12/03/2013 09:35 GMT+7

Cuộc tìm kiếm dưới đáy biển Gạc Ma

LÊ ĐỨC DỤC
LÊ ĐỨC DỤC

TT - Hơn 20 năm sau ngày xảy ra sự kiện 14-3-1988, chúng tôi có dịp đến với gia đình các liệt sĩ hải quân hi sinh. Hai mươi năm qua, nỗi mất mát có thể đã lắng xuống sau ngần ấy thời gian, nhưng niềm khắc khoải ngóng vọng của những bà mẹ với xương cốt con mình dưới lòng biển lạnh vẫn mãi thao thức.

cCy8ykG2.jpgPhóng to
Các ngư dân tàu Thành Công 07 đã lặn vớt hài cốt liệt sĩ trên tàu HQ-604 - Ảnh: L.Đ.Dục

Bởi thế khi nghe tin có một con tàu của ngư dân Lý Sơn trong lúc đi biển đã tìm thấy xác chiếc tàu HQ-604 bị chìm và tìm thấy một số hài cốt các liệt sĩ, chúng tôi đã theo dấu vết con tàu để tìm thêm thông tin về câu chuyện “đáy bể mò kim” này.

“Nhiệm vụ đặc biệt”

Lần trước, đáp chuyến tàu cao tốc từ cảng Sa Kỳ ra đảo Lý Sơn, liên lạc với chủ tàu Thành Công 07, con tàu với những người thợ lặn đã tiếp cận được khoang tàu 604 nhưng điện thoại của ông Võ Văn Chức, chủ tàu, đang ở ngoài vùng phủ sóng. Về gia đình những ngư dân có con em đang theo tàu ông Chức mới hay tàu ông Chức không phải tàu đánh cá mà là tàu chuyên đi lặn tìm, tháo gỡ phế liệu từ những con tàu đắm.

Và thời điểm đó, tàu ông Chức đang lang thang đâu tận vùng biển gần Malaysia. Chuyến đi Lý Sơn ấy, chúng tôi chỉ kịp ghé thăm gia đình anh Phạm Vinh (ở thôn Đông, xã An Vĩnh), một thủy thủ trên tàu ông Chức. Anh Vinh đã tử nạn vì ngạt nước khi đang lặn tìm hài cốt liệt sĩ trên tàu HQ-604. Một tuần trước đây, khi trở lại thực hiện tuyến bài kỷ niệm 25 năm sự kiện CQ88 này, chúng tôi lại liên lạc hú họa với con tàu Thành Công 07 của ông Chức. Thời may, con tàu ông Chức đang từ biển trở về, có điều nó không về Lý Sơn mà sẽ cập cảng Ninh Chữ ở Phan Rang - Tháp Chàm.

Đúng hẹn với ông Chức, chúng tôi tìm vào cảng Ninh Chữ (Phan Rang). Chiếc tàu Thành Công 07 của những người thợ lặn Lý Sơn đang neo đậu chuẩn bị “lên đà” sửa chữa. Câu chuyện về cuộc tìm kiếm hài cốt những người lính trong con tàu HQ-604 vẫn còn tươi nguyên trong tâm trí ông.

“Hôm đó đã sắp vào dịp Vu Lan, tầm rằm tháng 7 âm lịch năm 2008, khi tàu QNG-96219 của cháu tôi, Võ Văn Vương đánh cá tại đây phát hiện một chiếc tàu chìm. Vì biết nghề của tôi là lặn tìm phá dỡ tàu cũ lấy phế liệu nên Vương gọi báo cho tôi biết để điều tàu đến. Khi tàu Thành Công 07 đến, tôi cho anh em lặn thăm dò. Chỉ quan sát sơ bộ bên ngoài cũng biết ngay đây là tàu của hải quân ta bị chìm. Con tàu chìm trên vùng biển này ở độ sâu chừng 20m nước, lại chỉ cách đảo Cô Lin hơn 3 hải lý. Thay mặt anh em trên tàu, tôi vào đảo Cô Lin báo với anh Chu Văn Phượng - đảo trưởng - về chiếc tàu chìm.

Cuộc khảo sát được tiến hành cụ thể hơn vào sáng 10-8-2008 và chiều hôm đó, ông Chức đã báo cho anh em chỉ huy trên đảo Cô Lin được biết: các thợ lặn của tàu đã tiếp cận được với con tàu. Những số liệu đo được ban đầu cho thấy tàu dài khoảng 45m, rộng 7,5m, cao 6,5m, có hai khoang, giữa hai khoang có trụ cẩu. Đặc biệt anh em thợ lặn khi kiểm tra sơ bộ trong một khoang nhỏ của tàu đã phát hiện một số xương cốt và nhiều vũ khí quân tư trang, trong đó có cả một đôi dép nhựa trắng, trên dép có ghi “Triển lãm thành tựu kinh tế Việt Nam-Huy chương vàng dép nhựa Tiền Phong- Hải Phòng”.

Căn cứ vào những thông tin từ ông Chức cung cấp, chúng ta đã nhận định: đây chính là tàu HQ-604 do thuyền trưởng Vũ Phi Trừ chỉ huy đã bị chìm trong trận chiến bảo vệ đảo Gạc Ma ngày 14-3-1988.

auYHUAxo.jpgPhóng to
Vợ anh Phạm Vinh bên bàn thờ chồng - người thợ lặn đã tử nạn khi lặn tìm hài cốt anh em trên tàu HQ-604. Ảnh chụp tại thôn Đông, xã An Vĩnh, đảo Lý Sơn - Ảnh: L.Đ.Dục

“Đáy biển tìm kim”

Cuộc tìm kiếm hài cốt các liệt sĩ trong chiếc tàu HQ-604 được tiến hành khẩn trương và tỉ mỉ. Ông Chức bảo: “Dù sao các anh cũng đã lạnh rét dưới đáy biển hơn 20 năm rồi. Trước khi lặn tìm hài cốt, anh em chúng tôi đã làm lễ, xin các anh sống khôn thác thiêng, phù hộ cho chúng tôi đưa được xương cốt các anh về đất mẹ”. Với kinh nghiệm mấy chục năm của những ngư dân chuyên lặn khai thác phế liệu từ những con tàu đắm, ông Chức và anh em trên tàu Thành Công 07 quyết tâm mang được hết hài cốt của anh em chiến sĩ hải quân đang còn trong tàu.

Ngày đầu tiên, kíp thủy thủ 15 người trên tàu được chia làm hai nhóm. Mười anh em lặn xuống tàu rà tìm tỉ mỉ trong các khoang và năm người còn lại ở trên boong hỗ trợ (hầu hết anh em lặn bằng ống thở theo phương pháp thủ công chứ không phải lặn bằng máy dưỡng khí). Ông Chức còn nhớ rõ vị trí con tàu đắm nước trong suốt có thể nhìn thấu tận đáy. Thời tiết cực kỳ tốt như ông trời cũng muốn giúp anh em mau được trở về. Ngày thứ nhất của cuộc tìm kiếm, đội thợ lặn tàu Thành Công 07 gom được một nửa bao (loại bao gai) đựng một số xương cốt anh em cùng một số di vật.

Ông Chức kể: Đêm trước, anh em lặn trong ngày thứ nhất đều cho biết chậm nhất thêm một hai ngày nữa là có thể lấy hết số hài cốt và di vật nằm trong các khoang. Dù sau hơn 20 năm, nước biển và bùn đáy có bám vào làm hư hại, mục nát nhiều phần xương thịt của anh em liệt sĩ nhưng nếu lấy được hết số di vật và di cốt này, chắc chắn anh em sẽ phù hộ cho tàu mình. Nghĩ như thế nên ngày tiếp theo anh em ai cũng phấn khởi, tận tâm. Bao nhiêu năm ngang dọc khắp các ngư trường làm nghề lặn biển, phá dỡ hàng trăm con tàu đủ loại lớn nhỏ, từ tàu Mỹ, Nhật, Pháp... có cả, nhưng đây là lần đầu tiên anh em tàu Thành Công 07 được lặn tìm hài cốt anh em liệt sĩ của mình, những người lính đã hi sinh khi bảo vệ chủ quyền trên chính vùng biển quê hương, cũng là giữ bình yên cho vùng biển mà anh em trên tàu bấy lâu đi làm ăn nuôi gia đình. Vì thế nên ai cũng nghĩ đây không chỉ là việc nghĩa mà còn là một món nợ với anh linh các anh, phải cố làm cho tốt.

Ngày thứ hai của cuộc tìm kiếm, nhờ đã thông thuộc vị trí các khoang tàu nên kíp thợ lặn hôm trước được tiếp tục lặn tìm ở cả hai khoang. Kíp lặn vào khoang thứ nhất gồm ba anh: Vinh, Ngọc và Hợp. công việc diễn ra nhanh chóng hơn, những di cốt đã được gom lại chuẩn bị đưa lên thì bỗng dưng có tín hiệu cấp cứu, kíp lặn của Ngọc, Hợp và Vinh giật dây báo cho kíp boong kéo Vinh lên.

Thì ra khi vào khoang, do cửa hẹp nên chỉ mình anh Vinh lặn vào, Hợp và Ngọc chờ bên ngoài để nhận các di vật anh Vinh chuyền ra. Thấy lâu quá, Ngọc và Hợp chui vào khoang thì thấy anh Vinh đã không còn ngậm ống thở, đầu ngoẹo qua một bên. Cả hai lập tức buộc Vinh vào dây và cùng đẩy lên. Một bao di cốt cũng được đưa kịp lên cùng mấy người thợ lặn, còn một số di cốt nữa đã được cho vào bao nhưng chưa kịp kéo lên tàu. Con tàu Thành Công 07 nổ máy quay hướng về đảo Cô Lin để cấp cứu cho anh Vinh nhưng không kịp nữa!

Số hài cốt liệt sĩ trên tàu được tìm thấy bước đầu đã được anh em trao cho cán bộ chiến sĩ trên đảo Cô Lin hương khói trước khi đưa về đất liền.

Tin bài liên quan:

Kỳ 1: Kỳ 2: Kỳ 3: Kỳ 4:

___________

Kỳ tới:

LÊ ĐỨC DỤC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên