Thậm chí một số người đã dùng ứng dụng chặn cuộc gọi rác nhưng vẫn không thoát khỏi.
Gọi từ sáng đến đêm, chặn không xuể
Bạn đọc Cung bức xúc: "Không biết họ lấy thông tin số điện thoại của tôi từ đâu. Số di động chặn hết lại đến số điện thoại cố định có đầu số 022... chặn hoài không hết".
"Tôi chặn hết số này thì số khác gọi đến. Một ngày nhận được năm cuộc gọi rác từ năm số khác nhau, đều cùng đầu số 022" - độc giả tên Chí cho biết.
Bạn đọc Thanh "cầu cứu": "Xử lý giúp tôi đầu số 022 55552... Tôi chặn muốn đầy bộ nhớ cũng chưa hết!".
Theo tài khoản lxth****@gmail.com: "Một ngày họ gọi từ 8h sáng đến 12h đêm. Dùng ứng dụng chặn cuộc gọi rác mà cũng không thoát khỏi".
Độc giả Le Nam đặt vấn đề: "Người dùng nhiều lần phải đi tới đi lui để xác thực số điện thoại. Cơ quan chức năng và nhà mạng cũng cam kết sẽ không còn cuộc gọi rác.
Thế nhưng tình trạng cuộc gọi rác quảng cáo, lừa đảo ngày càng nở rộ. Trách nhiệm các tổ chức, đơn vị quản lý ở đâu?".
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ Online, tình trạng cuộc gọi quảng cáo, tiếp thị, cả lừa đảo bằng điện thoại cố định bùng phát mạnh thời gian gần đây là vì các biện pháp siết chặt thuê bao di động trả trước của cơ quan chức năng từ đầu năm 2024.
Việc đối soát thông tin thuê bao di động với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cộng với việc siết chặt buôn bán và đăng ký SIM di động đã khiến SIM rác không còn dễ dàng mua sắm như trước. Vì thế điện thoại cố định trở thành cách thức đang được nhiều cá nhân, doanh nghiệp tận dụng để tiếp cận trực tiếp người dùng.
Đáng nói, các số điện thoại cố định đều phải được đăng ký đầy đủ thông tin, địa chỉ rõ ràng và chi tiết với các nhà mạng nên việc truy ngược từ một số điện thoại ra người chịu trách nhiệm sử dụng số điện thoại đó hoàn toàn nằm trong tầm tay nhà mạng.
Chỉ cần có sự hợp tác của người dùng trong việc phản ánh hành vi phát tán cuộc gọi rác, thậm chí cả cuộc gọi lừa đảo của các số điện thoại cố định là nhà mạng có thể chuyển tiếp cho cơ quan chức năng để xác minh và có biện pháp xử lý.
Đặc biệt hành vi vi phạm của các số điện thoại brandname sẽ càng dễ truy ra người chịu trách nhiệm hơn bởi các số này phải đăng ký định danh với cơ quan chức năng trước khi được sử dụng brandname.
Xét về lý thuyết thì các số này đã được định danh đến hai lần (lần một là đăng ký thông tin thuê bao di động hoặc thuê bao cố định, lần hai là thông tin trong hồ sơ để làm thủ tục xin cấp định danh).
Nhiều cách chặn cuộc gọi rác
Theo hướng dẫn của Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin - Truyền thông và các nhà mạng, thuê bao di động không có nhu cầu nhận cuộc gọi tiếp thị, quảng cáo có thể đăng ký vào danh sách không quảng cáo (danh sách DNC) với cơ quan chức năng.
Danh sách DNC là tập hợp số thuê bao đăng ký không nhận tin nhắn quảng cáo, cuộc gọi quảng cáo nào. Theo quy định, các tổ chức, cá nhân không được phép gửi tin nhắn quảng cáo, thực hiện cuộc gọi quảng cáo tới danh sách DNC.
Thuê bao di động có thể đăng ký vào danh sách DNC bằng tin nhắn: DK DNC gửi 5656. Hoặc người dùng có thể truy cập vào website https://khongquangcao.ais.gov.vn/ và làm theo hướng dẫn.
Mọi thuê bao đều có quyền đăng ký hoặc rút ra khỏi danh sách DNC đối với số điện thoại thuộc quyền sử dụng hợp pháp của mình.
Đối với việc phản ánh cuộc gọi rác, người dùng có thể soạn tin theo cú pháp: V (số điện thoại - nguồn phát tán) (nội dung phản ánh) và gửi đến tổng đài 156 (hoặc 5656). Đối với cuộc gọi lừa đảo, người dùng soạn tin theo cú pháp: LD (số điện thoại - nguồn phát tán) (nội dung phản ánh) gửi 156 (hoặc 5656).
Người dùng cũng có thể gọi tới đầu số 156 (miễn phí) để cung cấp thông tin về số điện thoại vừa thực hiện cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo.
Bên cạnh đó, khi nhận được tin nhắn khảo sát của nhà mạng về cuộc gọi rác (được gửi tới dưới dạng tin nhắn nhanh - Flash SMS ngay sau các cuộc gọi có dấu hiệu phát tán cuộc gọi rác), người dùng có thể chủ động phối hợp trả lời “Có” hoặc “Không" để giúp các nhà mạng sàng lọc chính xác các cuộc gọi vi phạm cũng như giúp cơ quan quản lý có thông tin để xử lý.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận