TTCT - Xử lý vấn đề người tị nạn Syria là phải xây dựng lại sự hợp nhất quốc gia ở Syria và chống khủng bố, theo tờ Asharq-Al-Awsat (Saudi Arabia). Nhưng liệu điều đó có dễ thực hiện khi cuộc nội chiến ở Syria kéo dài bốn năm nay với nhiều can dự từ bên ngoài? Lính Jordan giúp trẻ tị nạn Syria tại vùng biên giới Trabeel, sau khi các em cùng gia đình vượt qua lãnh thổ Jordan-Reuters Trong cuộc tuần hành tại Paris (Pháp) ngày 5-9 ủng hộ tiếp nhận người tị nạn, các thanh niên Syria vừa đến Pháp đã giương hai khẩu hiệu nói lên nhiều điều: “Dừng các cuộc thảm sát của Assad = Dừng luồng người tị nạn”, “Châu Âu thân mến, chỉ cần bốc đi một người để khỏi phải đón tiếp hàng triệu người”. Tình hình Syria diễn biến ra sao để xảy ra thảm kịch này? Đôi bên không đội trời chung Phản kháng và “dẹp loạn” tại Syria bùng lên vào giữa tháng 3-2011. Phe phản kháng cũng tương tự như phong trào nổi dậy tại các quốc gia Ả Rập khác, với đặc điểm ban đầu là tự phát, không có lãnh đạo và không vũ trang. Ngay từ đầu, chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad đã thực thi chính sách trấn áp quyết liệt, không để cho phe phản kháng có thể tập hợp được lực lượng đông đảo. Máu đã đổ từ cuộc biểu tình đầu tiên ngày 15-3-2011 tại thành phố Dar’a, phía nam thủ đô Damascus. Kể từ lúc những người phản kháng bắt đầu cầm vũ khí chống lại chính quyền (cuối tháng 6-2011), cuộc nội chiến Syria đã kéo dài hơn bốn năm, với khoảng 250.000 người thiệt mạng, trên dưới 10 triệu người ly tán trong nước hoặc ra nước ngoài, hầu hết các thành phố đều bị tàn phá tan hoang. Tính chất khốc liệt của cuộc nội chiến chủ yếu do đôi bên không đội trời chung. Hận thù chồng chất từ suốt quá trình 40 năm cầm quyền theo kiểu “cha truyền con nối” của dòng họ al-Assad, cộng với những chết chóc thảm thương, tù đày khốn khổ, ly tán khắp nơi và tàn phá tan hoang suốt hơn bốn năm qua càng khiến cả đôi bên nhận thức rõ rằng không có chỗ tồn tại cho bên này nếu để bên kia toàn thắng. Đây là một trong những nguyên nhân căn bản khiến mọi nỗ lực dàn xếp từ phía Ả Rập và quốc tế đều thất bại. Sự can dự từ bên ngoài Nội chiến càng kéo dài thì sự can dự từ bên ngoài càng trở nên phức tạp. “Bên ngoài” đó gồm một bên là Iran và Nga ủng hộ chính quyền của Tổng thống al-Assad; bên kia là Mỹ, phương Tây và Ả Rập, Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ cho phe đối lập. Xét về mặt lợi ích thiết thân, Iran và Nga phải gắn bó hơn với sự tồn tại của chính quyền al-Assad. Từ khi chế độ Saddam Hussein bị Mỹ xóa sổ tại Iraq năm 2003, Iran đã nhanh chóng xây dựng được một khu vực ảnh hưởng mạnh mẽ lấn vào khu vực Đông Ả Rập bao gồm Iraq, Syria và Lebanon. Người Ả Rập gọi đây là “Vành đai Shi’a” của Iran. Nếu chính quyền al-Assad ở Syria sụp đổ thì phe đối lập, chủ yếu là theo dòng Suna, sẽ xóa sạch vai trò của Iran tại Syria, cắt đứt mắt xích quan trọng trong “Vành đai Shi’a” và khiến Hizbullah ở Lebanon bị cô lập với Iran. Với Nga, Syria cũng là đối tác chiến lược theo hiệp định hữu nghị và hợp tác ký năm 1980. Sau khi Liên Xô tan rã, Nga vẫn giữ một căn cứ hải quân tại cảng Tartus ở duyên hải tây bắc Syria. Căn cứ này hình thành từ năm 1971 và nay là chỗ đứng chân duy nhất của hải quân Nga tại khu vực Địa Trung Hải. Tartus còn có vị trí chiến lược đối với giao thông hàng hải quốc tế giữa biển Đen với Địa Trung Hải, để từ đó ra Đại Tây Dương hoặc xuống Ấn Độ Dương. Quan hệ giữa Iran và Nga với chính quyền của Tổng thống al-Assad là quan hệ giữa các quốc gia có chủ quyền và giữa các chính phủ hợp pháp với nhau. Dựa vào lợi thế “chính đáng” này, Nga và Iran không ngừng cung cấp viện trợ mọi mặt cho Damascus. Bởi thế quân đội Syria chưa bao giờ thiếu hụt vũ khí, bom đạn trong cuộc nội chiến đối đầu với các nhóm vũ trang đối lập vừa non trẻ, vừa hỗn tạp, lại luôn trong tình trạng trang bị thiếu thốn và bất cập. Mỹ, phương Tây và Ả Rập nhất quán lập trường ủng hộ chính trị cho phe đối lập suốt từ cuối năm 2011 đến nay. Nhưng sự ủng hộ ấy thiếu cơ sở pháp lý quốc tế nên luôn chập chờn, không nhất quán và kém hiệu lực trên thực địa. Mỹ không cung cấp vũ khí cho phe đối lập bởi không thể vũ trang cho “phiến quân” chống một chính quyền hợp pháp. Mãi đến giữa năm 2014, Tổng thống Barack Obama mới quyết định “cung cấp vũ khí sát thương có giới hạn” cho một số nhóm mà Mỹ xác định là “ôn hòa”. Sự phức tạp của IS Từ cuối năm 2013, tổ chức tiền thân của Nhà nước Hồi giáo (IS) xuất hiện cùng với Mặt trận Nusra (al-Qaeda ở Syria) và nhiều nhóm vũ trang Hồi giáo cực đoan khác. Các nhóm khủng bố và cực đoan này ngày càng thể hiện sức mạnh nổi trội trên chiến trường, khiến các tổ chức đối lập ôn hòa mà Mỹ và phương Tây vẫn quan hệ như “đối tác” trở nên lu mờ và ngày càng teo tóp. Rồi IS xuất hiện như một thực thể tại Syria - Iraq từ giữa năm 2014 và trở thành mối hiểm họa chưa từng thấy. Không chỉ chống chính quyền Syria, IS còn công khai đối đầu với các thế lực mà chúng gọi là “quân Thập Tự” (chỉ tất cả người theo đạo Thiên Chúa), “quân phản đạo” (như dòng Hồi giáo Shi’a mà Iran là đại diện) và “ngoại đạo” (chỉ tất cả những ai không theo Hồi giáo)! IS thật sự là kẻ thù và mối hiểm họa của toàn thế giới. Chính quyền Syria luôn coi tất cả phe đối lập vũ trang là “khủng bố”, tận dụng sự xuất hiện của IS để biện minh cho các hành động trấn áp khốc liệt của mình. Nga và Iran cũng lý giải cho việc họ tiếp tục bảo trợ cho chính quyền al-Assad là “để chống khủng bố”. Bên Ả Rập và Thổ Nhĩ Kỳ lại tận dụng khả năng tác chiến của các nhóm cực đoan, kể cả Mặt trận Nusra, để đối trọng với quân đội của al-Assad. Thật ra, người Ả Rập không chống “độc tài gia đình trị”, mà chỉ không chấp nhận al-Assad bởi coi ông này là “con bài thực hiện tham vọng của Iran”. Khói bốc lên từ căn cứ quân sự của lực lượng Chính phủ Syria sau cuộc đụng độ với lực lượng vũ trang đối lập ngày 13-9 tại vùng núi gần thành phố Duma, cách Damascus 10km về phía đông bắc -Reuters Bất đồng về giải pháp chính trị Sự xuất hiện của IS khiến các thế lực lớn vốn ủng hộ đôi bên kình chống nhau tại Syria tìm được một điểm chung là phải cùng nhau xóa bỏ thực thể khủng bố này. Mỹ - phương Tây và Nga đều nhận thấy không nên để thể chế nhà nước Syria sụp đổ, để tránh quốc gia này rơi vào hỗn loạn tương tự Libya hiện nay sau khi lãnh tụ Gaddafi bị “bứng đi”, vì sự hỗn loạn chính là môi trường thuận lợi cho cực đoan và khủng bố phát triển. Bởi vậy, các bên liên quan đang cùng với Liên Hiệp Quốc nỗ lực vận động dàn xếp một giải pháp chính trị tại Syria nhằm đạt được ngưng bắn, thành lập một chính quyền chuyển tiếp với một “chính phủ toàn quyền” gồm tất cả các bên xung đột tham gia, tiến tới tổng tuyển cử dân chủ... Đường hướng này hình thành từ giữa năm 2012, nhưng đến nay thì định hình rõ rệt hơn. Tuy nhiên, cản trở lớn nhất là đôi bên mâu thuẫn khó dung hòa về vai trò của Tổng thống al-Assad trong thời kỳ chuyển tiếp ở Syria. Nga và Iran khẳng định al-Assad vẫn “hợp pháp” để đứng đầu chính quyền chuyển tiếp. Số phận của ông này chỉ có thể quyết định trong cuộc bầu cử do cử tri Syria quyết định. Mỹ - phương Tây cùng Ả Rập và Thổ Nhĩ Kỳ nhất quyết không cho al-Assad một vai trò nào trong chính quyền chuyển tiếp cũng như tương lai sau đó của Syria. Yếu tố Saudi Arabia Từ đầu năm 2015, với việc Salman Ben Abdu al-Azeez lên ngôi hoàng đế, yếu tố Saudi Arabia chính thức xuất hiện như một thế lực đại diện cho Ả Rập để ứng xử với cả Mỹ, Nga liên quan đến Syria và những vấn đề khác xảy ra tại khu vực Ả Rập. Saudi Arabia và Thổ Nhĩ Kỳ liên kết lập trường với nhau về vấn đề Syria, tạo thành một thế lực khu vực có khả năng hành động không lệ thuộc vào Mỹ - phương Tây và Nga. Nhờ sự giúp đỡ mạnh mẽ của Ả Rập và Thổ Nhĩ Kỳ, lực lượng vũ trang đối lập đẩy lùi quân đội Syria trên nhiều mặt trận quan trọng, khiến chính quyền al-Assad và các đồng minh của họ (Iran, Hizbullah...) rơi vào thế phải chống trả quyết liệt để tồn tại. Thủ đô Damascus và khu vực duyên hải phía tây bắc Syria (nơi có quân cảng Tartus của Nga và có quê hương của al-Assad) bị đe dọa nghiêm trọng. Diễn biến này là một trong những nguyên nhân tức thời khiến Nga phải tăng cường sự hiện diện quân sự của mình tại khu vực từ đầu tháng 9. Khi tiếp xúc với Tổng thống Nga Vladimir Putin và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hồi cuối tháng 8 vừa qua, các đại diện của Ả Rập (ngoại trưởng Saudi Arabia, nhà vua Jordan, tổng thống Ai Cập) đều khẳng định lập trường không thể “không tính sổ” với al-Assad và những người thân cận của ông này trong chính quyền Syria, về “những tội ác ghê tởm” của họ đối với nhân dân và đất nước Syria suốt bốn năm qua, và không thể có một vai trò nào cho al-Assad trong một giải pháp chính trị ở Syria! Lập trường kiên quyết của Ả Rập không đơn thuần chỉ là “vấn đề Syria”, mà đây là một nội dung trong cuộc đối đầu mang tầm khu vực giữa Ả Rập với Iran. Đôi bên Syria không thể chấp nhận sự tồn tại của của đối thủ. Cuộc nội chiến Syria nay mang bản chất của cuộc đối đầu Ả Rập - Iran. Các nước lớn, nhất là Mỹ và Nga, đều lấn bấn với rất nhiều nỗi bận tâm mang tầm toàn cầu của họ.■ Bao nhiêu người Syria đã ra đi? Trước chiến tranh, dân số Syria là 22 triệu người. Theo một báo cáo của Tổ chức Ân xá quốc tế Amnesty International, từ đầu cuộc xung đột vào tháng 3-2011 đã có hơn 4 triệu người trốn chạy khỏi nước này và 95% trong số đó được tiếp nhận ở Thổ Nhĩ Kỳ, Lebanon, Jordan, Iraq và Ai Cập. Thổ Nhĩ Kỳ tiếp nhận nhiều nhất với 1,9 triệu người. Còn theo số liệu của Cao ủy tị nạn Liên Hiệp Quốc, từ khi xung đột khởi phát có khoảng 123.600 người Syria tìm đường sang châu Âu (số liệu từ tháng 7-2014). Nói cách khác, từ năm 2011 chỉ có 4% người Syria tìm được chỗ tị nạn ở các nước châu Âu. Tuy nhiên, đơn xin tị nạn vào EU trong năm 2015 tăng lên đáng kể: 755.000 hồ sơ tính đến cuối tháng 6-2015, tăng 65% so với năm ngoái, theo tạp chí The New Stateman của Anh.L.T. Tags: SyriaKhủng hoảng SyriaNội chiến Syria
Học toán trong thời đại AI: Ta cần nghĩ tới những điều mình có thể giúp người khác KHỔNG LOAN 19/12/2024 2011 từ
Tinh gọn bộ máy: Phải có 'đường chạy' nhất quán CAO VŨ MINH (TRƯỜNG ĐH KINH TẾ - LUẬT) 18/12/2024 1788 từ
Thuế nào chống đầu cơ bất động sản hiệu quả? TS Phan Phương Nam (Trường đại học Luật TP.HCM) 18/12/2024 1720 từ
Phi công tiêm kích Su30-MK2 kể về màn khoan, thả đạn nhiễu NAM TRẦN 19/12/2024 Tập trung cao độ, phi công điều khiển chiếc tiêm kích Su30-MK2 mang số hiệu 8591 tiến về phía khu vực lễ đài, bật tăng lực bay thẳng đứng thả 96 quả đạn nhiễu, đồng thời làm động tác khoan xoay nhiều vòng.
Kẻ đốt quán cà phê làm 11 người chết khai: vì bị đánh nên không kiềm chế được bản thân DANH TRỌNG 19/12/2024 Tại công an, Cao Văn Hùng tỏ ra bình thản, khai do bị đánh nên thiếu suy nghĩ, không thể kiềm chế được bản thân dẫn đến phóng hỏa đốt quán cà phê làm 11 người chết.
Điện Quang báo lỗ, ông Hồ Quỳnh Hưng không còn là người đại diện pháp luật BÌNH KHÁNH 19/12/2024 Ông Hồ Quỳnh Hưng, chủ tịch HĐQT Tập đoàn Điện Quang, không còn là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp này. Người thay thế là ông Trần Quốc Toản.
Ông Putin bất ngờ tuyên bố sẽ cho ông Zelensky tị nạn chính trị NGỌC ĐỨC 19/12/2024 Tổng thống Nga khẳng định không thể trách quyết định ân xá con trai của ông Biden, đồng thời tuyên bố sẽ cấp tị nạn chính trị cho ông Zelensky nếu ông ấy cần.