31/01/2021 13:14 GMT+7

Cuộc chiến phủ lại rừng xanh - Kỳ 1: Mối nguy cây độc canh và 'Vạn lý trường thành xanh'

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - 2021 là năm bắt đầu Thập niên phục hồi hệ sinh thái của Liên Hiệp Quốc (2021-2030).

Cuộc chiến phủ lại rừng xanh - Kỳ 1: Mối nguy cây độc canh và Vạn lý trường thành xanh - Ảnh 1.

Làng Nishiawakura ở tỉnh Okayama (Nhật) - Ảnh: vill.nishiawakura.okayama.jp

Trong bối cảnh phá rừng tiếp diễn nghiêm trọng, Liên Hiệp Quốc chủ trương chiến lược trồng lại rừng, ngoài cải tạo đất phải chú trọng đa dạng sinh học và nâng cao đời sống người dân. 

2020 cũng là năm miền Trung Việt Nam bị thiệt hại nặng nề vì bão lũ, trong khi phía Nam lại bị khô hạn và nước biển xâm thực. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã phát động trồng 1 tỉ cây xanh…

Trồng cây độc canh trên vùng đất suy thoái tốt hơn là không trồng gì cả, nhưng tốt hơn nữa nên trồng nhiều loài cây hỗn hợp.

GS BERNHARD SCHMID

Thoạt nhìn ngôi làng Nishiawakura ở tỉnh Okayama (miền nam nước Nhật) đẹp như tranh vẽ. Những ngọn đồi bao quanh thung lũng rợp màu xanh của cây. 

Dòng sông hiền hòa chảy qua giữa làng. Thế nhưng nhà báo môi trường Nithin Coca (Mỹ) nhận ra rừng không có các bụi cây tầng thấp, đất rất khô và cứng, không gian im ắng tiếng côn trùng đến lạ. 

Con sông trong vắt không nhiều cá bởi cây thường xanh (lá xanh quanh năm) không rụng lá nên không nhiều dưỡng chất dành cho côn trùng trên đất và cá dưới sông.

"Vạn lý trường thành xanh"

Cảnh quan ngôi làng Nishiawakura là hậu quả của sáng kiến trồng rừng sau Chiến tranh thế giới thứ hai của Nhật. Chính phủ Nhật huy động người dân trồng lại rừng để lấy gỗ phục vụ công cuộc tái thiết và chống lở đất mùa mưa chứ không chú trọng đến đa dạng sinh học, vì vậy phải trả giá đắt về sinh thái lẫn tài chính. 

Thay vì trồng các loài cây lá rộng như dẻ gai, Nhật lại chọn hai loài cây phát triển nhanh là cây thường xanh hinoki và cây thường xanh sugi. Tại một số địa phương, rừng bản địa bị đốn hạ để trồng cây thường xanh. Cuối cùng 44% diện tích rừng ở Nhật được chuyển đổi thành rừng trồng một hoặc hai loài cây nêu trên.

Hậu quả là vùng nông thôn ở Nhật như làng Nishiawakura không còn đa dạng sinh học. Mọi thứ tồi tệ hơn khi cây thường xanh không được đốn hạ theo kế hoạch vì luôn có nguồn gỗ giá rẻ nhập khẩu từ Đông Nam Á. 

Cây đã giải phóng lượng lớn phấn hoa trong không khí nên cứ mỗi mùa xuân, bệnh sốt cỏ khô (viêm mũi dị ứng) bùng phát gây thiệt hại ước tính 2 tỉ USD, chủ yếu do năng suất lao động giảm và ngày nghỉ bệnh nhiều hơn.

Nhà báo Nithin Coca ghi nhận hiện nay, một số nước như Trung Quốc, Brazil, Úc, Pakistan đang mắc phải sai lầm như Nhật. TS sinh thái học bảo tồn Hoa Phương Viên ở Đại học Cambridge (Anh) nhận xét: 

"Tôi nghĩ động cơ trồng rừng (của các nước này) không phải là đa dạng sinh học. Ở Trung Quốc, mục đích là kiểm soát xói mòn đất, còn ở Brazil là bảo vệ nguồn nước và hấp thụ carbon".

TS Từ Long Vân - phó giám đốc Học viện Lâm nghiệp Trung Quốc - nhận xét những năm gần đây, bão cát ở Trung Quốc xảy ra thường xuyên hơn với cường độ và quy mô ngày càng lớn. 27,4% diện tích đất ở Trung Quốc đang gánh chịu quá trình sa mạc hóa ảnh hưởng khoảng 400 triệu dân. Ước tính sa mạc hóa gây thiệt hại cho kinh tế Trung Quốc khoảng 31 tỉ USD mỗi năm.

Năm 1978, Trung Quốc bắt đầu triển khai chương trình trồng rừng quy mô lớn (còn gọi là "Vạn lý trường thành xanh") với kỳ vọng đến năm 2050 sẽ trồng 35,6 triệu ha cây xanh, tạo thành vành đai xanh dài 4.500km, rộng 1.450km ven sa mạc Gobi rộng lớn để bảo vệ ba vùng phía bắc, tây bắc và đông bắc khỏi bão cát và cung cấp gỗ cho địa phương. 

40 năm sau, Tổng cục Lâm nghiệp Trung Quốc báo cáo sa mạc đã thu hẹp hơn 2.400km2 mỗi năm và độ che phủ rừng đã tăng từ 12% vào năm 1978 lên gần 22%. Ảnh vệ tinh của NASA cũng ghi nhận Trung Quốc là quốc gia đứng đầu thế giới về trồng rừng.

Dù vậy, các nhà nghiên cứu cho rằng vẫn còn quá sớm để xác định Trung Quốc đạt được mục tiêu ngăn chặn sa mạc hóa hay chưa, bởi lẽ quá trình phục hồi đất thường kéo dài nhiều thập niên hoặc thậm chí hàng trăm năm.

Cuộc chiến phủ lại rừng xanh - Kỳ 1: Mối nguy cây độc canh và Vạn lý trường thành xanh - Ảnh 3.

Công nhân tưới cây trồng chắn cát tại huyện Đa Luân (Nội Mông) - Ảnh: Wired

Độc canh, ngốn quá nhiều nước

Tuy nhiên, rất ít dự án bảo vệ môi trường ở Trung Quốc được kiên trì thực hiện nhiều năm mà lại gây nhiều tranh cãi như chương trình "Vạn lý trường thành xanh". Không chỉ các nhà khoa học nước ngoài mà cả giới nghiên cứu Trung Quốc cũng đã nêu ra nhiều bất cập.

Vấn đề đầu tiên là độc canh. Ban đầu các địa phương muốn đạt chỉ tiêu nhanh chóng nên chọn trồng cây dương vì cây phát triển nhanh và chịu được mùa đông khô lạnh. Trong những năm 1990, hầu hết cây dương đã chết do bọ cánh cứng châu Á rất thích gỗ mềm. 

Trồng cây càng nhiều, bọ cánh cứng càng bành trướng. Các địa phương đã chỉ thị chặt hạ nhiều triệu cây nhiễm bệnh. Song một số gỗ lại được chế biến thành thùng hàng xuất khẩu để rồi từ đó ấu trùng bọ cánh cứng châu Á có cơ hội phát tán sang châu Âu và Bắc Mỹ.

GS Bernhard Schmid tại Đại học Zurich và Đại học Bắc Kinh nhận xét: "Trồng cây độc canh trên vùng đất suy thoái tốt hơn là không trồng gì cả, nhưng tốt hơn nữa nên trồng nhiều loài cây hỗn hợp. Càng nhiều loài, các chức năng của hệ sinh thái sẽ càng gia tăng".

Vấn đề kế tiếp là trồng cây ngoại lai trên đất khô hạn, như nhiều loài thực vật ngoại lai đã được du nhập vào cao nguyên Hoàng Thổ. Hai nghiên cứu của các nhà khoa học Trung Quốc, Pháp và Úc công bố vào tháng 8-2016 và tháng 8-2019 kết luận cây ngoại lai hấp thụ nhiều nước mưa và làm giảm lượng nước chảy ra sông, do đó có nguy cơ con người sẽ thiếu nước. 

Một nghiên cứu khác của các nhà khoa học Anh, Mỹ và Trung Quốc công bố vào tháng 10-2018 nhận xét khi cây ngoại lai hấp thụ nhiều nước ngầm, cỏ và cây bụi bản địa sẽ thiếu nước, từ đó đất đai càng thoái hóa thêm.

Trên tạp chí Nature Communications tháng 9-2016, các nhà khoa học Trung Quốc, Mỹ và Anh đánh giá với phần lớn rừng mới trồng chỉ gồm một loài cây mà không phải là cây bản địa, Trung Quốc đã lập đồn điền cây chứ không phải trồng rừng. 

Họ khẳng định Trung Quốc có thể dễ dàng chuyển sang trồng rừng hỗn giao (từ 2-5 loài cây bản địa) mà không tốn kém gì nhiều. Tạp chí Nature ngày 23-9-2019 nhấn mạnh dù cây ngoại lai ngăn chặn sa mạc hóa ở Trung Quốc nhưng làm trầm trọng thêm nạn khan hiếm nước trong khu vực có lượng mưa ít ỏi do biến đổi khí hậu.

TS Troy Sternberg ở Đại học Oxford (Anh) nhận xét: "Ý tưởng thì hay nhưng trồng cây trên sa mạc lại dở". Có vẻ như Trung Quốc đã học được bài học trồng cây. Giai đoạn 2 (năm 2013-2022) của Dự án kiểm soát nguồn bão cát Bắc Kinh - Thiên Tân đã dự kiến dành 85% diện tích đất cho rừng tự nhiên (cải tạo đất bạc màu bằng cách để thực vật phát triển tự nhiên).

Chương trình trồng rừng lâu dài và tốn kém của Trung Quốc cho thấy trồng rừng là công việc phức tạp và tinh tế tùy thuộc vào điều kiện địa phương, đồng thời phải mang lại lợi ích kinh tế - xã hội cho người dân.

Tháng 3-2019, Thứ trưởng - Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Trương Kiến Long đã chỉ thị hướng tới nên duy trì thảm thực vật khỏe (cây bụi, cỏ, thực vật bản địa khác) thay vì đơn giản chỉ trồng cây.

Ông đề nghị các địa phương hợp tác với các nhà nghiên cứu và cộng đồng để chọn gieo trồng các loài cây ít nhu cầu nước tạo giá trị kinh tế như dược thảo. Trong số này có các cây thuốc phát triển cộng sinh với cây bụi như nhục thung dung (herba cistanche) ký sinh trên cây haloxylon sống tốt trên đất bạc màu sa mạc.

Năm 1952, một viên chức người Anh đã dùng ôtô thám hiểm sa mạc Sahara với ước mơ trồng rừng trong sa mạc. 55 năm sau, châu Phi đưa ra dự án lập vành đai xanh chạy qua 11 nước.

_________________________________________________________

Kỳ tới: Chuyến thám hiểm của St Barbe và vành đai xanh Sahara

'Rừng thanh niên' phủ xanh biên giới "Rừng thanh niên" phủ xanh biên giới

TTO - Những cánh rừng xanh mướt, khép tán lá do thanh niên làm chủ đã và đang phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, chống sạt lở đất đá, lũ quét, lũ ống hiệu quả mỗi khi mùa mưa đến ở vùng biên cương Mường Lát (cách TP Thanh Hóa gần 250km).


HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên