15/11/2021 09:44 GMT+7

Cuộc hồi sinh của tộc người tưởng như tuyệt chủng dưới chân núi Ka Đay

LÊ MINH
LÊ MINH

TTO - Dưới chân núi Ka Đay, một tộc người tưởng như tuyệt chủng hàng chục năm trước nay "lột xác" đổi thay không ngừng. Cái thời sống trong hang đá, dùng vỏ cây che thân đã thành ký ức, nhường chỗ cho những mái ngói đỏ tươi và trang phục sặc sỡ.

Cuộc hồi sinh của tộc người tưởng như tuyệt chủng dưới chân núi Ka Đay - Ảnh 1.

Những ngôi nhà ngói khang trang của người Chứt tại khu tái định cư ở bản Rào Tre, xã Hương Liên - Ảnh: LÊ MINH

"Ta không nhớ tuổi"

Con đường nhỏ ngoằn ngoèo từ trung tâm huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) vào bản Rào Tre (Hương Liên) có chiều dài khoảng 20km. Dưới chân núi Ka Đay, hàng chục ngôi nhà với mái ngói đỏ tươi là nơi cư ngụ của gần 150 người dân tộc Chứt suốt hơn 30 năm qua.

Dẫn chúng tôi đi sâu vào bản Rào Tre, trung tá Dương Thanh Tịnh (tổ công tác cắm bản Rào Tre thuộc Bộ đội biên phòng tỉnh Hà Tĩnh) chỉ vào nhóm người mang bó củi lớn đi thoăn thoắt trên đường nói: "Người Chứt đã khác xưa nhiều rồi, họ đã biết kiếm củi về đổi gạo, không còn dùng trâu đổi rượu như xưa".

Những năm 1960, 18 người Chứt từ tỉnh Quảng Bình băng rừng đến sinh sống trên những dãy núi phía tây huyện Hương Khê. Họ ở trong hang đá, sống bằng săn bắt, hái lượm.

Bộ đội biên phòng tỉnh Hà Tĩnh khi đó phát hiện nhóm người "lạ" nên đã vận động họ rời rừng về sống ở bản Giàng (xã Hương Lâm). Không quen cuộc sống mới, cũng không thể quên những hang đá xa xôi nên người Chứt lại bỏ làng, bỏ bản về với núi thiêng.

Mãi đến những năm 1990, tỉnh Hà Tĩnh lập bản nhỏ dưới chân núi Ka Đay để đưa người Chứt ra sinh sống. Người Chứt có không gian riêng, được bộ đội dạy cách làm ăn, dạy tiếng nói, chữ viết…

Trung tá Tịnh kể người Chứt không có tên, chẳng biết bản thân sinh năm nào. Khi đưa về bản Rào Tre sinh sống, bộ đội "nhìn mặt đặt tên" và đoán tuổi từng người để làm chứng minh nhân dân.

Trên đường vào bản, chúng tôi gặp hai người đàn ông ôm lá cọ bước tới. Hỏi mới biết họ chặt về làm chuồng gà. Khi được hỏi tuổi, cả hai đều lắc đầu.

"Ta nhớ tên thôi, tuổi ta quên rồi. Muốn biết tuổi ta cứ đi hỏi bộ đội. Ta chỉ nhớ ra khỏi rừng được bộ đội bày cho làm nhà, bày cách kiếm cái ăn, ta ốm đến bộ đội xin thuốc uống", ông Hồ Do nói.

Cuộc hồi sinh của tộc người tưởng như tuyệt chủng dưới chân núi Ka Đay - Ảnh 2.

Tổ công tác cắm bản Rào Tre thuộc Bộ đội biên phòng tỉnh Hà Tĩnh luôn quan tâm, chăm lo đời sống cho người Chứt - Ảnh: LÊ MINH

Với người Chứt, thầy mo rất quan trọng. Họ coi đó là những người xua tà, đuổi quỷ, chữa bệnh bằng cách cúng tế. Dù đã xa cuộc sống "nguyên thủy" nhưng nhiều hủ tục dai dẳng đeo bám người Chứt khiến cho các cán bộ biên phòng cắm bản cũng phải rùng mình.

Người con trai lấy vợ, chỉ cần người mang bó củi đến bỏ trước cửa nhà cô gái, gia đình người con gái lấy bó củi vào bếp đun thì người con trai được tự do đến nhà cô gái ăn ở. Cũng vì tập tục này dẫn đến tình trạng hôn nhân cận huyết thống trong cộng đồng người Chứt.

Phụ nữ người Chứt mang bầu không được sinh ở nhà mà phải lên núi dựng lán tự sinh một mình. Đứa trẻ sinh ra tắm bằng nước suối, cơ thể yếu đuối nên chết nhiều hơn sống. Mãi một tháng sau sinh người phụ nữ mới được quay trở về nhà.

Minh chứng cho hủ tục này là chị Hồ Thị Nhân. Năm đứa con của chị chết khi mình chị vượt cạn trên núi. Lần thứ 6, chị được sinh ở nhà, nhưng mang thai ngược nên tính mạng mẹ con nguy kịch. Gia đình bảo "con ma rừng bắt", thầy mo đến cúng mãi không xong, may mắn bộ đội biên phòng đến kịp thời mẹ con chị mới tai qua nạn khỏi.

Còn nhiều trăn trở

Trở về định cư trên vùng đất mới, đời sống của người Chứt thay đổi hẳn. Họ đã biết canh tác lấy lương thực, không còn cảnh thấy trâu người khác vào ăn lúa của mình thì đứng trên bờ nhìn một cách tò mò. 

Nhiều hủ tục cũng được xóa bỏ, người Chứt không còn tìm đến thầy mo để "xua đuổi con ma rừng" mỗi khi đau ốm, họ mua tivi, sắm xe máy chạy vù vù quanh bản.

Cuộc hồi sinh của tộc người tưởng như tuyệt chủng dưới chân núi Ka Đay - Ảnh 3.

Trẻ em người dân tộc Chứt lớn lên đã được đến trường - Ảnh: LÊ MINH

Có một sự thay đổi rõ nét trong cộng đồng người dân tộc Chứt là tình trạng hôn nhân cận huyết đã giảm hẳn, qua đó tránh được nguy cơ suy thoái nòi giống. 

Để có thành quả này, lực lượng bộ đội biên phòng ra sức tuyên truyền, vận động, thậm chí đứng ra làm mai mối để người Chứt vượt qua mọi rào cản lấy người dân tộc khác. Đến nay, bộ đội biên phòng đã tác hợp cho 7 người Chứt lập gia đình với người Kinh, người Mã Liềng ở cả hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình.

Dù vậy, cuộc sống người Chứt quanh quẩn với vài sào ruộng, kiếm củi rừng và khai thác lâm sản nên thu nhập bấp bênh. Bản Rào Tre có 43 hộ đồng bào người Chứt thì mới có 5 hộ thoát nghèo. Trong gần 150 nhân khẩu, có vài người thoát ly khỏi làng đi làm ăn xa.

Theo trung tá Tịnh, tình trạng chênh lệch giới tính ở người Chứt cũng là điều đáng lo lắng. Hiện nay, có 16 người Chứt đủ tuổi hôn nhân thì có 14 nam, 2 nữ. So với nữ, nam giới người Chứt khó lấy vợ người dân tộc khác hơn, vì vậy nếu không khéo léo vận động và tạo điều kiện cho họ tiếp xúc bên ngoài thì nguy cơ hôn nhân cận huyết có thể tái diễn.

"Để đời sống người Chứt sớm bắt kịp với mặt bằng chung, Nhà nước cần giao rừng sản xuất cho họ, hỗ trợ cây trồng, con giống để người dân sản xuất, tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho thanh niên trong bản để họ có cuộc sống ổn định, có điều kiện giao lưu, hòa nhập với người dân tộc khác", trung tá Tịnh nói.

Nhiều hộ dân tộc thiểu số thiếu đất trồng nhưng lại bán đất cho người khác Nhiều hộ dân tộc thiểu số thiếu đất trồng nhưng lại bán đất cho người khác

TTO - Một nghịch lý đang diễn ra với đồng bào dân tộc thiểu số: có khoảng 378.000 hộ được ghi nhận thiếu đất sản xuất với tổng diện tích khoảng 211.000 ha, nhưng họ vẫn đang tiếp tục chuyển nhượng lại đất cho người khác.

LÊ MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên