05/06/2018 09:00 GMT+7

Cuộc thi 'Tôi chọn nghề': thuyết phục từ người thật, việc thật

MINH GIẢNG
MINH GIẢNG

TTO - 19h hôm nay 5-6 tại Trường CĐ Cơ điện Hà Nội sẽ diễn ra lễ tổng kết và trao giải cuộc thi viết 'Tôi chọn nghề'.

Cuộc thi Tôi chọn nghề: thuyết phục từ người thật, việc thật - Ảnh 1.

Học ngành kỹ thuật xây dựng được 2 năm thì thấy không hợp, Nguyễn Toàn Mỹ chuyển sang học nghề pha chế và rất hài lòng với công việc hiện tại. Anh cũng là một trong các nhân vật của cuộc thi - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Cuộc thi do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - thương binh và xã hội) phối hợp báo Tuổi Trẻ tổ chức với sự đồng hành của các trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội, Cao đẳng Kỹ nghệ II, Cao đẳng An ninh mạng iSpace, Cao đẳng Quốc tế TP.HCM và Công ty TNHH Toàn Á.

Ban giám khảo gồm đại diện Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, báo Tuổi Trẻ, lãnh đạo các trường đồng hành với cuộc thi đã chọn tám bài hay nhất để trao giải.

Ngoài việc công bố các giải của cuộc thi, lễ trao giải cũng sẽ công bố bạn đọc có bài dự thi hay nhất trong các tuần và tháng. Danh sách các bài dự thi và tác giả đoạt giải sẽ được công bố trên báo Tuổi Trẻ và Tuổi Trẻ Online.

Vượt qua định kiến

Bài viết "Đường đến Sydney", một trong tám bài viết vào vòng chung khảo cuộc thi "", của tác giả Đỗ Thị Minh Thủy. Gia đình chị Thủy có điều kiện tốt nhờ công việc kinh doanh và cần người kế nghiệp.

Vì vậy khi con gái chị, Lò Thị Minh Thi, học lớp 12, chị đã chỉ định: con phải thi vào đại học kinh tế, ngoại thương hay quản trị kinh doanh gì đó để là người tiếp tục phát triển sự nghiệp của bố mẹ sau này.

Minh Thi rất thích nghề hướng dẫn viên du lịch nên đã "xin cho con được làm chủ cuộc đời mình". Chị chặn lời ngay: đừng có mơ mộng, "phi thương bất phú". Minh Thi sau đó đã chọn học ĐH theo ý của mẹ nhưng mọi thứ diễn tiến ngày càng xấu hơn.

Kể lại những tháng ngày "lãng phí" của mình, Minh Thi nói đó là thời điểm cô hoàn toàn mất phương hướng, nhiều lúc đi đến trường mà chẳng biết để làm gì, học thì không tiếp thu, có thể dành cả ngày để đọc một quyển sách về lịch sử, địa lý bằng tiếng Việt hoặc tiếng Anh, nhưng những quyển sách về kinh tế thì không thể nào nhồi nhét được.

"Tất cả điều đó khiến tôi mặc cảm là mình thua kém bạn bè, vô dụng với gia đình và xã hội. Suy nghĩ ấy đã làm cho tôi thu mình lại, hờ hững với tất cả mọi người, với cuộc sống" - Minh Thi tâm sự.

Minh Thi cũng nói rằng thời điểm đó, chỉ cần thấy "một cô gái đi giữa một đoàn khách Tây là nhiều cặp mắt đã nhìn theo săm soi, dò xét…" khiến cô không thể trở thành hướng dẫn viên du lịch ngay từ đầu theo mong muốn.

Hơn hay thua là ở công việc

Minh Thi kể tiếp rằng: "Mãi đến khi mất hai năm ngồi vật vờ ở trường ĐH, rồi hai năm hết nằm nhà lại nằm bệnh viện, tôi mới giật mình khi nghe người bạn nói "trông mày già đi nhiều". Tôi nói với mẹ tôi: "Con già rồi mà vẫn vô dụng, chẳng làm được cái gì".

Mẹ tôi an ủi: "Già như mẹ, tuổi như con lo gì. Chỉ cần con thích là con có thể làm được". Tôi trả lời: "Vậy con thích làm hướng dẫn viên du lịch, con sẽ làm được chứ?". Mẹ tôi gật đầu: "Ừ, mẹ nghĩ con thích làm nghề này như vậy, mẹ tin con sẽ làm tốt". Tôi như hồi sinh thật sự".

Nói về công việc hiện tại, Minh Thi nói cô cảm thấy may mắn vì đã làm được đúng ngành nghề mà mình yêu thích. Vì vậy, "làm việc ở Việt Nam hay ở Úc tôi đều cảm thấy rất hạnh phúc, dù công việc có vất vả, khiến tôi thường xuyên phải vắng nhà…

Hiện tôi đang làm việc cho một công ty du lịch tại Úc, nhưng tôi không chỉ làm công việc quảng bá, giới thiệu đưa du khách Việt Nam sang du lịch Úc mà ngược lại, tôi cũng góp phần phát triển du lịch nước nhà bằng cách quảng bá, giới thiệu để du khách Úc tham quan du lịch Việt Nam. Điều đó làm cho tôi cảm thấy hạnh phúc" - Minh Thi cho biết.

"Hãy tự tin khi chọn công việc mà mình yêu thích. Đừng nghĩ phải vào ĐH để không thua bạn bè. Hơn hay thua là khi các bạn có thể làm tốt công việc mà mình đã học hay không" - Minh Thi chia sẻ từ sự lựa chọn của chính mình.

Hối hận vì không ủng hộ con từ đầu

Minh Thi

Minh Thi hạnh phúc với nghề hướng dẫn viên du lịch nhờ sự 'thay đổi' của mẹ - Ảnh: N.V.

Chị Đỗ Thị Minh Thủy - mẹ Minh Thi, chia sẻ: "Để chiều lòng tôi, con gái đã học ngành quản trị kinh doanh tại một trường đại học. Nhưng sau hai năm, cô con gái của tôi bỗng trở nên ngơ ngơ ngẩn ngẩn, không nói, không cười, thậm chí không cả khóc.

Nó bỏ học hành, nằm vùi trong căn phòng tối om, tránh mặt mọi người, sợ ánh sáng... Tôi vội vàng đưa con vào bệnh viện, bác sĩ cho hay con gái tôi đã bị trầm cảm.

Phải gần hai năm điều trị bệnh, con gái tôi mới bình phục. Nó vẫn không từ bỏ ước mơ được trở thành hướng dẫn viên du lịch. Sau hai năm theo học trường CĐ nghề du lịch, con gái tôi ra trường đi làm cho một công ty du lịch. Sau đó tiếp tục vừa học vừa hoàn thành chương trình đại học.

Phải đến lúc ấy tôi mới hiểu, khi con người ta đã quyết định dấn thân cho ước mơ, dành trọn cuộc đời mình cho niềm đam mê cháy bỏng thì chẳng có khó khăn, thử thách nào ngăn cản được".

Ông NGUYỄN HỒNG MINH (tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp): Sẽ có nhiều hoạt động truyền cảm hứng

Từ cuộc thi này, nhiều bạn trẻ tự tin khẳng định "tôi chọn nghề" và cho thấy sự lựa chọn ấy là hoàn toàn đúng đắn.

Những câu chuyện cụ thể, những nhân vật sống động, có thực, tự trải lòng trong cuộc thi có lẽ đã làm thay đổi suy nghĩ của các bậc phụ huynh và xã hội về giáo dục nghề nghiệp. Không gì sống động và thuyết phục bằng chính những nhân vật thành đạt có thật đi lên từ học nghề. Đó cũng là giá trị mà cuộc thi "Tôi chọn nghề" đem lại.

Sau cuộc thi này, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và báo Tuổi Trẻ sẽ tiếp tục có những hoạt động truyền cảm hứng cho bạn trẻ quyết tâm theo học nghề để phát triển sự nghiệp, lập thân lập nghiệp, đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước.

Ông NGUYỄN HOÀNG ANH (hiệu trưởng Trường CĐ An ninh mạng iSpace): Công việc chứng minh cho quyết định chọn nghề

Tôi cảm nhận trong các bài viết tham gia cuộc thi có những cay đắng ngọt bùi của mỗi cá nhân khi sống và làm việc với nghề mình đã chọn. Người đọc có thể thấy được những sự dằn vặt, những khó khăn khi quyết định theo học nghề. Tuy nhiên, công việc hiện tại của họ chính là minh chứng rõ ràng nhất cho quyết định đúng đắn của mình.

Bà NGUYỄN THỊ HẰNG (hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ nghệ II): Tôn vinh người học nghề

Những bài viết được viết ra từ chính những người tâm huyết với nghề đã chọn, từ những người sống tốt, thành công với nghề nên có tính thuyết phục và lan tỏa rất cao. Tôi cho rằng cuộc thi cũng là cách để tôn vinh những người học nghề, thành công với nghề.

8 bài viết vào chung khảo cuộc thi "Tôi chọn nghề"

TTO - Diễn ra từ ngày 21-10-2017 đến 21-1-2018, ban tổ chức cuộc thi 'Tôi chọn nghề' nhận được gần 300 bài dự thi của các tác giả khắp cả nước gởi về.

Cuộc thi Tôi chọn nghề: thuyết phục từ người thật, việc thật - Ảnh 6.
MINH GIẢNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên