Phóng to |
Hai diễn viên chính Simin (do Leila Hatami đóng) và Nader (Peyman Moadi) trong phim A separation - Ảnh: imdb |
Xem A separation, không khỏi liên tưởng đến Việt Nam và nhiều nước châu Á khác về đời sống xã hội, góc nhìn điện ảnh và sự phát triển nghệ thuật thứ bảy trong điều kiện người làm phim còn chịu nhiều ràng buộc khắc nghiệt.
Ngay từ phút đầu tiên, đạo diễn Asgar Farhadi dẫn khán giả đến với cuộc tranh cãi, xung đột trước tòa của một cặp vợ chồng về quyết định rời khỏi Iran để đến một nước khác thịnh vượng hơn.
Góc máy đứng im để khán giả đối diện với sự khẩn nài của cô vợ Simin và sự phản đối của người chồng Nader. Simin muốn được đưa cô con gái 11 tuổi theo mình để con có một tương lai tốt hơn; trong khi Nader không đồng ý vì con gái muốn ở lại và để chăm sóc cho người cha mắc chứng bệnh Alzheimer.
Nghe phân bua từ hai phía, ai cũng có lý riêng nên bỗng dưng khán giả "bị" đẩy vào tình huống truyện, tạo sự phân vân không biết nên ủng hộ ai, ai đúng, ai sai. Cũng từ đây, người xem vô tình nhập sâu hơn vào câu chuyện đời sống của một gia đình với những tình tiết hết sức tự nhiên, đời thường nhưng được đan cài một cách khéo léo.
Không sa đà vào những tình tiết rối rắm hay éo le, kịch tính của sự việc, tình huống trên màn ảnh nối nhau diễn ra một cách tự nhiên, sống động như vốn dĩ nó phải thế, như không có dụng công nắn chỉnh, áp đặt. Từng chút một, trong 123 phút, "người chứng kiến - khán giả" có khi bất ngờ, có khi hoang mang trước những gì mà thực tế cuộc sống bày ra và không khỏi phải suy nghĩ trước những lằn ranh của sự thật và dối trá.
Phim chủ yếu quay nội cảnh, diễn viên không nhiều, mọi tình tiết xoay quanh một gia đình, nhưng lại vẽ ra được nhiều lớp ý nghĩa. Ðó là sự xung đột, chia rẽ của đời sống gia đình, những va chạm của nhu cầu thay đổi và nếp sống truyền thống. Ðó là khoảng cách giàu nghèo, sự cách biệt của các tầng lớp trong xã hội. Ðó là sự vô tình của pháp luật khi khó có thể đồng điệu và lắng nghe được tiếng nói của con tim.
Lớn hơn, như cách nhìn trên một tờ báo nước ngoài, A separation "là một bức chân dung về dân chủ trong một thế giới thần quyền thống trị" khi đề cập đến yếu tố niềm tin tôn giáo một cách tinh tế và sâu sắc.
Thế nên, sức nặng về nội dung cùng cách kể chuyện đậm chất điện ảnh của tác phẩm đến từ một nền điện ảnh còn khiêm tốn, ở một đất nước còn nhiều rào cản với các nhà làm phim và khi phim ra đời rất dễ bị quy chụp là "chính trị hóa", thì khi tiếng nhạc cho phút kết thúc phim nổi lên, rất có thể khán giả sẽ bừng tỉnh để nhìn lại...
Riêng với khán giả Việt Nam, khi xem tuyệt phẩm A separation cùng nhiều bộ phim Iran xuất sắc khác trước đó như Taste of cherry, Gabbeh, The wind will carry us..., có thể sẽ không khỏi bần thần nghĩ đến nền điện ảnh của nước nhà quẩn quanh bao năm với chân dài, đại gia, trai gái nhảy, hot girl, đồng tính, thế giới showbiz, hài nhảm...
Phim nước ngoài hay nhất tại Oscar? Sau khi trở thành Phim nước ngoài hay nhất tại lễ trao giải Quả cầu vàng, A separation tiếp tục có tên trong đề cử Oscar. Trước đó, bộ phim Iran này đã đem về giải Gấu vàng tại Liên hoan phim Berlin 2011 và đoạt hàng loạt giải thưởng khác. Tại giải Oscar lần thứ 84 (sẽ công bố hôm 26-2), A separation có tên ở hai hạng mục đề cử là Phim nước ngoài hay nhất và Kịch bản gốc xuất sắc nhất. Với những thành tích đã đạt được, bộ phim được chấm tới 8,6/10 điểm trên IMDB này có nhiều khả năng sẽ vượt qua bốn đối thủ khác là các phim Bullhead (Bỉ), Footnote (Israel), In darkness (Ba Lan) và Monsieur Lazha (Canada) để trở thành Phim nước ngoài xuất sắc nhất của năm. |
BÙI DŨNG
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận