21/08/2024 10:35 GMT+7

Cuộc chiến một đời người của bà Trần Tố Nga

Đối với nhiều người trong chúng tôi, ngày 7-5-2024 là ngày lịch sử và ngày 22-8-2024 là ngày tiếp nối quyết định cho lịch sử. Và bà Trần Tố Nga - người phụ nữ đi suốt hành trình ấy.

Lịch sử vì đúng 70 năm sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, ngày 7-5-2024 tại Paris, một phụ nữ Việt Nam ra tòa án phúc thẩm trong vụ án chống lại 14 công ty hóa chất Mỹ từng sản xuất và cung cấp chất khai quang chứa những hàm lượng dioxin độc hại trong chiến tranh Việt Nam.

Và ngày 22-8 sẽ là ngày Tòa phúc thẩm Paris ra phán quyết.

Chúng tôi đã đi được những bước rất dài. Càng kéo dài, họ tưởng sẽ tiêu diệt được ý chí của chúng tôi, nhưng họ nào biết hoặc giả vờ không biết rằng thời gian đứng ở phía chúng tôi, phía của chính nghĩa. Khẩu hiệu hành động của chúng tôi hôm nay là: CAN ĐẢM - GAN DẠ - HY VỌNG VÀ KIÊN ĐỊNH.

Bà TRẦN TỐ NGA

Sứ mệnh của từng hơi thở

Cuộc chiến một đời người của bà Trần Tố Nga- Ảnh 1.

Bà Trần Tố Nga trả lời phỏng vấn báo chí Pháp Ảnh: NVCC

Nếu bỏ qua tên người đứng kiện và chỉ giữ lại tính chất vụ kiện đòi công lý cho hàng triệu nạn nhân da cam Việt Nam cùng hàng chục ngàn nạn nhân các nước - kể cả nước Mỹ là nước mà chính phủ và quân đội đã gây ra thảm họa giết chết không những môi trường mà cả con người.

Ấy là thứ chất độc mà hơn 60 năm sau vẫn tiếp tục gây đau thương và chết chóc, thì có thể hiểu vì sao người phụ nữ đã hơn 80 tuổi ấy vẫn tươi cười đón tiếp chúng tôi và bình thản trả lời những câu hỏi.

Dù tòa có phán quyết ra sao thì bà vẫn sẽ không buông tay. "Tôi được giao cho một sứ mệnh. Chừng nào tôi còn thở, còn sống, tôi còn tiếp tục chiến đấu", bà Trần Tố Nga nói nhẹ nhàng. Đã hơn 10 năm người phụ nữ ấy là ngọn cờ của nạn nhân da cam, vì họ mà đương đầu với các tập đoàn khổng lồ trong ngành hóa dầu thế giới mà đứng đầu có Monsanto, Dow Chemical...

Khi chấp nhận cuộc chiến đấu đơn thương độc mã này, bà đã gần 70 tuổi và xem đó là cuộc chiến cuối cùng của đời bà, dù khi ấy chưa lường hết được tính khốc liệt và lâu dài của nó. Con số hơn 3 triệu nạn nhân thời bấy giờ (năm 2009) đã không cho phép bà từ chối khi luật sư giải thích rằng bà là người duy nhất đủ mọi điều kiện để kiện các tập đoàn hóa chất Mỹ.

Bà lặng lẽ kể lại buổi sáng ở Củ Chi năm 1966, khi bà nhìn thấy một đám mây hiện ra sau đuôi chiếc máy bay đang bay đi sau khi quần thảo nhiều vòng quanh khu căn cứ. Trần Tố Nga năm ấy 22 tuổi, vừa rời đại học để vào chiến trường, còn bỡ ngỡ chiến tranh và chỉ mới là phóng viên tập sự Thông tấn xã Giải phóng Miền Nam Việt Nam. Đám mây ấy phủ ướt người cô khiến cô ho sặc sụa, nhưng rồi cô quên ngay sau khi tắm gội. Giữa khốc liệt chiến tranh, một đám mây thì sá gì.

Lúc bấy giờ cô chưa biết rằng mình đã trở thành nạn nhân chất độc da cam, dù hằng ngày cô vẫn viết báo và đưa tin về những cuộc rải chất khai quang của quân đội Mỹ. Để bảo vệ các căn cứ Mỹ, để tách kháng chiến ra khỏi dân như "tách cá ra khỏi nước", từ năm 1962 - 1971, quân đội Mỹ đã rải hơn 68 triệu lít chất độc trên toàn miền Nam trong chiến dịch được gọi là Ranch Hand, phá hủy mùa màng, biến cây rừng thành gốc khô.

Năm 1968, đứa con đầu lòng của cô ra đời tại cơ quan của Thông tấn xã Giải phóng, mang một chứng bệnh lạ mà lúc bấy giờ không có gì cứu được. Đứa con bất hạnh chỉ sống được 17 tháng tuổi trong vòng tay người mẹ trẻ. Không lúc nào cô nhớ lại trận da cam ở Củ Chi, không hề nghi ngờ nguyên nhân nỗi bất hạnh không gì an ủi và chữa lành này.

Hòa bình lặp lại, bế đứa con út sơ sinh ra khỏi nhà tù của chính quyền miền Nam, đi dạy rồi trở thành hiệu trưởng của một vài ngôi trường tại TP.HCM, sau khi về hưu, bà Nga mới có nhiều dịp tiếp xúc với các cháu mồ côi, các cháu khuyết tật và nạn nhân da cam.

Lòng bà xốn xang khi tiếp xúc với những con người đau khổ tột cùng nhưng khát vọng sống lại da diết, mà lòng can đảm khó ai bì. Hình ảnh đứa con bất hạnh dạo nào quay lại, những chứng bệnh trên bản thân xuất hiện. Bằng những kiến thức của một kỹ sư hóa học được đào tạo bài bản, bà nghiên cứu và biết mình cũng chính là nạn nhân chất độc da cam.

Tháng 5-2009, bà tự xin được làm chứng tại Tòa án Lương tâm quốc tế ủng hộ nạn nhân da cam Việt Nam diễn ra tại Pháp. Một định mệnh mới. Lúc ấy, bà đã mang nhiều bệnh trong người: lao phổi mà kháng thuốc trị lao, tiểu đường mà kháng insuline, ung thư và nhiều bệnh khác.

Luật sư William Bourdon, một luật sư chuyên bảo vệ những người nghèo bị áp bức tại các nước nghèo trên thế giới, đề nghị bà Nga đứng kiện các công ty đã cung cấp chất khai quang trong chiến tranh Việt Nam với lý do nếu bà không đứng ra thì sẽ không còn ai khác có thể, và tội ác cùng thảm họa da cam sẽ bị vùi sâu trong quên lãng. Bà chấp nhận.

Không lùi bước

Cuộc chiến một đời người của bà Trần Tố Nga- Ảnh 2.

Poster cuộc biểu tình ủng hộ Trần Tố Nga và công lý cho nạn nhân chất độc da cam trước phiên tòa phúc thẩm

Nhiều năm đã trôi qua từ thời điểm ấy với rất nhiều khó khăn nhọc nhằn, nhiều lần Pháp thay đổi thể chế và luật pháp, đến năm 2014, đơn kiện 26 công ty hóa chất Mỹ được Tòa đại hình Evry chấp thuận và gửi đi.

Hơn một năm sau, tháng 4-2015 tòa thông báo có 19 trong số 26 công ty Mỹ sẽ ra tòa, mỗi công ty thuê hai luật sư, và đứng đầu bảng là Monsanto. Lần đầu tiên trong lịch sử, các công ty bị cáo buộc đã sản xuất và cung cấp chất dioxin trong chiến tranh ra hầu tòa theo đơn kiện của một người phụ nữ Việt Nam.

Lần đầu tiên bởi vì đã từng có những tòa án khác như tòa án La Haye, tòa án Đại Hàn, tòa án công luận Paris nêu vấn đề mà chưa bao giờ các công ty này đồng ý trả lời.

Ngày nhận được kết quả thử máu xác định nồng độ dioxin trong máu cao hơn người thường lại làm bà Nga vui mừng vì có thể thực hiện cuộc đấu tranh đã định, danh sách 19 công ty hầu tòa càng khiến bà không ngủ. Quyết định đứng đơn kiện đã thực sự trở thành một cuộc chiến cuối cùng mà bà không còn được quyền lùi bước.

Từ năm 2015 đến 2021, đã có 19 phiên tòa diễn ra với những tranh luận khoa học mà tư liệu, sự thật và lẽ phải đã được chứng minh qua hàng trăm tài liệu nghiên cứu chính thức của bên nguyên vẫn bị bên bị "cãi chày cãi cối" phủ nhận; những sự kiện vô lý, nại cớ nhằm kéo dài thời gian bởi thời gian sẽ làm giảm tuổi sống và tăng bệnh tật của người đứng kiện; lại thêm những đề nghị hòa giải bí mật, chấm dứt kiện và có thể nhận tiền, rất nhiều tiền...

Tháng 1-2021, sau hơn 6 năm tranh tụng bằng viết, bị dời đi dời lại nhiều lần do dịch COVID-19, do không có phòng xử và hàng chục lý do khác, diễn ra phiên tranh tụng trước tòa, bà Trần Tố Nga với ba luật sư bình thản ngồi bên phải, luật sư William Bourdon vừa mổ phải chống gậy. Hàng trăm bạn bè đến ủng hộ bà đã bị chánh án mời ra với lý do phòng ngừa dịch COVID-19. Bên trái, 15 luật sư và vài người Mỹ ngồi chật, mặt lạnh lùng.

90 phút dành cho bên nguyên đơn. 90 phút để bảo vệ chính nghĩa. Phía bị đơn được dành cho 4 tiếng đồng hồ. Họ thay nhau đứng lên chối từ, nói dối, đưa ra những lập luận rằng họ chỉ vâng theo lệnh của chính phủ, và chính phủ thì núp sau lập luận được miễn trừ pháp lý.

Ngày 11-5-2021, Tòa đại hình Evry kết luận: tòa không được quyền xét đơn kiện của Trần Tố Nga. Một quyết định nước đôi. Không được quyền xét khi họ đã kéo dài việc nâng lên đặt xuống hồ sơ hơn 6 năm, bao nhiêu yêu cầu trắc trở với nguyên đơn, và chấp nhận bao trò phá bĩnh của bị đơn?

Ngay sau quyết định của Tòa đại hình Evry, bà Trần Tố Nga cùng các luật sư của bà đã kháng án lên Tòa án phúc thẩm Paris. Lại một phiên tòa lịch sử ngày 7-5-2024, và hôm nay, tất cả mọi người chứ không riêng gì bà Nga đang chờ tuyên phán của Tòa phúc thẩm Paris vào ngày 22-8-2024.

Tham dự những phiên tòa ấy, tôi chứng kiến mỗi lần ra khỏi phòng xử, Trần Tố Nga và các luật sư của bà luôn được những người bạn kiên nhẫn chờ cả ngày đón mừng, vây thành vòng tròn, cảm ơn, động viên, trong khi hàng chục luật sư của bên bị xếp hàng dài đi ra bằng cửa nhỏ, không có một lời chào hỏi. Các bạn trẻ đứng chờ, hô vang: "Công lý cho Trần Tố Nga. Công lý cho nạn nhân da cam".

(Còn tiếp)

Cuộc chiến một đời người của bà Trần Tố Nga- Ảnh 3.Phiên xử phúc thẩm vụ kiện bà Trần Tố Nga chưa có kết quả

Phiên tòa phúc thẩm ở Paris xử vụ kiện bà Trần Tố Nga chống lại 14 công ty sản xuất hoặc tiếp thị chất độc da cam/dioxin quân đội Mỹ sử dụng trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam kéo dài suốt 4 giờ trong sáng 7-5.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên