TTO - 10 năm trước, chúng tôi đã có mặt để chứng kiến cảnh những người dân cuối cùng rời làng bản ra đi, nhường nơi chôn rau cắt rốn cho thủy điện Sơn La - dự án thủy điện lớn nhất Đông Nam Á. Và đây, ngày trở lại nơi này…

Vùng biển hồ nhân tạo mênh mông này trong một thập kỷ qua đã kiến tạo nên một "Hạ Long của miền Tây Bắc" đẹp mê hoặc, gắn với cuộc sống mới đang định hình.

Cuộc sống mới ở Hạ Long của miền Tây Bắc - Ảnh 1.
Cuộc sống mới ở Hạ Long của miền Tây Bắc - Ảnh 2.

Ngần Văn Hóa - bí thư Đoàn xã Chiềng Bằng (huyện Quỳnh Nhai, Sơn La) - đón chúng tôi ở đầu con dốc dẫn vào bản Pó Ban.

"Trước khi lên bản, mời các anh xuống khu lòng hồ cho tiện đường, em giới thiệu mô hình hợp tác xã nuôi cá lồng bè do một đoàn viên làm chủ nhiệm" - Hóa hào hứng.

Mùa thu, thủy điện bắt đầu tích nước, mực nước lòng hồ dâng lên từng ngày, những chiếc lồng bè nuôi cá cũng nổi lên theo. Phong cảnh hữu tình và đầy sức sống.

Hóa huýt sáo, giơ tay lên vẫy. Một thanh niên vạm vỡ chèo chiếc thuyền nhỏ cập bờ đón chúng tôi ra xem lồng bè.

27 tuổi, Là Văn Thuận - chủ nhiệm Hợp tác xã nuôi cá lồng bè Chiềng Bằng - là chủ của vài chục lồng cá khu vực ven hồ.

"Trước đây dòng chảy sông Đà nhỏ, nước chảy xiết, không nuôi được cá đâu. Từ khi có lòng hồ rộng, mùa nước ổn định. Nghe trên huyện gợi ý, hỗ trợ vay vốn, em xuống xuôi học nuôi cá, thuê người làm lồng bè. Trên này nuôi dễ nhất là cá trắm và rô phi", Thuận kể.

Để tiện cho thủ tục vay vốn, thuê đóng lồng bè, Thuận đứng ra lập hợp tác xã. Lúc đầu chỉ mấy hộ gia đình thanh niên làm với nhau, sau bà con dân bản thấy làm được nên xin gia nhập hợp tác xã.

Thuận trao đổi kinh nghiệm, giúp dân vay vốn. Giờ thì hợp tác xã đã có mấy chục gia đình, hàng trăm lồng bè, san sát cả khu vực ven hồ bản Pó Pan.

Cuộc sống mới ở Hạ Long của miền Tây Bắc - Ảnh 3.

"Mực nước khu vực này ổn định, cá ít chết. Nuôi cá chưa giàu được nhưng nhà nào cũng thu nhập đủ sống. Nuôi được bao nhiêu, các nhà hàng họ cũng vào mua hết thôi mà" - Thuận khoe.

Vợt mấy con cá, Thuận và Hóa mời chúng tôi lên bản "ăn cơm thăm". Vì đã nhường quê quán dưới lòng hồ mênh mông kia cho thủy điện, các làng bản người Thái ở huyện Quỳnh Nhai đều "vén" lên đồi cao để ở.

"Đất thiếu quá, muốn tìm mặt bằng để làm sân bóng cho anh em chơi cũng không có. Ngày xưa bản cũ ruộng lúa mênh mông, dời lên đồi cả bản 150 hộ giờ chỉ có 37 hộ có đất trồng lúa, cũng là tận dụng mấy chỗ sát mép nước thôi. Nhiều thanh niên phải xuống núi, đi các thành phố tìm việc", Hóa kể.

Chúng tôi ăn trưa tại nhà anh Là Văn Đoàn - bí thư chi bộ bản Pó Ban. Ngoài các món ăn quen thuộc của người Thái như cá nướng, canh măng rừng, xôi đồ, còn có món lạ là ốc nhồi hấp xả.

"Ồ, con ốc này nó nuôi nhà chúng tôi đấy. Cách đây hai năm có mấy anh ở Hưng Yên lên làm xây dựng, anh em quý mến nhau nên họ mang cho 20kg ốc nhồi giống, dạy tôi cách xây bể nuôi, ốc đẻ thì bán ốc giống. Chỗ này 20m2 thôi, nuôi dễ mà, mỗi năm bán 4 vạn con ốc giống cũng thu được 40 triệu đồng" - anh Đoàn cho biết.

"Các anh có nhớ quê cũ không?" - tôi hỏi. "Có chứ. Nhớ lắm. Nhưng ở nơi mới cũng quen rồi. Đất sản xuất thiếu, nhưng hạ tầng tốt hơn, đường giao thông thuận tiện nên nuôi con trâu con gà cũng dễ bán, kiếm tiền cũng dễ hơn, tiêu tiền cũng nhanh hơn…" - Thuận nói chen vào.

Cuộc sống mới ở Hạ Long của miền Tây Bắc - Ảnh 4.
Cuộc sống mới ở Hạ Long của miền Tây Bắc - Ảnh 5.

Ảnh: NGỌC QUANG

Cuộc sống mới ở Hạ Long của miền Tây Bắc - Ảnh 6.

Trở lại chuyện bên bàn trà với Bí thư Huyện ủy Quỳnh Nhai Nguyễn Hoài Thu, ông cho biết Quỳnh Nhai về cơ bản mất hết đất lúa (Sơn La có 12.500ha đất bị ngập thì Quỳnh Nhai chiếm 10.500ha).

"Nhưng công trình thủy điện cũng đem đến cho Quỳnh Nhai lợi thế mới, đó là lòng hồ rất rộng, dân có thể bám để mưu sinh. Huyện đã có nhiều kế hoạch nhằm tái cơ cấu kinh tế, hỗ trợ dân trồng trọt, chăn nuôi, phát triển du lịch" - ông Thu nói.

Hiện Quỳnh Nhai có hơn 7.000 lồng cá, cho sản lượng 2.000 tấn/năm, đánh bắt tự nhiên được hơn 1.000 tấn. 7 xã của huyện, cuộc sống đồng bào gắn với lòng hồ.

Trong quá trình tìm phương hướng phát triển, Quỳnh Nhai đã thử nghiệm thành công cây sa nhân cao sản trên 100ha, có thể cho thu nhập 150 - 250 triệu đồng/ha/năm, hướng tới phát triển diện tích lên 2.000ha. Du lịch cũng được định hướng là kinh tế mũi nhọn của địa phương.

Cuộc sống mới ở Hạ Long của miền Tây Bắc - Ảnh 7.

Ảnh: NGỌC QUANG

Trên con tàu 2 tầng 60 chỗ ngồi, Là Văn Phong chở chúng tôi ngược sông Đà. 29 tuổi, Phong là điển hình khởi nghiệp của thanh niên Tây Bắc.

"Năm 2017 bọn em thành lập Hợp tác xã thủy sản và du lịch Quỳnh Nhai, nhưng tên dài quá, đi họp các lãnh đạo toàn gọi "Hợp tác xã thằng Phong". Vừa rồi, em đổi tên thành Hợp tác xã Quỳnh Nhai travel" - Phong vui vẻ kể.

Tốt nghiệp chuyên ngành kinh tế Đại học Tây Bắc nhưng không tìm được việc làm, Phong bắt đầu ý tưởng triển khai du lịch khi đang lang thang bên bờ hồ thủy điện. Thấy khách du lịch trầm trồ trước cảnh sắc nơi đây và có ý muốn đi dạo lòng hồ, Phong rủ hai người bạn thuê thuyền đánh cá của dân, rồi tự nấu cơm lam, nướng gà, dẫn khách…

Bắt đầu với 300 triệu tiền vốn ưu đãi theo chương trình phát triển hợp tác xã, Phong vận động anh em góp và vay thêm ngân hàng, nay Quỳnh Nhai travel đã đóng được 2 chiếc tàu 2 tầng. Huyện cũng giao cho 5 hòn đảo để phát triển du lịch. Phong đặt tên cho vùng đất khởi nghiệp của mình là "vịnh Uy Phong" và xây dựng cơ sở vui chơi, ăn uống.

"Cuối tuần và các dịp lễ, em chạy hết công suất nhưng vẫn không đáp ứng hết được nhu cầu của khách" - Phong cho biết.

Cuộc sống mới ở “Hạ Long của miền Tây Bắc” - Video: LÊ KIÊN - ĐỨC BÌNH – NGỌC QUANG – MAI HUYỀN – UYÊN THI

Cuộc sống mới ở Hạ Long của miền Tây Bắc - Ảnh 9.

Ngược sông Đà từ Quỳnh Nhai đến thị xã Mường Lay (Điện Biên), ngồi tàu thủy mất gần 10 tiếng, đi ôtô thì mất nửa ngày đường qua những khúc cua tay áo, những đoạn đường đèo hiểm trở "đặc sản" miền Tây Bắc…

Thị xã Mường Lay bên bờ sông Đà xưa kia là tỉnh lỵ của Lai Châu cũ (bao gồm cả Lai Châu và Điện Biên ngày nay), đã ít nhất 2 lần bị "xóa sổ" bởi những cơn lũ hung bạo của sông Đà.

Cuộc sống mới ở Hạ Long của miền Tây Bắc - Ảnh 10.

Để nhường đất cho thủy điện, toàn thị xã Mường Lay đã phải chuyển dời. Núi cao, sông sâu, mặt bằng quá hạn hẹp, đồng bào nơi đây đã phải thực hiện cuộc di dân theo "chiều thẳng đứng".

Về Mường Lay lần này chúng tôi ở lại nhà Vàng Văn Vượng - bí thư chi bộ bản Quan Chiên, phường Na Lay, thức đêm cùng anh đi thuyền cất vó bắt cá sông Đà.

Hai chiếc vó rộng 400m2 mỗi ngày mang lại cho anh khoảng 250.000 đồng, công việc nặng nhọc.

Mường Lay ở phía thượng nguồn, mực nước lòng hồ thường chênh nhau rất lớn giữa các mùa, không nuôi cá được, chỉ có đánh bắt.

"Không có đất sản xuất. Thanh niên lớn lên đều về xuôi tìm việc làm, nhất là mấy khu dân cư trên phía đồi cao giờ vắng người lắm" - anh Vượng cho biết.

Chèo thuyền cùng Vượng, chúng tôi áng chừng gần khu vực anh neo vó, sâu dưới lòng hồ trước kia là bản Xá Đán.

Lại nhớ đến thời điểm căng thẳng nhất, đầu năm 2010, chủ tịch Hội người cao tuổi của bản, bà Lò Thị Làn, "tuyên bố" với Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Đinh Tiến Dũng (hiện là bộ trưởng Bộ Tài chính):

Cuộc sống mới ở Hạ Long của miền Tây Bắc - Ảnh 11.
Cuộc sống mới ở Hạ Long của miền Tây Bắc - Ảnh 12.

Anh Vượng khẳng định cuộc sống hiện nay so với trước kia, tuy vẫn vất vả, nhưng đã khấm khá lên nhiều.

Không có dự án thủy điện thì hạ tầng giao thông không thể được đầu tư mạnh như vậy, trường lớp cũng khang trang, giao thương thuận tiện, dân được dùng nước sạch, điện chiếu sáng quanh năm…

Lũ trẻ lớn lên có điều kiện giao lưu tốt hơn nên cố gắng học tập, tìm việc làm, tự chủ cuộc đời.

Cuộc sống mới ở Hạ Long của miền Tây Bắc - Ảnh 13.
Cuộc sống mới ở Hạ Long của miền Tây Bắc - Ảnh 14.

Tháng 10-2016, tại Điện Biên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị tổng kết công tác di dân tái định cư thủy điện Sơn La giai đoạn 2001-2016.

Hội nghị khẳng định sự thành công của công tác tái định cư, góp phần đưa Nhà máy Thủy điện Sơn La vào hoạt động vượt tiến độ 3 năm. Nhìn chung đời sống người dân vùng tái định cư được nâng lên rõ rệt so với trước, thu nhập bình quân tăng gấp 3,92 lần so với thời điểm trước khi di chuyển, tỉ lệ hộ nghèo giảm 2,56 lần.

Nhưng lường trước những khó khăn mà đồng bào phải đối mặt sau khi dự án kết thúc, dòng tiền đầu tư và hỗ trợ bị cắt, Thủ tướng bày tỏ: "Tôi có suy nghĩ đây không phải là cuộc tổng kết, đánh giá cuối cùng đối với công tác tái định cư mà công tác này còn lâu dài, bền vững, không để người dân tái nghèo".

Ông lưu ý điều quan trọng trước mắt phải là lo sinh kế cho người dân, lo giáo dục, đào tạo cho lớp trẻ có kiến thức phát triển, hội nhập và giàu có.

Ngày 31-5-2018, Thủ tướng đã phê duyệt đề án "ổn định dân cư, phát triển triển kinh tế - xã hội vùng tái định cư thủy điện Sơn La" bằng quyết định có số rất dễ nhớ 666/QĐ-TTg, với tổng mức đầu tư 5.141 tỉ đồng (chia làm 2 giai đoạn: 1.800 tỉ giai đoạn 2018-2020 và 3.341 tỉ giai đoạn 2021-2025).

Gặp quyền trưởng Ban quản lý dự án di dân tái định cư thủy điện Sơn La Đinh Xuân Mến, ông cho biết ngay sau khi đề án được phê duyệt, UBND tỉnh đã xây dựng kế hoạch, nhu cầu vốn, báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư các dự án thành phần gửi các bộ, ngành trung ương và Thủ tướng Chính phủ.

Tuy nhiên, đến nay đã cuối năm 2019, đề án vẫn chưa được giao kế hoạch vốn để triển khai thực hiện.

Cuộc sống mới ở Hạ Long của miền Tây Bắc - Ảnh 15.

"Dân nắm được thông tin rồi, mỗi lần chúng tôi xuống cơ sở cứ níu lại hỏi ‘hay các ông nhận tiền của Chính phủ rồi gửi ngân hàng lấy lãi, chưa triển khai xuống cho bà con’, chúng tôi cũng khó ăn khó nói lắm" - ông Mến nói.

Các cán bộ cũng nhờ chúng tôi "nhắn nhủ" lãnh đạo các bộ, ngành trung ương rằng việc triển khai đúng lộ trình quyết định số 666 có ý nghĩa rất lớn, bởi nó sẽ góp phần thúc đẩy quá trình tái cơ cấu kinh tế đã bắt đầu định hình, đảm bảo cho phát triển bền vững.

Những cán bộ, nhân viên của các Ban quản lý dự án (được thành lập ở hai cấp tỉnh và huyện) cũng đang mang trong lòng nhiều tâm tư. Bởi sau gần 20 năm phục vụ, nay dự án kết thúc, họ không biết sẽ đi đâu, về đâu.

"Trong lúc đợi trung ương phân bổ kinh phí để triển khai đề án mới, vừa rồi chúng tôi đã phải nhận việc đi làm thuê ở ngoài để anh em có thu nhập" - ông Mến kể.

Cuộc sống mới ở Hạ Long của miền Tây Bắc - Ảnh 16.

LÊ KIÊN - ĐỨC BÌNH
LÊ KIÊN - NGỌC QUANG
 
Kiều Nhi
Bảo SuZu
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên