Bà Mereani Keleti Vakasika (bìa phải), quan chức LHQ, và Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Campuchia Hor Namhong tại buổi thẩm định bản đồ ở Phnom Penh ngày 20-8-2015 - Ảnh: AFP |
“Ông ta (nghị sĩ Um Sam An) còn kích động vấn đề chủng tộc giữa Campuchia và Việt Nam. Chúng tôi không thể chấp nhận được điều đó |
Khieu Sopheak (người phát ngôn Bộ Nội vụ Campuchia) |
Đảng CNRP cáo buộc chính phủ của Thủ tướng Hun Sen sử dụng bản đồ giả để phân giới cắm mốc đường biên giới trên bộ làm Campuchia mất đất. Chính vì vậy, CNRP tiến hành các hoạt động như thị sát biên giới, tìm kiếm bản đồ để đối chiếu...
Bám vào chiêu bài “mất đất”
Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền phản ứng quyết liệt. Một mặt, chính quyền khẳng định việc sử dụng bản đồ phân giới cắm mốc là đúng đắn bằng cách mượn bản đồ từ Pháp, Mỹ, Liên Hiệp Quốc (LHQ) về để đối chiếu với bản đồ mà chính phủ sử dụng để phân giới cắm mốc với Việt Nam; mặt khác, có những động thái cứng rắn nhằm răn đe CNRP.
Ngày 15-8-2015, chính quyền Phnom Penh đã cho bắt thượng nghị sĩ Hong Sok Hour vì tội tuyên truyền xuyên tạc điều 4 của Hiệp ước hòa bình hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Campuchia ký tháng 2-1979. Ba ngày sau, Tòa án Phnom Penh đã buộc tội ông Hong Sok Hour các tội làm giả các tài liệu công, sử dụng tài liệu giả mạo, xúi giục bất ổn. Ba tội danh lần lượt tương ứng với án tù 10 năm, 5 năm và 2 năm.
Mới nhất, hôm 12-4 vừa qua, nghị sĩ Um Sam An của Đảng CNRP đã bị truy tố tội kích động nổi loạn sau khi xuyên tạc bản đồ biên giới Campuchia - Việt Nam. Theo AFP, với tội này, ông Sam An đối mặt với bản án lên tới 5 năm tù giam.
Ông Sam An, người có hai quốc tịch Campuchia và Mỹ, đã bị còng tay ngay tại sân bay ở Siem Reap rạng sáng 11-4 sau khi trở về từ chuyến đi làm việc ở Mỹ. Người phát ngôn Bộ Nội vụ Campuchia Khieu Sopheak giải thích lý do bắt giữ để thẩm vấn là ông Sam An đã sử dụng vấn đề biên giới để kích động người dân nổi loạn chống lại chính phủ.
Cũng trong ngày 12-4, Thủ tướng Hun Sen cảnh báo sẽ có thêm các vụ bắt giữ những trường hợp tương tự. “Bất cứ ai dám nói chính phủ sử dụng bản đồ giả phải bị còng tay” - ông Hun Sen tuyên bố cứng rắn trên đài phát thanh. Theo báo Cambodia Daily, quyền miễn trừ dành cho nghị sĩ không áp dụng trong trường hợp ông Sam An vì ông bị “bắt quả tang”, cũng tương tự trường hợp của thượng nghị sĩ Hong Sok Hour trước đó.
Có thể nói, trong vấn đề bản đồ và phân giới cắm mốc với Việt Nam, Đảng CNRP đã thua CPP từ nhiều năm trước. Ngày 27-1-2010, ông Sam Rainsy, khi đó còn là chủ tịch Đảng Sam Rainsy (SPR), đã phải chịu mức án 2 năm tù giam và nộp phạt 60 triệu riel (khoảng 15.000 USD) vì tội phá hoại tài sản nhà nước và có hành động kích động phân biệt sắc tộc khi nhổ cột mốc phân giới Việt Nam - Campuchia.
Năm bị cáo cùng tham gia vụ này với Sam Rainsy cũng bị Tòa án tỉnh Svay Rieng tuyên mỗi người 1 năm tù với tội phá hoại tài sản công.
Cụ thể vụ việc là vào ngày 25-10-2009, ông Sam Rainsy đã tới khu vực đang phân giới cắm mốc giữa tỉnh Long An và tỉnh Svay Rieng, nhổ sáu cọc dấu tạm thời xác định vị trí mốc 185 mang về Phnom Penh.
Đến ngày 16-11-2009, Quốc hội Campuchia đã tước quyền miễn truy tố của ông Sam Rainsy do hành vi nhổ cọc này, mở đường cho Tòa án tỉnh Svay Rieng gửi giấy triệu tập ông này hôm 21-12-2009.
Thượng nghị sĩ Hong Sok Hour bị còng tay dẫn ra tòa vào đầu tháng 10-2015 - Ảnh: AFP |
Cuộc đấu trên nghị trường
Cuộc “song đấu” của hai đảng tại Campuchia tùy theo từng thời điểm luôn diễn ra quyết liệt. Phương Tây thường mô tả đó là việc đàn áp phe chính trị đối lập nhưng bên chính quyền Campuchia giải thích chỉ hành xử theo luật pháp, ai phạm tội thì bị trừng trị.
Ngày 30-10-2015, Quốc hội Campuchia bỏ phiếu bãi nhiệm chức phó chủ tịch thứ nhất quốc hội của ông Kem Sokha (chỉ có nghị sĩ CPP tham dự) với lý do ông này vi phạm thỏa thuận ngày 22-7-2014 giữa hai đảng; kích động bạo lực và gây tâm lý thù hằn dân tộc...
Ngày 13-11-2015, Tòa án thành phố Phnom Penh đã ra lệnh bắt giam ông Sam Rainsy, chủ tịch Đảng CNRP, để thực thi bản án mà Tòa án thủ đô Phnom Penh đã tuyên vào tháng 4-2011 liên quan đến việc ngày 17-4-2008 trong một phát biểu tại Bảo tàng Cheong Ek, ông Sam Rainsy đã vu khống Bộ trưởng Ngoại giao Hor Namhong là trưởng trại giam Beung Trobek khét tiếng dưới thời Khmer Đỏ.
Sau đó, Tòa án Phnom Penh ra lệnh triệu tập ông Sam Rainsy ra tòa ngày 4-12-2015 để giải quyết các vấn đề có liên quan đến vụ thượng nghị sĩ Hong Sok Hour. Kể từ đó đến nay, ông Sam Rainsy phải sống lưu vong ở Pháp.
Ngay trong vụ bắt giữ thượng nghị sĩ Hong Sok Hour của Đảng CNRP hồi tháng 8-2015 vì hành vi xuyên tạc hiệp ước về biên giới giữa Việt Nam và Campuchia, chính quyền của Thủ tướng Hun Sen cũng hành động rất cương quyết. Ông Hun Sen mô tả hành vi của thượng nghị sĩ Sok Hour là “phản quốc”. “Bằng bất cứ giá nào, chính phủ cũng phải hành động” - ông Hun Sen nhấn mạnh. Thủ tướng Campuchia cũng yêu cầu Bộ Tư pháp đề nghị thượng viện tước bỏ quyền miễn tố của ông Sok Hour.
Ông Hun Sen cũng ra lệnh cho sân bay quốc tế Phnom Penh tăng cường an ninh để ngăn chặn ông Sok Hour trốn ra nước ngoài. Ông yêu cầu các đại sứ quán nước ngoài không được can thiệp vào vấn đề nội bộ của Campuchia. “Tôi đề nghị các đại sứ quán nước ngoài không can thiệp. Đây là hành vi phạm tội và ông ta phải bị bắt giữ” - ông Hun Sen nhấn mạnh.
Kỳ tới: Án mại dâm của Kem Sokha
Campuchia phổ biến bản đồ phân giới với Việt Nam Trước việc Đảng CNRP cáo buộc Chính phủ Campuchia sử dụng bản đồ không đồng nhất với bản đồ đang lưu giữ tại LHQ, sáng 20-8-2015, Ủy ban điều phối công tác tiếp nhận và đối chiếu bản đồ của Chính phủ Campuchia đã tổ chức buổi thẩm định, đối chiếu công khai. Buổi đối chiếu có các đại diện của ba đảng lớn nước này gồm Đảng CPP cầm quyền, Đảng CNRP đối lập và Đảng FUNCINPEC. Sau cuộc thẩm định, Bộ trưởng cấp cao, Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia Campuchia Var Kimhong nhấn mạnh bản đồ Campuchia của LHQ không có gì khác với bản đồ mà Ủy ban liên hợp về phân giới, cắm mốc biên giới trên đất liền Campuchia - Việt Nam đã và đang sử dụng. Tiếp đó, trong cuộc họp chính phủ ngày 9-10-2015, Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã chỉ thị các ngành hữu quan phổ biến công khai đến mọi người dân về bản đồ phân giới với Việt Nam. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận