Phóng to |
Đời sống thường nhật với tất cả sự chân thực và sôi động của nó là một đề tài cần nhiều hơn những ống kính ghi nhận của các nhiếp ảnh gia. Trong ảnh: Những người nhập cư ở tổ dân phố số 7, khu dân cư số 2, phường Phúc Xá, quận Long Biên, Hà Nội - Ảnh: LÊ VĂN MINH |
Việc đề cao các giải thưởng, tước hiệu của FIAP đã làm nhiều người trong xã hội bị ngộ nhận về các giá trị thực của những tác phẩm nhiếp ảnh. Lấy “thành tích” các tấm huy chương hằng năm, mà trong đó chủ yếu là của FIAP, để ngộ nhận VN là một cường quốc về nhiếp ảnh so với thế giới. |
Với tư cách là một người xem, tôi thật sự tò mò muốn được biết, muốn được thưởng thức bên trong trái cam bằng một lát cắt, để từ đó tôi có thể nhận biết được vị ngọt hay chua của nó... Hay nói một cách khác, những bức ảnh này mới chỉ thể hiện cái vỏ bên ngoài của cuộc sống, mà chưa cho người xem cảm nhận được hết cuộc sống thực của đất nước, con người VN hôm nay...”.
Càng già, càng khổ “càng tốt”
Nhìn lại nhiếp ảnh VN gần 20 năm qua vẫn nặng tính hình thức và phong trào. Có thể liệt kê ở đây mấy thể loại ảnh thường xuyên lặp lại.
Với chân dung con người, các nhà nhiếp ảnh VN thường đi sâu khai thác những khía cạnh nghèo khổ, người trong ảnh càng già, càng khổ “càng tốt”. Cũng vì vậy, người xem đã quá quen với những bức ảnh về một bà cụ ở Bảo Lộc, Lâm Đồng ngồi hút thuốc bên cạnh một cháu bé mắt mở to, hay một vài gương mặt cụ bà người Dao Đỏ ở Tả Phìn, Sa Pa ngồi bên bếp lửa thêu thùa...
Trước đây, trong một thời gian dài, hầu như cuộc thi ảnh nghệ thuật nào cũng đều thấy xuất hiện thể loại ảnh này của các tác giả khác nhau, chụp vào các thời điểm khác nhau nhưng đều giống nhau một kiểu bố cục, nội dung. Thậm chí cho tới tận nay, thể loại ảnh này vẫn đoạt giải thưởng tại những cuộc thi của FIAP ở đâu đó.
Với ảnh đời thường, các nhà nhiếp ảnh VN thường khai thác quanh các làng nghề truyền thống, các thôn nữ hay người già gồng gánh đi trên đường làng với các chú thích đơn điệu như: Mẹ tôi, Lối về, Hoa nắng, Hoa đất, Hoa thép, Hoa muối...
Thể loại ảnh phong cảnh thì không thể thiếu hình ảnh ruộng bậc thang, nhà sàn, trình tường của các vùng núi phía Bắc. Ảnh được chụp theo công thức tiền cảnh là hoa đào, hoa mận, phía sau là vài nếp nhà, mấy cô thiếu nữ dân tộc áo quần sặc sỡ cầm ô đi vào 1/3 khuôn hình.
Những cầu khỉ, đồi cát, ghe thuyền cùng với vài thiếu nữ áo dài thướt tha cũng là những môtip ảnh được các nhà nhiếp ảnh VN chụp đi chụp lại đến quá quen, trở thành nhàm chán trong các cuộc thi nhiều năm qua.
Na ná, đèm đẹp và giậm chân tại chỗ
Mặc dù các giải thưởng của FIAP vẫn trao ầm ầm cho các tác giả VN, vẫn liên tiếp có nhiều tác giả được lên hạng A, E, M Vapa hoặc A, E, M Fiap. Thứ bậc này đầu tiên do FIAP đặt ra, sau này Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) VN cũng lấy theo đó để đặt mức hạng cho hội viên của mình. Nhưng tại sao nhiều năm qua nhiếp ảnh VN vẫn giậm chân tại chỗ không tiến xa được?
Có thể nói nhiếp ảnh của chúng ta hiện nay như đang bị sa lầy vào hiện tượng “sân khấu hóa cuộc sống”. Các tác giả quá câu nệ, mải mê vào sắp đặt bố cục, đường nét ánh sáng, áp đặt ý đồ chủ quan vào tác phẩm nên đã bỏ qua cảm xúc của mình khi đứng trước cuộc sống con người đang diễn ra.
Chính vì điều này nên từ lâu người xem chỉ được thấy những bức ảnh đèm đẹp về bố cục, ánh sáng nhưng thiếu chiều sâu tâm hồn của các nhân vật trong ảnh, thiếu những yếu tố bất ngờ rung động từ cuộc sống đang sôi động hôm nay.
Và càng không thể lưu giữ cho thế hệ mai sau những bức ảnh chỉ đẹp về hình thức mà thiếu tính chân thực của cuộc sống bằng cách đi thuê mấy bộ áo tứ thân, mớ ba mớ bảy cùng mấy cô người mẫu chèo thuyền trên đầm sen, mặc áo dài đi qua đồi cát, hay thuê mấy em bé ở Tây nguyên cởi đồ tắm suối cho thêm phần “hoang dã”, gây lạ mắt với ban giám khảo nước ngoài trong các cuộc thi của FIAP.
Con đường đổi mới và dấn thân
Nếu ví nhiếp ảnh là một con đường thì trên đường đó có rất nhiều nhánh nhỏ, có nhiều thể loại để các nhà nhiếp ảnh tha hồ cũng như có quyền chọn lựa con đường phù hợp với năng lực và đam mê của mình.
FIAP cũng là một kiểu chơi, mà ở đó họ thừa nhận đây chỉ là sân chơi của những amateur (nghiệp dư) mà thôi. Nhưng có một con đường chính thống của nhiếp ảnh là bám sát từng bước nhịp sống của xã hội để phản ánh, thì ở đây nhiếp ảnh của VN nhiều năm qua vẫn chưa làm tốt, chưa xứng tầm với nhu cầu đòi hỏi của xã hội.
Chúng ta cũng nói nhiều về đổi mới nền nhiếp ảnh VN qua nhiều hội thảo ở các kỳ đại hội của Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh VN, nhưng xem ra việc đổi mới vẫn chỉ ở lời nói, chứ qua chất lượng các đợt thi ảnh gần đây vẫn thấy đổi mới chẳng được bao nhiêu. Một khi các thành phần ban giám khảo vẫn giữ tư duy cũ, lấy FIAP làm thước đo cho các tác phẩm thì còn khó có sự đổi mới thật sự. Người dự thi sẽ còn tiếp tục gửi những kiểu ảnh theo gu của ban giám khảo để mong được giải.
Vậy còn vai trò của người sáng tạo? Việc các nhà nhiếp ảnh chạy theo quá nhiều các cuộc thi ảnh, chạy theo các giải thưởng do hội hay do FIAP tổ chức liên tục hằng năm ở trong nước và nước ngoài, cũng là nguyên nhân làm ảnh hưởng đến chất lượng tác phẩm ảnh.
Nhiếp ảnh VN đang cần có thêm nhiều hơn nữa những cá nhân dám dấn thân, đầu tư thời gian theo đuổi các đề tài cá nhân, dám phá cách tìm tòi những phong cách ảnh riêng.
Thói quen của các nhà nhiếp ảnh của ta là thường thích tổ chức đi chụp từng nhóm đông, và thường chọn các thời điểm như vào mùa gặt lúa vàng, mùa dẫn nước vào ruộng, mùa cấy mạ (trên các thửa ruộng bậc thang của các tỉnh miền núi phía Bắc) hay mùa hoa đào, hoa mận... Các điểm tổ chức lễ hội cũng là nơi thường gặp nhiều nhất các tay máy đến “sáng tác” chuẩn bị cho các kỳ thi ảnh tiếp theo.
Chính với cách chụp như vậy, việc công chúng phải xem đi xem lại những bức ảnh na ná nhau, đèm đẹp và giả tạo là điều không có gì lạ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận