Tầng trệt với không gian công năng được phân chia ước lệ bằng đồ dùng nội thất: không gian bàn tivi, không gian bàn làm việc và khu vườn nhỏ giữa nhà
Vợ chồng tôi đều là kiến trúc sư, ra trường, hơn năm sau chúng tôi kết hôn. Ba mẹ tôi cho mượn ngôi nhà cũ mà ba mẹ đã ở hồi mới cưới để hai vợ chồng sửa sang lại và xây dựng tổ ấm riêng cho mình.
Với khoản tiền gom góp rất ít ỏi rồi mượn thêm mẹ, chúng tôi cũng sửa sang được ngôi nhà và có thể nói là có cuộc sống tươm tất trong khả năng tài chính lúc đó.
Ngôi nhà nhỏ nơi cả hai trải qua những năm đầu cuộc sống hôn nhân và cũng là những năm tuổi nghề còn non nớt, tự cho phép mình sai lầm, vội vã và cả liều lĩnh.
Khi còn đi học trong trường, nghe nhiều về kiến trúc xanh - bền vững, hòa hợp với thiên nhiên, chúng tôi mang những kiến thức được học áp dụng ngay trong chính ngôi nhà của mình với mái 2 lớp, thông gió tự nhiên.
Thông thoáng với ánh sáng ngập tràn không gian, tuy nhiên với môi trường sống ở thành phố thì chưa tính đến việc bụi bặm có thể đi theo từng cơn gió thổi, vì thế mỗi ngày nghỉ là... một ngày đi lau từng chút bụi.
Không gian bàn làm việc với tông trắng - xám chủ đạo ("view" nhìn từ hành lang bên trên)
Đoạn hành lang nối 2 phòng ngủ (do nhà có chú cún nhỏ nên về sau má chồng "sáng kiến" chi tiết để bé không bị chúi đầu rớt xuống nhà dưới
Cả tầng trệt được giải phóng hoàn toàn, các không gian công năng được phân chia ước lệ bằng đồ dùng nội thất như không gian bàn tivi, không gian bàn làm việc, tủ sách, không gian bếp, hoàn toàn không có bức tường ngăn chia nào.
Hai phòng ngủ bố trí ở tầng trên mở ra 2 view nhìn về 2 khoảng sân (sân trước - sân sau) để không góc nhìn nào ngớt mơ mộng.
Phòng giặt và vệ sinh được tách biệt ra một khối nhỏ phía sau nhà vì ý niệm muốn ngôi nhà... luôn thơm tho, cơ mà đến lúc tối muộn muốn "đi giải quyết" là cả một vấn đề. Phải xuống nhà, băng qua sân, ôi thôi muốn thơm thì phải hy sinh tiện ích vậy!
Vật liệu cũng là một sự trải nghiệm khác với sàn bêtông xoa láng - rằng ngôi nhà tôi trở nên "chất lừ" với màu trắng và sàn xám, nhưng về sau sàn có hiện tượng nứt, tường thấm do xử lý chi tiết chưa được khéo...
Từng chút, từng chút một, chúng tôi được học và rút kinh nghiệm để không lặp lại những sai lầm đó cho khách hàng của mình sau này.
Mặt cắt của ngôi nhà với 2 phòng ngủ ở trên, không gian được giải phóng bên dưới và khối vệ sinh được tách ra ngăn cách với ngôi nhà qua sân sau
Thời đó, gạch bông cũng đang là "mốt" trong giới kiến trúc; lựa từng viên gạch bông xếp hoa văn mang cho tôi sự vui thích, để nhớ để thương về một thời vụng dại.
Chúng tôi còn yêu cả vật liệu tôn lợp mái, những ngày mưa rơi lộp độp trên mái như một bản nhạc mà thiên nhiên ngân dài cả mùa, âm thanh đó cũng mang một phần ký ức trong hành trình trưởng thành của cả hai.
Không gian yêu thích nhất có lẽ là khu vườn nhỏ bí mật của chúng tôi ở giữa nhà, nối nhà chính và không gian vệ sinh, giặt giũ với nhiều loại cây trồng bài bản lớp lang: cây to, ưa nắng, cây kỵ nắng... Và mỗi lần trồng cũng là một bài học khác về cảnh quan (sau này chồng tôi bén duyên đi thiết kế cảnh quan thật!).
Khoảng vườn phía sau nhà. Bắc võng nằm nghe mưa rơi trên mái tôn
Ngôi nhà như bài học chuyển tiếp giữa những lý thuyết được học từ ghế nhà trường ra ngoài thực tế, trộm vía để không bị sai về sau...
Rồi có những lúc loay hoay trong sự nghiệp của mình, vợ chồng tôi thức đêm chờ lộc vừng sau nhà nở.
Và cho đến một ngày khi bông lộc vừng nặng trĩu đỏ vườn, chúng tôi có cơ hội mua một căn chung cư ở gần trung tâm hơn và của riêng vợ chồng (dù cũng có sự giúp đỡ của mẹ), "cái lộc" từ tổ ấm đầu tiên mang lại mãi ghi trong lòng hai đứa.
Cuộc thi "Nhà tôi - Mái ấm" do báo Tuổi Trẻ tổ chức, với sự đồng hành của Ximăng INSEE Việt Nam.
Cuộc thi dành cho bạn đọc với những bài viết, hình ảnh chia sẻ về không gian sống, ngôi nhà và ngôi nhà kỷ niệm, ý tưởng về không gian sống, ngôi nhà đẹp, ước mơ về ngôi nhà tương lai…
Mong nhận được nhiều chia sẻ, bài dự thi của bạn đọc trên cả nước.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận