Không chỉ giới thiệu về tập hồi ký Thời gian trong mắt tôi tái bản sau 30 năm, nhiều kỷ niệm khó quên và những cảm nhận đặc biệt của các nhà thơ, nhà văn, nhà làm phim, những học trò thân thiết cùng hai con gái của bác sĩ Trần Hữu Nghiệp cũng được chia sẻ tại buổi tọa đàm.
Cốt cách văn hóa của một thầy thuốc cách mạng
Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp sinh năm 1911 tại Tân Thủy, Ba Tri, Bến Tre. Ông tốt nghiệp Y khoa Đông Dương ở Hà Nội, sang Pháp tu nghiệp rồi về Mỹ Tho mở phòng mạch năm 1937.
Khi kháng chiến Nam Bộ bùng nổ, ông đi theo tiếng gọi non sông, góp công đặt nền móng cho ngành dân y và trở thành hiệu trưởng đầu tiên của Trường Cán bộ Y tế trung ương.
Ông được phong tặng Nhà giáo nhân dân năm 1988, mất năm 2006 tại TP.HCM, hưởng đại thọ 96 tuổi. Cuộc đời đầy lý tưởng và trải nghiệm của ông là cả một kho tư liệu quý giá.
Đáng quý hơn, ông còn cầm bút và để lại hậu thế hàng chục tác phẩm giá trị qua bút danh Hằng Ngôn và tập hồi ký Thời gian trong mắt tôi, tác phẩm quan trọng nhất bao gồm cả hồi ký, tùy bút và những biên khảo mà ông tâm đắc.
Theo nhà văn Bích Ngân - chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM, sau 30 năm, gần 400 trang Thời gian trong mắt tôi vẫn vẹn nguyên thú vị và thuyết phục bạn đọc. Bởi lẽ bác sĩ Trần Hữu Nghiệp đã viết bằng tấm lòng một thầy thuốc cách mạng và khí chất của một kẻ sĩ Nam Bộ. Qua lối kể chuyện chân thật, nhẹ nhàng, ông gợi mở nhiều suy tư về những ân tình cần gìn giữ, nâng niu.
"Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp là một người đa tài. Về y học, chính trị, văn học đều xuất sắc. Văn phong của ông đậm chất Nam Bộ rất riêng, không lẫn vào đâu. Nhiều bài như tùy bút rất sâu sắc, đôi khi hóm hỉnh, cay cay" - nhà văn, đại tá Đỗ Viết Nghiệm, người viết truyện ký Trần Hữu Nghiệp - Đời kẻ sĩ, cảm nhận.
Một nhân cách lớn trong lòng nhiều thế hệ
Với nhà thơ Lê Thiếu Nhơn, tập hồi ký còn làm nổi bật ba vai trò khác ít được biết đến của bác sĩ Trần Hữu Nghiệp. Đó là vai trò viết sử cung đình, phê bình văn học và phản biện xã hội.
Nhà thơ đưa ra các dẫn chứng: không ai viết về thơ Hải Thượng Lãn Ông hay như ông; và từ thập niên 1980, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp đã có những phản biện về cường hào mới ở nông thôn, về biện sĩ...
Đáng ngưỡng mộ là ông viết bằng tầm nhìn của một trí thức từng trải, với giọng điệu ôn hòa gần gũi và không hề dùng chủ quan của mình để áp đặt người khác.
Bác sĩ Trần Kiều Miên, con gái bác sĩ Trần Hữu Nghiệp, khiến khán phòng lặng đi khi kể về những nỗi niềm riêng. Vì đại cuộc, cô và các chị ở miền Bắc, còn ba mẹ trở lại miền Nam. Ngày gặp lại, các con đã lớn, ba mẹ phải hỏi tên chứ không phân biệt được ai là chị cả, ai là em út.
Nhưng ông là một người ba gương mẫu, xứng đáng, người đã đào luyện cho con những lý tưởng để cống hiến và luôn đồng hành, tìm lối đúng để định hướng cho con. Trong đó có Kiều Miên nối nghiệp ba mình.
Với nhà thơ Kim Ba, chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Bến Tre, tập hồi ký của bác sĩ Trần Hữu Nghiệp là tư liệu quý để ông chia sẻ đến thế hệ trẻ quê nhà về một nhân sĩ yêu nước, một thầy thuốc y đức, một người con đầy tự hào của quê hương Bến Tre.
Theo bà Nguyễn Ánh Tuyết - phó giám đốc Nhà xuất bản Tổng Hợp TP.HCM: "Thời gian trong mắt tôi khi ra mắt bạn đọc lần đầu đã được đánh giá vừa giàu chất tư liệu vừa giàu chất văn chương.
Những câu chuyện của ông như những thước phim tài liệu lịch sử quý giá, chân thực. Toát lên trong từng câu chữ tấm lòng của một chí sĩ yêu nước, một lương y nhân hậu, yêu thương con người. Một nhân cách lớn lưu dấu ấn trong lòng độc giả bằng những câu chuyện đời, chuyện nghề sâu sắc và tinh tế".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận