12/04/2016 10:06 GMT+7

Cuộc tranh cãi vì dân của những người con ông Lý Quang Diệu 

MINH TRUNG
MINH TRUNG

TTO - Câu chuyện tranh cãi giữa anh em nhà thủ tướng Singapore quanh ngày giỗ đầu cha diễn ra công khai trên... Facebook, nhận được sự quan tâm và chia sẻ lớn từ người dân Singapore.

Tấm ảnh gia đình chụp sinh nhật ông Lý Quang Diệu (thứ hai từ trái) 80 tuổi vào tháng 9-2003; với bà Lý Vỹ Linh (bìa trái) và ông Lý Hiển Long (thứ hai từ phải) - Ảnh: Reuters
Tấm ảnh gia đình chụp sinh nhật ông Lý Quang Diệu (thứ hai từ trái) 80 tuổi vào tháng 9-2003; với bà Lý Vỹ Linh (bìa trái) và ông Lý Hiển Long (thứ hai từ phải) - Ảnh: Reuters

“Ngày giỗ này rất quan trọng với chúng ta. Đó là một ngày để tưởng nhớ. Nhớ về những gì ông ấy đã làm cho chúng ta. Nhớ về những gì ông ấy đối xử với chúng ta. Nhớ cách chúng ta đoàn kết với nhau để trở thành một quốc gia, tử tế, đầy tình thương, kiên nhẫn...

Julie Chin (nữ công dân Singapore)

 

Ông Lý Quang Diệu mất ngày 23-3 và tháng vừa qua là thời điểm giỗ đầu của người sáng lập đất nước Singapore.

Mọi chuyện bắt đầu từ việc bà Lý Vỹ Linh, em gái Thủ tướng Lý Hiển Long, lên tiếng anh mình đã “lạm dụng quyền lực” trong việc tổ chức các sự kiện nhân ngày giỗ của cha.

Nặng nề hơn, bà Lý cho rằng anh trai muốn “thiết lập một triều đại riêng” thông qua việc “anh hùng hóa” ông Lý Quang Diệu. Đáp lại, Thủ tướng Singapore phủ nhận điều này và bày tỏ ông “rất buồn” khi nghe những lời của em gái.

Chuyện là thế nhưng điều đáng chú ý là những trao đổi của gia đình Thủ tướng Singapore đều diễn ra công khai trên... Facebook. Đây không phải là một câu chuyện “thâm cung bí sử” bị truyền thông phát hiện.

Ông Lý Hiển Long và bà Lý Vỹ Linh - một bác sĩ phẫu thuật thần kinh có tiếng - là những nhân vật được tất cả người dân Singapore biết đến; từng lời nói của họ trước công chúng đều mang sức nặng và trách nhiệm to lớn.

Từ những bài học của cha

Tính cách độc đáo của anh em nhà họ Lý có lẽ bắt nguồn từ cách nuôi dạy của cố thủ tướng Lý Quang Diệu, người đã dành sự quan tâm cả đời không chỉ cho Singapore mà còn cho gia đình và các con.

“Giản dị” là một trong những bài học đầu tiên ông bắt họ phải thuộc nằm lòng từ nhỏ. Phẩm chất này dạy cho đứa trẻ tính tiết kiệm, trân trọng những gì chúng có được trong cuộc sống, từ căn nhà, quần áo, nước uống, thực phẩm... cho đến một gia đình yêu thương chúng.

“Chúng tôi phải tắt vòi nước cho đàng hoàng. Nếu bố mẹ phát hiện nước còn rỉ, chúng tôi sẽ bị nhắc nhở. Khi rời khỏi phòng chúng tôi phải tắt hết đèn và máy điều hòa” - bác sĩ Lý Vỹ Linh hồi tưởng trên tờ Straits Times một ngày sau khi cha mất hồi năm ngoái.

Lời trách móc bà Lý dành cho Thủ tướng Lý Hiển Long vì đã tổ chức các sự kiện tưởng nhớ “hoành tráng” có thể hiểu xuất phát từ tính giản dị này.

“Con gái của ông Lý Quang Diệu sẽ không để cho tên tuổi của cha bị hoen ố bởi người con trai” - bà Lý Vỹ Linh viết trong một thông điệp khá bức xúc trên Facebook.

Một bài học khác không kém phần quan trọng mà ông Lý Quang Diệu truyền đạt cho các con là “hãy đối xử với mọi người bình đẳng, không phân biệt hoàn cảnh gia đình hay xuất thân”.

Bà Lý Vỹ Linh từng kể lại rằng bố mẹ họ dặn các con không được “cư xử như những đứa trẻ con của thủ tướng” và “đừng trông đợi được đối xử ưu ái hơn”.

“Kết quả là chúng tôi dành cho tất cả mọi người - bạn bè, người lao động hay các bộ trưởng - cùng một sự tôn trọng. Mấy viên sĩ quan bảo vệ của cha tôi cũng trở thành bạn của chúng tôi” - bà Lý kể.

Với nhận thức được truyền lại từ người cha, bà Lý Vỹ Linh hẳn đã cảm thấy cố thủ tướng Singapore, dù là một nhà lãnh đạo tốt và được lòng dân, nên được đối xử một cách bình đẳng hơn.

“Ông Lý Quang Diệu cũng phải ngại ngùng trước những hành động tôn sùng ông chỉ một năm sau ngày mất” - bà Lý viết trên Facebook ngày 6-4, mặt khác bà cũng thừa nhận bản thân rất ngạc nhiên trước tình cảm bao la của người dân Singapore dành cho ông Lý Quang Diệu.

Nền tảng người tài lãnh đạo

Trong thông điệp giãi bày trước công chúng trên Facebook ngày 10-4, ông Lý Hiển Long khẳng định: “Ý kiến cho rằng tôi muốn thiết lập một triều đại càng không hợp lý. Một thể chế do người tài lãnh đạo là giá trị nền tảng của xã hội chúng ta, không phải tôi, không phải PAP (Đảng Nhân dân hành động), cũng không phải người Singapore sẽ dung thứ cho bất cứ hành động nào như vậy”.

Dưới thông điệp của Thủ tướng Singapore là hàng ngàn ý kiến của người Singapore ủng hộ ông, một số khác đứng ra bảo vệ bà Lý Vỹ Linh.

Có một điều dễ nhận ra là người Singapore không ai trách móc anh em nhà họ Lý, một người được lòng dân vì cung cách lãnh đạo, người còn lại là một công dân mẫu mực, một nhà khoa học giỏi, và trên hết là biết nghĩ cho đất nước.

Trong thông điệp của mình, ông Lý Hiển Long có dùng đến cụm từ “thể chế do người tài lãnh đạo” (meritocracy), tức một nhà nước trong đó những người có khả năng và đức độ được nhân dân tin tưởng bầu ra lãnh đạo họ (khái niệm này tương phản với cụm từ “con ông cháu cha”!).

MINH TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên