Phóng to |
“Phòng làm việc” của giám đốc Phạm Thanh Sơn - Ảnh: Đông Hà |
Công ty TNHH sản xuất phần mềm máy tính ASA (72 Huỳnh Khương An, P.3, TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) do một người bị liệt tứ chi làm giám đốc. Đó là anh Phạm Thanh Sơn (45 tuổi). Mọi hoạt động của công ty đều được anh Sơn điều hành trên chiếc giường tự nâng của mình.
Hiệu quả của công ty này khiến nhiều người ao ước: 11 con người - mỗi tháng doanh thu từ dịch vụ làm sổ sách kế toán gần 100 triệu đồng, riêng giám đốc Phạm Thanh Sơn có thêm 40-50 triệu đồng mỗi tháng từ việc viết phần mềm kế toán cho các doanh nghiệp.
Cú nhảy nghiệt ngã và liều thuốc “bước ngoặt”
Thời trai trẻ, cũng như bao nhiêu người bình thường khác, anh Sơn có sức khỏe, có lòng nhiệt huyết. Thế nhưng, khi đang ở tuổi thanh niên bay nhảy với bao dự tính trong lương lai, một tai họa đã ập đến với anh. Vì một cú nhảy mà anh trở thành người liệt tứ chi, mất hết khả năng tự chăm sóc bản thân.
Đó là ngày 30-4-1994, khi anh Sơn cùng mọi người trong công ty đi tham quan suối nước nóng Bình Châu (huyện Xuyên Mộc, Bà Rịa - Vũng Tàu). Một cú nhảy xuống hồ bơi hơi cạn nước đã khiến Sơn bị chấn thương đốt sống cổ nặng, tứ chi của anh bị bại liệt hoàn toàn, mất 100% khả năng tự chăm sóc bản thân.
Cú nhảy nghiệt ngã đã làm gia đình anh Sơn kiệt quệ vì chữa chạy, thuốc men. Nhưng anh vẫn không thể phục hồi. Từ một thanh niên khỏe mạnh, có công ăn việc làm nay trở thành gánh nặng cho gia đình, anh rơi vào trạng thái tuyệt vọng. “Trong hai năm đầu cuộc sống đối với tôi như chấm hết.
Lúc đó tôi nghĩ bị liệt chân tay sống cũng như người chết, tôi chỉ muốn tìm đến cái chết để giải thoát cho mình và gia đình bớt khổ” - anh tâm sự.
Và anh đã tìm đến cái chết. 100 viên thuốc ngủ do một người bạn gửi về để giúp mình ngủ ngon hằng đêm, anh uống hết trong một lần. “Sau khi uống thuốc, mắt tôi bắt đầu díu lại, tim đập mạnh. Cảm giác cái chết đã cận kề. Nhưng chính lúc này, tôi lại suy nghĩ và tự nhủ nếu nhắm mắt thì mình sẽ không còn trên cõi đời này” - anh Sơn nhớ lại. Và lúc ấy hình ảnh cha mẹ khắc khổ đã níu kéo anh lại với cuộc sống. “Gia đình chỉ có mình tôi. Nếu tôi ra đi thì họ sẽ rất đau khổ nên tôi quyết định kêu lên: má ơi con lỡ uống trăm viên thuốc ngủ rồi” - anh Sơn nhớ lại. “Đến gần với cái chết và trở về, tôi mới thấy cuộc sống này, cuộc đời này đáng quý. Sau khi từ bệnh viện về, tôi quyết phải làm lại cuộc đời bằng cách của riêng mình” - anh tâm sự.
Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình
Nền móng của Công ty ASA hôm nay được Sơn xây dựng chỉ đơn giản từ vi tính văn phòng. Chiếc máy tính đầu tiên của anh được gia đình mua trị giá vài lượng vàng vào lúc đó bằng tiền vay mượn. Anh bắt đầu những bước đi đầu tiên bằng cách tự học lại hoàn toàn. Mất sáu tháng để nắm vững và rành rẽ vi tính văn phòng, anh mở lớp dạy vi tính văn phòng cho những đứa trẻ hàng xóm. Chưa bằng lòng và cảm thấy nhàm chán, anh tự học phần mềm đồ họa Autocad rồi dạy cho những kỹ sư trong ngành dầu khí.
Bước ngoặt đến với công việc viết phần mềm của anh là vào năm 2000 khi công ty cũ kêu anh viết lại và nâng cấp phần mềm kế toán. Anh lại miệt mài đọc tài liệu để viết phần mềm kế toán và “Hệ thống quản lý kế toán ASA” ra đời vào thời điểm cuối năm 2001. Niềm vui của anh càng nhân lên gấp bội khi có khách hàng mua phần mềm với giá 6 triệu đồng. Thành công ban đầu tiếp cho anh sức mạnh để vững bước trên con đường làm người có ích. Tháng 12-2004, Cục Bản quyền tác giả đã chứng nhận sản phẩm “Hệ thống quản lý kế toán ASA” cho tác giả chủ sở hữu Phạm Thanh Sơn. Cùng năm đó, anh được tạp chí tin học eChíp tặng danh hiệu “Hiệp sĩ công nghệ thông tin”. Năm 2008 anh chính thức thành lập Công ty TNHH sản xuất phần mềm máy tính ASA.
Tìm thấy niềm vui trong công việc và việc kiếm được tiền đã giúp anh trút bỏ gánh nặng tâm lý. Cùng với lời động viên của gia đình, bạn bè, anh đã lấy lại niềm tin vào cuộc sống, vứt bỏ được chiếc áo “tự ti” mà anh khoác trên mình bấy lâu. Đó là năm 2005 khi anh gặp được người cùng cảnh ngộ như mình là chị Võ Thị Ngọc Mai - chủ tịch Hội Người khuyết tật TP Vũng Tàu. “Lúc đó Sơn đã khá nổi tiếng. Tôi đến gặp Sơn, lúc ấy người xanh xao lắm. Sau cuộc trò chuyện giữa chúng tôi, Sơn đã thay đổi” - chị Mai nhớ lại. Đó là gia nhập hội người khuyết tật do chị Mai thành lập và ra đường để vui chơi, hóng mát. “Từ khi gặp nạn đến khi gặp chị Mai, tôi chưa hề ra khỏi nhà và rất ngại gặp người lạ vì tự ti, vì nghĩ rằng người đời sẽ nhìn mình bằng con mắt khác. Nhưng không phải vậy!” - anh tâm sự.
Hiện tại, anh là thành viên hoạt động năng nổ nhất của Hội Người khuyết tật TP Vũng Tàu với khoảng 100 thành viên. Dù bận bịu nhưng mỗi tối thứ bảy, chủ nhật hằng tuần anh mở lớp tin học, tiếng Anh miễn phí cho người khuyết tật dưới sự tài trợ của một nhà hảo tâm. Công ty ASA chỉ có hơn mười người nhưng chín là người khuyết tật. Ngoài ra, hằng tháng anh còn trích tiền công ty góp vào quỹ của hội để lo sự vụ cho hội viên.
Nhìn anh Sơn làm việc, biết lịch làm việc của anh, chúng tôi hiểu tại sao anh là tấm gương của nhiều người: anh dùng vải quấn hai ngón tay thành một để gõ phím; còn con chuột phải dán thêm miếng đệm vì tay anh quá yếu, không thể gõ phím, nhấp chuột như người bình thường. Cứ 10-15 phút phải có người bóp chân để máu lưu thông, thế nhưng anh vẫn làm việc miệt mài với niềm hăng say hơn cả những người bình thường. Anh tâm sự do đã từng và đang nhận được sự giúp đỡ của nhiều người để vươn lên, nay anh cũng muốn giúp đỡ những người có chung hoàn cảnh như anh và sống hết mình với họ. Anh muốn giúp đỡ những người khuyết tật tự tin trong cuộc sống, xóa bỏ tự ti mặc cảm như anh đã trải qua. “Cuộc sống này quý lắm. Và quý nhất là được sống vì mọi người” - anh nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận