Máy bay được điều đến từ Nga đáp tại sân bay ở Sterling, bang Virginia (Mỹ) để chở các nhà ngoại giao cùng đồ đạc về nước - Ảnh: AFP
Cuối năm 2016, chính quyền tổng thống Barack Obama ra quyết định đóng cửa một số cơ sở ngoại giao của Nga tại Mỹ cùng việc trục xuất 35 nhà ngoại giao Nga và người thân của họ (tổng cộng 96 người) liên quan vấn đề Nga tìm cách can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống của Mỹ trong năm.
Chính quyền Matxcơva khi ấy có ý chờ chính quyền mới của tổng thống Donald Trump để giải quyết vụ việc.
Ông Trump cũng bó tay
Dẫu tổng thống Trump luôn tỏ ý muốn cải thiện quan hệ kiểu nước lớn với Nga nhưng ông đã không chịu được áp lực từ Quốc hội.
Ông đã bị đưa vào thế phải ký quyết định trừng phạt thêm về mặt kinh tế với Nga liên quan những cáo buộc can thiệp bầu cử cùng cuộc khủng hoảng ở Ukraine và việc bán đảo Crimea sáp nhập vào Nga.
Nga đã không ít lần bắn tin đòi hỏi phải được lấy lại cơ sở ngoại giao ở Mỹ và đi đến quyết định đáp trả về mặt ngoại giao theo cách tương xứng.
Cuối tháng 7 vừa qua, tổng thống Vladimir Putin đã công bố quyết định cho giảm số nhân viên làm việc trong đại sứ quán Mỹ tại Matxcơva và các tổng lãnh sự trên đất Nga xuống con số tối đa là 455 người - tương xứng với số nhân viên ngoại giao Nga đang hoạt động trên lãnh thổ Mỹ.
Theo quyết định đó, 755 nhà ngoại giao và nhân viên làm việc cho phía Mỹ, gồm cả người Mỹ lẫn người Nga, phải rời khỏi vị trí trễ nhất là ngày 1-9.
Khi các bất đồng không thể giải quyết được, ngày 31-8, bộ Ngoại giao Mỹ phải thông báo rằng họ đã thực thi yêu cầu của phía Nga. Phía Mỹ cũng cho biết, từ đầu tháng 8 rồi, đã phải đóng cửa hai tòa nhà ngoại giao của mình ở gần Matxcơva (tương ứng với con số 2 tòa nhà của Nga bị đóng cửa tại Mỹ).
Mỹ cũng nhanh chóng đáp trả trên phương diện ngoại giao đối với Nga ngay trong ngày 31-8. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert thông báo về việc Nga phải đóng cửa ba cơ sở ngoại giao trên trước ngày 2-9. Rõ ràng đây là một thời hạn quá ngắn cho việc "dọn dẹp đồ đạc".
Phái đoàn ngoại giao của Nga ở Maryland rời khỏi Mỹ ngày 30-12-2016 - Ảnh: REUTERS
Ngoài việc đóng cửa Tổng lãnh sự quán Nga tại San Francisco (bang California), phía Mỹ cũng yêu cầu Nga giảm số lượng nhân viên tại hai cơ sở (chủ yếu phụ trách về thương mại) thuộc đại sứ quán ở thủ đô Washington và Tổng lãnh sự quán tại New York.
Theo bà Nauert, như vậy tại mỗi nước sẽ đều có ba tổng lãnh sự quán với tổng cộng 455 nhân viên ngoại giao.
"Tuy nhiên chúng tôi đã quyết định để cho chính phủ Nga được sử dụng một số cơ sở ngoại giao để chấm dứt câu chuyện trả đũa theo vòng luẩn quẩn trong mối quan hệ hai nước", bà Nauert nêu giải pháp nhằm làm giảm độ căng thẳng.
Theo một quan chức cao cấp của Mỹ, yêu cầu gấp rút đối với Nga không hàm ý "trục xuất" các nhà ngoại giao và nhân viên của Nga mà họ có thể được đưa sang làm ở các hoạt động khác, tùy theo quyết định của Nga.
Trước đó, tân Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov cho biết các nhân viên ngoại giao Nga sẽ thu dọn để rời khỏi Mỹ sau quyết định của Washington đối với cơ quan lãnh sự Nga.
Chờ câu trả lời của ông Putin
Tuy nhiên rõ ràng dấu hiệu leo thang căng thẳng ngoại giao Mỹ-Nga đã thêm tăng tốc. Nga tuyên bố sẽ có các biện pháp đáp trả thích đáng sau quyết định của Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 31-8.
Hãng tin TASS ngày 1-9 dẫn lời Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Nga Konstantin Kosachev khẳng định: "Nếu nhân viên Tổng lãnh sự quán của chúng tôi phải về nước, số nhân sự tương đương của Mỹ cũng sẽ được thông báo trở về".
Theo ông Konstantin Kosachev, những quyết định tương tự có thể được áp dụng với phái bộ ngoại giao của Mỹ tại Nga cũng như với thủ tục cấp thị thực Nga cho công dân Mỹ.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng đã bày tỏ lấy làm tiếc về tình trạng "căng thẳng leo thang không phải do Nga khơi mào".
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga cho biết Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã gọi điện cho ông Lavrov khi Washington công bố quyết định trên. Ông Lavrov khẳng định Matxcơva sẽ nghiên cứu kỹ lưỡng những động thái vừa rồi của Mỹ, sau đó sẽ có phản ứng.
Trong khi đó, phát biểu với hãng tin RIA-Novosti, Tổng lãnh sự Nga tại San Francisco, ông Sergei Petrov cho biết Tổng lãnh sự quán sẽ hành động theo chỉ thị của lãnh đạo nhà nước Nga liên quan đến quyết định từ phía Mỹ.
Theo ông Petrov, hiện Bộ Ngoại giao Nga sẽ quyết định trình tự đóng cửa Tổng lãnh sự quán tại San Francisco.
Nga đã thiết lập sự hiện diện ngoại giao tại San Francisco từ năm 1852. Tòa lãnh sự Nga tại thành phố này bị đóng cửa vào năm 1924 do thiếu kinh phí và được mở trở lại năm 1934 sau khi Washington thiết lập quan hệ ngoại giao với Liên Xô cũ.
Một số cơ sở ngoại giao Mỹ tại Nga bắt đầu bị đóng cửa và giảm bớt nhân viên - Ảnh: AFP
"Mỹ cần phải làm sao để cái vòng luẩn quẩn trả đũa nhau này không vượt tầm kiểm soát", ông Boris Zilberman, chuyên gia về Nga thuộc Tổ chức Bảo vệ các nền dân chủ ở Mỹ, nhận định.
"Làm sao để mà các quyết định mới xảy ra này phải là quyết định cuối cùng của cái vòng trả đũa qua lại", ông Zilberman nhận định thêm rằng quyết định giờ đây sẽ thuộc về ông Putin có muốn giảm nhiệt hay không.
Nếu Nga cương quyết thực thi các biện pháp trả đũa tiếp theo thì sẽ khó đánh giá được cục diện bị đẩy đi đến đâu.
Trước mắt, trong thời gian ngắn sắp tới, có lẽ chỉ có thể trông chờ vào cuộc gặp giữa hai lãnh đạo ngoại giao Nga và Mỹ bên lề cuộc họp Đại hội đồng LHQ ở New York.
i��I��5
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận