Cuộc đua đào tạo nhân lực ngành chip ở đại học

HOÀNG THI 28/09/2024 07:01 GMT+7

TTCT - Cùng đang chạy đua đào tạo sinh viên các ngành bán dẫn, song các trường đại học Nhật Bản và Hàn Quốc đang đối mặt với thời cơ và thách thức khác nhau.

Cuộc đua của các trường đại học - Ảnh 1.

Ảnh giới thiệu chương trình đào tạo bán dẫn của Đại học Kumamoto (Nhật).

Trong những năm 2000, số lượng nhân sự trong lĩnh vực bán dẫn của Nhật đạt đỉnh, nhưng lại giảm chạm đáy vào giữa những năm 2010. Hiện tại, con số này đang gia tăng trở lại nhờ sức hút của các dự án nhà máy bán dẫn mới.

Theo dữ liệu từ công ty giới thiệu việc làm Recruit, trong nửa đầu năm 2023, số vị trí tuyển dụng dành cho kỹ sư ngành bán dẫn tại Nhật đã cao gấp 12,8 lần so với năm 2013. Hiệp hội Công nghiệp công nghệ thông tin và điện tử Nhật dự báo những nhà sản xuất chip lớn của Nhật sẽ cần thêm ít nhất 40.000 chuyên gia trong thập kỷ tới. Tính trong cả ngành công nghiệp này ở Nhật, bao gồm công ty trong và ngoài nước, có nguy cơ thiếu hụt khoảng 100.000 nhân lực.

Mới đây, Đại học Kumamoto, nằm tại tỉnh Kumamoto, đã xây dựng chương trình giảng dạy về thiết bị bán dẫn trong năm học 2024. Sinh viên trong những bộ đồ bảo hộ chuyên dụng có thể thực hành tại các phòng thí nghiệm sạch đạt tiêu chuẩn ngay trong khuôn viên trường. Trong năm đầu tiên, trường tuyển 20 chỉ tiêu và đã nhận được 46 hồ sơ.

Nikkei Asia cho rằng việc một đại học Nhật mở hẳn một chương trình đào tạo riêng về chất bán dẫn là điều tương đối bất ngờ. Chương trình sẽ bao gồm phần kiến thức về chất bán dẫn và một phần về thiết kế hệ thống tích hợp. 

Dẫu vậy, bước đi này được đánh giá rất phù hợp khi TSMC dự kiến sẽ đưa nhà máy sản xuất chip Kumamoto đầu tiên vào hoạt động vào cuối năm nay. Kumamoto cũng là nơi đặt cơ sở của các công ty lớn khác trong ngành như Sony Semiconductor Manufacturing và Tokyo Electron Kyushu.

Đại học Kumamoto sẽ xây dựng cơ sở đào tạo và nghiên cứu mới vào mùa xuân năm 2025 và bổ sung nhiều giảng viên. TSMC đã ký một thỏa thuận cam kết cung cấp cho sinh viên Đại học Kumamoto cơ hội thực tập có trả lương tại trụ sở chính của công ty ở Đài Loan, và nhiều suất học bổng hấp dẫn cho các bạn trẻ tài năng theo đuổi ngành bán dẫn.

Ở phía bắc, Rapidus - công ty sản xuất chip mới được thành lập với sự hỗ trợ của Chính phủ Nhật - chọn xây dựng một nhà máy mới ở tỉnh Hokkaido. Dự án mới kéo theo các chương trình đào tạo ở Đại học Hokkaido. Trường này cũng nhanh chóng xây dựng cơ sở hạ tầng để đào tạo các chuyên gia bán dẫn và hợp tác học hỏi kinh nghiệm cùng Đại học Tohoku và Đại học Kumamoto.

Junji Yamaguchi - phó chủ tịch điều hành Đại học Hokkaido - cho biết nhìn chung các ngành công nghiệp không phát triển mạnh ở Hokkaido khi có tới 80% sinh viên của trường chọn rời khỏi tỉnh sau tốt nghiệp. 

Tuy nhiên, ông tin rằng nhà máy mới của Rapidus sẽ giải quyết việc làm, góp phần giữ chân các sinh viên tốt nghiệp ở lại làm việc, từ đó gia tăng số người học. Dự kiến, Đại học Hokkaido sẽ đóng góp khoảng 180 chuyên gia mới trong ngành công nghiệp bán dẫn vào năm 2030, gấp 3 lần hiện nay.

Cuộc đua của các trường đại học - Ảnh 2.

Thực tập sinh nghiên cứu quy trình sản xuất bán dẫn tại Trung tâm Hệ thống vi điện tử của Viện Công nghệ Kyushu ở Iizuka (Fukuoka, Nhật Bản). Ảnh: Yasuaki Oshika/Asahi

Trong khi đó, Hàn Quốc, dù có những công ty hàng đầu về bán dẫn và thiết kế chip như Samsung Electronics và SK Hynix, lại bị đánh giá thất thế trong cuộc đua nhân lực vì thiếu đầu tư của chính phủ cho đại học. 

Giáo sư Sung Jae Kim tại Đại học Quốc gia Seoul (SNU) nhận thấy kể từ khi các công ty tư nhân như Samsung Electronics vươn lên nhóm dẫn đầu ngành công nghiệp bán dẫn vào những năm 2010 cũng là lúc kinh phí nghiên cứu của chính phủ cho ngành này giảm đáng kể. Hệ quả là 10 năm sau, tức là bây giờ, Hàn Quốc cảm nhận được tình trạng thiếu hụt nhân lực bán dẫn.

Hiện tại, dù chính phủ đã công bố gói hỗ trợ phát triển 26.000 tỉ won cho các doanh nghiệp vào tháng 5 vừa qua, Hàn Quốc vẫn thiếu nhân tài nghiêm trọng. Năm 2022, Hàn Quốc đặt mục tiêu đào tạo thêm 150.000 người có chuyên môn về chất bán dẫn trong 10 năm tới bằng cách mở cửa cho thêm sinh viên học các chuyên ngành liên quan đến bán dẫn ở trường đại học.

Riêng Samsung đã thiết lập quan hệ đối tác với 7 trường đại học công lập, thành lập các mô hình đào tạo bán dẫn và đảm bảo đầu ra cho sinh viên. Tuy nhiên, giáo sư Cheol Seong Hwang (Đại học Quốc gia Seoul) cho rằng cách làm này thiếu tính bền vững. 

Theo ông, việc xây dựng nguồn chuyên gia sau đại học trong ngành cần được chú trọng, các chuyên gia cần được hỗ trợ cho những nghiên cứu sâu hơn. Ngành bán dẫn không chỉ cần những kỹ sư tốt nghiệp đại học là đi làm ngay, mà còn cần cả những chuyên gia trình độ tiến sĩ.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận