Những món đồ chơi dân dã chứa cả hồn quê - Ảnh: MINH TÂM
Vợ chồng tôi chuyện lớn hay nhỏ đều bàn bạc kỹ. Khi đã thống nhất thì hoan hỉ cùng nhau làm, động viên khen ngợi lẫn nhau. Nếu thất bại, người này không được giận dữ đổ thừa người kia mà phải tìm hướng giải quyết, nhờ đó tuy cuộc sống vất vả nhưng gia đạo bình an.
Ông Nguyễn Quốc Thanh
6h, bà Ngọc có mặt ở bến Ninh Kiều, gian hàng gọn lỏn: một ống sắt đựng cào cào, châu chấu, cua, tôm bằng lá dừa ngộ nghĩnh, xinh xắn. Riêng những chiếc nón lá dừa lấp loáng màu vàng tươi mát được đặt chồng lên nhau trên cái ghế nhựa.
Hạnh phúc đơn sơ
Buổi chiều, trong ngôi nhà đầy lá dừa, hai vợ chồng ngồi thắt những món đồ chơi để chuẩn bị cho những buổi bán hôm sau. Đôi tay họ uốn cong, gấp, xoắn, rồi cố định bằng kim bấm, chỉ 3 phút đến 5 phút là những cọng lá biến thành những con vật ngộ nghĩnh, sống động, hoặc vật dụng đời thường như nón rộng vành, bình hoa.
Vừa làm vừa rủ rỉ chuyện trò, đến 17h ông Thanh vào bếp chuẩn bị bữa cơm chiều cho cả nhà. "Trong tuần chỉ có chiều thứ bảy là bà xã ở nhà, còn những buổi khác bà xã được khách sạn mời đến biểu diễn thắt lá dừa cho du khách xem. Thấy bà xã cực quá nên thôi mình vô bếp nấu cho bà xã nghỉ ngơi tí", ông nói.
Năm lên 3 tuổi, cơn sốt đã khiến đôi chân cô bé Ngọc bị teo tóp. Lúc ấy ở quê đường đi gồ ghề, kênh rạch chằng chịt, nhà nghèo khiến cha mẹ phải vất vả mưu sinh nên không thể đưa rước con đến trường. Những tưởng tương lai sẽ mịt mờ, nhưng năm lên 15 tuổi, tinh thần tự lập, cộng với tính siêng năng, đôi tay khéo léo khiến cô bé Ngọc tự mày mò học được nghề chằm nón lá. Những chiếc nón lá bóng mượt, đẹp thêu hoa văn được bỏ mối cho các sạp ở chợ đã giúp Ngọc trở thành trụ cột kinh tế của gia đình.
Sau đó Ngọc rời quê lên thị thành lập nghiệp. Lúc ấy anh Thanh đang làm tình nguyện viên giúp đỡ người khuyết tật, thấy chị siêng năng, chăm chỉ khéo tay nên lân la làm quen. Hò hẹn được một năm thì duyên đầy, họ nên vợ nên chồng.
Làm nên thế giới cổ tích
Sau khi sinh con đầu lòng, nhìn con, những ký ức ngọt ngào thuở ấu thơ lấp loáng mênh mông với những món đồ chơi bằng lá dừa của bà ngoại ùa về: "Ngày đó bà ngoại thắt cào cào, vương miện đẹp lắm! Nhìn sống động cứ y như thật". Bà ngoại đã đi hái lá dừa nước mọc ven kênh rạch và dạy cháu thắt cả thế giới cổ tích cho riêng mình.
Vậy là người mẹ thắt cho con chơi, con khoái chí cười khanh khách. Rồi những đứa trẻ hàng xóm bu quanh, đứa nào cũng xin vài món nên bà Ngọc thắt những con vật xinh xinh tặng con và bọn trẻ trong xóm. Nhìn thấy ánh mắt lấp lánh niềm vui của trẻ nhỏ khi nhận những món quà dân dã này, bà nảy lên ý tưởng dùng những sản phẩm độc lạ bằng lá dừa để mưu sinh. Bàn với chồng, ông đồng ý ngay.
Lúc đầu, ông Thanh đi hái lá dừa nước mọc ven ở những kênh rạch lân cận, nhưng sau đó, do đô thị hóa nên phải đi tận các tỉnh như Hậu Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh mới mua được. Còn bà mỗi ngày đều miệt mài sáng tạo, nghề dạy nghề, làm ra những sản phẩm bắt mắt khác nhau. Mỗi khi làm ra sản phẩm mới, vợ nhờ chồng "thẩm định". Nhờ vậy, tay nghề của bà ngày càng thuần thục nên thường được mời biểu diễn trong các kỳ lễ hội như lễ hội sắc xuân miệt vườn, lễ hội bánh dân gian Nam Bộ.
Ở tuổi ngũ tuần, hai vợ chồng vẫn bền bỉ sáng tạo những sản phẩm cuốn hút du khách. Hai đôi bàn tay khéo léo ấy còn bảo bọc, che chở nhau, biến cuộc sống chật vật vất vả thành chuỗi ngày ấm êm hạnh phúc bình dị như chính món đồ chơi họ làm ra. "Vợ chồng tôi tuy cuộc sống vất vả nhưng gia đạo bình an", ông Thanh nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận