Cuộc chiến xe buýt du ngoạn ở New York

H.MINH 21/08/2024 07:42 GMT+7

TTCT - Ngành xe buýt chở khách du lịch ngoạn cảnh ở các thành phố lớn rất dễ rơi vào tình trạng độc quyền có điều kiện vì nhiều lý do.

Cuộc chiến xe buýt du ngoạn ở New York- Ảnh 1.

Ảnh: New York Post

Tại đô thị lớn nhất nước Mỹ và thành phố du lịch hàng đầu thế giới New York, một cuộc chiến "xe buýt ngoạn cảnh" đã nổ ra từ rất lâu và tới nay vẫn chưa có hồi kết.

Về mặt lý thuyết kinh tế, ngành này dễ có nguy cơ "độc quyền do nhà nước cấp phép" vì các lý do kỹ thuật (kẹt xe trong thành phố, hạ tầng không đủ đáp ứng hay số du khách có nhu cầu là tương đối cố định...). 

Một dạng độc quyền khác cũng đã xuất hiện trên thực tế với những chiếc xe buýt hai tầng này là "độc quyền do địa lý", khi các địa điểm du ngoạn, tham quan và tuyến đường đẹp trong thành phố là hạn chế, tức "nguồn lực khan hiếm", khiến khi một hãng đã khai thác rồi thì việc có thêm một hãng thứ hai, thứ ba cùng chạy tuyến đó sẽ làm giảm mạnh hiệu quả kinh tế.

Tranh giành địa bàn

Chính vì vậy mà thành phố New York, vốn có hơn 8 triệu dân và đón khoảng 60 triệu du khách mỗi năm, vẫn là quá chật chội với ba hãng xe buýt du ngoạn hàng đầu: TopView Sightseeing, Gray Line và Big Bus.

Tranh giành địa bàn tuy không diễn ra bằng súng đạn và thanh toán lẫn nhau theo kiểu các băng đảng mafia Ý thời phim Bố già, nhưng các hãng xe cũng đã thật sự "không từ thủ đoạn" trong cuộc cạnh tranh một mất một còn. 

Mới đây nhất, hồi tháng 3-2024, Tòa phúc thẩm New York đã xác nhận lại tuyên bố của TopView rằng Big Bus và Gray Line đã vận hành dưới dạng độc quyền không công khai - diễn tiến mới nhất trong vở drama đã kéo dài nhiều năm giữa họ.

"Đó là một lịch sử hết sức phức tạp", luật sư của TopView, Maurice Ross, nói với trang Curbed 25-3-2024. TopView khởi kiện với cáo buộc hai hãng kia đã lợi dụng "sức mạnh thị phần để ngăn cản TopView tiếp cận một số điểm tham quan". Và đây không phải vụ cáo buộc độc quyền đầu tiên giữa họ phải "ra tòa nói chuyện".

Trong một thỏa thuận dàn xếp năm 2015, Gray Line và City Sights (một công ty xe buýt du ngoạn khác nữa) được chưởng lý New York ra lệnh phải trả 7,5 triệu đô la tiền bù đắp thiệt hại và từ bỏ mấy chục trạm dừng trên các tuyến du ngoạn ở quận trung tâm thành phố Manhattan, để cho phép các công ty khác tham gia khai thác. 

Đổi lại, vụ kiện chống độc quyền nhắm vào họ, do chính tiểu bang New York đứng đơn, sẽ được bãi bỏ.

Tháng 3-2019, TopView lại đệ đơn kiện chống độc quyền cấp liên bang nhắm vào Big Bus, Gray Line và bốn công ty khác (vụ việc kéo dài tới nay, như nói ở trên). Hai tháng sau, tới lượt Big Bus đệ đơn kiện ngược TopView với cáo buộc tương tự. 

Trong đơn kiện, Big Bus nói lượng khách của họ giảm đi trông thấy vì "hành vi làm ăn chụp giựt, lừa đảo, cẩu thả, chặt chém và nguy hiểm" của TopView. 

Big Bus cũng tuyên bố chỉ trong vòng 24 tiếng tháng 1-2019, "hơn 200 đánh giá 5 sao" đã được đăng trên hồ sơ Google của TopView, tuyệt đại đa số là từ Nigeria - hàm ý TopView đã mua những đánh giá này.

Ngay cả màu đỏ, vốn nổi bật ở đô thị và thường gắn với xe buýt hai tầng, cũng là đối tượng giành giật. Đơn kiện của Big Bus nói TopView, vốn sinh sau đẻ muộn, đã cố tình chọn thiết kế xe màu đỏ để đánh lận con đen với các hãng lâu đời hơn, thể hiện "hành vi kinh doanh không lương thiện".

Đồng tiền xương máu

Trái ngược với hình ảnh vui tươi hiền hòa trên các tờ rơi quảng cáo dịch vụ xe buýt ngoạn cảnh, ngành này ở New York thực ra vô cùng khốc liệt. 

Tờ báo khổ nhỏ New York Post tả lại cảnh tượng mà họ nói là quen thuộc: "Một nhân viên bán vé của Gray Line hét lên khi đi ngang một trạm dừng chân của TopView ở chỗ tòa nhà Empire State, biểu tượng của thành phố: 

"Đồ chó đẻ! Biết bố mày là ai không, bố mày sẽ đập chết bọn mày!". Vài tháng sau, cũng chính chỗ đó một nhân viên TopView đã lên gối giật chỏ một người của Gray Line".

"Đánh nhau giành địa bàn là chuyện có thật", một người bán vé của TopView xin không nêu tên nói với tờ Post. Kết quả của những cuộc đụng độ như vậy là cảnh tượng cũng giống như phim Bố già - khi các đại gia đình ngồi lại với nhau. 

Năm 2018, các hãng xe buýt du ngoạn lớn của thành phố cùng nhất trí một "Tài liệu hướng dẫn hành vi" cho nhân viên. 

Thỏa thuận quy định rõ các bên không được viện đến vũ lực và phải ăn nói chừng mực, bao gồm những phát ngôn có tính bôi nhọ rất chi tiết. (Những phát ngôn bị cấm khi nói về đối thủ là: "Họ làm gì có xe", "Họ đang bị FBI điều tra", "Họ không chở quý vị xem tượng Nữ thần Tự Do đâu", và "Tài xế bên đó lái ẩu lắm").

Nhưng cũng giống trong phim Bố già, thỏa ước đình chiến chẳng tồn tại được lâu. Đúng là khi đại dịch Covid làm tê liệt ngành du lịch New York, trong một khoảng thời gian ngắn năm 2020, hòa bình đã được lập lại giữa các hãng xe buýt du ngoạn. 

Big Bus thậm chí tình nguyện rút đơn kiện vụ năm 2019, đổi lại việc TopView cũng làm tương tự. "Sẽ là khôn ngoan hơn nếu các bên tập trung vào khôi phục hoạt động kinh doanh và dành nguồn lực để bảo vệ và tuyển dụng thêm người lao động thay vì kiện cáo lẫn nhau", Big Bus viết trong lá thư đăng công khai.

Tuy nhiên, cành ô liu chìa ra đó đã không được đón nhận. "Cớ gì chúng tôi phải rút đơn - luật sư Ross của TopView nói trên Curbed - Chúng tôi hoàn toàn có lý mà".■

Với các cựu nhân viên, những công ty xe buýt du ngoạn này đều tệ như nhau. Một cựu hướng dẫn viên của Big Bus nói với Curbed: "Họ là hai công ty thảm hại. Cứ mặc kệ họ tha hồ phí tiền cho đám luật sư".

Một người cũ của TopView thì nói về các sếp mình ngày xưa: "Cảm nhận của tôi là dù TopView có làm ăn kiểu gì, họ vẫn chẳng khác chi một băng gangster". Các cựu nhân viên khác của TopView kể họ sẽ bị trừ lương nếu để xe về muộn hay phạm những lỗi nhỏ về đồng phục và được lệnh phải báo cáo nếu tài xế bỏ xe đi vệ sinh.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận