Cuộc tiến công Tết Mậu Thân và diễn văn giã từ của tổng thống Johnson

TRẦN TRỌNG TRUNG 24/01/2011 07:01 GMT+7

TTCT - Đã có những tranh luận trong cái nhìn nhiều chiều về sự kiện Mậu Thân 1968 - một trong những cuộc tấn công nổi dậy gây choáng váng nhất với những hệ quả và vai trò to lớn trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc của người Việt Nam.

Sử liệu về khung cảnh chính trị nội bộ của nước Mỹ trong thời điểm ấy có thể giúp mang lại cái nhìn rõ ràng hơn cho sự kiện này.


Tổng thống L. Johnson trong Phòng bầu dục (Nhà Trắng) - Ảnh: digitalhistory.uh.edu

Trong những ngày cuối năm 1967 đầu năm 1968, hàng loạt sự kiện quan trọng liên tiếp diễn ra ở thủ đô Washington. Đáng kể nhất, trước Tết Mậu Thân 1968 là quyết định của bộ trưởng quốc phòng Robert McNamara chia tay với Lầu Năm Góc, và sau tết là bài diễn văn giã từ Nhà Trắng của tổng thống Lyndon B. Johnson.

Trước tình hình giới cầm quyền không có lối thoát trong cuộc chiến tranh Việt Nam, ngày 9-10-1967 trên báo chí Mỹ xuất hiện bức thư của 245 thống đốc bang và nghị sĩ hai viện phản đối tổng thống kéo dài chiến tranh. Bức thư được hưởng ứng bằng cuộc xuống đường ngày 21-10 của hàng vạn người dân Mỹ ngay tại thủ đô Washington. 

Một tháng sau, McNamara đệ đơn xin từ chức. Được tổng thống chấp thuận nhưng ông bộ trưởng chưa kịp rút chân ra khỏi Lầu Năm Góc thì tin tức về cuộc tiến công tết của đối phương ập đến. Báo chí Mỹ và nước ngoài gọi đó là sự kiện Tết Mậu Thân.

Những điều “không ngờ” của Johnson

Cuộc tiến công tết diễn ra trong bối cảnh giới cầm quyền Washington đang trong tình thế tiến thoái lưỡng nan trên bàn cờ chiến lược Việt Nam. Ngay từ khoảng trung tuần tháng 1-1968, ở Sài Gòn đã có tin đồn đại rằng “sắp diễn ra một tình hình khẩn trương chưa từng thấy”. Nhưng cả CIA và cơ quan mật vụ của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu đều bất lực không giúp cho tổng chỉ huy Westmoreland kết luận được rằng khi nào cuộc tiến công sẽ bùng nổ và nổ ra trên hướng chiến lược nào.

Theo bức điện báo cáo của đại sứ Ellworth Bunker thì bắt đầu từ đêm 31-1 (khoảng giao thừa Tết Mậu Thân), đối phương đã tiến công 36 trong tổng số 44 tỉnh lỵ, 5 trong 6 thành phố lớn nhất, 64 trong 242 quận lỵ ở miền Nam Việt Nam. 

Bốn năm sau, trong cuốn hồi ký mang tên Lợi thế (The vantage point - xuất bản năm 1972), tổng thống Mỹ Johnson thú nhận: “Chúng ta đã biết sắp có một hành động phô trương lực lượng của đối phương, nhưng thực tế nó diễn ra ồ ạt hơn nhiều so với mức độ mà chúng ta dự đoán... Chúng ta không nghĩ rằng họ có thể tiến công nhiều mục tiêu đến thế... Chúng ta cũng không tin rằng Bắc Việt và Việt cộng có thể phối hợp được đến mức như vậy trên phạm vi toàn miền Nam Việt Nam... Và cuối cùng, không ai trong chúng ta ngờ rằng cộng sản lại tiến công đúng vào dịp tết...”. 

Sau này trong hồi ký, Lyndon Johnson viết: “Sau nhiều năm gay cấn vì cuộc chiến tranh ở Việt Nam, cho đến năm 1968 tôi thật sự không tin rằng mình có thể sống sót nếu ở lại Nhà Trắng thêm một nhiệm kỳ nữa... Ngày 31-3-1968 kết thúc với tất cả những gì có thể làm được, tôi đã làm...”.

Michael Maclear, tác giả cuốn Cuộc chiến tranh mười ngàn ngày, viết: “Cuộc chiến tranh Việt Nam có quá nhiều bất ngờ, nhưng không có bất ngờ nào làm người ta phải sửng sốt bằng trận tiến công tết”. Người Mỹ bị bất ngờ cả về quy mô lực lượng, thời điểm, địa bàn, mục tiêu và nhất là cách đánh của đối phương.

Trong cơn bối rối, tổng thống Johnson bực tức phàn nàn rằng báo chí và các hãng thông tấn (nhất là của Mỹ) đã đưa quá nhiều tin “đấm lưng chính phủ” khi họ phản ánh tình trạng bất ngờ của cấp lãnh đạo chóp bu Mỹ, ở Sài Gòn là tướng Westmoreland, ở Washington là chính ông ta, tổng thống - tổng tư lệnh Lyndon Johnson. 

Nhưng rồi khi bình tĩnh lại và nhất là khi đã rời khỏi Nhà Trắng và ngồi viết hồi ký, ông ta thừa nhận: “Nói như thế không có nghĩa là cuộc tiến công tết của đối phương - nhất là trận đánh vào sứ quán Mỹ ở Sài Gòn - không phải là một đòn choáng váng đối với tất cả chúng ta ở nhiều mức độ khác nhau”.

Chẳng thế mà mấy tháng sau cuộc tiến công tết, hoạt động của Nhà Trắng và của riêng tổng thống “căng thẳng ngang với bất cứ thời kỳ căng thẳng nào trong nhiệm kỳ tổng thống của tôi”.

Tệ hại nhất là ngày 10-3, tờ New York Times đưa tin: tướng Westmoreland xin tăng viện 20,6 vạn quân. Tin đó làm bùng nổ cuộc tranh luận nội bộ chính giới Mỹ và càng đào sâu thêm hố chia rẽ trong chính quyền Washington.

Mấy cuộc họp báo của tổng thống cũng như các buổi điều trần của ngoại trưởng trước Ủy ban đối ngoại Thượng viện đều “không giải độc được dư luận”. Cả hai viện quốc hội và các cuộc xuống đường của dân chúng đều lên án Nhà Trắng và Lầu Năm Góc “không nghiêm chỉnh tìm sáng kiến hòa bình”. 

Tổng thống Mỹ cảm thấy như bị dồn vào giữa bốn bức tường: dư luận dân chúng chống đối mạnh mẽ - quốc hội chất vấn gay gắt - cuộc thử thách của ngân sách năm 1968 - ẩn số về thái độ của Hà Nội xung quanh vấn đề đàm phán. Yêu cầu cấp bách đặt ra lúc này là làm thế nào để thoát khỏi thế “gà mắc tóc” sau sự kiện Tết Mậu Thân.

Người dân xuống đường ủng hộ cách mạng trong chiến dịch Mậu Thân năm 1968 - Ảnh tư liệu

Bài diễn văn chật vật

Lyndon Johnson thấy cần xuất hiện trước màn ảnh nhỏ để trấn an dư luận về chính sách của chính phủ. Trợ lý Nhà Trắng Ferson được giao nhiệm vụ soạn thảo bài diễn văn cho tổng thống. Thời gian trôi nhanh. Đã đến những ngày cuối cùng của tháng 3-1968, vậy mà qua nhiều lần thảo đi viết lại, bài diễn văn vẫn chưa xong. 

Dòng suy nghĩ của người chấp bút (Ferson) bị tắc vì nội dung đề cập đến những vấn đề hóc búa, rất khó thể hiện. Ngày 28-3, tổng thống Johnson triệu tập năm cố vấn thân cận nhất cùng ông ta và Ferson tìm lối thoát. Bảy cái đầu chụm lại, vật lộn với từng câu từng chữ để cố chọn lọc những từ xuôi tai nhất. Thêm một ngày trôi qua, nhưng mấy bộ óc được coi là “thông thái nhất” vẫn chưa tìm đủ ngôn từ “an toàn nhất”để giúp Ferson hoàn chỉnh bài diễn văn.

Ngày 31-3 đã đến. Tổng thống thấy đã đến lúc phải tự mình quyết định để thoát ra khỏi tình trạng bế tắc hiện nay. Ferson không được biết tổng thống đã bổ sung những gì vào bản dự thảo cuối cùng của mình. 

Trong Phòng bầu dục của Nhà Trắng đêm cuối cùng của tháng 3, hàng chục ống kính camera đã được các phóng viên bố trí xong, sẵn sàng truyền trực tiếp hình ảnh tổng thống đọc bài diễn văn quan trọng mà người dân toàn Liên bang Hoa Kỳ đã được thông báo và đang nóng lòng chờ đợi.

Đúng 21 giờ, Lyndon Johnson xuất hiện, dáng điệu mệt mỏi. Trước màn ảnh nhỏ, người dân Mỹ lắng nghe tổng thống nói về bốn quyết định lớn của người cầm đầu Nhà Trắng. Đó là: 

1- Đình chỉ hầu hết các cuộc ném bom và đánh phá miền Bắc Việt Nam để tạo điều kiện tiến tới hòa bình. Washington hi vọng Hà Nội “sẽ đáp ứng thái độ kiềm chế của chúng ta, để chúng ta có thể ngừng cả việc ném bom hạn chế và để hai bên cùng ngồi vào bàn thương lượng hòa bình”. 

2- Mỹ sẽ tăng nhanh viện trợ trang bị quân sự cho Sài Gòn, tạo điều kiện cho quân lực Việt Nam cộng hòa có khả năng đảm nhận trách nhiệm lớn hơn trong việc phòng thủ miền Nam Việt Nam. 

3- Chỉ tăng thêm cho tướng Westmoreland 1/10 số quân mà ông ta yêu cầu (20.000/206.000). “Từng bước rút chân ra khỏi miền Nam Việt Nam là biện pháp tốt nhất có thể góp phần hàn gắn sự rạn nứt trong nội bộ nước Mỹ”...

Đến đây, tổng thống ngừng đọc và rút từ túi áo ra một tờ giấy gấp tư. Nội dung quyết định cuối cùng được gói gọn trong câu nói sau đây của Johnson: “Tôi sẽ không tìm kiếm và tôi cũng không thể chấp nhận việc chỉ định của đảng tôi để tiếp tục làm tổng thống của các bạn thêm một nhiệm kỳ nữa...”.

Bài diễn văn kết thúc sau chừng 45 phút. Trước ống kính của các phóng viên, mặt tổng thống Johnson phờ phạc như vừa qua một cơn ác mộng. Vầng trán hói lấm tấm mồ hôi. Cái mũi to và khoằm như gục xuống sát cái miệng rộng. Uống cạn ly nước, tổng thống lững thững ra khỏi Phòng bầu dục, phu nhân Lidia theo sau. Ông giãi bày đôi điều với tổng thống phu nhân và lời kết luận cuối cùng là: Tất cả chỉ có một nguyên nhân: Việt Nam!

Ngừng ném bom miền Bắc Việt Nam, xuống thang chiến tranh, chấp nhận đàm phán với đối phương... là những quyết định quan trọng của tổng thống Johnson trong ngày cuối cùng của tháng 3-1968. 

Tuy nhiên, điều đáng nói là những quyết định đó - kể cả quyết định không ra ứng cử tổng thống nhiệm kỳ 2 - chỉ diễn ra sau khi đối phương mở cuộc tiến công Tết Mậu Thân. Quá muộn!

Những người biểu tình đòi chấm dứt chiến tranh tại Việt Nam trước cửa Đại hội toàn quốc Đảng Dân chủ Mỹ tại Chicago năm 1968 - Ảnh: Arthur Rothstein


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận