Ngày 27-10, lần đầu tiên Liên Hiệp Quốc có phản ứng chính thức bằng một nghị quyết về xung đột Israel - Hamas với nội dung kêu gọi thực thi ngay "một lệnh ngừng bắn nhân đạo lâu dài và bền vững".
Tuy nhiên với việc nghị quyết không một lần nhắc đến Hamas và cũng không lên án cuộc tấn công của lực lượng này hôm 7-10 đã khiến Israel vô cùng giận dữ.
"Gaza sẽ cảm nhận được cơn thịnh nộ của chúng tôi tối nay. Tối nay chúng tôi sẽ bắt đầu thanh toán ân oán. Khi chuyện này kết thúc, Gaza sẽ rất khác", cố vấn Chính phủ Israel Mark Regev tuyên bố.
Kêu gọi ngừng bắn
Nghị quyết được Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua với 120 phiếu thuận, 45 phiếu trắng và 14 phiếu chống (trong đó có Israel và Mỹ).
Nghị quyết do 22 nước Ả Rập đề xuất kêu gọi "ngừng bắn nhân đạo ngay lập tức" và "tất cả các bên kiềm chế tối đa" để ngăn xung đột lan rộng. Mặc dù nghị quyết này không có tính ràng buộc pháp lý, nhưng nó vẫn tạo sức ép chính trị nhất định lên Israel.
Và không bất ngờ khi những lời kêu gọi đó đã không lọt tai Tel Aviv. "Hôm nay sẽ là một ngày ô nhục.
Tất cả chúng ta đều đã chứng kiến Liên Hiệp Quốc không còn nắm giữ dù chỉ một chút tính hợp pháp hay liên quan. Israel sẽ tiếp tục tự vệ.
Chúng tôi sẽ bảo vệ tương lai, sự tồn tại của chúng tôi bằng cách loại bỏ thế giới khỏi cái ác của Hamas để nó không bao giờ có thể đe dọa bất kỳ ai khác nữa", đại sứ Israel Gilad Erdan giận dữ phản ứng.
Trong khi đó, người phát ngôn Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ John Kirby khẳng định Mỹ sẽ không vạch "lằn ranh đỏ" cho Tel Aviv nhưng sẽ tiếp tục thúc đẩy việc bảo vệ dân thường, con tin ở Gaza.
Tuy nhiên theo giới quan sát, sự kiên quyết của Israel đã gây chia rẽ giữa họ với các đồng minh gồm: EU, Anh và các nước G7. Ngay cả những nước như Pháp, Tây Ban Nha, Anh cũng đã không phản đối nghị quyết của Liên Hiệp Quốc.
Theo Reuters, khuynh hướng ủng hộ ngừng bắn đang tăng lên sau những tranh cãi ngoại giao đầy căng thẳng ở Liên Hiệp Quốc và Brussels thời gian qua giữa những bên phản đối tấn công vào Gaza và bên ủng hộ quyền tự vệ của Israel.
Ngày 27-10, Ngoại trưởng Nhật Bản Yoko Kamikawa nói các nỗ lực đang được tiến hành song phương và tại Liên Hiệp Quốc nhằm hối thúc Israel tạm dừng tấn công Gaza theo một hình thức nào đó.
Không kích vào các đường hầm
Israel khẳng định nước này sẽ sử dụng "mọi phương tiện có thể" để đối đầu với Hamas và tuyên bố này đã được chứng minh bằng đợt tấn công khủng khiếp tối 27-10.
Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) tuyên bố khoảng 100 máy bay chiến đấu của họ đã không kích vào 150 mục tiêu là các đường hầm và cơ sở hạ tầng ngầm của Hamas ở Gaza.
Hình ảnh cho thấy bầu trời ở Gaza nhuộm khói cam bởi các cuộc tấn công suốt đêm. Tuy nhiên thông tin hiện đang nhỏ giọt vì hệ thống viễn thông và Internet tại Gaza đã tê liệt.
Hãng tin AFP dẫn nguồn tin lực lượng cứu hộ tại Gaza cho biết hàng trăm tòa nhà bị phá hủy hoàn toàn và hàng ngàn tòa nhà bị hư hại. Đây được coi là đợt bạo lực khủng khiếp nhất trong ba tuần qua ở Gaza.
Người phát ngôn Daniel Hagari của IDF cũng xác nhận binh sĩ Israel đã tiến vào phía bắc Gaza trong đêm 27-10 và đang mở rộng các hoạt động quân sự tại đây.
"Các lực lượng vẫn đang ở thực địa và tiếp tục chiến đấu", ông Hagari nói. Cánh vũ trang của Hamas cũng xác nhận đã đụng độ với quân đội Israel tại thị trấn Beit Hanoun phía đông bắc Gaza và ở khu vực Al-Bureij thuộc miền trung.
Điều này cho thấy chiến dịch đổ bộ của Israel đang bắt đầu, bất chấp việc những ngày qua Mỹ và các nước nỗ lực kêu gọi Tel Aviv trì hoãn tấn công để có thêm thời gian cho các hoạt động nhân đạo và giải cứu con tin.
Trong khi đó Hamas khẳng định sẽ phản công tổng lực trước các cuộc tấn công của Israel. "Ông Netanyahu và đội quân bại trận của ông ta sẽ không thể đạt được bất kỳ chiến thắng quân sự nào", Reuters dẫn tuyên bố ngày 28-10 của Hamas, trong đó nhắc tới Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.
Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant cũng thừa nhận cuộc tấn công trên bộ vào Gaza sẽ là một chiến dịch lâu dài và khó khăn, trong đó thách thức lớn nhất là phá hủy mạng lưới đường hầm khét tiếng và bí hiểm mà Hamas đã xây dựng trong lòng đất.
Kể từ khi Hamas tấn công vào Israel ngày 7-10 và làm chết hơn 1.400 người, bắt cóc hơn 200 con tin, hơn 7.300 người Palestine đã thiệt mạng trong các cuộc tấn công đáp trả của Israel.
Cuộc khủng hoảng ở dải đất dài 40km này càng trầm trọng hơn khi bị cắt nguồn cung thực phẩm, nước, thuốc men, nhiên liệu.
Nguy cơ xung đột lan rộng
Sức nóng của xung đột ở Gaza đang có dấu hiệu lan sang những nước xung quanh. Ngày 28-10, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi kêu gọi các bên tôn trọng chủ quyền và vị trí của Cairo sau khi nước này đánh chặn hai drone xâm nhập không phận của họ trước đó một ngày.
"Bất kể các máy bay này đến từ đâu, tôi đã cảnh báo về việc xung đột lan rộng. Khu vực này sẽ trở thành một quả bom hẹn giờ ảnh hưởng đến tất cả chúng ta", ông Sisi nói.
Ngoài ra, quân đội Israel cũng tuyên bố chặn một tên lửa đất đối không bắn từ Libăng vào một trong các drone của Tel Aviv. Chính quyền Libăng đã phát cảnh báo ở sân bay Beirut trong bối cảnh căng thẳng leo thang ở biên giới hai nước.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận