29/08/2019 08:59 GMT+7

Cuộc hội ngộ của 'chim cánh cụt'

PHẠM VŨ
PHẠM VŨ

TTO - Sinh ra khác lạ với mọi người, nhiều năm rồi Hoài Thương tưởng chỉ có mình mình là "chim cánh cụt". Hiếu Thảo cũng là "độc nhất" ở miệt Cù Lao Dung. Thế rồi một ngày hai cô bé gặp nhau, ngắm nghía, khoác vai và cùng hẹn sẽ cố gắng thành bác sĩ.

Cuộc hội ngộ của chim cánh cụt - Ảnh 1.

Niềm vui tràn ngập của đôi “chim cánh cụt” - Ảnh: TỰ TRUNG

Hãy cứ ước mơ hái được Mặt trăng, nếu không được thì bạn cũng đang với đến các vì sao.

Bốn năm rồi kể từ lần đầu xuất hiện trên Tuổi Trẻ ("Em vẫn cười dù cuộc đời bất hạnh", 23-8-2015), Hoài Thương nay đã 12 tuổi, lên lớp 6 và bắt đầu trở thành một cô gái biết làm điệu.

Cuộc hội ngộ của 'chim cánh cụt'

Hoài Thương đã lớn

Thương xin mẹ mua cho một chiếc giày công chúa để xỏ vào hai ngón chân, cột tóc thật kiểu cách, xịt chút dầu thơm mỗi khi đi học.

Mấy tháng nay, Thương có một niềm vui mới: cô em gái kết nghĩa Trần Thị Hiếu Thảo ở Cù Lao Dung, Sóc Trăng thật giống Thương ở điểm độc đáo "chim cánh cụt". Mỗi khi đi học về, hai chị em lại ríu rít gọi điện thoại cho nhau: "Em về chưa? Ăn cơm chưa? Mệt không?...". 

Cuối tuần này, niềm vui của cả hai được nhân lên nhiều lần nữa. Ba mẹ đưa Hoài Thương về tận Cù Lao Dung để dự sinh nhật người bạn Hiếu Thảo tròn 9 tuổi.

Ra dáng chị hai, Thương đã quan sát thấy Thảo di chuyển chủ yếu trên tay ông bà ngoại. Thương xin ba đóng cho em một chiếc ghế lăn giống như mình. Và vừa gặp nhau, việc đầu tiên là Thương dạy Thảo cách ngồi lên ghế, cách nhón mẩu chân của mình xuống đất để đẩy đi. 

Suốt buổi chiều, hai chị em thi nhau lăn qua trượt lại. Thương - Thảo cười khanh khách hồn nhiên. Các cậu bé em họ của Thảo lẫm chẫm chạy theo vỗ tay, những người lớn nhìn nhau gật đầu thương yêu... Trong khi những giải pháp như chân giả, tay giả vẫn chưa phát huy được tác dụng khả thi thì các con đã tự tìm được cách cho mình như vậy đó.

Thương tặng cho Thảo mấy con thỏ non mà mẹ Giang nuôi. Thương cùng Thảo đẩy bút vẽ búp bê, công chúa. Trong tâm hồn đôi chị em "chim cánh cụt", cô công chúa nào cũng thật cao và đi đôi giày cao gót thật đẹp...

Cuộc hội ngộ của chim cánh cụt - Ảnh 4.

Chị Thương (trái) tặng em Thảo chú thỏ - Ảnh: TỰ TRUNG

Ước mơ bác sĩ

Hiếu Thảo đã kể với rất nhiều người đến thăm em về ước mơ được làm bác sĩ để chữa bệnh cho ông bà ngoại. Hôm nay, khi thổi chiếc bánh sinh nhật 9 tuổi, cô bé thì thầm lặp lại ước mơ ấy, và như được tiếp thêm phấn khích khi Hoài Thương reo lên: "Giống chị, chị cũng muốn làm bác sĩ". Hai cô gái cười toe, mỏm tay cụt chạm vào nhau "Yeah! Yeah!".

Mẹ Giang của Thương giấu mặt sang hướng khác, cười buồn, kể chuyện Thương đã lặp đi lặp lại giấc mơ này bao lần từ khi nhỏ xíu. Mẹ cắc cớ bảo: "Con không có tay thì làm sao tiêm thuốc, làm sao mổ cho bệnh nhân mà đòi làm bác sĩ?". Thương vẫn đinh ninh: "Con sẽ khám, định bệnh, cho thuốc. Chị Hai sẽ làm y tá để tiêm thuốc". 

Không biết giấc mơ ấy của Thương đã lớn đến độ nào mà Quỳnh Như, chị Hai của Thương, quả nhiên đã say mê ngành điều dưỡng và đang theo học tới năm thứ hai.

Đã gặp nhiều người khuyết tật và nghe rất nhiều lời khuyên, nhiều chương trình để người khuyết tật thực hiện, xây dựng ước mơ của mình, chúng tôi vẫn cảm thấy ước mơ của các cô gái "chim cánh cụt" hôm nay có lẽ khó khả thi bởi các bác sĩ nhất thiết phải có đôi bàn tay vàng. Nhưng cũng đâu có sao. 

Ai đó đã nói: "Hãy cứ ước mơ hái được Mặt trăng, nếu không được thì bạn cũng đang với đến các vì sao".

Cuộc hội ngộ của chim cánh cụt - Ảnh 5.

Chị em giúp nhau học hành - Ảnh: TỰ TRUNG

Các chân giả, tay giả mà Thương và Thảo đã từng tập và cố gắng sử dụng đến nay vẫn chưa phát huy được tác dụng. Vậy nhưng với hai mẩu tay của mình, Thương không chỉ tự sinh hoạt mà vẫn có thể giúp mẹ quét nhà, phơi quần áo, Thảo vẫn viết chữ và vẽ thật đẹp, vẫn vui chơi thật hòa đồng, thoải mái với bạn bè. Ước mơ của các em - cho đến bây giờ - chưa bao giờ phải nhuốm màu của phân biệt, mặc cảm.

Đã hơn 10 năm, mọi tâm lực của chị Cẩm Giang là dồn vào Hoài Thương, không thể đếm hết những giọt mồ hôi và nước mắt của cả hai mẹ con để hôm nay Hoài Thương 12 tuổi có thể tự lực trong mọi việc. Và hôm nay, chị Giang lại tiếp tục lo lắng khi quan sát thấy bé Thảo còn phụ thuộc nhiều vào bà ngoại. 

"Con học chị Thương nè, con làm như vầy, như vầy nghen...", chị kiên nhẫn tranh thủ chút thời gian để hướng dẫn Thảo.

"Nhất định các con sẽ phải lớn lên, phải vững vàng, dù có thiệt thòi hơn người khác", chị nói vậy và hẹn hò sẽ tiếp tục hướng dẫn bé Thảo qua kênh liên lạc trực tuyến. Cũng thông qua mạng Internet mà một nhà hảo tâm đã nhận Thương làm cháu ngoại, Thảo làm cháu nội.

Hai chị em gặp nhau hôm nay và nhất định sẽ còn đồng hành cùng nhau trong cuộc đời...

Cuộc hội ngộ của chim cánh cụt - Ảnh 6.

Bên quà sinh nhật yêu thương - Ảnh: TỰ TRUNG

Em đẩy chân phải, chị đẩy chân trái

Nguyễn Hoài Thương: Em gài cái muỗng vào đồng hồ ở tay như chị nè, thế là sẽ xúc ăn được nhanh hơn.

Ngồi lên xe rồi Thảo đẩy bằng chân phải, chị đẩy chân trái. Vậy mà chị quên mất, ở nhà chị còn nhiều chiếc giày chân phải không dùng. Không biết bao giờ được gặp em lần nữa để mang cho em.

819-1531 2(read-only)

Thương dạy em cách di chuyển bằng ghế lăn - Ảnh: TỰ TRUNG

Trần Thị Hiếu Thảo: Nay là lần đầu tiên em được tổ chức sinh nhật, mà làm lớn như vậy, được mời tất cả các bạn, cả cô giáo, lại có cả chị Thương đi thật xa đến dự. Chị về rồi, em sẽ nhớ chị lắm!

Khi nào không phải đi học, chị Thương xuống đây chơi với em nha. Tháng 10, em rất muốn lên dự sinh nhật chị, nhưng ngoại bị say xe, không có ngoại thì em không đi được. Mong khi nào em lớn, em có thể tự đi một mình.

PHẠM VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên