26/06/2024 08:58 GMT+7

Cuộc đại phẫu '6 trong 1' cứu bệnh nhân ung thư dạ dày tái phát xâm lấn nhiều tạng

Bệnh nhân mắc ung thư dạ dày đã phẫu thuật ở bệnh viện tuyến trên, gần đây tái phát xâm lấn, đã được các bác sĩ tiến hành cuộc đại phẫu thuật đặc biệt khó, loại bỏ hoàn toàn khối u.

Giai đoạn đầu của bệnh ung thư dạ dày có thể không xuất hiện triệu chứng hoặc có một số biểu hiện nhưng thường không rõ ràng - Ảnh minh họa

Giai đoạn đầu của bệnh ung thư dạ dày có thể không xuất hiện triệu chứng hoặc có một số biểu hiện nhưng thường không rõ ràng - Ảnh minh họa

Bệnh nhân là B.X.Q. (55 tuổi, trú Thái Thụy, Thái Bình) bị ung thư dạ dày và được phẫu thuật cắt đoạn dạ dày từ năm 2019.

Khoảng 2 tháng nay, bệnh nhân thấy đau bụng âm ỉ thượng vị, ăn ngủ kém, mệt mỏi gầy sút nên đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình để thăm khám và được chẩn đoán bị ung thư dạ dày tái phát tại miệng nối, rồi vào Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình để phẫu thuật điều trị.

Các bác sĩ tiến hành cuộc đại phẫu thuật đặc biệt khó "6 trong 1" - cắt toàn bộ dạ dày phần còn lại, cắt đại tràng góc lách, cắt lách, cắt một phần thùy gan trái, cắt đuôi tụy, cắt bỏ một phần cơ hoành trái và vét hệ thống hạch di căn.

Sau hơn 4 giờ, ca phẫu thuật đã bước đầu thành công loại bỏ hoàn toàn khối u và phần tổ chức ung thư xâm lấn. Sức khỏe bệnh nhân dần hồi phục ổn định, được xuất viện sau 12 ngày chăm sóc hậu phẫu tích cực.

Theo bác sĩ Nguyễn Phúc Kiên, Trung tâm Ung bướu, đây là ca bệnh đặc biệt khó và phức tạp do bệnh nhân đã mổ cách đây 5 năm các mốc giải phẫu thay đổi, các tạng trong ổ bụng dính với nhau nhiều và đặc biệt khối u đã xâm lấn rộng ra các tạng xung quanh. 

Kết quả giải phẫu bệnh sau mổ cho thấy tất cả các bộ phận cắt ra đều có tổ chức ung thư xâm lấn.

"Việc lấy triệt để khối u ở lần phẫu thuật này đã tạo điều kiện, cơ hội cho bệnh nhân được tiếp tục điều trị các phương pháp bổ trợ khác như hóa chất, miễn dịch để kéo dài tuổi thọ, nâng cao chất lượng cuộc sống", bác sĩ Kiên nhấn mạnh.

Bác sĩ Kiên cho biết thêm, những ca phẫu thuật ung thư dạ dày tái phát xâm lấn rộng là những ca phẫu thuật rất khó khăn và phức tạp, đặt ra thách thức rất lớn cho phẫu thuật viên khi cùng lúc phải thực hiện nhiều phẫu thuật lớn trong một lần phẫu thuật như cắt khối ung thư dạ dày, cắt các tạng mà khối u xâm lấn, di căn như lách, tụy, đại tràng… 

Nguy cơ tai biến, biến chứng là rất lớn, do phẫu tích cắt các tạng phức tạp có nhiều mạch máu lớn tăng sinh, nguy cơ rò bục miệng nối tiêu hóa, rò tụy, rò mật, nhiễm trùng sau mổ, đòi hỏi phẫu thuật viên giàu kinh nghiệm, nắm chắc giải phẫu, phẫu tích chuẩn xác, tỉ mỉ, xử trí tai biến kịp thời.

Dầu ô liu được cho là rất tốt cho bệnh nhân thời gian đầu sau điều trị ung thư dạ dày

Dầu ô liu được cho là rất tốt cho bệnh nhân thời gian đầu sau điều trị ung thư dạ dày

Dấu hiệu cảnh báo ung thư dạ dày

TS.BS Quách Văn Kiên, phó trưởng khoa phẫu thuật tiêu hóa, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, cho biết các dấu hiệu của ung thư dạ dày tùy thuộc vào giai đoạn phát hiện. Ở giai đoạn sớm, hầu như không có triệu chứng.

Đau bụng âm ỉ thượng vị hoặc đôi khi bệnh nhân cảm thấy tức bụng, triệu chứng này rất giống trong viêm loét dạ dày tá tràng nên rất dễ bị bỏ qua.

Thường người bệnh cảm thấy ăn không ngon miệng, mất cảm giác thèm ăn kèm theo triệu chứng sút cân không rõ nguyên nhân, sút cân nhanh trong thời gian ngắn. Đây có thể là những triệu chứng cảnh báo cần phải đi khám bệnh.

Bên cạnh đó, buồn nôn, nôn hoặc đầy tức bụng sau khi ăn cũng có thể là một dấu hiệu cảnh báo ung thư dạ dày.

Ngoài ra, nuốt nghẹn cũng là một triệu chứng có thể gặp trong ung thư dạ dày, thường gặp với những khối u vùng tâm - phình vị.

Đặc biệt, nếu có dấu hiệu nôn ra máu (đỏ tươi, máu đỏ thẫm, máu cục…) hoặc đi ngoài phân đen kéo dài, rất có thể mắc ung thư dạ dày.

Để phòng ngừa ung thư dạ dày, bác sĩ Kiên khuyến cáo nên hạn chế ăn đồ ăn mặn, đồ ủ chua, thịt hun khói… bởi chúng chứa nhiều nitrit, khi vào dạ dày sẽ kết hợp thành những chất dễ gây ung thư dạ dày. Kết hợp ăn nhiều rau xanh.

Từ bỏ thói quen hút thuốc lá, uống rượu bia, chất kích thích. Bởi sử dụng những chất này có thể gây ra nhiều bệnh ung thư, không chỉ riêng ung thư dạ dày.

Ngoài ra, nên có chế độ nghỉ ngơi, luyện tập thể dục thể thao hợp lý, điều độ. Điều trị dứt điểm các bệnh lý viêm loét dạ dày, viêm trào ngược dạ dày và vi khuẩn HP.

Sau phẫu thuật ung thư dạ dày, ngoài việc ăn uống ra sao, người bệnh cần quan tâm hơn đến việc chế biến món ăn cũng như ăn như thế nào.

Cử nhân dinh dưỡng Nguyễn Thị Vân Anh, khoa dinh dưỡng, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, gợi ý một số điểm người bệnh cần chú ý thay đổi trong quá trình ăn uống, như sau:

- Lựa chọn thực phẩm: Thời gian đầu sau phẫu thuật, các nhóm thực phẩm nên chọn gồm tinh bột phức (ngũ cốc xay xát rối, khoai củ); thịt nạc và cá nạc; rau mềm; các loại sữa gầy hoặc sữa thủy phân tốt, sữa chua (ít béo), dầu thực vật (dầu ô liu)…

Khi cơ thể đã thích nghi với việc cắt bỏ hoàn toàn hoặc một phần dạ dày, thực phẩm và chế biến sẽ đa dạng hơn, ăn đầy đủ các nhóm thực phẩm. Đặc biệt chú ý đến nhóm thực phẩm giàu sắt và vitamin B12.

Lựa chọn thực phẩm có hàm lượng calo cao, giàu chất dinh dưỡng và ít đường.

- Uống nhiều nước. Có thể thay nước lọc bằng sữa, nước ép trái cây… để tăng lượng calo nạp vào cơ thể. Tránh rượu, bia, thuốc lá, nước ngọt có gas, hạn chế cà phê, trà.

Không ăn nhiều các thực phẩm chứa nhiều chất xơ sợi như măng, cồi rau cải… để tránh gây cảm giác no lâu, khó tiêu và táo bón.

- Thay đổi cách chế biến: Thời gian đầu sau phẫu thuật, thực phẩm cầm được chế biến mềm, nhừ, cắt nhỏ. Cho đến khi cơ thể thích nghi được thì chuyển dần sang thực phẩm được chế biến theo cách hằng ngày cùng với bữa ăn gia đình.

Ưu tiên luộc, hấp, hầm, xào, tránh chiên, nướng, rán hoặc ăn sống.

- Thói quen ăn uống: Thay vì ăn ba bữa mỗi ngày, hãy chia nhỏ thức ăn thành nhiều bữa nhỏ và ăn theo khung giờ cố định (6h30 - 9h - 11h30 - 15h - 18h - 20h).

Nhai kỹ thức ăn, ăn thật chậm từng miếng nhỏ một, ngồi nghiêng 60-75 độ ngửa về phía sau, tránh nằm ngửa hoặc ngồi lưng thẳng đứng. Giữ nguyên tư thế đó sau ăn 15-30 phút.

Không uống chất lỏng trước và sau khi ăn 30 phút để tránh gây cảm giác no.

Ngoài ra, người bệnh cần gặp bác sĩ dinh dưỡng định kỳ để đánh giá chế độ ăn hiện tại để điều chỉnh kịp thời những điểm không phù hợp. Bổ sung vitamin và vi chất tổng hợp theo chỉ định của bác sĩ.

Thêm hy vọng cho bệnh nhân ung thư thực quản giai đoạn tiến triểnThêm hy vọng cho bệnh nhân ung thư thực quản giai đoạn tiến triển

MSD tổ chức chuỗi hội thảo thu hút gần 200 chuyên gia y tế hàng đầu trong lĩnh vực nội khoa ung bướu, giải phẫu bệnh, xạ trị và ngoại tiêu hóa trên cả nước tham dự.


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên