26/02/2021 07:47 GMT+7

Cuộc chiến thần tốc 'xuyên tết' chống dịch

THÙY DƯƠNG
THÙY DƯƠNG

TTO - Khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát tại TP.HCM trong những ngày gần tết vừa qua, ngành y tế TP.HCM đã có 10 ngày thần tốc chống dịch. Hàng triệu người dân trong TP được hưởng một cái tết an lành trong tình hình mới.

Cuộc chiến thần tốc xuyên tết chống dịch - Ảnh 1.

Ngay trong đêm 11-2 (30 tết), Trung tâm Y tế Q.Bình Thạnh đã lấy mẫu xét nghiệm đối với hàng trăm người là nhân viên xếp dỡ, nhân viên bán vé, bảo vệ, tài xế và hành khách có mặt tại thời điểm lấy mẫu ở bến xe Miền Đông - Ảnh: HCDC

Ông Nguyễn Trí Dũng, giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), cho biết bắt đầu xuất hiện ca bệnh ở Chí Linh (Hải Dương) vào ngày 29-1, HCDC đã đánh giá đây là đợt dịch cao điểm lớn. Do vậy, từ ngày 1-2, HCDC đã thống nhất 100% cán bộ, công nhân viên của HCDC phải có mặt ở TP.HCM.

Bỏ tết, ráo riết truy vết

"Đúng là bất cứ lúc nào nhận được ca nhiễm COVID-19 đầu tiên trong một đợt dịch cũng làm cho ngành y tế, đội ngũ anh em HCDC căng thẳng, hồi hộp" - ông Dũng chia sẻ. Ca nhiễm khiến ngành y tế căng thẳng nhất trong những ngày gần tết của đợt dịch vừa rồi là ca ngày 5-2 (sau khi giám sát khoảng 4.900 mẫu xét nghiệm tại sân bay Tân Sơn Nhất), TP đã tình cờ phát hiện một nhân viên của sân bay nhiễm COVID-19.

Sau rất nhiều ngày TP không có ca bệnh, "bỗng dưng" phát hiện một ca không xác định được lây nhiễm từ đâu! Ca bệnh này đã đặt cho ngành y tế rất nhiều thách thức. Thời điểm đó, ngành y tế nói chung và HCDC nói riêng đã phải suy nghĩ nhiều giải pháp, nhiều bài toán để tìm xem những ca bệnh COVID-19 ở đâu.

Nhận được sự chỉ đạo từ Ban chỉ đạo phòng chống dịch TP, HCDC đã triển khai cả một chiến lược truy vết. HCDC và các quận huyện đã nỗ lực "chiến đấu" trong 10 ngày cao điểm của đợt dịch. 

Với vai trò đầu tàu trong phòng chống dịch, HCDC triển khai "thần tốc" tất cả các hoạt động liên quan như truy vết, cắt đứt các chuỗi lây nhiễm từ những ca bệnh đã xuất hiện thông qua hoạt động giám sát của TP. Thần tốc đánh giá nguy cơ đối với hoạt động tại sân bay Tân Sơn Nhất để đảm bảo sân bay vẫn được hoạt động trong dịp tết, triển khai giám sát những khu vực có các ca bệnh, chuỗi lây nhiễm và kể cả những khu vực cộng đồng để xác định nguy cơ có trong cộng đồng hay không, đảm bảo cho người dân có thể đón tết trong hoạt động bình thường mới.

Ngày đêm làm 35.000 mẫu xét nghiệm

Khởi đầu từ những ngày giáp tết, các anh em từ HCDC đến các trung tâm y tế quận, huyện, các bệnh viện được huy động tham gia lấy mẫu xét nghiệm, chạy mẫu, các lực lượng địa phương phối hợp với ngành y tế cùng lấy mẫu ở các khu vực dân cư, bến xe, nhà ga... đều làm việc suốt ngày đêm.

Sở Y tế TP.HCM cũng ra một văn bản huy động mười mấy bệnh viện trong TP, phân công cụ thể bệnh viện nào phối hợp với trung tâm y tế nào để tổ chức các hoạt động lấy mẫu xét nghiệm. Sở Y tế TP cũng điều phối một số phòng xét nghiệm của các bệnh viện trong TP tham gia xét nghiệm để các mẫu xét nghiệm không bị ứ đọng, xác định được ngay có ca nhiễm mới hay không, từ đó có những quyết định phong tỏa, giải tỏa cư dân.

Tùy theo năng lực của từng phòng xét nghiệm, HCDC sẽ điều phối số lượng mẫu nhận được từ các nơi trong ngày cho các phòng xét nghiệm thực hiện xét nghiệm, trả kết quả ngay. Các phòng xét nghiệm được phân công làm việc suốt ngày đêm, kể cả đêm giao thừa. 10 ngày thần tốc này ngành y tế đã thực hiện được 35.000 mẫu xét nghiệm.

Theo bác sĩ Trí Dũng, hiện nay về cơ bản tình hình dịch bệnh tại TP đã được kiểm soát và cắt đứt được chuỗi lây nhiễm trong chuỗi ca bệnh mà TP đã phát hiện từ những ngày trước tết. Tuy nhiên nguy cơ luôn tiềm ẩn, bệnh có thể xâm nhập từ bất cứ lúc nào. Với những nguy cơ này, HCDC đã thực hiện chỉ đạo của TP là triển khai 4 tuần chiến dịch cao điểm nhằm giám sát nhiều người dân ở những độ tuổi khác nhau, giám sát tất cả các trường hợp nguy cơ về từ các vùng dịch ở các tỉnh, các nước, ngoài ra còn giám sát cộng đồng để kiểm soát thêm xem nguy cơ có từ cộng đồng hay không.

Khi nhọc nhằn tan biến

Bác sĩ Trần Thị Ngọc Anh (33 tuổi, khoa nội tiết Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, TP.HCM) cùng đồng nghiệp lấy mẫu xét nghiệm cho 750 nhân viên sân bay Tân Sơn Nhất từ 8h-12h ngày 12-2 (mùng 1 tết) và cho hơn 1.000 hành khách từ 17h-22h vào ngày 23-2.

Bác sĩ Ngọc Anh cho biết công việc lấy mẫu xét nghiệm phải đứng và khom lưng trong thời gian dài, cộng thêm đồ bảo hộ kín bưng, khẩu trang N95 dày nên hơi ngộp và mỏi. Nhưng thấy đồng đội ai cũng làm việc tích cực, người được lấy mẫu lại nhiệt tình hợp tác nên mọi nhọc nhằn tan biến nhanh.

Đối với bác sĩ Ngọc Anh, khoảng thời gian lấy mẫu xét nghiệm tại sân bay Tân Sơn Nhất là trải nghiệm đáng nhớ trong hành trình công tác chuyên khoa nội tiết và cảm thấy tự hào khi bản thân cũng đóng góp một phần nhỏ cho đất nước trong việc phòng chống dịch COVID-19.

X.MAI

Gác tết lao vào dập dịch

Ca bệnh 1979 phát hiện giáp tết, không xác định được nguồn lây, virus biến chủng là hai yếu tố nguy hiểm, buộc ngành y tế phải chống dịch xuyên tết với một tinh thần "thần tốc".

Trong đợt dịch lần này, quận Gò Vấp nổi lên là một điểm nóng thực sự với 5 ca nhiễm COVID-19 từ ca chỉ điểm 1979 tại sân bay Tân Sơn Nhất. Dù chỉ là trung tâm y tế quận nhưng có ngày cao điểm, đơn vị tiếp nhận đến 82 người vào cách ly. Từ 27 tết, tình hình ngày một căng thẳng, buộc các nhân viên y tế phải làm một điều không hề mong muốn là phong tỏa cách ly cư dân hẻm 251 (đường Quang Trung, phường 10) và chung cư Felix Homes (44 Nguyễn Văn Dung, phường 6) với tổng cộng gần 1.000 người.

Đứng trước một chung cư có rất đông cư dân (gần 700 người), có đến 4 người dương tính, trong đó có 2 bảo vệ, bác sĩ Nguyễn Trung Hòa (giám đốc Trung tâm Y tế quận Gò Vấp) cùng đồng nghiệp như ngồi trên lửa. "Bảo vệ là chỗ trọng yếu, thường xuyên tiếp xúc rộng với cư dân. Tôi đã thầm nghĩ có thể sẽ lây ít nhất phải vài chục người". Thế nhưng với sự phong tỏa truy vết, xét nghiệm cách ly tức thì, may mắn số ca nhiễm chỉ dừng lại tại đó.

Chưa hết, sau chuỗi ca nhiễm mới ở sân bay Tân Sơn Nhất, chính quyền TP.HCM yêu cầu những người đang làm việc tại sân bay phải lấy mẫu xét nghiệm mỗi ngày, và chỉ khi có kết quả xét nghiệm âm tính (xét nghiệm có giá trị từng ngày) họ mới được vào sân bay làm việc. Với lực lượng mỏng, các nhân viên y tế của quận phải gồng mình lao vào một cuộc đua xét nghiệm mỗi ngày cho gần 300 nhân viên sân bay, bên cạnh các nhiệm vụ truy vết F1, F2; chăm sóc người khu cách ly.

"Ngày nào cũng phải xét nghiệm cho gần 300 nhân viên, chưa kể chúng tôi còn phải xét nghiệm 100% cho cả gia đình họ (300 hộ, trên 808 người). Số lượng đông như vậy, phải nói rằng lực lượng y tế của chúng tôi làm với áp lực rất dữ dằn" - bác sĩ Hòa chia sẻ.

Dù "áp lực dữ dằn" nhưng bác sĩ Hòa bảo rằng tất cả nhân viên y tế đều phải "chạy như con thoi", không ai dám buông súng. "Tội anh em lắm, tôi gác tết trực chiến đã đành, từng đêm từng đêm cho đến đêm giao thừa các anh em lao vào truy vết, cách ly, lấy mẫu quên cả không gian, thời gian" - bác sĩ Hòa nói. Và rồi như thấu hiểu gánh nặng của địa phương, việc xét nghiệm cho nhân viên sân bay sau đó ít ngày được Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh TP.HCM "chia lửa".

HOÀNG LỘC

Lãnh đạo TP.HCM thăm, chúc mừng thầy thuốc, cán bộ y tế tiêu biểu Lãnh đạo TP.HCM thăm, chúc mừng thầy thuốc, cán bộ y tế tiêu biểu

TTO - Các đoàn lãnh đạo TP.HCM do ông Trần Lưu Quang - phó bí thư thường trực Thành ủy và ông Nguyễn Hồ Hải - phó bí thư Thành ủy - làm trưởng đoàn đã đến thăm thầy thuốc, cán bộ y tế nhân Ngày thầy thuốc Việt Nam 27-2.

THÙY DƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: ngày thấy thuốc 27-2