Cuộc chiến tranh lạnh mới đã bắt đầu?

CHIÊU VĂN 30/06/2020 02:06 GMT+7

Từ chiến tranh thương mại tới Huawei, từ cấm đoán truyền thông tới chiến tranh công nghệ, cuộc chiến tranh lạnh Trung - Mỹ có lẽ đã là một thực tế, chứ không chỉ là dự báo nữa. Câu hỏi đặt ra là những nước khác sẽ phải “sống ra sao” trong thực tế mới đó?

Cuộc khủng hoảng virus corona chỉ đẩy nhanh thêm một sự đã rồi: Hiện gần như không còn quốc gia nào trên thế giới, nhất là ở châu Á, Mỹ Latin, và châu Phi, mà cái bóng của hai siêu cường lại không đổ xuống họ, mà một sự lựa chọn - công khai hoặc ngấm ngầm - nhiều khi là bắt buộc.

Khi các binh sĩ Trung Quốc và Ấn Độ đụng độ nhau trong biến cố gây chết người tồi tệ nhất từ năm 1967 ở khu vực biên giới tranh chấp thuộc dãy Himalaya, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Mike Pompeo đã nhanh chóng bày tỏ ý kiến đứng về phía Ấn Độ. Câu hỏi liệu Huawei có phải mối đe dọa an ninh không được nêu ra gần như ở tất cả các nước. Trực tiếp hơn, Mỹ đã có hàng loạt động thái phủ đầu - hay đáp trả, tùy vào góc nhìn - nhắm vào Trung Quốc: khởi phát cuộc chiến tranh thương mại tới nay vẫn chưa thể dàn xếp, không công nhận tư cách báo chí của hàng loạt văn phòng đại diện của các cơ quan truyền thông Trung Quốc ở Mỹ, hay những cáo buộc qua lại về dịch bệnh COVID-19...

Trên từng cây số

Mọi sự so sánh lịch sử đều là khập khiễng, nhưng nếu định nghĩa chiến tranh lạnh là một cuộc tranh đấu lâu dài, nhiều phương diện, và quy mô toàn cầu giữa hai siêu cường, thì cuộc chiến mới đã bắt đầu rồi. Cuộc chiến tranh lạnh đầu tiên của thời hiện đại giữa Liên Xô và Mỹ đã kéo dài hơn 40 năm. Trung Quốc ngày nay tất nhiên không phải là Liên Xô. Họ có sức mạnh kinh tế lớn lao, quy mô dân số khổng lồ, và tinh thần quốc gia cao độ, nhưng đồng thời là năng lực cách tân sáng tạo lẫn một xã hội với tinh thần doanh nhân mà Liên Xô không hề có. Trung Quốc còn có một điểm tựa lịch sử quan trọng: họ có thể học hỏi rất nhiều từ sự sụp đổ của Liên bang Xô viết.

Ảnh: IntellBriefs

Sự tự tin của siêu cường đang nổi lên, vì thế, không có gì khó hiểu. Trong nửa đầu năm 2020, từ Biển Đông tới biển Nhật Bản, từ dãy Himalaya đến eo biển Đài Loan, Trung Quốc đang thể hiện sự mạnh tay và quyết liệt trong những tuyên bố lãnh thổ và lãnh hải của họ. Trong cùng tuần lễ nổ ra biến cố Trung - Ấn, một tàu ngầm Trung Quốc đã tiến vào vùng nước gần Nhật Bản, dẫn tới việc Nhật triển khai máy bay chiến đấu và tàu chiến để theo dõi. Máy bay của Trung Quốc cũng duy trì việc bay qua không phận lãnh thổ Đài Loan gần như mỗi ngày. Tại Biển Đông, những động thái leo thang không chỉ tiếp tục mà còn mở rộng, dẫn tới ngay cả Indonesia, nước Đông Nam Á xa nhất về cực nam của vùng biển này, đã phải chính thức lên tiếng.

“Sự cương quyết về quân sự của Trung Quốc phản ánh nước này đã thấy tự tin và có năng lực tốt hơn, nhưng cũng là một thông điệp gửi đi cho Hoa Kỳ”, báo Mỹ The New York Times viết ngày 26-6, “về đại dịch [COVID-19], về Hong Kong và những vấn đề khác mà Trung Quốc coi là trọng tâm với chủ quyền và lòng tự hào quốc gia của họ”. Quyền lực, giống như mọi thứ khác, có tính tương đối cao độ. Sự tự tin của Trung Quốc không chỉ là vì ngày nay họ đã mạnh lên rất nhiều so với Trung Quốc năm 1979 chẳng hạn, mà còn vì khoảng cách giữa họ với Mỹ ngày càng thu hẹp trên nhiều phương diện, trong khi cũng khoảng cách đó với các cường quốc khu vực đang ngày càng mở rộng. “Sức mạnh [của Trung Quốc] đang tăng nhanh hơn rất nhiều so với những cường quốc khu vực” - Adam Ni, giám đốc Trung tâm Chính sách Trung Quốc, một tổ chức nghiên cứu ở Canberra, Úc, nói với NYT. “Điều đó giúp Bắc Kinh có trong tay nhiều công cụ hơn để áp đặt một nghị trình quyết liệt và dứt khoát”.

Công cuộc hiện đại hóa và tinh nhuệ hóa quân đội của Trung Quốc diễn ra càng cấp tập hơn dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình. Tháng 5 vừa rồi, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã tuyên bố ngân sách quốc phòng của nước này năm nay sẽ tăng thêm 6,6%, lên mức 180 tỉ đôla, bằng khoảng 1/4 ngân sách quốc phòng của Mỹ. Con số này phải đặt trong bối cảnh là chi tiêu công của Trung Quốc năm 2020 này dự kiến sẽ giảm vì kinh tế toàn cầu suy thoái do đại dịch.

Sức mạnh tổng thể của quân đội Trung Quốc nhìn chung được nhận định vẫn còn kém xa Mỹ, nhưng ở một số lĩnh vực, khoảng cách đang thu hẹp nhanh chóng. Tới cuối năm 2019, Trung Quốc được cho là sở hữu ít nhất 335 tàu chiến các loại, nhiều hơn so với 285 của Mỹ, theo một báo cáo tháng 5-2020 của Cơ quan Nghiên cứu phục vụ Quốc hội Mỹ. Hoa Kỳ tất nhiên không ngồi yên. Nước này đã tăng cường các hoạt động của tàu chiến ở Biển Đông, lên tiếng đứng về phía Ấn Độ, và đẩy mạnh hợp tác quân sự với Đài Loan.

Nhiều chuyên gia và học giả về an ninh đã nêu quan ngại về sự leo thang này. Báo Hong Kong South China Morning Post ngày 24-6 dẫn lời giới chuyên gia nhận định nguy cơ đụng độ quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc “đang cao hơn bao giờ hết” và những cơ chế liên lạc hiện giờ có thể không đủ để kiểm soát chặt các biến cố. Một báo cáo của Viện Nghiên cứu biển Hoa Nam (tức Biển Đông) của Trung Quốc công bố ngày 23-6 được SCMP dẫn lại nói liên lạc giữa quân đội Mỹ và Trung Quốc đã giảm mạnh kể từ năm 2018. Quan hệ quân sự song phương xấu đi sau khi Trung Quốc triển khai các hệ thống tên lửa và máy bay đánh bom trên Biển Đông, và Mỹ đáp lại bằng cách ngưng mời Trung Quốc tham gia cuộc tập trận hải quân quy mô lớn và đa quốc gia Vòng cung Thái Bình Dương.

Những người ở giữa

Rất nhiều nước ở thế kẹt giữa hai siêu cường đang cố gắng thực hiện một chính sách ngoại giao “bảo hiểm rủi ro”, nhưng khoảng hở để các nước “không chọn phe phái” - duy trì sự trung lập và không liên kết - đang ngày càng thu hẹp, khi căng thẳng giữa hai siêu cường ngày càng gay gắt. Ấn Độ là một ví dụ với biến cố gần nhất. Quốc gia đông dân thứ hai hành tinh từ lâu đã tự hào với chính sách mà cựu cố vấn an ninh quốc gia Shivshankar Menon gọi là “quyền tự quyết chiến lược”. Nhưng chính ông Menon nói thảm kịch ở vùng biên giới Trung - Ấn vừa rồi là “chưa có tiền lệ cả về quy mô lẫn những ngụ ý” với quan hệ song phương, điều có thể khiến Ấn Độ buộc phải lựa chọn.

Menon từ lâu đã lập luận rằng Ấn Độ cần tránh xa những mối liên minh ràng buộc lâu dài. “Vị trí lý tưởng cho Ấn Độ tất nhiên là gần gũi với cả Trung Quốc và Mỹ hơn là hai nước đó gần gũi với nhau”, ông nói với báo Anh The Guardian. Nhưng khi giọng điệu và sự đe dọa leo thang, sẽ ngày càng khó tìm được sự cân bằng đấy. Cảm giác rất rõ ràng là một cuộc chiến tranh lạnh đã bắt đầu, không chỉ bằng tàu chiến, máy bay, mà cả bằng các sắc thuế và sóng wifi.

Kishore Mahbubani, chuyên gia ở Viện Nghiên cứu châu Á, nhấn mạnh thêm tình thế hung hiểm của các quốc gia khác có nguy cơ bị cuốn vào cuộc chiến không mong đợi: “Với những nước như Hàn Quốc và Nhật Bản, đây không hề là vấn đề trừu tượng hay mang tính địa chính trị. Mỹ muốn cả hai nước này tách rời [nguyên văn: “decouple”] khỏi Trung Quốc, nhưng với họ, làm như vậy là tự sát về mặt kinh tế”. Tiếng nói của Mahbubani đáng lắng nghe vì ông từng là nhà ngoại giao số một của Singapore ở Liên Hiệp Quốc. Chính thủ tướng nước này, ông Lý Hiển Long, từng nhận định rất sâu sắc về tình thế hiện tại với nhiều quốc gia châu Á giống như thành bang của ông: “Các nước châu Á nhìn nhận Hoa Kỳ là một cường quốc thường trực với lợi ích sống còn trong khu vực. Đồng thời, Trung Quốc là một thực tế ở cửa ngõ của chúng tôi. Các nước châu Á không muốn phải lựa chọn giữa hai điều đó. Và dù cho bên nào định áp đặt một lựa chọn như vậy - nếu Washington tìm cách kìm hãm sự vươn lên của Trung Quốc hay Bắc Kinh muốn xây dựng một không gian ảnh hưởng chỉ của mình họ ở châu Á - thì họ đều sẽ bắt đầu một cuộc đối đầu rất có thể kéo dài nhiều thập niên và gây rủi ro nghiêm trọng cho thế kỷ châu Á vẫn được mong đợi bấy lâu”.

Ông Lý cũng hối thúc các bên không nhìn nhận vấn đề như năm 1946, và nói lên lời cảnh báo thay cho những “thân phận trái độn” như đất nước ông: “Trung Quốc không phải là một ngôi làng Potemkin hay nền kinh tế mệnh lệnh chỉ huy rỗng ruột như Liên Xô vào những năm cuối cùng. Bất cứ cuộc đối đầu nào giữa hai siêu cường hiện tại nhiều khả năng sẽ không kết thúc trong hòa bình như lần trước”. ■

Cũng quan trọng không kém là vấn đề kinh tế. Ngoài cuộc chiến tranh thương mại đã được nói nhiều, tháng trước, Thượng viện Mỹ thông qua dự luật có thể hạn chế các công ty Trung Quốc niêm yết trên các thị trường chứng khoán Mỹ hay huy động vốn từ giới đầu tư Phố Wall nếu họ không tuân thủ các tiêu chuẩn quản lý và kiểm toán của Washington. Trung Quốc, ngoài việc tăng thuế đánh vào hàng hóa Mỹ để trả đũa trong cuộc thương chiến, cũng nhắm vào các đồng minh thân cận của Mỹ, như việc đình chỉ nhập khẩu thịt bò từ Úc sau khi Úc kêu gọi mở điều tra toàn cầu về nguồn gốc virus corona, theo Reuters.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận