● Hà Nội “đọc sách cho ngày mai”
Phóng to |
Lần đầu tiên, một cuộc triển lãm đặc biệt của giới sưu tập sách TP.HCM phối hợp với Công ty Nhã Nam tổ chức tại Nhã Nam thư quán (15 lô B, chung cư 43 Hồ Văn Huê, P.9, Q.Phú Nhuận) nhằm giới thiệu các bản sách in đặc biệt từ thời tiền chiến (trước năm 1945) đến nay.
Khách tham quan triển lãm sẽ được tận mắt chứng kiến nhiều loại ấn bản đặc biệt, như quyển Đông phương luận lý học in trên giấy couché của Nhất Hạnh do Hương Quê xuất bản năm 1950. Một số được trưng bày theo hình thức đối sánh như bản Lều chõng của Ngô Tất Tố - bản đặc biệt trên giấy dó lụa - do nhà Mai Lĩnh in năm 1941 được đặt bên cạnh bản Lều chõng in thường trên giấy bản. Hay như tập thơ Mưa gió sông Tương của nữ sĩ Tương Phố cũng được trưng bày hai bản: in trên giấy thường và trên giấy ngọc cốt đặc biệt, bộ Sử ký Tư Mã Thiên cũng giới thiệu cả bản thường in trên giấy bản và bản đặc biệt in trên giấy dó.
Không những trực tiếp xem sách đặc biệt, sách quý hiếm, đến với triển lãm các sách in đặc biệt còn là dịp để biết được các chữ ký, ấn triện của các tác giả nổi tiếng. Như tại đây có bản Mơ Hương Cảng của Vũ Khắc Khoan, Kẻ Sĩ in năm 1971, bản đặc biệt có ghi rõ chỉ in: “50 cuốn trên giấy trắng dày, những bản này không bán đều mang dấu son Bất bình tắc minh và chữ ký của tác giả”. Và trên trang sách, bên cạnh dấu triện tên họ của tác giả, còn cả dấu triện “Bất bình tắc minh” như một dạng “nickname” thời ấy.
Cho nên, đây không chỉ là một cuộc “trình diễn” các bản sách đặc biệt, mà qua đó công chúng biết thêm nhiều thông tin về bối cảnh xuất bản, và cả phong cách chơi sách của một số tác giả như cách Vũ Hoàng Chương tự viết chữ Hán để in lên đầu sách của mình, làm thành bản sách đặc biệt.
Triển lãm khai mạc đúng ngày 23-4 và kéo dài trong một tháng.
* Cũng nằm trong hoạt động hưởng ứng Ngày sách và bản quyền thế giới, tại Hà Nội, ngày hội sách và văn hóa đọc mang tên Đọc sách cho ngày mai do Bộ VH-TT&DL tổ chức đã thu hút hàng ngàn người đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám trong hai ngày 21 và 22-4.
Buổi sáng đầu tiên của ngày hội, không dưới 5.000 người đã có mặt cùng lúc trong cả bốn khoảng sân không lấy gì làm rộng của Văn Miếu. Đông nhất vẫn là nơi có những quầy sách giảm giá. Giảm nhiều nhất và thu hút đông sinh viên - học sinh nhất là quầy sách của NXB Từ Điển Quốc Gia.
Được chăm chút nhất phải là sân nhà Thái học với phần trình diễn thơ và đọc sách do ban nhà văn trẻ Hội Nhà văn VN thực hiện. Trong cái nắng chang chang giữa trưa, các nhà thơ, nhà văn như Hữu Việt, Trần Hoàng Thiên Kim, Phong Điệp, Nguyễn Thụy Anh, Đỗ Bích Thúy, Nguyễn Xuân Thủy... vẫn miệt mài và nghiêm túc trình diễn các tác phẩm của mình, dưới hình thức đọc thơ trên nền nhạc, hoặc được dàn dựng sân khấu hóa dưới bàn tay của đạo diễn Lương Tử Đức.
Cả người trình diễn và người ngồi, hoặc đứng nghe/xem đều đội nắng. Nhà văn Võ Thị Xuân Hà, trưởng ban nhà văn trẻ, cảm kích thốt lên: “Cảm ơn các bạn quá, yêu sách đến thế thì thôi!”.
Yên tĩnh và mát mẻ hơn, gian trưng bày sách quý của các thư viện cũng không kém phần đông người tò mò chiêm ngưỡng các pho sách cổ, từ Việt sử thông giám đến Hoàng triều luật lệ... Quan trọng hơn, có rất nhiều bạn trẻ đến đây tìm đọc... gia phả và dư địa chí để tìm hiểu thêm về quê hương và dòng họ mình.
Tuy nhiên, với tất cả các cố gắng làm mới của ban tổ chức, sau năm năm, ngày hội đọc sách được diễn ra ở Văn Miếu vẫn cứ để lại một cảm giác hụt hẫng cho người yêu sách. Trong một không gian khó xoay trở như Văn Miếu, được phần “lễ” thì sẽ mất phần “hội”, được “hội” thì sẽ khó cho kinh doanh, mà tâm lý người tham gia hội sách bao giờ cũng muốn mua được sách hay, sách mới, sách rẻ.
Nếu đáp ứng được tất cả các yêu cầu trên, bắt buộc Văn Miếu - chốn linh thiêng - lại phải biến thành một dạng... trung tâm triển lãm - hội chợ. Vì thế, trong khi TP. HCM vừa có hội sách, vừa có nhiều không gian để tổ chức ngày hội đọc sách, mong ước có một ngày hội đọc sách - nói chuyện sách - mua sách thật sự ở Hà Nội vẫn hơi... xa vời, trong khi về tiếng, thủ đô vẫn là đất “ngàn năm văn vật”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận