TTCT - Breonna Taylor, Elijiah McClain, Ahmaud Arbery, Trayvon Martin, George Floyd, Philando Castile và Tamir Rice. Trên hành trình 7 trận đấu để đến với ngôi vô địch Mỹ mở rộng 2020, Naomi Osaka đã lần lượt vào sân với 7 chiếc khẩu trang màu đen in từng cái tên đó. Naomi Osaka và những chiếc khẩu trang tranh đấu cho màu da ở Giải Mỹ mở rộng. Ảnh: Twitter Đó là những nạn nhân người da màu tiêu biểu thiệt mạng dưới tay cảnh sát Mỹ trong nhiều năm qua, còn Naomi đang trở thành một trong những nhân vật nổi bật nhất của phong trào chống phân biệt chủng tộc Black Lives Matter. “Tôi đã quá ngây thơ” Trong bóng đá, sự phân biệt chủng tộc rất thô thiển và gần như công khai với những tràng la ó dữ dội, những hành vi đáng khinh nhắm vào cầu thủ người da màu (ném chuối, gọi họ là khỉ, làm những cử chỉ tục tĩu…). Ở một môn thể thao được xem là thượng lưu như quần vợt, hành vi lỗ mãng kiểu đó không xuất hiện, nhưng điều đó không có nghĩa là môn này miễn nhiễm với phân biệt chủng tộc. Thật ra không có nhiều tay vợt gốc Phi trong làng quần vợt đỉnh cao. Trong top 20 tay vợt nam đứng đầu ATP, chỉ có người gốc Phi duy nhất là Gael Monfils. Ở bảng xếp hạng đơn nữ WTA, số lượng các tay vợt da màu cũng chỉ nhiều hơn một chút với Naomi Osaka, Serena Williams và Madison Keys. Cuộc chiến chống phân biệt chủng tộc trong quần vợt, do đó, cũng cam go không kém bất kỳ trận chiến nào ngoài xã hội và đã kéo dài được hơn một trăm năm. Năm 1898, một giải quần vợt dành riêng cho người da màu ra đời ở Philadelphia. Người tổ chức giải là tay vợt chuyên nghiệp và mục sư tin lành W. W. Walker hoạt động không mệt mỏi trong nhiều năm trời để quảng bá môn thể thao này với cộng đồng da màu. Nhưng cũng phải 20 năm sau, một hiệp hội quần vợt đại diện cho người da màu mới ra đời ở Washington. Thực tế xã hội và kinh tế khiến sự tiến bộ của các tay vợt da màu rất chậm chạp. Không nhiều người Mỹ gốc Phi đủ điều kiện để làm quen với trò chơi chỉ dành cho tầng lớp trung lưu và thượng lưu này. Mãi đến năm 1956, Althea Gibson mới trở thành tay vợt gốc Phi đầu tiên giành được danh hiệu Grand Slam (ở Roland Garros, Pháp). Đó là một sự kiện đặc biệt. Những nhà hoạt động xã hội tôn vinh Althea như một nữ anh hùng, là nguồn cảm hứng lớn lao cho người da màu thuộc tầng lớp thấp kém trong xã hội Mỹ. Trên sân bóng, các khán giả Mỹ cũng dành sự ngưỡng mộ đặc biệt với bà. Nhưng vài năm sau đó, chính Althea nhận ra bầu không khí lịch thiệp bao bọc quanh bà chỉ là giả tạo. Giành liền 5 danh hiệu Grand Slam chỉ trong 2 năm, tên tuổi Althea vẫn không tài nào nổi bật trong giới thể thao. “Khi nhìn quanh sân, tôi thấy rất nhiều tay vợt da trắng - trong đó có những người tôi từng đánh bại, họ nhận được những lời mời, những đề nghị hấp dẫn. Còn tôi thì không. Lúc đó tôi mới thấy mình đã ngây thơ đến thế nào khi tin rằng chiến thắng trên sân của tôi đã phá vỡ được lớp rào cản sắc tộc. Hoặc có thể tôi đã phá được, nhưng rồi họ đã dựng lên lại sau lưng tôi”, Althea phát biểu cay đắng. Bà giải nghệ không lâu sau đó, khi mới 31 tuổi. Osaka thì sao? Các tay vợt da màu chỉ thực sự trở thành những ngôi sao đúng nghĩa tương xứng với thành tích của họ từ đầu thập niên 2000, với sự xuất hiện của chị em nhà Williams. Venus và Serena quá xuất sắc, hầu như đại diện cho cả làng quần vợt nữ của Mỹ, và hiển nhiên người Mỹ dù muốn dù không cũng phải ủng hộ họ. Những năm sau đó ngày càng xuất hiện nhiều tay vợt Mỹ gốc Phi tài năng, từ Sloane Stephen đến Madison Keys, Coco Gauff…, rồi giờ là Naomi Osaka, người tuy chọn thi đấu với quốc tịch Nhật Bản nhưng lại là một tay vợt Mỹ chính hiệu. Nhưng hành trình của các tay vợt da màu vẫn còn nhiều gian nan phía trước. Taylor Townsend, tay vợt nữ hiện xếp hạng 79 thế giới, nói: “Ngay ở quần vợt, thế giới này vẫn không là một khối thống nhất. Những tay vợt người da màu như tôi không được thừa nhận về danh tính. Khi tôi ra sân, họ nhìn thấy một tay vợt da màu và nói: Williams kìa”. Sự phân biệt sắc tộc rõ ràng đã nằm trong tiềm thức, khi những khán giả da trắng không xem trọng tính cá thể của người da màu. Một năm rưỡi trước, chính Naomi Osaka giận dữ phát hiện cô đã bị “tẩy trắng” trong những bức tranh hoạt hình do một nhà tài trợ ở Nhật Bản thực hiện. Với nụ cười hồn nhiên và việc chọn Nhật Bản làm quốc tịch thay cho Mỹ, Naomi rất được lòng giới truyền thông cả Nhật lẫn Mỹ, nhưng quan điểm khó chấp nhận rằng một tay vợt da trắng khi lên hình vẫn bắt mắt hơn đã gây ra sự cố kia. Khi ngọn lửa Black Lives Matter bùng lên, nhiều vận động viên da màu đã hưởng ứng và Naomi Osaka là một trong những người quyết liệt nhất. Trước thềm Giải Mỹ mở rộng, cô bất ngờ quyết định rút khỏi trận bán kết Giải Western & Southern mở rộng để phản đối vụ cảnh sát bắn người đàn ông da màu Jacob Blake. Cô chỉ rút lại quyết định sau khi nhận được sự hưởng ứng từ WTA lẫn Hiệp hội Quần vợt Mỹ: hoãn tất cả các trận đấu lại một ngày. Trước đó, Naomi từng viết một bức tâm thư dài gửi người hâm mộ bày tỏ quyết tâm chống phân biệt chủng tộc của cô. “Tôi đã ký đơn thỉnh cầu, đã phản đối, đã quyên góp. Nhưng tôi luôn tự hỏi mình còn có thể làm gì thêm nữa để thế giới này trở nên tốt đẹp hơn cho các con tôi. Người da màu đã phải chiến đấu một mình chống lại sự áp bức này suốt nhiều năm, nhưng tiến bộ đạt được còn quá nhỏ nhoi. “Không phân biệt chủng tộc” là chưa đủ, chúng ta phải chống lại nó”, Naomi viết trong một bài xã luận trên Esquire ngay sau vụ George Floyd. Chiến thắng ở Giải Mỹ mở rộng là một cơ hội nữa để Naomi giương cao hơn ngọn cờ của mình, nhưng nguy cơ cô trở thành một Althea Gibson nữa, dù thế giới đã bước vào năm 2020, vẫn còn đó. Báo Mainichi của Nhật Bản tiết lộ nhiều nhà tài trợ ở quốc gia này không hài lòng với thái độ quyết liệt của Naomi. “Tôi không nghĩ cô ấy cần phải làm điều đó khi đang trong giai đoạn đỉnh cao phong độ. Nếu có thể, chúng tôi cần cô ấy thu hút sự chú ý bằng tài năng trên sân hơn”, Mainichi dẫn lời một nhà tài trợ giấu tên. “Thật sai lầm khi trộn lẫn vấn đề phân biệt chủng tộc, hình ảnh thương mại và năng lực quần vợt của cô ấy lại với nhau”, một nhà tài trợ khác nói. Naomi không nhận được sự ủng hộ trên chính quê hương của mình. Còn ở Mỹ, một số nhà tài trợ lại tỏ ra hứng thú, dù cũng chưa chắc là vì lý tưởng cao đẹp của cô? Mainichi cho rằng những doanh nghiệp Mỹ ủng hộ VĐV tỏ rõ lập trường trong vấn đề này là bởi “nếu không nói bất cứ điều gì, điều đó đồng nghĩa bạn chấp nhận nó”. Chống phân biệt chủng tộc trong mắt nhiều người, vì thế, cũng chỉ là một chiêu trò truyền thông.■ Naomi Osaka sinh năm 1997 ở Osaka, Nhật Bản. Mẹ cô là người Nhật, bà Tamaki Osaka, còn cha là người Haiti, ông Leonard François, người có ảnh hưởng lớn tới sự nghiệp quần vợt của cô. Năm Osaka 3 tuổi, cô cùng gia đình chuyển tới New York sống với ông bà nội. Cô ở Mỹ từ đó tới nay và hiện sống ở Beverly Hills, California. Tags: Kiệt tácLeverkusenRừngNaomi Osaka
Bí thư Nguyễn Văn Nên thăm hỏi, lì xì gia đình công nhân THẢO LÊ 26/01/2025 Sáng 26-1 (27 Tết), Liên đoàn Lao động TP.HCM tổ chức chương trình 'Lãnh đạo Đảng, Nhà nước thăm, tặng quà công nhân, lao động dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025' cho hơn 200 gia đình công nhân.
VietinBank rao bán những khoản nợ xấu 'lạ lùng' BÌNH KHÁNH 26/01/2025 Cuối năm, VietinBank bỗng rao bán nhiều khoản nợ “lạ”. Một khách hàng của VietinBank vay tiêu dùng với giá trị ghi nợ gồm cả gốc, lãi, lãi phạt hơn 260.000 đồng nhưng không thanh toán, để trở thành nợ xấu.
Sếp người Thái nhận lương khủng ở công ty nhựa lớn nhất miền Nam BÌNH KHÁNH 26/01/2025 Ông Chaowalit Treejak - thành viên HĐQT kiêm tổng giám đốc Nhựa Bình Minh - nhận tiền lương, thù lao năm 2024 gần 6,2 tỉ đồng. Mức này cao gấp gần 4 lần thu nhập bình quân lãnh đạo doanh nghiệp sàn chứng khoán 2023, theo dữ liệu của Fiingroup.
Vụ nam thanh niên hít xà đơn trên metro số 1: Công ty Đường sắt đô thị đề nghị công an vào cuộc CHÂU TUẤN 26/01/2025 Những ngày qua mạng xã hội lan truyền clip ghi lại cảnh một nam thanh niên hít xà đơn phản cảm trên chuyến tàu metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Ngày 26-1, công ty vận hành đề nghị công an vào cuộc.