Cuộc đua quyền lực tại Hàn Quốc

Chính trường Hàn Quốc đang chứng kiến một cuộc đua nước rút hướng tới cuộc bầu cử tổng thống ngày 3-6 tới.

Hàn Quốc - Ảnh 1.

Ông Lee Jae Myung, khi còn là lãnh đạo Đảng Dân chủ đối lập của Hàn Quốc, thăm ngôi chùa Gounsa bị tàn phá do cháy rừng ở huyện Uiseong, tỉnh Gyeongsang Bắc (Hàn Quốc) hôm 27-3 - Ảnh: REUTERS

Cuộc bầu cử đặc biệt này diễn ra sau khi Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc phế truất Tổng thống Yoon Suk Yeol vào ngày 4-4 vì quyết định ban bố thiết quân luật gây tranh cãi.

Ai là ứng viên sáng giá?

Ngày 10-4, ông Lee Jae Myung, cựu lãnh đạo Đảng Dân chủ đối lập, chính thức tuyên bố tranh cử sau khi từ chức lãnh đạo đảng một ngày trước đó.

Ông Lee Jae Myung (61 tuổi) hiện đang dẫn đầu trong nhiều cuộc thăm dò dư luận với tỉ lệ ủng hộ 34% theo khảo sát của Gallup công bố ngày 4-4. 

Cựu lãnh đạo đảng đối lập cam kết giải quyết tình trạng phân hóa kinh tế - vấn đề mà ông cho là nguyên nhân cốt lõi dẫn đến xung đột xã hội và làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng chính trị gần đây tại Hàn Quốc. 

Ông cũng tuyên bố sẽ thúc đẩy các khoản đầu tư quy mô lớn vào công nghệ và tài năng nhằm phục hồi tăng trưởng kinh tế.

Xuất thân từ gia đình nghèo, ông Lee đã vươn lên trở thành luật sư nhân quyền và chính trị gia đại diện cho tầng lớp thấp, khác hẳn với ông Yoon - con trai một giáo sư, học trường danh giá và từng là công tố viên nổi tiếng. Trong cuộc bầu cử năm 2022, ông Yoon đánh bại ông Lee với tỉ lệ phiếu bầu sít sao.

Tuy nhiên năm ngoái, dưới sự lãnh đạo của ông Lee, Đảng Dân chủ theo khuynh hướng tự do đã giành chiến thắng áp đảo trước Đảng Quyền lực nhân dân (PPP) cầm quyền của ông Yoon. Với thế đa số tại quốc hội, Đảng Dân chủ đã chặn nhiều dự luật, kế hoạch ngân sách của ông Yoon và tìm cách luận tội các quan chức do ông bổ nhiệm.

Phe bảo thủ hiện vẫn chưa có ứng viên nổi bật nào có khả năng đánh bại ông Lee. Cựu bộ trưởng lao động Kim Moon Soo (73 tuổi), ứng viên bảo thủ hàng đầu hiện nay, chỉ đạt 9% tỉ lệ ủng hộ. Đảng PPP dự kiến chọn ứng viên chính thức thông qua cuộc bầu chọn sơ bộ vào tháng 5 tới.

Ngày 10-4, ông Han Dong Hoon - cựu lãnh đạo Đảng PPP - cũng tuyên bố tranh cử, gia nhập danh sách các ứng viên bảo thủ khác như Thị trưởng Seoul Oh Se Hoon và thành viên đảng cầm quyền Ahn Cheol Soo. 

Ông Han, từng là bộ trưởng tư pháp và người thân cận với ông Yoon, gia nhập chính trường hồi cuối năm 2023. Tuy nhiên mối quan hệ giữa hai người đã rạn nứt sau khi ông Han công khai ủng hộ việc luận tội ông Yoon.

Mặc dù đang dẫn đầu, ông Lee vẫn phải đối mặt với những rắc rối pháp lý có thể ảnh hưởng đến khả năng tranh cử. Hiện ông đang bị xét xử với các cáo buộc từ nhận hối lộ đến dính líu vào vụ bê bối phát triển bất động sản trị giá 1 tỉ USD. 

Các công tố viên cũng đã kháng cáo phán quyết hồi tháng 3 của tòa án, trong đó tuyên trắng án cho ông Lee trong vụ cáo buộc vi phạm luật bầu cử. Hồi tháng 1-2024, ông Lee từng thoát chết sau một vụ tấn công bằng dao và phải trải qua phẫu thuật khi bị đâm vào cổ trong một sự kiện.

Thách thức cho người kế nhiệm

Sau khi Tòa án Hiến pháp phế truất ông Yoon, Hàn Quốc phải tổ chức bầu cử tổng thống mới trong vòng 60 ngày. 

Trong những ngày tới, các đảng chính trị sẽ lên lịch tổ chức bầu cử sơ bộ để chọn ra ứng viên của mình trước ngày 12-5, thời điểm chiến dịch tranh cử chính thức bắt đầu. Người giành chiến thắng sẽ nhậm chức ngay lập tức, không cần khoảng thời gian chuyển giao quyền lực kéo dài hai tháng như thông lệ trước đây.

Việc PPP chọn ai vẫn còn là một ẩn số lớn. Hơn chục chính trị gia đã bày tỏ ý định tranh cử nhưng chưa có ứng viên dẫn đầu mạnh mẽ nào xuất hiện. Một phần nguyên nhân là vì cho mãi đến gần đây đảng này vẫn nỗ lực tìm cách giữ ông Yoon ở lại ghế tổng thống. Việc ông Yoon bị phế truất là một đòn giáng mạnh vào PPP.

Các nhà phê bình theo đường lối bảo thủ cảnh báo nếu phe đối lập quay lại nắm quyền, điều đó có thể làm suy yếu liên minh giữa Hàn Quốc với Mỹ và đe dọa đến mối quan hệ đã cải thiện với Nhật Bản. 

Tuy nhiên, ông Lee đã đề xuất một cách tiếp cận ngoại giao mang tính thực dụng: "Thực tế mà nói, liên minh Hàn - Mỹ là quan trọng và sự hợp tác giữa Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản cũng vậy. Trong đó nguyên tắc nhất quán là lợi ích quốc gia của Hàn Quốc phải được đặt lên hàng đầu".

Tổng thống sắp tới sẽ phải đối mặt với nhiệm vụ khó khăn là đàm phán với Mỹ - đồng minh an ninh hàng đầu của Seoul - về các mức thuế quan đang ảnh hưởng đến nền kinh tế vốn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu của nước này. Đồng thời, về phía bắc, Triều Tiên vẫn khẳng định sẽ không từ bỏ việc sở hữu vũ khí hạt nhân.

Chính trị gia giàu kinh nghiệm

Ông Lee Jae Myung được biết đến với bề dày kinh nghiệm lãnh đạo địa phương. Ông từng giữ chức thị trưởng TP Seongnam (gần Seoul) trong tám năm và sau đó là thống đốc tỉnh Gyeonggi (tỉnh đông dân nhất bao quanh thủ đô Seoul) trong hơn ba năm.

Theo nhà bình luận chính trị Park Sang Byung: "Công bằng mà nói ông Lee đã thể hiện năng lực lãnh đạo chính trị mạnh mẽ khi còn là thị trưởng và thống đốc. Điều đó giúp ông xây dựng được một lực lượng người ủng hộ trung thành - điều mà không phải chính trị gia nào cũng làm được", theo AFP.

Cuộc đua quyền lực tại Hàn Quốc - Ảnh 2.Hàn Quốc bầu tổng thống ngày 3-6, đường đua nóng lên

Loạt ứng viên bắt đầu lộ diện sau khi Chính phủ Hàn Quốc tuyên bố tổ chức bầu cử tổng thống ngày 3-6, khiến cục diện chính trường nước này khó lường.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên