Phố cổ Hà Nội - Ảnh: PHẠM TUÂN
Hơn một năm nay tôi mới đi ra khỏi TP.HCM. Để chuẩn bị cho chuyến công tác tại Hà Nội tôi đã thực hiện nghiêm quy định của hàng không: di chuyển nội địa cần có "thẻ xanh", đến bệnh viện xét nghiệm nhanh để lấy giấy chứng nhận âm tính, ra sân bay khai báo y tế...
Sân bay Tân Sơn Nhất khá đông khách nhưng tất cả đều theo đúng quy định, chuyến bay vào giờ cao điểm nhưng không quá đông, dãy ghế ở giữa được giãn cách chỗ ngồi.
Trong sân bay hay trên máy bay, mọi người cũng ít trò chuyện hơn, tất cả đều đeo khẩu trang, nhiều người còn mặc cả bộ quần áo bảo hộ nữa.
Hà Nội đang những ngày đẹp trời, không quá lạnh và đến trưa thì hửng nắng. Ngày đi làm nên trên đường phố đông người qua lại, quán hàng ăn sáng ăn trưa thì ít người ngồi ăn uống mà người ta mua mang về.
Đến 9h tối, hầu như hàng quán đều đóng cửa theo chỉ thị của thành phố. Siêu thị, nơi công cộng cũng còn thưa thớt. Hà Nội những ngày này số ca nhiễm tăng nhanh vượt quá 1.000 ca/ngày, người dân tuy không quá hoảng sợ như những đợt dịch trước nhưng rất cẩn thận, thực hiện 5K đã trở thành một phản xạ tự nhiên ở phần lớn người dân.
Trò chuyện với bạn bè ở Hà Nội, ai cũng chia sẻ với tôi những lo lắng về hậu quả dịch bệnh và nhiều tình cảm dành cho TP.HCM vừa trải qua cơn đại dịch nặng nề... Cũng từ đó, mọi người đều nhận thức rằng nguy cơ xảy ra đợt dịch mới ở nước ta, nhất là ở Hà Nội, là có thật.
Đối phó hay ứng phó với nguy cơ thế nào một phần là nhờ chính sách và giải pháp cụ thể, kịp thời, sát thực tế của Nhà nước. Nhưng quan trọng nhất, và trước hết, là việc tự bảo vệ mình của mỗi người. Thực hiện tiêm vắc xin cho bản thân và người nhà, hạn chế đi lại và giao tiếp chưa cấp thiết... Đó cũng là một kinh nghiệm cho người Hà Nội từ đại dịch vừa qua ở TP.HCM.
Một năm đã sắp hết. Thông thường dịp này các thành phố đã nhộn nhịp nhân dịp lễ Giáng sinh, Tết dương lịch và chuẩn bị cho Tết Nguyên đán. Nhưng thay vì chuẩn bị sắm sửa cho mùa lễ, tết cuối năm thì giờ đây hầu hết người dân vẫn còn loay hoay mưu sinh.
Kinh tế dịch vụ ở đô thị sau một năm đình trệ bắt đầu khởi sắc để phục vụ nhu cầu mua sắm cuối năm. Tuy nhiên thu nhập của nhiều người dân hiện quá ít ỏi, thậm chí nguồn thu nhập cơ bản còn chưa được khôi phục. Tình hình tài chính chưa ổn định chắc chắn ảnh hưởng lớn đến nhu cầu và khả năng tiêu dùng của xã hội.
Khoảng thời gian 3, 4 tháng vừa qua, sự căng thẳng vì dịch bệnh ở TP.HCM đã có tác động không nhỏ đến cả nước, nhất là Hà Nội, vì đây là hai thành phố lớn nhất nước và là đầu mối của biết bao kế hoạch, dự án...
Chỉ mới hai tháng "bình thường mới", khoảng thời gian này chưa kịp để khôi phục kinh tế, sinh hoạt của người dân vẫn còn dè dặt trong tâm thế cảnh giác với dịch bệnh. Vậy nhưng, nhịp sống ở hai thành phố đang phải tăng tốc để có thể hoàn thành công việc của năm 2021 với kết quả tốt, vừa để khắc phục hậu quả dịch bệnh vừa đặt cơ sở cho năm 2022 - một năm được dự báo là thế giới vẫn phải "sống chung" với virus.
Rời Hà Nội sau hai ngày với công việc, gặp gỡ, chưa kịp tận hưởng mùa đông Hà Nội đẹp nao lòng như những bài hát của Phú Quang vừa đi xa, tôi lại trở về trên chuyến bay muộn màng bị lùi giờ bay "vì lý do khai thác".
Sân bay Nội Bài rất vắng, chuyến bay về Tân Sơn Nhất càng ít khách. Mọi thủ tục tại sân bay vẫn được kiểm soát cẩn thận, gương mặt nhân viên và hành khách đều ít nhiều ưu tư... Dường như mọi người đều cùng một suy nghĩ: dù sao thì cuộc sống vẫn phải tiếp tục.
Dịch bệnh với những biến chủng virus mới đã đe dọa con người suốt hai năm qua, giờ đến lúc cần ứng phó với nó trong tâm thế mới: không sợ hãi và cũng không ngạo nghễ. Thích nghi một cách chủ động và tích cực, đó là cách mà chúng ta đã vượt qua nhiều thách thức trong quá khứ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận