11/11/2013 11:51 GMT+7

Cuộc sống vẫn cuộn chảy

PHƯƠNG MAI
PHƯƠNG MAI

TT - Vào tháng 11-2013, con số thương vong ở Syria đã lên tới hơn 100.000 người, một phần sáu trong số đó là phụ nữ và trẻ em. Khắp Syria có gần 2 triệu người phải chạy tị nạn. Cuộc chiến đã kéo dài gần ba năm với vũ khí hóa học, tên lửa Scud, máy bay chiến đấu, các tín đồ tử vì đạo từ đủ mọi quốc gia đổ về và hàng triệu triệu đôla viện trợ từ những quốc gia khác không muốn trực tiếp tham chiến bằng máu.

Kỳ 1: Kỳ 2: Kỳ 3:

TEVe6ta9.jpgPhóng to
2.000 năm trước, Palmyra được mệnh danh là “cô dâu của sa mạc”. Hàng ngàn du khách đến đây mỗi ngày, nhưng giờ đây hoang vu không một bóng người - Ảnh: Phương Mai

Nhưng bất chấp tất cả, cuộc sống vẫn cuộn chảy.

Damascus bên lề cuộc chiến

Nhiều lần đi chơi về muộn, Noura và tôi vẫn có thể chui vào quán Internet gần nhà mở 24/7. Điện thoại của tôi lúc nào cũng có thể kết nối mạng, Skype và Twitter không hề vướng víu. Damascus và những thành phố nơi tôi đặt chân qua vẫn tấp nập đông vui. Những quán cà phê vẫn mịt mù khói thuốc shisha và những đôi lứa yêu nhau vẫn tổ chức đám cưới linh đình mỗi chiều thứ năm trước ngày nghỉ cuối tuần. Trống đánh rung trời đến tận đêm khuya.

Khu chợ chính Al-Hamidyah kìn kịt khách hàng hệt như chợ Bến Thành hay chợ Đồng Xuân những ngày buôn may bán đắt. Tôi và đám con gái vẫn ríu rít tạt vào hàng quần áo chíp, nơi hàng chục cô manơcanh ăn bận những bộ quần áo khêu gợi, đứng dàn hàng ngang trước cả ngàn người lại qua. Bọn con gái chẳng hề xấu hổ, cứ liên tục sờ mó vân vê đám lụa là ren rua mỏng dính ấy, kỳ kèo mặc cả. Anh chàng bán hàng mặt cũng tỉnh queo như đang bán một cục pin chứ không phải một bộ quần áo khiêu dâm có gắn chip, chỉ cần vỗ tay là có tiếng... chim hót phát ra từ đũng quần. Lần đầu tiên nhìn thấy cảnh này ở Yemen, tôi suýt rơi cả máy ảnh vì ngạc nhiên. Nhất là khi ở Yemen, những phụ nữ đang mặc cả mua bán ấy phủ kín bưng chỉ có mỗi đôi mắt, kể cả bàn tay cũng đeo găng đen. Thú thật, tôi mà phải mặc cả một cái quần chíp ren hồng diêm dúa trong suốt như nilông thế kia với một gã trai râu ria xồm xoàm, liên tục xoắn vặn sản phẩm của cửa hàng mình, miệng kêu: “Thấy chưa? Dai lắm! Mềm lắm! Bền lắm!”, thì tôi cũng muốn che quách cái mặt mình đi...

Khi Syria ngùn ngụt bốc cháy thì đêm thứ sáu nào các sàn nhảy ở Damascus cũng lèn chặt những bộ mặt tươi vui nhảy múa tung trời. Một buổi tối, Noura và tôi được mời dự sinh nhật của hội Couch Surfing tại quán bar Marmal lúc hơn 2g sáng. Tụi con trai trả 1.000 lira (15 đôla) với cuống phiếu cho bốn đồ uống. Tụi con gái chỉ phải trả một nửa. Tất cả chúng tôi gọi shot whisky, ngửa cổ dốc thẳng vào họng cùng một lượt rồi ôm nhau hát váng trời. DJ phù phép một kiểu tiết tấu dồn dập trên nền réo rắt của nhạc Ả Rập. Rồi một vài đứa nhảy cả lên bàn bar, theo sau là chàng bartender mở nút chai dốc thẳng xuống đám thanh niên đang vừa nhảy múa, vừa hò reo, vừa há ngoác mồm phía dưới.

Trong cái bối cảnh chỉ có khoái cảm và hưởng thụ ấy, một anh chàng trong đám nhận được tin nhắn từ Facebook. Đó là một đoạn phim YouTube có cảnh một người đàn ông bị gí súng vào đầu và bắt quỳ xuống trước khi hành hình. Chàng ta kêu lên điều gì đó liên quan đến Assad rồi nhấn nút “share”. Chỉ trong tích tắc, 637 người trong danh sách bạn bè đã được cập nhật đoạn phim rùng rợn. Nhét điện thoại vào túi quần, chàng ta ngẩng lên nhìn tôi và hồ hởi nháy mắt: “Làm ly nữa nhé!”. Cứ như không có gì...

bbVvQFaF.jpg
Một cô gái Damascus trầm tư trước thánh đường Umayad - Ảnh: Phương Mai

Những người bạn của tôi

Mỗi lần check mail hay vào Facebook, tôi vẫn thường phải hết hơi giải thích với bạn bè là Syria thật ra khá an toàn. Những gì được miêu tả trên tivi là sự thật, nhưng đồng thời cũng chỉ là một phần rất nhỏ của bức tranh sự thật rộng lớn. Khói lửa mịt mù ở Homs không có nghĩa là cả Syria rộng lớn bốc cháy. Hàng trăm người thiệt mạng ở Homs không có nghĩa ở khắp Syria rộng lớn cứ đi ra đường là ăn đạn vào đầu. Nói một cách hình tượng, nếu bạn chĩa ống kính zoom vào cái lòng đen của đôi mắt chẳng hạn, điều đó không có nghĩa là cả cơ thể bạn đều chỉ một màu đen.

Tôi đặt chân vào Syria như một bước đi tình cờ ham vui với một cái xắc tay và vài trăm đôla giắt túi, tôi rời Syria với một vali lỉnh kỉnh đủ thứ quà cáp như một lão nông ra thành phố thăm bà con. Tôi đến Syria tưởng sẽ phải đối mặt với địa ngục của nội chiến, nhưng lại khám phá một thiên đường của tình người. Khi còn sống, thiên sứ Muhammad từng từ chối đặt chân vào thành phố vì ngài “chỉ muốn đến thiên đường một lần duy nhất trong đời”. Tôi là kẻ tham lam, thiên đường của Syria đối với tôi một lần chắc chắn không bao giờ đủ.

Thông tin cuối cùng về những người bạn của tôi: Noura, mẹ và em trai đã sang Mỹ. Khi nhận được học bổng và visa, Noura sung sướng gửi tin nhắn trên Facebook cho tôi: “Em muốn hôn ông Obama một cái!”.

Tôi không có thêm thông tin gì về Dana và gia đình cô. Khu phố nơi cô sinh sống hiện trong tầm kiểm soát của quân đội chính phủ.

Anh chàng tổ chức đêm sinh nhật cho hay các buổi tiệc tùng vẫn diễn ra nhưng ít hơn trước. Damascus bị chia thành nhiều khu vực, nhưng trung tâm thành phố là nơi tập trung thành phần ủng hộ Assad và ảnh của ông vẫn rợp trời.

Hani đã thoát ra được khỏi Allepo mà không bị quân nổi dậy chặn lại kiểm tra. Anh hiện đang sống cùng bố mẹ và vô cùng trầm cảm. “Người đái ra quần vì sợ” - anh rể của Hani và bố của hai đứa trẻ sinh đôi - đã hi sinh trước khi kịp nhìn thấy mặt con trai.

Và tôi đang vật lộn với ý nghĩ sẽ cưới Hani làm chồng giả để bảo lãnh anh qua châu Âu.

Sự thật đúng là nhiều sắc dân thiểu số ở Trung Đông một lòng ủng hộ chính phủ, đơn giản vì họ được bảo vệ. Luật ngầm được hiểu như sau: “Miễn không dính vào chính trị thì ai cũng sẽ được hưởng một cuộc sống tốt đẹp!”. Cái hiệp ước không chính thức này được thỏa thuận khá suôn sẻ không những ở Syria mà còn giữa Saddam và cộng đồng Thiên Chúa giáo tại Iraq, nơi người Thiên Chúa từng sinh sống từ 2.000 năm nay, trước cả khi Hồi giáo xuất hiện. Bản thân Saddam thuộc dòng Hồi giáo Sunni, cũng là thiểu số trong một quốc gia chủ yếu là Hồi giáo Shia. Người Thiên Chúa cảm thấy an toàn hơn khi nhà độc tài này thuộc về một tôn giáo thiểu số. Khi Saddam bị lật đổ và chính quyền của đa số Shia lên ngôi, người Thiên Chúa chạy trốn vơi đi gần một nửa và các thiểu số tôn giáo khác bị kìm kẹp đến mức hàng loạt phải bỏ nước mà đi.

Hiệp ước tương tự cũng được thiết lập tại Ai Cập. Nhà độc tài Mubarak nhận được sự ủng hộ của 10% dân số (hơn 8 triệu dân) theo Thiên Chúa giáo dòng Coptic, đổi lại giáo hoàng Coptic có tiếng nói khá ảnh hưởng đến một số điều luật liên quan đến cộng đồng tôn giáo. Mubarak bị truất quyền là hàng loạt thánh đường Thiên Chúa bị tấn công, người Thiên Chúa mất tấm khiên che chắn lại rúm ró trở về với thân phận của một thiểu số tôn giáo bị chèn ép.

PHƯƠNG MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên