Phóng to |
Sinh viên ĐH Bách khoa TP.HCM làm robot tại xưởng chế tạo khoa kỹ thuật máy tính để chuẩn bị tham gia cuộc thi Robocon 2012 - Ảnh: Phước Tuần |
“Có thể do đề thi ít tính sáng tạo, nặng về kỹ thuật và quan trọng hơn chính là sự can thiệp, đầu tư tài chính từ phía các trường có sự chênh lệch khá lớn”. Thạc sĩ Huỳnh Văn Kiểm (khoa điện - điện tử ĐH Bách khoa TP.HCM) - thầy giáo chỉ đạo cả ba đội robocon của ĐH Bách khoa TP.HCM, đại diện VN vô địch cuộc thi Robocon châu Á - Thái Bình Dương vào các năm 2002, 2004 và 2006 - đánh giá.
Sự hời hợt của những tên tuổi
Những năm gần đây, số lượng đội robocon tham gia vòng chung kết toàn quốc của các trường mạnh về khoa học kỹ thuật như ĐH Bách khoa TP.HCM, ĐH Bách khoa Đà Nẵng, ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM rất thấp. Thậm chí Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Học viện Kỹ thuật quân sự, ĐH Công nghiệp TP.HCM không còn đội tham gia sân chơi này. Ngay trong vòng loại Robocon 2012 vào tháng 4 này ở Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM, đại diện của những tên tuổi lớn cũng thưa dần.
Thầy Huỳnh Văn Kiểm cho biết lượng sinh viên ĐH Bách khoa TP.HCM tham gia sân chơi robocon hiện đã giảm. Bạn Bùi Đức Thịnh (khoa kỹ thuật máy tính) cho rằng hiện nay để chế tạo và hoàn thiện robot dự thi, tính sơ chi phí một đội phải bỏ ra 30-35 triệu đồng. Giá cả thị trường tăng, các thiết bị linh kiện, nhôm, sắt, dây điện, chip điện tử cũng tăng rất nhiều khiến sinh viên tham gia gặp khó không ít.
Theo thạc sĩ Võ Tấn Thông - trưởng phòng công tác chính trị sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM - robocon chỉ là sân chơi cho sinh viên, môi trường để sinh viên bước đầu tìm tòi, sáng tạo robot tự động. Trường chỉ hướng dẫn, hỗ trợ máy móc, xưởng cơ khí cùng một ít kinh phí để sinh viên tham gia. PGS.TS Đỗ Văn Dũng - phó hiệu trưởng ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM - cho rằng: “Cuộc thi robocon là sân chơi phong trào của sinh viên, cách để sinh viên làm quen sáng tạo robot, rèn kỹ năng làm việc nhóm... Hiện nay khi nhiều trường đầu tư mạnh vào sân chơi này để lấy thành tích thì sinh viên không còn đam mê như trước”.
Trong khi đó, sân chơi robocon của sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội đã được chuyển về ban học tập Đoàn thanh niên trường phụ trách. Thạc sĩ Phạm Mạnh Hùng, giảng viên khoa điện - điện tử viễn thông, trưởng ban học tập đoàn thanh niên Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, nhận định sân chơi này vẫn giúp khơi dậy tinh thần nghiên cứu, sáng tạo khoa học kỹ thuật, nhưng không còn thu hút như trước bởi khi đã làm quen với sáng tạo robot, các bạn muốn nghiên cứu rộng hơn các robot có tính thực tiễn.
Chi lớn = thành tích cao
Bốn năm gần đây, Trường ĐH Lạc Hồng luôn có số lượng đội robocon tham gia vòng chung kết toàn quốc áp đảo ở khu vực miền Nam, hai năm 2010 và 2011 trường đoạt ngôi vô địch toàn quốc. Ở mỗi vòng chung kết, phần lớn các đội robocon của ĐH Lạc Hồng luôn có những robot giống hệt nhau. Giải thích về điều này, thạc sĩ Nguyễn Bá Thuận - người phụ trách robocon ĐH Lạc Hồng - cho biết: “Nhiều trường hợp chúng tôi đầu tư kinh phí làm mới lại robot cũ để đi dự vòng chung kết toàn quốc”.
Theo ông Thuận, tổng chi phí cho các cuộc thi khu vực, toàn quốc và quốc tế trong năm 2010, ĐH Lạc Hồng đầu tư gần 2 tỉ đồng cho sân chơi này. Trong đó chi phí mua sắm thiết bị hỗ trợ làm robot như máy cưa, hàn tiện, nén khí, sân tập cũng hơn 1 tỉ đồng. Nhà trường đầu tư với chi phí 50-70 triệu đồng/đội (gồm ba robot). Tại vòng chung kết Robocon toàn quốc năm 2011 ở Đà Nẵng, do ban tổ chức chỉ cho phép các đội thử sân thi đấu 15 phút nên ĐH Lạc Hồng đã thuê mặt bằng, làm nguyên một sân tập riêng với chi phí gần 90 triệu đồng cho sáu đội robocon của trường tập luyện.
PGS.TS Nguyễn Thị Phương Hà - phó hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế công nghệ TP.HCM - nhìn nhận sân chơi robocon giúp rất nhiều kỹ năng học tập, làm việc nhóm, nghiên cứu khoa học cho sinh viên nên nhà trường sẵn sàng đầu tư để các bạn có điều kiện tham gia sân chơi này. Năm nay trường có ba đội robocon tham gia vòng loại khu vực phía Nam với tổng kinh phí đầu tư trên 700 triệu đồng.
Đánh giá về sự đầu tư của một số trường vào sân chơi robocon, thầy Huỳnh Văn Kiểm nói: “Sự đầu tư của các trường làm tăng chất lượng thi đấu, sinh viên có điều kiện học hỏi và nghiên cứu nhiều hơn. Tuy nhiên, việc nhà trường can thiệp quá sâu, đầu tư kinh phí lớn kiểu “bao trọn gói” sẽ ảnh hưởng đến phong trào tham gia robocon, kết quả thi đấu không còn phản ánh đúng trình độ của sinh viên tham gia”.
Thiết bị thắng ý tưởng Từng là thành viên tham gia ba mùa robocon, Lưu Anh Tiến - đội trưởng đội Bkpro (ĐH Bách khoa TP.HCM), đoạt giải quán quân Robocon châu Á - Thái Bình Dương năm 2006 - chia sẻ: “Những năm gần đây, khi công nghệ lập trình robot dường như không có sự chênh lệch giữa các trường, đề thi nặng về kỹ thuật nên yếu tố cơ khí hóa robot, ý tưởng cấu kiện robot đóng vai trò quan trọng trong thi đấu. Vì thế trường nào đầu tư kinh phí lớn, robot có độ tinh xảo về cấu kiện, thiết bị ổn định sẽ lợi thế hơn trong thi đấu”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận