Hình ảnh nghệ sĩ Ngô Hồng Quang trong album Tình đàn
Nếu theo dõi Facebook của Ngô Hồng Quang sẽ nhận ra anh là một nghệ sĩ rất chịu khó đi. Trong khoảng thời gian 5 năm qua, mỗi dịp về Việt Nam, anh đều dành một khoảng thời gian để đi.
Anh lên Tây Bắc, lang thang Tây Nguyên, tìm vào vùng Nam Bộ, lần theo những dòng mạch âm nhạc cổ truyền của các dân tộc khắp nước Việt. Quang nói rằng những chuyến đi đó là một phần công việc của mình.
Bởi phải đi tới đó, phải hít thở không khí vùng đất đó và lắng nghe những giai điệu âm nhạc ở chính nơi nó được sinh ra mới thấu hiểu thực sự và truyền tải được chính xác cái hồn của âm nhạc truyền thống mỗi dân tộc.
Đúng như tựa album Tình đàn, cái tình của Ngô Hồng Quang dành hết cho những cây đàn trong kho tàng âm nhạc truyền thống Việt Nam từ đàn nhị, đàn bầu, đàn môi đến đàn tính, chiêng dây và đàn k’ny.
Mỗi bản nhạc gắn liền với một cây đàn, một chất liệu âm nhạc truyền thống của một dân tộc trên đất nước Việt Nam. Đó là đàn tính của người Tày, đàn môi của người Mông hay đàn k’ny của người Kơ Tu.
Mỗi cây đàn bộc lộ một sắc thái âm nhạc riêng gắn liền với đặc trưng trong đời sống tinh thần của dân tộc và vùng đất.
Chính bởi vậy, mỗi bản nhạc trong đĩa nhạc dường như đã mang một đời sống riêng trọn vẹn; nghe một bản nhạc như bước vào không gian của một vùng đất, một dân tộc và một nét nghệ thuật khác nhau trên dọc vùng đất hình chữ S.
Tuy nhiên, bản chất của đĩa nhạc này không phải một album chủ đề, thêm nữa là yếu tố mộc mạc của nhạc cụ và hòa âm các ca khúc khiến khi nghe toàn bộ 10 bài hát sẽ ít nhiều có cảm giác thiếu một cảm hứng xuyên suốt cả album.
Ngoài những loại đàn có phần đã quen thuộc, đây có lẽ là lần đầu tiên nhiều người được nghe âm thanh độc đáo của đàn chiêng dây - một nhạc cụ dân tộc mà Ngô Hồng Quang đã tìm tòi và đang nỗ lực phổ biến gần đây.
Đàn chiêng dây được sử dụng ngay trong bản nhạc đầu tiên "Đêm trôi" và khiến người nghe không khỏi bất ngờ khi có một thứ nhạc cụ Việt Nam có thể truyền tải nhiều màu sắc âm thanh như thế.
Cây đàn này vừa có vai trò của một nhạc cụ dây, vừa có thể chuyên chở những âm sắc của một nhạc cụ bộ đồng.
Ngô Hồng Quang xây dựng "Tình đàn" như một abum độc tấu (solo) nhạc cụ, bảo tồn tối đa sự mộc mạc trong âm sắc nhạc cụ cũng như những giai điệu điển hình của mỗi chất liệu âm nhạc truyền thống.
Nhưng anh không bó buộc tư duy trong sự tái hiện những di sản văn hóa mà tiếp biến nó trong hơi thở của ngày hôm nay qua một số ca khúc do chính Quang viết trên các chất liệu dân ca như "Mộc Châu" hay "Chim họa mi".
Đặc biệt, Ngô Hồng Quang đã mời hai nghệ sĩ nước ngoài tham gia cùng anh trong album này.
Pape Dieye là nghệ sĩ đàn ngoni và bộ gõ người Senegal và Alireza Mortazavi là nghệ sĩ đàn saturn người Iran. Không khó nhận ra điểm gặp nhau của 3 nghệ sĩ mang 3 quốc tịch khác nhau chính là tư duy làm nghệ thuật.
Họ không chỉ tìm tòi và bảo tồn những giá trị âm nhạc truyền thống, mà họ còn dấn thân để tìm kiếm đời sống cho âm nhạc truyền thống trong thời đại mới.
Chính vì thế cuộc trò chuyện giữa các nhạc cụ dân tộc Việt Nam với cây đàn santur của Iran, đàn ngoni và bộ gõ của Senegal hài hòa và ăn ý.
Album thứ sáu của Ngô Hồng Quang đến với người nghe có phần lặng lẽ. Một phần do ảnh hưởng của dịch bệnh khiến một nghệ sĩ "đơn thương độc mã" như Quang cũng khó tìm kiếm được kênh tiếp cận với đại chúng.
Nhưng chính cái quyết định ra đĩa trong thời điểm "khó" như vậy dường như cũng là cái hay riêng của những người đi đường riêng trong dòng chảy âm nhạc hiện nay.
Ít nhất, giờ đây họ vẫn có các kênh nghe nhạc trực tuyến như iTunes hay Spotify để những người vốn luôn dõi theo những bước chân nghệ thuật của họ trên khắp thế giới có thể tìm thấy ngay tác phẩm mới để nghe thay vì hỏi nhau "Mua đĩa ở đâu?".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận