10/03/2007 06:04 GMT+7

Cuộc hoàn lương khó nhọc

QUANG THIỆN - ĐỨC BÌNH
QUANG THIỆN - ĐỨC BÌNH

TT - Hà Mạnh Cường (23 tuổi, ở tổ 1, phường Quyết Thắng, thị xã Sơn La) đã vượt lên từ vực thẳm và đang vật vã giành lại cơ hội hạnh phúc dù muôn ngàn gian khó.

7aHlAkJO.jpgPhóng to

Cường thắp hương cho bố: “Thưa bố, con đã thay đổi rồi, con sẽ không bao giờ nghiện ngập nữa” - Ảnh: Đ.Bình

TT - Hà Mạnh Cường (23 tuổi, ở tổ 1, phường Quyết Thắng, thị xã Sơn La) đã vượt lên từ vực thẳm và đang vật vã giành lại cơ hội hạnh phúc dù muôn ngàn gian khó.

Kỳ 2: “Pháo đài” từ lòng bác áiKỳ 1: Những cơn ác mộng

Đốt đời

Nhà Cường có hai anh em. Em gái Cường ngoan ngoãn và chăm học. Bố làm cán bộ thanh tra của một sở. Mẹ là giáo viên cấp I thị xã. Cuộc sống gia đình khá giả và có thể được gọi là phong lưu ở miền quê phố núi. Nhưng khi Cường 12 tuổi, mới vào lớp 6 thì bố mẹ ly dị. Cường ở với bố, bà nội và người cô bị bệnh thần kinh. Em gái theo mẹ về sống với ông bà ngoại.

Dù cuộc sống khó khăn, Cường vẫn được bố nuôi ăn học lên cấp III tại một trường uy tín nhất Sơn La. Lúc này Cường đã ý thức được hoàn cảnh và trách nhiệm của mình nên ngoài giờ học, Cường ra đầu phố nhận xúc cát thuê từ bãi lên xe cho chủ. Mỗi ngày xúc 4-5 m3,Cường nhận được 15.000-20.000 đồng về phụ giúp bố. Cường dự định sẽ thi vào đại học, hoặc một trường trung cấp nào đó của tỉnh để có một nghề đỡ vất vả hơn. Rồi lấy vợ, xây nhà.

Ngày định mệnh đưa Cường đến với “chất bột màu trắng” thật ngẫu nhiên. Đó là đầu năm lớp 11, hôm đó Cường đi học muộn, không vào được lớp, năm sáu anh lớp 12 cũng đi học muộn phải ở ngoài. Cả nhóm ngồi ở quán nước, uống trà, ăn quà vặt đợi hết tiết thứ nhất xin vào lớp. Chợt có một anh trong nhóm móc ra một gói bột trắng. Biết đó là heroin, Cường sợ. Nhưng thấy mọi người hít rất ngon lành, đơn giản và “điệu nghệ” thì Cường đỡ sợ.

Một lúc họ nói Cường hít thử. Mấy lần từ chối nhưng Cường không thể nhấc chân đi và tặc lưỡi: thử một lần chắc chẳng sao! Cảm giác không có gì đặc biệt. Cường nghĩ: ồ, hóa ra cái thứ mà người ta cứ vẽ thần chết và quái vật, đầu lâu xương chép mà chỉ thế này ư? Thật chẳng đáng gì. Chuyện đó đáng lẽ sẽ qua đi trong Cường. Nhưng các anh lớp 12 đó lại liên tục xuất hiện trước mặt Cường. Và Cường lại thử. Lại đi học muộn, bỏ học, trốn giờ. Điểm số sa sút, các khoản tiền nộp, tiền quĩ lớp Cường liên tục khất, nợ, chây ì vì đã phải góp với các anh lớp 12 mua hàng “trắng”. T

hầy cô nhắc nhở phê bình. Cường tự thấy mặc cảm, lạc lõng và chán học. Lúc này chỉ các anh lớp 12 là gần gũi với Cường. Số tiền và số lần chơi, số “cặp” (liều lượng thuốc hít) cũng tăng dần. Cường bắt đầu thấy nhớ thuốc, mệt mỏi, mất ngủ, chán ăn. Nhiều lúc Cường bừng tỉnh, hoảng sợ và muốn dứt mình khỏi cuộc sống tăm tối đó.

Nhưng sau giờ học, ra bến làm cửu vạn đến tối, người muốn bã ra đổ gục xuống, lê chân về đến nhà thì Cường lại gặp bố say nhiều hơn tỉnh, bà nội chỉ biết than vãn, người cô vẫn bệnh tật. Cường thấy cuộc đời vô vọng hơn. Vậy là Cường lại tìm đến bột trắng. Cuối năm 2003 Cường vẫn thi tốt nghiệp THPT, nhưng “đến lúc đó thì em phi (chích) rồi. Ngày đều cứ phải hai xi (xilanh), mỗi xi lúc đó cũng 20.000 đồng”.

Tốt nghiệp, không phải đến trường nữa, ngoài giờ xúc cát là Cường lại tụ tập anh em hút, chích, đốt đời trong ma túy. Khi không còn đủ tiền chích, nhiều lúc Cường và nhóm bạn chơi đã phải đi trộm cắp vặt. Quanh khu phố, khi nhà nào sơ ý thì y như rằng nhóm của Cường cuỗm sạch, từ đôi dép, chiếc mâm bằng đồng, chậu nhựa, thậm chí cái nồi nấu cám lợn bằng gang đang đặt trên bếp, bọn Cường cũng có thể đổ ụp xuống để mang đi bán đồng nát lấy tiền mua thuốc.

Lúc này Cường không còn sợ ánh mắt ghẻ lạnh, khinh khi của người đời, không còn nghĩ đến gia đình, tương lai hay một điều gì nữa. Cường xác định kiếm tiền, mua thuốc, chơi với anh em và phía trước là nhà tù hoặc AIDS rồi sẽ được đưa lên quả đồi xanh bóng cây kia. Đó là nghĩa địa, nơi chấm dứt mọi cuộc đời tội lỗi.

Tạm biệt “cái chết trắng”

Nắng chiều hiu hắt cây đồi, Cường leo ngược lên con đường mòn thưa lá đến bên một ngôi mộ mai táng theo phong tục người Thái. Bên trên nấm đất mới đắp còn nồng mùi rễ cỏ là cái chòi nhỏ đan bằng nan tre. Trên sàn chòi là những nén hương, chai rượu, vòng hoa và các lễ vật mai táng bên tấm ảnh một người đàn ông chừng ngoài 50 tuổi mặt gầy má hóp.

Cường nói: “Đây là mộ bố em! Bố em chết vì ngã cầu thang nhà sàn xuống đất. Cuộc sống vất vả, ăn uống thiếu dinh dưỡng, bố lại hay uống rượu nên không qua khỏi. Bố em buồn vì em mà sinh uống rượu nhiều hơn. Cái chết của bố em đã cứu em. Vì nỗi đau đớn đó em mới quyết tâm cai được thuốc”.

“Bố không đánh đuổi. Bố chỉ nhắc nhở: Mày lớn rồi, nhà mình như thế, mày nghĩ sao mà đua đòi theo chúng nó. Hãy từ bỏ đi, bố sẽ đưa đi cai nghiện” - Cường kể. Nghe bố khuyên bảo, Cường ứa nước mắt, hứa với bố là bỏ. Nhưng chỉ được lúc đấy thôi. Bố Cường thất vọng, bất lực và ngày ngày tìm quên lãng trong men rượu. Cường nhớ lại: “Về nhà gặp bố là những lúc em tỉnh táo, bố không nói nhiều, nhưng trông bố ngày một gầy yếu đi, rượu chè nhiều hơn, em biết bố buồn lắm mới rượu chè. Em cũng hiểu, bố có thằng con trai duy nhất lại nghiện ngập. Hoàn cảnh gia đình lại như thế. Nằm bên bố, em chợt hiểu từ khi nghiện, tất cả mọi chuyện trong nhà bố đều lo hết. Nếu bố mà chết, em vẫn nghiện thì ai sẽ gánh vác. Em tự hứa sẽ quyết tâm từ bỏ thuốc”.

Cũng may cho Cường có bố, cô bác, anh chị em họ hàng luôn mở vòng tay với đứa con, đứa cháu lầm lỡ. Cuối năm 2005, các bác và anh chị kiên quyết giúp Cường cai. Ban đầu Cường được cách ly đám bạn, bị đưa đi “nhốt” ở nhà bác.

Cường nói: “Mọi người quản em kỹ lắm, lo thuốc thang, ăn uống cho em. Khi em vật thuốc thì các anh các chị chăm sóc, xoa bóp giúp em qua cơn vật vã. Ban đầu nhức nhối, khó chịu, có lúc muốn lao đầu vào tường cho đỡ phải chịu đựng “con thuốc” nó vật. Nhưng chính những lúc như thế quanh em, các bác, các anh chị lại ở gần chăm sóc, động viên nên rồi sau hơn ba tháng ở nhà bác, em cũng đã dần dần tập quên được nó (thuốc)”. Sau khi “cai tại gia”, cả nhà lại tiếp tục đưa Cường đi cai tập trung tại trung tâm cai nghiện ma túy của tỉnh... Ý chí và quyết tâm của bao nhiêu người và đặc biệt là niềm hân hoan của bố khiến Cường đã xa dần được “cái chết trắng”.

Khi Cường thoát “cái chết trắng” cũng là lúc Cường phải chịu một nỗi đau lớn nhất trong đời là mất bố. Trong một chiều chếnh choáng men say, bước lên những bậc cầu thang xiêu vẹo, ọp ẹp quen thuộc, ông đã trượt chân ngã, mãi mãi không đứng dậy được. Bố chết để lại cho Cường ngôi nhà trống rỗng với người bà đã 90 tuổi và bà cô tâm thần. Nỗi đau đó lớn hơn ngàn lần bởi Cường ân hận đã không sống tốt những ngày còn bố. Và Cường tiếc cho bố đã không kịp chứng kiến Cường chính thức hoàn lương, bắt “con ma” trả lại linh hồn đứa con trai duy nhất về cho ông ấy. Mai táng bố xong, Cường âm thầm đội mũ, khoác thúng ra bãi cát xin làm cửu vạn. Cường biết mình làm như thế thì bố sẽ vui lắm, sẽ tha thứ cho mình.

“Em bỏ thuốc được một năm rồi, bây giờ sợ lắm, chỉ lo làm kiếm ngày được 20.000-25.000 đồng nuôi bà, nuôi cô thôi. Cứ nhớ lại cảnh bố ngã lộn từ cầu thang xuống, trước khi chết cứ nắm chặt tay em, em hiểu bố không muốn mất em, không muốn em ngã tiếp vào ma túy nữa. Bây giờ em phải thay bố lo cho gia đình. Em có sức khỏe, tuổi trẻ và niềm tin của mọi người. Em không sợ” - Cường nói dứt khoát.

QUANG THIỆN - ĐỨC BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên