Người dân đứng trên nóc của một tòa nhà trong thời điểm phong tỏa ở quận Tĩnh An, Thượng Hải hôm 3-4 - Ảnh: AFP
Hôm 4-4, chính quyền Thượng Hải cho biết thành phố này vẫn sẽ tiếp tục bị phong tỏa trong bối cảnh nhà chức trách đánh giá kết quả của đợt xét nghiệm COVID-19 với toàn bộ hơn 25 triệu dân.
Thành phố này bắt đầu áp dụng lệnh phong tỏa hai giai đoạn vào ngày 28-3, ban đầu ở các quận phía đông của Thượng Hải, sau đó mở rộng ra toàn thành phố. Hôm 4-4, Thượng Hải đã lấy mẫu xét nghiệm PCR cho toàn bộ hơn 25 triệu dân. Một số cư dân thức dậy trước bình minh để xếp hàng chờ các nhân viên y tế mặc đồ trắng lấy mẫu tại các khu nhà ở của họ.
Lệnh phong tỏa đã làm gián đoạn cuộc sống hằng ngày và hoạt động kinh doanh ở trung tâm tài chính này.
Theo Hãng tin Reuters, hàng ngàn cư dân Thượng Hải đã được đưa vào các cơ sở cách ly tập trung sau khi có kết quả xét nghiệm COVID-19 dương tính, dù họ có triệu chứng bệnh hay không.
Các nhân viên chống dịch đang trông coi tại một địa điểm lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân ở quận Tĩnh An, Thượng Hải hôm 4-4 - Ảnh: AFP
Theo Reuters, một số người dân đã phàn nàn về các trung tâm cách ly tập trung đông đúc và mất vệ sinh, cũng như những khó khăn trong việc mua thực phẩm và hỗ trợ y tế. Báo South China Morning Post cho biết người dân than phiền họ bị thiếu thực phẩm và không thể đến được bệnh viện trong trường hợp khẩn cấp do các biện pháp hạn chế khắt khe.
"Thành thật mà nói, tôi không ủng hộ việc phong tỏa toàn thành phố. Cách làm đó sẽ gây tổn hại cho nền kinh tế của Thượng Hải và nhiều công ty nhỏ sẽ phá sản. Nhưng những người dân thường chúng tôi sẽ không xuống đường phản đối chính sách này. Điều chúng tôi lo là có đảm bảo được các nhu cầu thiết yếu hằng ngày của chúng tôi hay không" - một người phụ nữ tên Fangfang sống tại quận Phổ Đà, Thượng Hải, chia sẻ.
Người dân đặt câu hỏi tại sao trẻ em có kết quả thử nghiệm COVID-19 dương tính lại bị tách khỏi cha mẹ của các em. Hôm 4-4, quan chức y tế Thượng Hải Wu Qian Yu nói rằng trẻ em có thể có cha mẹ đi cùng nếu cha mẹ của các em cũng bị nhiễm bệnh.
Công chúng cũng ngày càng thắc mắc tại sao các ca nhiễm có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng - chiếm phần lớn số ca nhiễm ở Thượng Hải - lại không thể cách ly tại nhà.
Nhân viên mặc đồ bảo hộ phun thuốc khử trùng tại một cộng đồng ở Thượng Hải, Trung Quốc ngày 5-4 - Ảnh: REUTERS
Bà Jane Polubotko, một giám đốc tiếp thị người Ukraine hiện đang được đưa vào trung tâm cách ly lớn nhất của thành phố Thượng Hải, nói với Hãng tin Reuters rằng vẫn chưa rõ khi nào và bằng cách nào họ sẽ được cho rời khỏi.
"Không ai biết chúng tôi cần phải xét nghiệm bao nhiêu lần mới được ra ngoài" - bà Jane Polubotko nói.
Một người dân Thượng Hải (giấu tên vì lý do riêng tư) nói với Hãng tin Reuters rằng ông đã được đưa đến cơ sở cách ly tập trung vào đêm 3-4, sau khi báo cáo từng có kết quả xét nghiệm dương tính khi tự xét nghiệm cách đó hơn 1 tuần. Ông được đưa vào một địa điểm cách ly, ông lo sợ tái nhiễm khi phải dùng chung nhà vệ sinh với hai bệnh nhân COVID-19 đang còn dương tính.
Người dân xếp hàng để lấy mẫu xét nghiệm PCR tại một khu dân cư ở Thượng Hải hôm 4-4 - Ảnh: REUTERS
Hôm 31-3, chính quyền Thượng Hải đã phải lên tiếng xin lỗi vì chống dịch kém. Ông Mã Xuân Lôi, phó bí thư Thành ủy Thượng Hải, thừa nhận các quan chức địa phương không hiểu biết đầy đủ về biến thể Omicron vốn có khả năng lây lan nhanh và đã không chuẩn bị kỹ lưỡng để đối phó tình trạng gia tăng ca nhiễm đáng kể, cũng như không đảm bảo đầy đủ sinh kế cho người dân trong các khu vực bị phong tỏa.
Trong bối cảnh công chúng tiếp tục bày tỏ lo ngại về các biện pháp chống dịch khắt khe của Thượng Hải và chia sẻ nhiều video lên mạng xã hội phàn nàn về lệnh phong tỏa, Phó thủ tướng Trung Quốc Tôn Xuân Lan yêu cầu giới chức nước này "làm mọi thứ có thể" để giúp người dân giải quyết các vấn đề, chẳng hạn tiếp cận với thuốc men, thực phẩm và nước uống.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận