12/03/2005 06:48 GMT+7

Cuộc sống đặt hàng gì ở các nhà văn?

LAM ĐIỀN
LAM ĐIỀN

TT - Một trong những việc làm thiết thực nhất của Hội Nhà văn trong nhiệm kỳ vừa rồi là tài trợ để các hội viên xuất bản tác phẩm.

tUqPHe0y.jpgPhóng to
Trong các nhà sách, sách văn học nước ngoài vẫn được người đọc trẻ chú ý - Ảnh: T.Đạm

Tuy nhiên, tác phẩm văn học có con đường đi riêng của nó để đến với người đọc. Trên con đường đó, không thể bỏ qua một yếu tố quan trọng: người đọc đang cần gì ở những trang viết của nhà văn?

Văn chương cũng có luật cung cầu

Bạn đọc Thành Trung - nhân viên Viện Văn hóa thông tin - nhìn thấy sự phát triển văn chương ở ta không được bình thường. Bằng chứng là “Hội Nhà văn VN chưa bao giờ làm một điều tra, thống kê xem hiện nay loại sách nào đang bán chạy, nhà văn nào đang được ưa thích nhất. Nhà văn thì cứ cặm cụi viết mà không cần biết nhu cầu thị trường. Có khi muốn biết cũng không thể biết được vì không có phương cách nào thực hiện”.

Nếu nhìn tác phẩm văn chương cũng là một dạng hàng hóa đặc biệt, thì nhất thiết phải nắm bắt qui luật cung cầu. “Tôi là bạn đọc, tôi có thể không cần hiểu anh, nhưng anh là nhà văn, anh nhất thiết phải hiểu tôi, để anh viết cho tôi đọc”, đó là yêu cầu hết sức bình thường từ độc giả đặt ra cho nhà văn. Nhà văn Phan Hồn Nhiên cũng cho rằng “nếu nhà văn không nhận được sự cộng hưởng của độc giả thì cũng dễ lụi tàn”.

“Chúng tôi đọc sách hiện nay với niềm mong muốn xem con người trong xã hội chuyển từ bao cấp sang cơ chế thị trường của mình được phản ánh qua nhãn quan của nhà văn như thế nào? Tôi đọc sách để còn thấy tôi trong đó, còn thấy hành vi sống của tôi ở ngoài đời hiện có đang chuẩn không. Nói chung đọc sách thì phải rút ra một điều gì đó có ích cho cuộc sống. Nhưng những nhà văn hiện nay ít khi thấy đề cập những vấn đề đó, cho nên tôi không đọc văn trong nước nữa” - Thành Trung nói thêm cảm nhận của mình về thực trạng văn học tại TP.HCM bây giờ là như vậy. Nói như thế là nhắc lại một yêu cầu của cuộc sống muốn văn chương phải gần hơn với quần chúng. “Văn chương, điện ảnh là những môn nghệ thuật mang tính đại chúng, nếu anh là người sáng tác mà anh không hướng đến số đông quần chúng thì người ta không đến với anh nữa, không quan tâm đến tác phẩm của anh nữa là chuyện hoàn toàn dễ hiểu”.

Danh sách ban chấp hành Hội Nhà văn TP.HCM nhiệm kỳ 5

Sau khi tổ chức bỏ phiếu đến lần thứ hai, Đại hội Hội Nhà văn TP.HCM nhiệm kỳ 5 đã bầu ra ban chấp hành gồm 11 nhà văn, nhà thơ như sau (theo thứ tự số phiếu từ cao đến thấp): Lê Văn Thảo, Lê Thị Kim, Trương Nam Hương, Nguyễn Chí Hiếu, Mai Quốc Liên, Trần Thanh Giao, Huỳnh Như Phương, Chim Trắng, Triệu Xuân, Lam Giang, Thanh Nguyên.

Trong danh sách này, chỉ có mỗi nhà lý luận phê bình Huỳnh Như Phương là thành viên mới so với nhiệm kỳ trước.

Hệ lụy của việc công chúng không đến với tác phẩm văn chương khiến sách văn học dạo này rất khó in, các bản thảo của những nhà văn viết xong đều phải in bằng kế hoạch B, tức tự bỏ tiền ra in, mua giấy phép của nhà xuất bản. Và công việc đầu tư vừa rồi của Hội Nhà văn là tài trợ để in những sách kế hoạch B như vậy. “Trong khi đó, lẽ ra nhà văn phải có những tác phẩm được nhà xuất bản bỏ tiền ra đầu tư, in bằng kế hoạch A hẳn hoi” - bạn đọc Quang Hương đặt ra yêu cầu như thế. Và đó mới là sự phát triển của một nền văn học bình thường, tức mức độ chất lượng của tác phẩm phải thỏa mãn được yêu cầu của các nhà xuất bản. Như vậy thì giữa công chúng và nhà văn không có độ chênh nào về nhu cầu và sự đáp ứng.

Niềm tin vào những hạt cỏ

Nhà văn trẻ Nguyễn Danh Lam cho rằng văn chương ở nước ta hiện nay cũng giống như những hạt cỏ nằm trong đất vậy. Chỉ cần một cơn mưa khắp, thế là hạt cỏ nảy mầm, không lo thiếu hạt cỏ mà chỉ lo mưa không đủ thấm. Hình tượng ví von này làm người ta nghĩ đến mối quan hệ giữa quản lý và hoạt động văn chương. Danh Lam dẫn lời của Lại Nguyên Ân: “Mùa xuân đổi mới trong văn chương của VN ngắn quá, từ những năm 1986-1990 chỉ kịp xuất hiện một số nhà văn như Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Dương Hướng... và đến Phạm Thị Hoài thì thưa vắng hẳn”.

Một cán bộ đầu ngành phát hành sách ở TP.HCM cũng chia sẻ với ý nghĩ: Lâu nay văn học ở ta không có một dấu ấn nào thật sự sâu đậm, hình như nhà văn có gì đó e dè trong sáng tác. Riêng nhà văn Phan Hồn Nhiên thì tin vào những nhà văn biết được độc giả của mình là ai. “Khi nhà văn biết được trang viết của mình hướng đến ai, phân luồng được bạn đọc của mình, thì độc giả cũng dễ dàng tìm đến tác giả”.

Ông Phạm Minh Thuận - tổng giám đốc Công ty Phát hành sách TP.HCM - cũng cho rằng “những bản thảo văn chương muốn đầu tư xuất bản, phát hành cũng phải chọn lựa ở những cây bút đã có chỗ đứng trong lòng bạn đọc, có như thế mới bán được”. Bán được, ngoài ý nghĩa kinh doanh, còn ý nghĩa văn chương đã đến được với người đọc. Để làm được điều đó là công việc cả đời của nhà văn, là điều sống còn của những trang viết của anh. “Bây giờ, có khi những bà mẹ còn không biết tâm lý đứa con của mình, nhưng người viết văn thì phải biết tâm lý bạn đọc hiện tại của mình, có như thế anh mới đứng được trong lòng bạn đọc” - ông Thuận nhấn mạnh.

Giới trẻ còn đọc nhiều, tiểu thuyết Kim Dung dài tập vẫn đang bán rất hút hàng, thậm chí các bạn trẻ hiện nay còn lên mạng Internet download truyện Cổ Long về đọc. Sách truyện dày như Harry Potter vẫn bán rất chạy... trong khi truyện VN in mỏng, bán giá rẻ lại ít người mua, tại sao? Câu trả lời là bởi người ta nhìn thấy ở Harry Potter sự gần gũi, cuốn hút, thú vị. Thậm chí Nguyễn Danh Lam lập luận: “Ở nước ta cũng không thiếu những đề tài rất “hot” như đề tài cách mạng văn hóa của văn chương Trung Quốc hiện nay, nhưng có được viết không?”. Đây lại là vấn đề... cơn mưa và hạt cỏ.

LAM ĐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên