cần mẫn bó chổi cọng dừa - công việc mưu sinh đã nhiều năm của ông - Ảnh: NGỌC TÀI
Người thương ông thì nhớ đến ông khi những hàng dừa trong vườn có thêm tàu mới, người không hiểu ông thì cho rằng ông là người khù khờ. vẫn sống tỉnh giữa bao gièm pha, đàm tiếu để bản lĩnh tự nuôi thân mình mà không phải ngửa tay xin ai đồng nào.
Ông Cao mồ côi cha mẹ từ sớm. Không sống được với anh em ruột, ông được người chú cho tá túc từ nhỏ. Nhà chú có nghề bó chổi dừa, thế là ông theo chú đi xin tàu dừa, học bó chổi. Không nhanh nhẹn nhưng ông Cao được phần cần cù và khéo léo.
Với chiếc radio đời cũ bên cạnh hát nỉ non những bài vọng cổ, tuồng cải lương, ông có thể ngồi hàng giờ liền vót lá dừa lấy cọng rồi cần mẫn bó lại. Những cây chổi nuôi sống ông từ giá 2.000 đồng/cây nay lên 20.000 đồng/cây.
Ông Cao vẫn làm việc không ngơi nghỉ dù tuổi cao và bệnh rề rề.
Tôi học được những đức tính này từ những người lao động nghèo khó như ông Cao. Nó giúp ích tôi rất nhiều trên con đường gian nan của mình
TRẦN THANH TIỀN
Vì giọng nói ngọng nghịu ít khi nào diễn đạt trọn vẹn được ý nghĩa nên người đời tưởng rằng ông Cao thần trí không minh mẫn. Nhưng nào có vậy, ông vẫn nuôi sống bản thân từ ngày này qua năm khác bằng chính sức lực, mồ hôi của bản thân.
Hỏi ông mong ước điều gì, ông lấy hơi nói dài nhất có thể: "Muốn có gạo ăn rồi muốn bán được nhiều chổi".
Ngày trước chổi chỉ cần mang ra chợ xã bán, nay chổi thủ công không còn thịnh hành khiến quãng đường đi bán chổi của ông cũng xa hơn. Khi là chợ bên thị xã Tân Châu (An Giang), khi là chợ Giồng Răng (huyện Tân Hồng, Đồng Tháp).
Bữa nào đắt hàng ông về sớm, bữa nào ế ông mang về chờ phiên chợ khác.
Bà Trần Thị Nga, thiếm út của ông Cao, cho biết ông Cao sống với gia đình bà từ rất lâu. Trên khoảnh đất khu dân cư Thường Phước 2, gia đình bà dựng cho ông Cao một căn nhà nhỏ.
Từ ngày chồng bà Nga mất (chú ruột của ông Cao), ông làm thay luôn công việc của chú nhưng phần tiền công nhận lại thì vẫn vậy. Bán được 200.000 đồng, ông chỉ nhận 50.000 đồng, phần còn lại phụ gia đình chú thiếm lo miếng ăn trong nhà.
Với người thân, ông Cao sống trọn chữ tình và cũng chính ông trở thành tấm gương nghị lực để vươn lên của nhiều bạn trẻ trong vùng.
Anh Trần Thanh Tiền, một người bạn lâu năm của ông Cao, chia sẻ những ngày còn là học sinh thường thấy ông đẩy chiếc xe lá dừa đầy khó nhọc. Ngày hôm sau và các ngày sau nữa vẫn thấy ông với chiếc xe cũ kỹ đó.
Trên khuôn mặt ông, Tiền không chỉ nhìn thấy những giọt mồ hôi mà còn thấy bao nỗ lực trong cuộc sống, không khuất phục trước số phận của ông Cao.
"Tôi học được những đức tính này từ những người lao động nghèo khó như ông Cao. Nó giúp ích tôi rất nhiều trên con đường gian nan của mình. Khi tôi hỏi ông làm vậy đủ sống không, ông cười bảo cũng đủ.
Tôi lại tiếp tục hỏi có cần giúp đỡ gì không, ông trả lời bình thản: "Mua chổi giúp đi. Chổi này bền lắm" - Tiền chia sẻ.
Một ngày tôi đến nhà ông Cao trong buổi chiều muộn. Ông Cao sống lẳng lặng trong ngôi nhà phía sau nhà chú thiếm. Nhà không vật dụng, chỉ mỗi chiếc chiếu con con và cái mùng vá lỗ chỗ.
Bữa cơm hôm ấy của ông cũng thật đạm bạc nhưng con người gần cái tuổi thất thập cổ lai hi này không bao giờ buông lời than trách về số phận. Niềm vui mỗi ngày của ông là có ai đó cho mình lá dừa và sản phẩm do chính ông làm ra bán chạy.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận