Bức thư pháp thể hiện câu Kiều “Trời còn để có hôm nay/ Tan sương đầu ngõ vén mây cuối trời” - Ảnh: L.Điền |
Triển lãm vừa khai mạc sáng 17-1 trong tiền sảnh Thư viện Khoa học Tổng hợp TP.HCM.
Đây là chương trình triển lãm quy mô với nhiều nội dung, nhân dịp kỷ niệm 250 năm ngày sinh của đại thi hào dân tộc (1765 - 2015) do Thư viện Khoa học Tổng hợp (KHTH) TP.HCM cùng Công ty Cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam phối hợp tổ chức.
Hai câu chữ Nôm theo nguyên tác của Nguyễn Du nói trên được nhà thư pháp Lâm Hán Thành thể hiện theo kiểu Lệ thư, là một trong 20 tác phẩm thư pháp Hán Nôm thể hiện các trích dẫn tác phẩm Nguyễn Du nhân dịp triển lãm này.
Đặc biệt, Tuần lễ triển lãm này là dịp hội ngộ của các bản Kiều cổ, quý hiếm từ sưu tập của Thư viện KHTH và các nhà sưu tập danh tiếng.
Từ bản Kiều 1866 đến bản Kiều hàng chục triệu đồng
|
Một nhà sưu tập cho biết nhiều người từng nghe danh tiếng các bản Kiều nôm, nghe truyền miệng về giá cả giao dịch bấy lâu nay nhưng chưa được trực tiếp chứng kiến, nên háo hức muốn một lần được xem tận mắt.
Trong số ba bản Kiều gốc mà Thư viện KHTH đưa ra trưng bày lần này có một bản được mua từ một nhà sưu tập nổi tiếng, giá lên đến hàng chục triệu. Đó là bản Kim Vân Kiều tân truyện, niên đại Bảo Đại năm Đinh mão (1927) do Quảng Thạnh hiệu (Hà Nội) phát hành, bản gốc gồm 144 trang. Hai bản còn lại cũng đều cổ quý là Kim Vân Kiều truyện do Kim Bảo Lâu thư cục tổng phát hành, niên đại Tân mão (1892?); và Kim Vân Kiều tân truyện niên đại Nhâm thân (1932) do Kim Ngọc Lâu phát đoái. Ngoài ra, Thư viện KHTH còn trưng bày phiên bản phục chế 20 bản Kiều nôm (của các nhà xuất bản khác nhau), trong đó có chín bản chép tay.
Quan trọng là trong số này có bản Kiều niên đại 1866 là bản cổ nhất được tìm thấy cho đến nay.
Phiên bản phục chế quyển Kiều niên đại 1866 – cổ nhất được tìm thấy đến nay - Ảnh: L.Điền |
Dịp này, Thư viện KHTH cũng phát hành quyển Thư mục Nguyễn Du – cuộc đời và tác phẩm với các nguồn từ sách, báo, tạp chí theo ba mảng: Thân thế sự nghiệp Nguyễn Du; Tác phẩm Nguyễn Du; Các bài nghiên cứu bình luận.
Những bản Kiều chép tay
Từ phía các nhà sưu tập, đây là cuộc hội ngộ thú vị. Nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân mở tủ đưa đến trưng bày bản Kiều nôm nhan đề Kim Vân Kiều thích chú. Đây là bản Kiều chép tay, trải bao biến động đã bị rách phạm một số chữ, nhưng trang bìa vẫn còn nét bút rất đẹp, ghi rõ “Nam Việt Gia Định Thành cư sĩ Duy Minh Thị trùng san”, niên đại Kỷ mão 1879.
Giới nghiên cứu Kiều cho biết đây là bản hiếm, xưa nay ít thấy, mà chữ viết rất đẹp, ngờ rằng chính tay Duy Minh Thị đã chép bản này, nếu vậy thì rất có giá trị trên nhiều phương diện.
Bản Kiều Duy Minh Thị chép tay của nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân - Ảnh: L.Điền |
Bản chữ Nôm Thúy Kiều truyện tường chú xuất bản tại miền nam hồi 1967 do Chiêm Vân Thị chú đính cũng xuất hiện lần này.
Một bản Kiều nôm chép tay từ tủ sách của nhà nghiên cứu Nguyễn Quảng Tuân cũng góp mặt là Đoạn trường tân thanh, bản chép tay của Lâm Nọa Phu, niên đại Tự Đức Canh ngọ (1870).
Một bản nôm khác từ tủ sách của nhà sưu tập Trần Văn Chung là Kim Vân Kiều tân tập, do Quan Văn đường tàng bản, niên đại Thành Thái Bính ngọ (1906).
Nhà sưu tập, linh mục Nguyễn Hữu Triết cũng đưa đến Tuần lễ kỷ niệm Nguyễn Du bản Kiều nôm Kim Vân Kiều tân truyện, do hiệu Bảo Hoa Các ở Phật Trấn (Quảng Đông – Trung Quốc) khắc in.
Nhà sưu tập Vũ Hà Tuệ cũng mang đến triển lãm cả bộ sưu tập cá nhân của anh, trong đó có các bản quý như Kim Vân Kiều truyện do Trương Vĩnh Ký phiên âm quốc ngữ, bản in lần ba năm 1911; bản Tập văn họa kỷ niệm Nguyễn Du do Hội Quảng Tri in năm 1942 với đầy đủ các tranh phụ bản của 11 họa sĩ nổi tiếng như Tô Ngọc Vân, Phạm Hầu, Lê Văn Đệ, Nguyễn Đỗ Cung, Tôn Thất Đào…
Triển lãm mở cửa đến hết ngày 25-11.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận