Đứng trên đó, tôi có thể phóng tầm mắt ra xa nhìn toàn cảnh một màu xanh bát ngát của mảnh đất Vĩnh Linh (Quảng Trị), quê nội của chồng tôi.
Chiến tranh đã lùi xa, tôi đang thấy một Vĩnh Linh hồi sinh với vẻ đẹp của bãi biển Cửa Tùng, của những vườn tiêu bát ngát, của hương vị loại nước mắm truyền thống chưng cất từ những mẻ cá tươi rói đổ đầy khoang thuyền ngư dân đi biển đánh bắt hằng ngày.
Tôi còn bị chinh phục bởi vị đậm đà của các loại hoa trái như bơ, mít, mãng cầu, đu đủ..., của hải sản tự nhiên tươi ngon, đặc biệt là loại bánh truyền thống nổi tiếng của người Vĩnh Linh.
Bánh bột lọc được gói bằng lá chuối, hấp lên nóng hổi, tỏa ra mùi thơm mặn mà. Khi bóc lớp lá chuối, lộ ra chiếc bánh mỏng tang, vỏ bánh trong suốt nổi rõ nhân tôm thịt đỏ tươi, cay sè, chấm với nước mắm tiêu xanh, ăn một lần sẽ nhớ mãi không quên.
Là người xứ Bắc nên mỗi khi nói đến miền Trung tôi chỉ nghĩ đến nắng nóng, cát trắng khô cằn và gió Lào bỏng rát. Nhưng kể từ khi đến với vùng đất này, tôi mới biết có một tiểu vùng khí hậu, thổ nhưỡng rất kỳ lạ.
Ở đây có nắng có gió, nhưng khi nắng nóng dịu đi, không khí thoáng mát và nhẹ nhàng khiến ta muốn hít căng lồng ngực, tận hưởng những làn gió biển mát rượi tràn vào.
Đượm nắng đượm gió, lại được trồng trên vùng đất bazan giàu dinh dưỡng nên cây trái ở đây đậm đà từ trong căn cốt. Những thân mít được trồng làm trụ tiêu, trái lóc nhóc như lợn con, múi to dày, mật ứa ra.
Đu đủ sai trĩu, trái chồng trái chen chúc, ruột vàng ươm, ngọt sắc. Bơ được trồng khắp các ngõ xóm, từng chùm lúc lỉu, trái nào trái nấy nhìn bóng mượt no nê, ăn vào cảm giác vừa ngậy vừa bùi, dẻo quánh lại. Hoa trái, sản vật ở vùng này như nào, con người ở đây cũng giống vậy.
Cha chồng tôi là một trong những người đầu tiên của huyện Vĩnh Linh được đi học đại học. Trưởng thành trong quân ngũ, ông ở lại Hà Nội công tác rồi lập gia đình. Chồng tôi được sinh ra, lớn lên ở Hà Nội và trở thành người có quê xa.
Mỗi lần về quê, chúng tôi phải dành trọn thời gian cả tuần đi về. Những người có quê ở quanh Hà Nội giống tôi sẽ không hình dung hết cái thú của quê xa, sẽ không có cảm giác và không khí chuẩn bị lên đường như thế.
Nhất là lũ trẻ, nếu không có những chuyến về quê đầy kỷ niệm và những trải nghiệm khó quên như vậy thì sẽ thật nuối tiếc.
Mỗi vùng đất, mỗi quê hương sẽ có một đặc trưng riêng, có hương vị riêng ăn sâu vào tâm trí mỗi người.
Và tôi, ấn tượng sâu đậm nhất về quê chồng là những cọc tiêu sai trĩu từ chân đến ngọn, những chùm tiêu dày đặc ken dày, những bông tiêu chi chít, quả bóng lên màu xanh mượt khỏe khoắn.
Lần nào cũng vậy, tôi sẽ ra vườn chọn hái những chùm tiêu nhìn no con mắt nhất. Sẵn bụi ớt chỉ thiên luôn đỏ rực trong vườn, thêm vài nhánh tỏi và chai nước mắm truyền thống có độ đạm đậm đặc, tôi tỉ mẩn ngâm mấy lọ tiêu xanh mang về Hà Nội làm quà.
Tôi muốn chia sẻ với bạn bè hương vị cay nồng, thơm mùi tinh dầu hòa trong vị mặn mòi của quê xa.
Có thể mai kia, khi cha tôi rời xa chúng tôi, mối liên hệ với quê hương sẽ không còn mật thiết như trước. Thời gian trôi mau, chính chúng tôi cũng già đi theo năm tháng. Những chuyến về quê xa sẽ không được đều đặn như xưa.
Bởi thế, giờ phút này, tôi muốn ghi lại những dòng chia sẻ tự đáy lòng. Tôi muốn khắc sâu hơn nữa trong tâm tưởng hương vị thơm nồng, cay sè, mặn mòi của một vùng đất. Tôi muốn lưu lại hương vị cay nồng của quê hương.
Cảm ơn hơn 600 bạn đã gửi bài Về nhà
Cuộc thi viết "Về nhà" là nơi để bạn đọc chia sẻ những cuộc trở về nhà - trở về gia đình yêu dấu của mình trong mùa xuân với những cuộc đoàn tụ đong đầy cảm xúc, để rồi từ đó ở lại hay ra đi rồi cũng hướng tới sống tốt hơn, chăm chút hơn cho gia đình và xã hội.
Cuộc thi dành cho mọi bạn đọc trong và ngoài nước. Bài viết không quá 1.200 chữ, ưu tiên kèm ảnh hoặc video giới hạn 5 phút... và gửi về địa chỉ email [email protected].
Giải thưởng: 1 giải nhất - 20 triệu đồng, 1 giải nhì - 15 triệu đồng, 1 giải ba - 10 triệu đồng, 10 giải khuyến khích - 5 triệu đồng/giải.
Tính đến ngày 12-2, cuộc thi đã nhận được hơn 600 bài dự thi. Hạn chót nhận bài: ngày 1-3.
BAN TỔ CHỨC
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận