'Cuộc tình' Trump - Musk sẽ kéo dài được bao lâu?

THANH TUẤN 22/12/2024 14:36 GMT+7

TTCT - Mối quan hệ có đi có lại và khá kỳ lạ giữa tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump và ông trùm công nghệ Elon Musk sẽ tác động ra sao tới nghị trình chính thức của chính quyền Mỹ trong nhiệm kỳ mới?

"Cuộc tình" Trump - Musk sẽ kéo dài được bao lâu? - Ảnh 1.

Ảnh: Market Watch

Năm 1972, Henry Kissinger gọi điện cho tổng biên tập tạp chí Time để "van nài" bỏ tên ông khỏi danh hiệu "nhân vật của năm" - năm đó Time trao cho hai người cùng lúc và người còn lại là sếp của Kissinger: Tổng thống Richard M. Nixon.

"Được xếp bình đẳng với tổng thống Mỹ, với tôi gần như là tự sát", Kissinger nhớ lại. Tờ Time bác mọi cầu cứu và cả hai cùng lên trang bìa. Vai trò của vị cố vấn an ninh này khi đó là quá quan trọng.

"Đồng tổng thống"

Chỉ còn vài tuần trước khi Donald Trump nhậm chức lần hai và cũng đã lên bìa báo Time với danh hiệu "nhân vật của năm", vai trò "Kissinger" hiện có lẽ đang thuộc về Elon Musk. Phó tổng thống đắc cử JD Vance hầu như mất hút. 

Musk trong khi đó có mặt khắp mọi nơi, từ các cuộc phỏng vấn ứng viên nội các ở Mar-a-Lago tới gặp gỡ nửa bí mật với đại sứ Iran ở Liên Hiệp Quốc. 

Nhà tỉ phú còn tháp tùng ông Trump tới Washington để gặp cả các nghị sĩ, trong khi ông Trump đi cùng Musk tới Texas để coi chuyến bay thử của SpaceX. Musk cũng được vinh dự là có nền nhạc riêng mỗi lần bước vào phòng khách ở Mar-a-Lago - bài Space Oddity lừng lẫy của David Bowie.

Trong 53 năm trước đó của cuộc đời, Elon Musk hầu như chưa bao giờ đi với Trump. Nhưng kể từ đêm 5-11, họ hầu như không giây phút nào rời nhau. Musk tự gọi mình là "đệ nhất bằng hữu" và có mặt khắp nơi trong quá trình chuyển giao.

Trong phát biểu chiến thắng, ông Trump dành đáng kể thời lượng để nói về Musk, khoảng 17% phát biểu - bằng thời gian ông nói về kế hoạch nhiệm kỳ tổng thống. Trong đó, ông Musk được ca ngợi là "siêu thiên tài", hào phóng, hiệu quả, nhất là về thế mạnh vượt trội trong công nghệ. "Đó là lý do tôi yêu cậu, Elon", ông Trump nói.

Truyền thông Mỹ đôi khi gọi Musk là "đồng tổng thống", trong khi Musk hào hứng với tất cả những chú ý này. Dù giàu có tới đâu (tài sản của ông đã cán mốc 400 tỉ đô la sau bầu cử), quyền lực của Musk không thể nào sánh được với vị thế tổng thống chắc chắn sẽ tập quyền nhất trong lịch sử Mỹ hiện đại.

"Cuộc tình" Trump - Musk sẽ kéo dài được bao lâu? - Ảnh 2.

Ảnh: AFP

Bay quá gần mặt trời?

Ông Trump vốn không thích chia sẻ sự chú ý của dư luận với bất cứ ai. Theo Edward Luce của Financial Times, Musk có vẻ không hiểu là ông đang bay sát mặt trời tới mức nào. 

Musk đã ăn tối cùng Trump, bay cùng tổng thống đắc cử, đi chơi golf cùng và ở Mar-a-Lago kể cả khi Trump không có mặt. "Cậu ta thích chỗ này - ông Trump đùa hồi tháng trước - Tôi không đuổi cậu ta đi được. Và bạn biết không? Tôi cũng thích cậu ta ở đó".

Ông Trump mang ơn Musk rất nhiều. Ngoài khoảng 200 triệu USD Musk hỗ trợ Trump qua các hình thức khác nhau, Musk gần như "hiến dâng" mạng xã hội X (từng mua với giá 44 tỉ USD) để hỗ trợ chiến dịch của Trump. Việc thuật toán của mạng này quá thiên về Trump đã khiến nhiều người bỏ dùng X.

Để biết ông Trump làm gì, các tweet của Musk bây giờ có tính dự báo không kém các tweet lúc nửa đêm của Trump nhiệm kỳ đầu. Vị trí của Musk thể hiện qua hình ảnh ông ngồi ngay cạnh Trump trên máy bay riêng của vị tỉ phú bất động sản từ New York. 

Đối diện họ là con trai tổng thống Donald Trump Jr. và đồng minh chính trị Robert F. Kennedy Jr. - tất cả đều ăn McDonald. 

Đứng phía sau, cố chen vào bức hình là Mike Johnson, chủ tịch Hạ viện - người đứng thứ 3 trong danh sách kế vị tổng thống ở Mỹ theo luật định. Nhưng trong thế giới của Trump, được dư luận chú ý nhiều hơn ông rất dễ dẫn tới đổ vỡ.

Quan trọng hơn, vấn đề là những khác biệt về chính sách. Musk vận động rất quyết liệt cho Howard Lutnick, giám đốc điều hành của hãng tư vấn Cantor Fitzgerald, cho ghế bộ trưởng tài chính. 

Lutnick sau đó chỉ được đề cử bộ trưởng thương mại (không ảnh hưởng bằng), còn bộ tài chính được trao cho Scott Bessent, cựu quản lý đầu tư của tỉ phú George Soros - dấu hiệu cho thấy không phải lúc nào Musk cũng được Trump nghe.

Musk viết trên X khá nặng nề rằng Bessent đại diện cho "hiện tại", điều sẽ khiến "nước Mỹ phá sản". 

Ngoài ra, với Washington, Musk còn có vấn đề về lợi ích ở Trung Quốc như có nhà máy rất lớn ở Thượng Hải và vẫn chống việc phân tách hai nền kinh tế giữa lúc Washington đang rất diều hâu với Bắc Kinh.

Musk và Vivek Ramaswamy dự kiến sẽ đồng chủ tịch Hội đồng về chính phủ hiệu quả (DOGE), cơ quan có mục đích cắt giảm bộ máy và siết lại chi tiêu của Washington. DOGE không có quyền lực thực sự, nhưng Musk có sức mạnh về truyền thông và có thể gây sức ép với bộ máy ở Washington.

Hy vọng về chuyện Musk có thể mang trí tuệ kinh doanh và công nghệ đến cho chính quyền Trump nghe rất hấp dẫn. 

Một số ý tưởng lớn có thể giúp giảm thâm hụt ngân sách lớn ở Mỹ hiện giờ, lên tới khoảng 6% GDP, và cải cách hệ thống hành chính hết sức cồng kềnh. Nhưng cũng có lý do để lo lắng về ngôi sao đang lên Musk. 

Nhiều dấu hiệu xung đột lợi ích đang xuất hiện: Musk quan tâm cắt giảm chi ngân sách nhằm xóa bỏ những quy định ngặt nghèo đang được áp với các công ty của chính ông. Giới phân tích cũng lo ngại việc chính phủ gặp rủi ro khi dựa quá nhiều vào một cá nhân, đặc biệt trong các lĩnh vực như vũ trụ hay vệ tinh.

"Cuộc tình" Trump - Musk sẽ kéo dài được bao lâu? - Ảnh 3.

Khu phức hợp nhà máy khổng lồ của Tesla ở Thượng Hải. Ảnh: Wikipedia

Việc Musk tham gia chính sách đối ngoại cũng sẽ có rủi ro với cả chính doanh nghiệp của ông lẫn các mục tiêu đối ngoại của Washington.

Cả Musk và Trump đã có lợi lớn từ "cuộc tình" vừa qua. Số tiền 200 triệu USD mà Musk chi ra để giúp Trump đắc cử là rất lớn so với tổng số tiền chi cho chiến dịch và đóng góp bên ngoài khoảng 1,1 tỉ USD. 

Musk cũng đóng vai trò lớn trong kêu gọi cử tri đi bỏ phiếu ở các bang chiến địa. Đổi lại, Musk cũng được lợi rất nhiều: từ sau bầu cử, giá trị vốn hóa của Tesla (chiếm 2/3 tài sản của Musk) đã tăng hơn 300 tỉ USD, riêng tài sản cá nhân của ông tăng thêm khoảng 60 tỉ USD.

Những đổ vỡ trong lịch sử

Các nhà đầu tư tin rằng ông Trump cầm quyền sẽ có lợi cho các công ty của Musk. Chính phủ là khách hàng rất lớn của SpaceX, với hợp đồng 15 tỉ USD trong 10 năm qua. Bộ Quốc phòng Mỹ hiện còn có kế hoạch kết hợp 100 vệ tinh SpaceX vào lực lượng StarShield của họ. 

Có thể dự đoán nếu quan hệ tốt đẹp, các khách hàng nhà nước này sẽ tiếp tục tăng nữa. Như hiện tại SpaceX đang tiến hành 90% toàn bộ các đợt phóng lên quỹ đạo ở Mỹ với các cơ quan chính phủ, không chỉ bao gồm cơ quan quốc phòng. 

Trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump chẳng hạn, Ủy ban Truyền thông liên bang (FCC) đã thuê Starlink của Musk để mở rộng Internet ở vùng nông thôn.

Hiện các cơ quan liên bang khác nhau cũng đang tiến hành khoảng 20 vụ điều tra và thanh kiểm tra với các doanh nghiệp của Musk. Như Ủy ban Quan hệ lao động quốc gia đang gây sức ép với việc ông chống công nhân lập nghiệp đoàn ở Tesla. 

Bộ Giao thông thì nói Neuralink (công ty về công nghệ thần kinh của Musk) vận chuyển vật liệu nguy hiểm. 

Cơ quan Ngư nghiệp và động vật hoang dã lo ngại SpaceX chưa tuân thủ quy định đảm bảo an toàn cho tổ chim ở gần nơi phóng tên lửa. Nếu mối quan hệ giữa Musk và chính quyền mới tốt đẹp, các vấn đề này đều có thể lặng lẽ biến mất.

Từ đó nảy sinh một chuyện khác: tỉ phú giàu nhất thế giới sở hữu quá nhiều doanh nghiệp và sẽ không thể có thời gian suốt ngày ở Mar-a-Lago để chăm sóc ông Trump. Trong giai đoạn chuyển giao thì mọi chuyện còn linh động và nhiều thay đổi, nhưng khi đã vào guồng, sẽ rất khó để tranh thủ Trump nếu Musk không có mặt toàn thời gian.

"Cuộc tình" Trump - Musk sẽ kéo dài được bao lâu? - Ảnh 4.

Ảnh: Reuters

Hơn nữa, giới quan sát đánh giá cá tính quyết liệt của Musk sẽ gặp cản trở lớn khi đối đầu với "khát khao kiểm soát ví tiền của Quốc hội". Sẽ đến lúc Trump phải lựa chọn, và giới quan sát không tin người được chọn sẽ là Musk. Một số người thậm chí xác định Musk sẽ khó lòng trụ được qua mốc 100 ngày của nhiệm kỳ mới.

Sở dĩ như vậy là vì cả hai đều nổi tiếng có cái tôi rất lớn, thường xuyên đổ vỡ, ân đoạn nghĩa tuyệt với bạn bè và đồng nghiệp. 

Hơn thế nữa, liên minh giữa một ông trùm công nghệ (vốn vẫn là người có quan điểm tự do) như Musk với những người theo chủ nghĩa dân túy bảo thủ, thành phần chủ chốt ủng hộ Trump, là rất mong manh, khi mâu thuẫn khó thể dung hòa. ■

Trong quá khứ các đời tổng thống Mỹ, không có hình mẫu tiền lệ nào tương tự ảnh hưởng của Musk với Trump, nhưng kinh nghiệm lịch sử cho thấy mối quan hệ giữa tổng thống với nhà tài trợ thường không bền.

Một ví dụ khá nổi tiếng là mối quan hệ giữa nhà tài phiệt William Hearst, ông trùm báo chí, với tổng thống Franklin Roosevelt đã nhanh chóng tan vỡ, dù Hearst từng ủng hộ Roosevelt nhiệt thành trong nhiệm kỳ đầu.

Ông trùm thép Andrew Carnegie, người giàu nhất thế giới khi còn sống, cũng không thuyết phục được Theodore Roosevelt nghe theo các đề xuất về đối ngoại. Theodore Roosevelt cũng đổ vỡ với ông trùm J.P. Morgan, người từng giúp ông chấm dứt bãi công của công nhân ngành mỏ.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận