâm thế thị hiếu dân gian, đối trọng với những điển tích hàn lâm trên kia, chưa chắc loại nào bán chạy hơn loại nào.
Và cứ đến bảo tàng thấy du khách dừng lâu trước món gốm Lái Thiêu nào thì biết...
Triển lãm “Gốm Lái Thiêu - gốm gia dụng miền Nam” diễn ra từ 28-4 đến hết tháng 5-2009, trưng bày 639 hiện vật được phân theo nhóm chủng loại. Trong đó, Bảo tàng Mỹ thuật có 215 hiện vật và 424 hiện vật của các nhà sưu tập tư nhân: Huỳnh Ngọc Trảng, Trương Ngọc Tường, Lý Lược Tam, Nguyễn Anh Kiệt, Trần Phương Thảo, Nguyễn Đại Phúc, Huỳnh Duy Thiết...
|
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận