10/08/2020 08:49 GMT+7

Cuộc gọi 'dựng tóc gáy': 'Không trả nợ, sau 2 tiếng sẽ khởi tố'

ĐỨC THIỆN
ĐỨC THIỆN

TTO - "Một giọng nữ đọc nội dung bưu phẩm là ngân hàng thông báo tôi đã làm thẻ tín dụng, xài tiền và bị nợ đã đến hạn, nếu không trả sau 2 tiếng thì tôi sẽ bị khởi tố".

Cuộc gọi dựng tóc gáy: Không trả nợ, sau 2 tiếng sẽ khởi tố - Ảnh 1.

Một người gọi cuộc gọi “rác” đến người khác trên xe buýt - Ảnh: NGUYỄN CÔNG THÀNH

Khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác, không chuyển tiền hoặc cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ qua điện thoại. Nếu có hiện tượng trên, đề nghị trình báo ngay cho cơ quan công an để xử lý hoặc thông báo đến số điện thoại trực ban hình sự 0692348560.

Bộ Thông tin và truyền thông

Bên cạnh các chiêu lừa trên mạng xã hội, lừa trúng thưởng, nhiều nhà mạng lại vừa phải lên tiếng kêu gọi người dùng di động cảnh giác với các cuộc gọi mạo danh nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tiền.

Các hình thức lừa đảo luôn biến hóa. Đó là các cuộc gọi thông báo có quà bưu phẩm từ nước ngoài, thông báo nợ cước viễn thông, nháy máy từ các ứng dụng OTT, cuộc gọi mạo danh là công an hay cán bộ tòa án. Các nhà mạng đang làm gì để chặn?

Lừa đảo tiền tỉ

Dù đã từng đọc các thông tin cảnh báo về những cuộc gọi lừa đảo qua điện thoại di động nhưng chị Hồng Uyên (Q.5, TP.HCM) vẫn tỏ ra bức xúc về độ lì lợm của những kẻ vừa mạo danh gọi điện để tính lừa tiền chị. "Chúng dùng tổng đài tự động gọi cho tôi để thông báo có bưu phẩm gửi đến. Sau đó là một giọng nữ đọc nội dung bưu phẩm là ngân hàng thông báo tôi đã làm thẻ tín dụng, xài tiền và bị nợ đã đến hạn, nếu không trả sau 2 tiếng thì tôi sẽ bị khởi tố" - chị Uyên kể lại. 

Theo nhận xét của chị Uyên: "Chúng dùng ngôn từ rất dễ khiến những người yếu bóng vía sợ hãi và hoang mang. Những người đang gặp chuyện liên quan đến nợ nần tiền bạc hoặc những người lớn tuổi thiếu thông tin hoàn toàn có thể bị sập bẫy".

Chị Hồng Nga (Q.Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ mẹ chị nhận được cuộc gọi ngày đầu tháng 8 thông báo đã nhận được bưu phẩm từ con ở nước ngoài. Thấy họ đọc đúng tên con mình, cả địa chỉ nhà và thời điểm một lần chuyển bưu phẩm khác trước đây, bà yên tâm. 

Khi được nhờ đọc tài khoản, mật khẩu và mã OTP nhằm xác minh, mẹ chị đã định cung cấp hết. Chỉ đến khi thấy mã OTP, bà gọi con đến hỏi mới... toát mồ hôi vì suýt chút nữa quyền làm chủ tài khoản của mình đã vào tay kẻ lừa đảo.

Đại diện nhà mạng VNPT cho biết thời gian gần đây họ đã tiếp nhận nhiều phản ảnh của khách hàng về các cuộc gọi mạo danh lừa đảo, trong đó có nạn nhân đã bị lừa mất 700 triệu đồng. Bên cạnh đó, nhà mạng này cũng tiếp nhận một số trường hợp khách hàng nhận cuộc gọi, tin nhắn thông báo có quà từ nước ngoài và yêu cầu người nhận chuyển khoản tiền phí mới nhận được quà...

Dùng trí tuệ nhân tạo nhận diện

Nhà mạng MobiFone cho biết đã triển khai hệ thống phát hiện và ngăn chặn cuộc gọi "rác" từ ngày 1-7 thông qua việc dùng công nghệ dữ liệu lớn (Big Data), trí tuệ nhân tạo (AI) và học máy (Machine Learning) phân tích các thuê bao có hành vi bất thường về cuộc gọi. Hệ thống này cũng nhận phản hồi từ khách hàng để xác định cuộc gọi "rác".

Đại diện MobiFone cho biết trước mắt đã bổ sung tính năng chặn cuộc gọi "rác" cho các thiết bị đầu cuối cài đặt ứng dụng My MobiFone. Với tính năng này, chủ thuê bao MobiFone nên chú ý tính năng báo cáo thuê bao cuộc gọi "rác" cũng như tương tác trực tiếp với hệ thống phân tích để chủ động chặn ngay trên ứng dụng.

Nhà mạng Viettel cũng cho hay đã xây dựng các giải pháp tổng đài để kiểm tra thuê bao chủ gọi và các công cụ để phát hiện, chặn lọc các cuộc gọi quốc tế giả mạo, lừa đảo. Đến nay, Viettel đã chặn lọc được hàng trăm ngàn cuộc gọi từ quốc tế về có dấu hiệu giả mạo, lừa đảo.

Đại diện VNPT cũng cho biết đã xây dựng, hoàn thiện các biện pháp kỹ thuật có thể giúp xác định chính xác tập thuê bao nghi ngờ phát tán cuộc gọi "rác" thông qua ứng dụng AI, đặc biệt là có phân tích cước và kết hợp phản ảnh của khách hàng. 

Nhà mạng này cũng đề xuất hoàn thiện quy định như việc xử lý với các khách hàng là chủ thuê bao phát tán cuộc gọi "rác", có mở trở lại cho các thuê bao có cam kết không phát tán cuộc gọi "rác", xử phạt ra sao các thuê bao tái phạm lần hai...

Vẫn khó xóa cuộc gọi "rác"

Mới đây, Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và truyền thông) đã yêu cầu các nhà mạng di động phải triển khai các biện pháp kỹ thuật để phát hiện, ngăn chặn và xử lý các thuê bao thực hiện cuộc gọi "rác". 

Theo đó, cuộc gọi "rác" được xác định theo 5 tiêu chí: tần suất thực hiện cuộc gọi, tỉ lệ cuộc gọi có thời gian liên lạc ngắn, tỉ lệ cuộc gọi có thời gian giữa các cuộc gọi ngắn, tỉ lệ gọi đi cho các thuê bao không có mối quan hệ, đặc điểm hành vi sử dụng (thuê bao chủ yếu sử dụng gọi đi, không nhận và gửi tin nhắn SMS). Các nhà mạng di động đều cho biết đã triển khai.

Một chuyên gia an ninh mạng (đề nghị không nêu tên) cho rằng các tiêu chí trên hoàn toàn hợp lý khi xác minh cuộc gọi "rác", vì chúng thực hiện hàng loạt và không cần biết người nhận là ai. Tuy nhiên, cuộc gọi lừa đảo theo hướng có chủ đích. 

Như nhiều trường hợp Tuổi Trẻ phản ánh, những kẻ lừa đảo đã thu thập thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng tương đối đầy đủ rồi mới ra tay. Nghĩa là chúng đã có bước tìm hiểu kỹ và "lách luật" để các số điện thoại của mình không bị "nhận diện" là cuộc gọi "rác" như giảm tần suất gọi "giăng bẫy" tràn lan, dùng nhiều SIM khác nhau...

Trong khi chờ các nhà mạng và cơ quan chức năng ngăn chặn hiệu quả hơn, ông Ngô Trần Vũ, giám đốc Công ty bảo mật NTS, cho rằng người dùng rất cần chủ động để tự bảo vệ mình. 

"Để có thể đe dọa thành công nạn nhân và bắt họ chuyển tiền cho mình, kẻ lừa đảo chắc chắn phải nắm được những thông tin cá nhân khiến nạn nhân tin rằng "đó là công an, nhân viên công quyền nên mới biết hết về mình như vậy". 

Nhưng nhiều người không thể ngờ những thông tin tưởng chừng rất riêng tư kia hoàn toàn có thể đến từ chính những dữ liệu họ đã đưa lên mạng, đặc biệt là mạng xã hội, hoặc từ email, địa chỉ nhà riêng, công việc, thói quen sinh hoạt, người thân... Người dùng phải nhận thức được điều này thì mới biết bảo vệ chính mình trước các cuộc gọi lừa đảo" - ông Vũ cảnh báo.

Cẩn thận đề nghị lập tài khoản mới

Cuối tháng 5-2020, TAND tỉnh Quảng Nam đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với nhóm người Đài Loan móc nối với nhóm người Việt Nam mạo danh cán bộ công an để lừa đảo qua điện thoại, chiếm đoạt hàng tỉ đồng. Thủ đoạn của các đối tượng này là sử dụng phần mềm tổng đài ảo tạo ra một số điện thoại bất kỳ (thường có số đuôi là 113) - tạo cảm giác số điện thoại của công an - và gọi đến những người dùng mà chúng đã có ít nhiều thông tin cá nhân. Các đối tượng phân vai giả danh cơ quan điều tra, viện kiểm sát thông báo các nạn nhân đang "nợ tiền thanh toán qua thẻ ngân hàng", "liên quan đến các vụ án đặc biệt nghiêm trọng như rửa tiền, buôn bán ma túy"..., đồng thời yêu cầu nạn nhân lập tài khoản ngân hàng mới (nhưng lại do chúng kiểm soát) và chuyển tiền vào đó. Cơ quan điều tra ước tính số tiền nhóm này đã chiếm đoạt của người dân hơn 5,5 tỉ đồng.

Mất hơn 200 triệu đồng vì dính lừa đảo qua Internet và điện thoại Mất hơn 200 triệu đồng vì dính lừa đảo qua Internet và điện thoại

TTO – Chỉ trong vòng 5 ngày trong tháng 3-2020, hai người dân ở Vĩnh Long dính chiêu lừa đảo qua mạng, mất trắng 220 triệu đồng và 1.000 USD.

ĐỨC THIỆN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên