19/06/2024 09:51 GMT+7

Cuộc chiến ngăn làn sóng ung thư - Kỳ 2: Người trẻ mắc K phải chăng án tử?

Trong cộng đồng người mắc ung thư (hay được gọi tắt là K) vú, có lẽ ai cũng biết cô gái Đặng Trần Thủy Tiên (sinh năm 2000 ở Hải Phòng). Giờ đây, khi đã vượt qua tất cả, Tiên vẫn không thể quên được ngày đầu tiên phát hiện mình mắc căn bệnh quái ác.

TS.BS Diệp Bảo Tuấn - phó giám đốc điều hành Bệnh viện Ung bướu TP.HCM - Ảnh: XUÂN MAI

TS.BS Diệp Bảo Tuấn - phó giám đốc điều hành Bệnh viện Ung bướu TP.HCM - Ảnh: XUÂN MAI

Tuyên chiến với ung thư ở tuổi đôi mươi

Tiên kể, khoảng tháng 6-2019, trong khi tắm cô tình cờ phát hiện ngực mình có khối u nhỏ. Linh tính mách bảo có thể đó là tín hiệu chẳng lành, cô lập tức đến bệnh viện kiểm tra. Kết quả khiến cô sinh viên ngày ấy bàng hoàng khi bác sĩ chẩn đoán cô mắc K vú giai đoạn 2A.

"Tôi cảm giác không thể tin được, chẳng ai nghĩ rằng mình sẽ mắc K ở độ tuổi còn trẻ như vậy. Bề ngoài luôn cố gắng lạc quan, vui vẻ, nhưng sâu bên trong tôi thật sự suy sụp", Thủy Tiên nhớ lại.

Dù chưa thể chấp nhận sự thật nghiệt ngã ấy, Tiên vẫn tiếp nhận điều trị. Tại bệnh viện, cô nhận ra mình còn may mắn hơn rất nhiều người đồng bệnh khác, có nhiều người bệnh còn nặng hơn nhưng vẫn quyết tâm điều trị.

"Tôi còn có gia đình ở bên, còn có cả một tương lai phía trước. Dần dần tôi lấy lại được tinh thần và chính thức tuyên chiến với K", Tiên nói.

Tiên mở đầu "cuộc chiến" bằng ca phẫu thuật cắt bỏ nửa ngực bên trái, sau đó là hành trình điều trị hóa - xạ trị. Không đợi đến khi vào hóa chất, cô chủ động cạo trọc đầu, sẵn sàng đón nhận ngoại hình mới bởi biết rằng chặng đường này mình buộc phải đi qua.

Trong quá trình điều trị, Tiên cố gắng tham gia nhiều hoạt động xã hội, chia sẻ tinh thần của mình đến những bệnh nhi K và những người đồng bệnh khác.

Cách nơi Thủy Tiên ở hàng ngàn cây số, ở TP.HCM, Trịnh Thị Thanh Thanh (26 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) trước khi trở nên lạc quan như hiện tại cũng đã từng suy sụp, tự hỏi tại sao lại là mình vào ngày hay tin bản thân mắc K xoang hàm.

4 năm trước, chuẩn bị tốt nghiệp đại học, răng lợi của Thanh bỗng sưng, làm mủ, hình thành cục u nhỏ như hạt bắp và gây khó khăn khi ăn. Không lâu sau, khi thấy khối u mọc lan nhanh, cô đến bệnh viện kiểm tra. Ban đầu Thanh được chẩn đoán mắc u lành, song khi sinh thiết lần hai thì chuyển sang ác tính. Kết luận cô mắc K xoang hàm, một loại không thường gặp ở người trẻ.

"Tôi có đọc nghiên cứu về bệnh của mình thì thường xảy ra ở người hay hút thuốc lá, uống rượu bia. Nhưng tôi chẳng hề dùng những thứ đó. Tôi nghĩ là do stress nặng, nhưng vẫn khó chấp nhận sao bệnh này lại đến, và lại đến vào lúc công việc đang có bước tiến mới" - Thanh tâm sự cô sau đó trì hoãn điều trị cho đến khi BHYT có hiệu lực để đỡ gánh nặng tài chính cho gia đình.

Tiến trình điều trị của Thanh đã qua hai giai đoạn trong suốt 5 tháng, gồm phẫu thuật và hóa - xạ trị kết hợp, vào ba mũi hóa chất liều cao cùng với 30 tia xạ.

"Tháng 9-2020, tôi "tốt nghiệp" khoa xạ 3 của Bệnh viện Ung bướu 2 vào đúng sinh nhật tuổi 22 và về quê tịnh dưỡng. 6 tháng đầu, việc của mình là tập ăn và ngủ", cô gái quê Gia Lai chia sẻ.

Khi đã khỏe hẳn, để quên đi những đau đớn, mất mát trong và sau thời gian điều trị, Thanh tô điểm cho cuộc sống bằng việc đọc sách, tô màu, làm bánh, tập thể thao, cắm trại cùng bạn bè. Cô nhân viên văn phòng Thanh Thanh từ lâu đã tập cho mình suy nghĩ lạc quan, chấp nhận những thay đổi của cơ thể.

Mắc K xoang hàm, Thanh Thanh từ lâu đã lạc quan, chấp nhận những thay đổi của cơ thể sau điều trị - Ảnh: NVCC

Mắc K xoang hàm, Thanh Thanh từ lâu đã lạc quan, chấp nhận những thay đổi của cơ thể sau điều trị - Ảnh: NVCC

Nghị lực vượt qua bệnh hiểm nghèo

Hiện giờ, dù không còn điều trị bằng thuốc hay phương pháp trị liệu nào song Thanh phải sống với những tổn thương hậu điều trị suốt đời. Cô cho biết càng có tuổi, những tổn thương này sẽ phiền toái hơn.

"Bác sĩ nói những tổn thương do xạ trị sẽ không thể lành lại, nếu đau quá có thể uống giảm đau. Nhưng không sao, mình vẫn ổn, vẫn khỏe để làm những gì mình muốn. Mình vẫn tái khám 6 tháng/lần để theo dõi diễn tiến của cơ thể", Thanh cho hay sự lạc quan và tuân thủ phác đồ điều trị là hai yếu tố mang tính quyết định kết quả điều trị K.

Với Thủy Tiên, cuối năm 2020, sau hơn 1 năm điều trị, Tiên đã đánh bại hoàn toàn K và trở về với cuộc sống đời thường. Nói về "chiến thắng" của mình, Tiên chia sẻ mình may mắn khi đã phát hiện bệnh sớm, may mắn khi có được sự yêu thương của mọi người và cảm ơn bản thân khi đã nỗ lực và khát khao được sống.

"K vú có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu được phát hiện sớm, bởi vậy mỗi người hãy tự lắng nghe cơ thể của bản thân. Hãy thăm khám, tầm soát thường xuyên để nếu không may mắc bệnh cũng có thể được điều trị sớm. Tôi đã vượt qua và tôi tin mọi người cũng sẽ có thể vượt qua", Tiên nhắn nhủ.

Sau khi tốt nghiệp đại học Ngoại thương (Hà Nội), hiện Thủy Tiên đang thử thách với một lĩnh vực hoàn toàn mới. Cô đang là phóng viên, biên tập viên Truyền hình Quốc hội.

Tiên chia sẻ bản thân sau khi điều trị K vú, trải qua bước ngoặt đầu đời, cô muốn mình được sống, cống hiến với những đam mê của mình, không ngừng thử thách bản thân với công việc này.

Bệnh ung thư không chừa lứa tuổi nào. Các bác sĩ khuyến cáo người trẻ nên lưu ý chế độ ăn như giảm chất béo, giảm ăn các chất muối dưa, nhiều hóa chất. Ngoài ra nên để ý chế độ vận động, thể dục thể thao.
Đặc biệt phải đi khám sức khỏe định kỳ. Chẳng may mắc K thì nên điều trị sớm và đủ theo đúng lộ trình, phác đồ, tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ để nâng cao chất lượng hiệu quả điều trị, kéo dài sự sống.

K trẻ hóa nhưng không còn là án tử

TS.BS Diệp Bảo Tuấn - phó giám đốc điều hành Bệnh viện Ung bướu TP.HCM - cho biết các loại K hay gặp ở người trẻ (tuổi từ 20 đến 39) gồm hạch, phần mềm, xương, buồng trứng, tuyến giáp, tinh hoàn, não. Một số loại K thường gặp ở người lớn tuổi nay xuất hiện ở người trẻ như vú, trực tràng, dạ dày, tử cung… Thường người trẻ bị các loại bệnh này phát hiện ở giai đoạn trễ, diễn tiến nhanh và điều trị khó khăn.

Theo bác sĩ Phạm Văn Bình, phó giám đốc Bệnh viện K, ung thư đang có xu hướng trẻ hóa. Có những bệnh nhân mắc K dạ dày, cổ tử cung từ khi 15 tuổi. Hay bệnh nhân K đại trực tràng chưa đến 20 tuổi và có những trường hợp K vú rất sớm từ 20 tuổi.

Nguyên nhân K trẻ hóa, theo lãnh đạo Bệnh viện K, có thể do nhiều yếu tố tác động, trong đó lối sống ảnh hưởng rất nhiều như béo phì, thuốc lá, rượu bia, ít vận động, đặc biệt là dân văn phòng. Bên cạnh đó, có thể do gene, các loại vi khuẩn, vi rút gây bệnh không được tầm soát phòng bệnh như viêm gan B, vi rút HPV, vi khuẩn HP…

Ngoài ra, do hệ thống y tế điều trị K phát triển, người dân quan tâm tầm soát cũng là nguyên nhân nhiều người được chẩn đoán, phát hiện sớm bệnh dẫn đến số lượng bệnh nhân được ghi nhận gia tăng.

"K đang là gánh nặng của hiện tại và cả tương lai. Vì vậy, cần làm sao để phòng bệnh và chẩn đoán sớm hơn. Việc chẩn đoán sớm được coi là chìa khóa giúp người bệnh được điều trị, kéo dài thời gian sống khỏe mạnh", ông Bình nhấn mạnh.

Ông Bình chỉ rõ với 200 loại bệnh K được thống kê thì có tới 60% trong số đó có thể khỏi bệnh bằng phẫu thuật đơn thuần. Để làm được điều này, người bệnh phải được chẩn đoán sớm.

"Bệnh K đang là gánh nặng của hiện tại và cả tương lai. Vì vậy, cần làm sao để phòng bệnh và chẩn đoán sớm hơn. Việc chẩn đoán sớm được coi là chìa khóa giúp người bệnh được điều trị, kéo dài thời gian sống khỏe mạnh" - bác sĩ Phạm Văn Bình.

-------------------------

Với gánh nặng bệnh K ngày càng tăng cao, số bệnh nhân phải điều trị "lũy kế" theo từng năm khiến các bệnh viện tuyến cuối liên tục trong tình trạng quá tải.

Kỳ tới: Người mắc K tăng, tuyến cuối "gồng mình"

Cuộc chiến ngăn làn sóng ung thư - Kỳ 1: Kiệt quệ vì điều trị ung thưCuộc chiến ngăn làn sóng ung thư - Kỳ 1: Kiệt quệ vì điều trị ung thư

Người mắc bệnh ung thư tại Việt Nam có xu hướng ngày càng tăng và trẻ hóa. Các bệnh viện điều trị ung thư tuyến cuối ở TP.HCM, Hà Nội… luôn chật kín người chờ đợi khám, điều trị.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên