Phóng to |
Theo các doanh nghiệp, chỉ riêng chi phí vận tải biển với hàng xuất nhập khẩu, trong vòng bốn tháng qua mức tăng đã vào khoảng 50-70% so với trước đó. Thậm chí có hãng tàu còn tăng tới 100%.
Chóng mặt với phí
Ông Nguyễn Văn Vương, một đầu mối xuất khẩu nông sản ở TP.HCM, cho biết cuối tháng 4-2012, khi tham khảo giá cước của các công ty dịch vụ vận tải biển để làm hàng xuất đi Trung Quốc mới hay giá cước tăng ào ào. So với đầu tháng 1-2012, giá cước tăng gấp đôi. “Tăng như vậy, nếu không nắm được trước khi đàm phán hợp đồng để đưa vào giá bán thì cả doanh nghiệp xuất khẩu và nông dân đều thiệt thòi” - ông Vương lo lắng.
Theo ông Sáng - phụ trách vận tải biển Công ty TNHH tiếp vận và thương mại Nguyễn Ngọc (TP.HCM), hầu hết hàng xuất nhập đi các thị trường đều bị tăng cước. Hàng xuất đi thị trường Trung Quốc thời điểm trước tết một container 40 feet hàng sắn lát có mức 300 USD. Nhưng đến cuối tháng 4-2012, doanh nghiệp xuất khẩu phải trả tới 700 USD.
Nếu như trước tết, giá cước với hàng thông thường từ TP.HCM (chưa gồm phí và phụ phí) đi Hà Lan ở mức 1.800 USD/container thì nay lên tới 2.600 USD. Không dừng lại đó, trong tháng 5-2012 giá cước sẽ tiếp tục tăng thêm 500 USD. Đặc biệt, “do mức tăng quá lớn nên doanh nghiệp làm dịch vụ vận tải biển cũng rất khó khăn, mức lời ngày càng giảm, chỉ còn 20-30 USD/container” - ông Sáng nói. Theo một số doanh nghiệp xuất khẩu sắn lát, trong tháng 3-2012 tính bình quân giá cước xuất khẩu mặt hàng này khoảng 23 USD/tấn, nhưng sang tháng 4-2012 đã lên 28 USD/tấn.
Ông Nguyễn Thông, phó giám đốc Công ty dịch vụ tàu biển Liên Anh (TP.HCM), cho biết: “Hãng tàu tăng cước nhiều đến chóng mặt. Nếu so với cuối năm 2011, cước đi một số thị trường lớn đã tăng 50-70%, có hãng tàu tăng gấp đôi. Tăng như vậy doanh nghiệp chỉ có nước chết”. Theo các hãng tàu, sở dĩ phải tăng cước vì giá dầu tăng, phụ phí thu thêm mùa cao điểm và một số tuyến cắt giảm bớt lượng tàu chạy.
Không có lựa chọn?
Trước diễn biến giá cước vận tải với hàng xuất nhập khẩu tăng liên tục thời gian qua, các doanh nghiệp dịch vụ vận tải biển cho rằng hợp đồng xuất khẩu đã ký, nay dù cước phí tăng doanh nghiệp vẫn phải xuất bởi nếu không giao hàng đúng hẹn sẽ bị phạt, đền hợp đồng. Doanh nghiệp VN rơi vào tình thế không được lựa chọn vì đội tàu trong nước hoàn toàn không có khả năng gây ảnh hưởng lên thị trường vận tải xuất nhập khẩu với hàng VN.
Hiệp hội Chủ tàu VN cho biết hiện nay đội tàu trong nước chỉ đảm đương được 8% tổng khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của cả nước. Chưa kể đa số vẫn chưa tham gia các tuyến đi các thị trường chính của doanh nghiệp VN. Nhiều doanh nghiệp tàu biển trong nước còn đang đứng trước bài toán kinh doanh thua lỗ, phải bán tàu trả nợ.
Tại cuộc họp giao ban xuất khẩu mới đây của Bộ Công thương, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên cho biết nhiều hiệp hội ngành nghề đã có báo cáo cước vận chuyển tăng rất mạnh. Một số hãng tàu tăng cước vượt mức tác động của giá dầu, đơn phương áp đặt mức cước phí mới. Giải pháp đặt ra là các tổ chức như Hiệp hội Chủ hàng VN, Hiệp hội Chủ tàu VN cần tiếp tục nâng cao nội lực và tiến hành đàm phán với hãng tàu.
Ông Phan Thông (tổng thư ký Hiệp hội Chủ hàng VN): Cước phí cao vô lý Ở các nước trên thế giới, khi hãng tàu đưa ra cước và phụ phí bất hợp lý, hiệp hội chủ hàng lên tiếng là họ phải sợ vì đứng sau hiệp hội chủ hàng là các chủ hàng. Nếu hãng tàu không chịu điều chỉnh, họ sẽ không đi mà chuyển sang hãng khác. Tuy nhiên, ở VN các chủ hàng vẫn chưa tham gia hiệp hội chủ hàng nên hiệp hội đi đàm phán rất khó khăn. Doanh nghiệp kêu cước quá cao và nhiều phụ phí, hiệp hội cũng từng đi khảo sát, kiểm tra thấy cước phí cao vô lý, ngoài ra còn có nhiều khoản phí bất hợp lý, không đáng phải thu chủ tàu vẫn nghĩ ra để thu. Tuy nhiên, để có cơ sở làm việc, chúng tôi yêu cầu các chủ hàng gửi bảng thống kê các khoản cước tăng, các loại phí và phụ phí của từng hãng tàu thì chủ hàng lại không gửi cho hiệp hội. Thị trường VN có hàng trăm hãng tàu như vậy, nếu chủ hàng không đứng đằng sau hiệp hội thì hiệp hội sẽ không nắm được thông tin cụ thể để đàm phán với hãng tàu nào trước, khoản nào cần yêu cầu giảm, loại bỏ... |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận