05/03/2019 08:45 GMT+7

Cuộc 'rượt đuổi' mới của bán lẻ Việt

NHƯ BÌNH
NHƯ BÌNH

TTO - Sự tăng trưởng nhanh của thị trường bán lẻ Việt gắn với hình thành các xu hướng mới, tác động tới hành vi mua sắm của người tiêu dùng.

Cuộc rượt đuổi mới của bán lẻ Việt - Ảnh 1.

Người dân đi mua sắm dịp Black Friday tại TP.HCM - Ảnh: T.T.D.

Các nhà vận hành mặt bằng bán lẻ cũng như người đi thuê đang nỗ lực để "biến" những trung tâm, cửa hàng mua sắm thành nơi trải nghiệm thực sự cho khách hàng, thay cho đơn thuần bán hàng.

Mua sắm kết hợp với trải nghiệm

Bà Trần Thu Hiền, phó tổng giám đốc kinh doanh và marketing của Vincom Retail, cho biết đang lên kế hoạch phát triển mô hình trung tâm thương mại mới, kết hợp giữa mua sắm và trải nghiệm nhằm đáp ứng xu hướng tiêu dùng đòi hỏi tính tiện lợi và trải nghiệm cao hơn của khách hàng.

Mô hình mới này được triển khai tại các dự án trung tâm thương mại Vincom Mega Mall có quy mô lớn, khoảng 150.000m2/dự án. Các trung tâm đầu tiên theo mô hình này đặt trong khu đô thị Vincity tại Hà Nội và TP.HCM, dự kiến bắt đầu chào thuê trong năm nay và khai trương vào năm 2020-2021.

"Các trung tâm thương mại đang được phát triển trở thành một cộng đồng kết nối các đối tác bán lẻ. Chúng tôi dự kiến ứng dụng công nghệ hiện đại vào vận hành trung tâm thương mại, làm cầu nối giữa khách thuê và các đối tác viễn thông, ngân hàng, ứng dụng công nghệ" - bà Hiền nói thêm.

Theo các nhà bán lẻ, sự thay đổi nhanh chóng của thị trường thời gian qua khiến "tuổi thọ" của các mô hình, thiết kế của trung tâm thương mại ngắn hơn. Giám đốc một trung tâm thương mại ở Q.7 cho biết cứ 3 năm trung tâm này phải "làm mới" mình một lần, tức là cho thay đổi không gian mua sắm, thiết kế. 

"Ngay cả hằng tháng, hằng quý, chúng tôi cũng cho trang trí theo chủ đề, lễ hội để làm "mới mắt", tạo cảm giác bất ngờ cho khách hàng đến đây" - vị này chia sẻ.

Tại TP.HCM, các trung tâm thương mại đã không ngần ngại đầu tư những khu trải nghiệm mới như khu dạy nấu ăn, trưng bày tượng sáp hay tái hiện những không gian văn hóa... bằng việc tận dụng những phần diện tích trống của trung tâm thương mại.

Ông Geoffrey Morrison, sáng lập kiêm giám đốc điều hành Concept I, cho biết xu hướng này cũng đang diễn ra mạnh mẽ ở các nước. Rất nhiều trung tâm thương mại cũ ở Bangkok (Thái Lan) đã có điều chỉnh để làm sao cho nổi trội cuốn hút hơn, bắt mắt hơn. Nhiều thương hiệu hàng đầu cũng đã có những động thái cụ thể, xu hướng không gian bán lẻ đang thay đổi rất nhiều. 

Tại Ai Cập, một trung tâm mua sắm rộng 185.000m2 cũng vừa được các công ty tư vấn thiết kế đổi mới hoàn toàn bằng những không gian sinh động, sáng tạo gắn với ứng dụng công nghệ số.

Đáp ứng nhu cầu của khách hàng

Chuyên phát triển mô hình khu vui chơi cho trẻ em trong các trung tâm thương mại, ông Thomas Ngo, đồng sáng lập và là giám đốc điều hành N KID Group, nói mỗi khi mở một điểm mới phải suy nghĩ để thay đổi liên tục từng ngày, từng tháng phù hợp với thị hiếu. 

Đến nay, hệ thống này có 40 điểm trong Vincom, tiếp xúc hơn 4 triệu khách hàng, nhưng ông Thomas Ngo thừa nhận "đó là cuộc rượt đuổi" có khi hụt hơi.

"Suốt thời gian phát triển, có lúc chúng tôi đi trước, có lúc tụt lại sau nhưng tất cả vẫn là phải đi theo được nhu cầu của khách hàng. 

"Phải "điên khùng" vì khách hàng, nỗ lực đưa ra những trải nghiệm độc đáo, mới mẻ nhất để hấp dẫn khách hàng như đưa ra hồ cát lớn nhất trong nhà, thiết kế sân chơi giống như ngoài trời đưa vào nhà, đầu tư đưa tuyết đầu tiên về Việt Nam..." - ông Thomas Ngo nói.

Trong khi đó, theo bà Patricia Marques - tổng giám đốc Starbucks Việt Nam, chuỗi cà phê có 48 cửa hàng trên cả nước, thương hiệu này phải xây dựng lại các cửa hàng, sắp đặt chỗ ngồi làm sao để khách hàng thấy chỗ ngồi thuận tiện, không gian phù hợp nhất bởi "khách hàng của chúng tôi giờ tìm kiếm gì đó khác, không chỉ là một ly cà phê".

Chính những đòi hỏi thực tế đó buộc các nhà vận hành mặt bằng bán lẻ muốn thành công phải chú trọng những yếu tố, mô hình kinh doanh phù hợp. Đồng thời giải quyết các bài toán làm thế nào để ứng dụng công nghệ số, làm sao để tạo ra những hiệu dụng hữu ích tại cửa hàng của mình.

Bà Trần Thu Hiền cho biết doanh nghiệp này dự kiến có thêm 13 trung tâm thương mại mới trong năm 2019, đưa tổng diện tích sàn bán lẻ của hệ thống này lên 1,6 triệu m2. Các trung tâm mua sắm của Vincom không nhất thiết đi theo một tỉ lệ cơ cấu ngành hàng, không gian cố định, mà chú trọng những điểm nhấn thiết kế không gian mua sắm, đưa ứng dụng công nghệ...

Bước thay đổi của hệ thống này gần đây là hợp tác với nhiều nhà thiết kế nước ngoài để mang đến không gian mua sắm mới, bởi thiết kế bán lẻ mới không chỉ tập trung vào diện mạo mà là tương tác, trải nghiệm của khách hàng khi tiếp xúc với thiết kế đó.

Theo các chuyên gia, sự chuyển đổi của những nhà bán lẻ như Vincom cho thấy thị trường bán lẻ Việt đang chuyển sang một giai đoạn mới, cập nhật kịp thời xu hướng đang thay đổi mạnh mẽ của bán lẻ khu vực. Khi đó, các nhà vận hành trung tâm thương mại trở thành cầu nối giữa thương hiệu và người tiêu dùng.

Bán lẻ là ngành tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam

muasam

Các bạn trẻ cùng nhau mua sắm trong trung tâm thương mại tại TP.HCM - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Theo báo cáo mới nhất của Vietnam Report, ngành bán lẻ Việt Nam đã đứng đầu top 5 ngành có chỉ số tăng trưởng doanh thu kép cao nhất, với mức tăng 63% trong giai đoạn 4 năm từ 2014-2017.

Các ngành còn lại lần lượt là nông nghiệp, thép, cơ khí và viễn thông, tin học - công nghệ thông tin với tăng trưởng bình quân ở mức cao trên 44%. Theo các doanh nghiệp, tăng trưởng ngành có được nhờ sự tăng trưởng của thị trường trong nước và khu vực, thứ hai là nhờ sự mở rộng thị trường hiện có và cuối cùng là cải thiện cơ sở hạ tầng.

Bán lẻ theo chuỗi tăng nhanh đáng nể

TTO - Nội dung trên được đưa ra tại hội thảo "Tương lai của bán lẻ Việt Nam" do Công ty CP Vincom Retail, thành viên Tập đoàn Vingroup, tổ chức ngày 28-2.

NHƯ BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên