11/02/2017 15:05 GMT+7

Cuộc chiến hạn chế nhập cư: “Hẹn gặp lại ở tòa”

NHẬT ĐĂNG
NHẬT ĐĂNG

TTO - Đó là phản ứng của Tổng thống Donald Trump sau khi Bộ Tư pháp Mỹ thất bại trong việc bảo vệ sắc lệnh hạn chế nhập cư trước Tòa phúc thẩm liên bang.

Mô hình tổ chức nhà nước theo kiểu tam quyền phân lập của Mỹ - Ảnh: Reuters - Đồ họa: Tấn Đạt
Mô hình tổ chức nhà nước theo kiểu tam quyền phân lập của Mỹ - Ảnh: Reuters - Đồ họa: Tấn Đạt

Trong phán quyết ngày 9-2, Tòa phúc thẩm liên bang khu vực 9 tuyên bố chính quyền của ông Trump không chứng minh được mối đe dọa khủng bố nào, từ đó không thể buộc các bang tuân thủ sắc lệnh “cấm nhập cảnh” trên.

Đình chỉ là đúng luật

Ba thẩm phán liên bang trong phiên tòa phúc thẩm vừa qua nhất trí rằng sắc lệnh của ông Trump cơ bản được phân tích ở hai khía cạnh.

Đầu tiên, dư luận quan tâm mạnh mẽ tới an ninh quốc gia và khả năng ban hành chính sách của một tổng thống. Mặt khác, công luận cũng lo ngại về quyền tự do đi lại, không muốn thấy cảnh gia đình chia cắt và không muốn chứng kiến sự phân biệt đối xử, theo AFP.

Việc thẩm phán liên bang James Robart (thành phố Seattle, bang Washington) ra phán quyết đình chỉ sắc lệnh của Tổng thống Trump ngày 3-2 cũng nhắm vào chi tiết rằng sắc lệnh ấy làm ảnh hưởng tới quyền tự do đi lại, giáo dục, kinh doanh...

Trong số 7 quốc gia thuộc “danh sách đen” của ông Trump, có nhiều người sở hữu giấy tờ hợp lệ và xem như chịu oan uổng từ sắc lệnh này.

Tòa phúc thẩm vừa qua cho rằng phán quyết của ông Robart xét khía cạnh nào đó hơi mơ hồ, nhưng thực tế việc đình chỉ là đúng pháp luật vì họ “không có vai trò viết lại sắc lệnh”.

Nói cách khác, phe ông Trump không chứng minh được sắc lệnh của mình phục vụ mục đích chống khủng bố nên ông thua cuộc ở tòa phúc thẩm, còn bên thẩm phán Robart chẳng có trách nhiệm phải chứng minh điều ngược lại.

Phán quyết của Tòa phúc thẩm nêu: “Chính phủ không thể chỉ ra bằng chứng cho thấy bất kỳ người nào từ các quốc gia nằm trong danh sách của sắc lệnh đã gây ra một vụ khủng bố tại Mỹ”.

Gần như ngay lập tức, ông Trump đã bày tỏ sự thất vọng và tuyên bố đáp trả phán quyết này. Ông viết trên Twitter: “Hẹn gặp lại ở tòa án, an ninh quốc gia của chúng ta đang bị đe dọa”.

Thua vì sĩ diện?

Tại Nhà Trắng hôm 9-2, ông Trump nói với phóng viên rằng phán quyết của Tòa phúc thẩm là “một quyết định chính trị”, nhấn mạnh rằng vụ việc bị chính trị hóa và hai trong số ba thẩm phán là người của Đảng Dân chủ.

Tuy nhiên, trang Politico cho rằng Nhà Trắng thua lần này chủ yếu xuất phát từ sai lầm của chính họ.

Đầu tiên, sắc lệnh của ông Trump mắc sơ hở khi không nêu rõ ngay từ đầu rằng lệnh cấm không áp dụng đối với người có giấy tờ hợp lệ (thẻ xanh). Điều này khiến trong vòng 24 tiếng sau, hơn 100 người có thẻ đã bị tạm giữ.

Như vậy, phe chống đối có cơ sở để thuyết phục thẩm phán liên bang.

Tiếp theo, cách ông Trump xử lý khủng hoảng cũng bị đánh giá yếu kém. Politico cho rằng ông Trump đáng ra có thể đơn giản là điều chỉnh sắc lệnh, xác định người thường trú không nằm trong diện cấm. Tuy vậy người đứng đầu Nhà Trắng lại “sĩ diện”, không muốn nhận sai sót.

Ông Trump đã để luật sư của Nhà Trắng Don McGahn ký một biên bản hướng dẫn về thẩm quyền, chi tiết khiến Tòa phúc thẩm bác bỏ. Họ cho rằng bất kỳ cố vấn nào của Nhà Trắng cũng không phải tổng thống và không có quyền thay đổi sắc lệnh của tổng thống.

Tổng thống Donald Trump nhiều khả năng sẽ đẩy cuộc chiến pháp lý này đến Tòa án tối cao Mỹ. Chính quyền của ông Trump có 14 ngày để đưa ra yêu cầu xem xét lại phán quyết của Tòa phúc thẩm, theo AFP.

Cuộc chiến xoay quanh sắc lệnh hạn chế nhập cư của Tổng thống Donald Trump tiêu biểu cho mô hình tổ chức nhà nước theo kiểu tam quyền phân lập.

Tam quyền phân lập chia quyền lực nhà nước thành 3 nhánh khác nhau nhưng có quyền lực tương đương nhau, không bên nào hơn bên nào.

Sáng tạo của nước Mỹ là tính kiềm chế đối trọng, thể hiện ở việc ba nhánh này không ngừng kiểm soát và kiềm chế nhau, bảo đảm không nhánh nào vượt hơn hai nhánh còn lại, thể hiện qua 3 cặp quan hệ chính.

Cặp thứ nhất: Hành pháp và lập pháp. Đứng đầu nhánh hành pháp là tổng thống, người có quyền phủ quyết các đạo luật do quốc hội lưỡng viện thông qua (lập pháp).

Ngược lại, quốc hội lưỡng viện (thượng viện và hạ viện) có quyền luận tội tổng thống cũng như vô hiệu hóa các phủ quyết của tổng thống, phê chuẩn các vị trí nội các trong chính phủ.

Cặp thứ hai: Hành pháp và tư pháp. Đây cũng là cặp quan hệ đang nhận được nhiều sự chú ý xung quanh vụ sắc lệnh cấm nhập cảnh của Tổng thống Donald Trump mấy ngày gần đây.

Ở chiều thứ nhất, tổng thống có quyền chỉ định thẩm phán Tòa án tối cao và tuyên bố ân xá. Ở chiều ngược lại, Tòa án tối cao có quyền tuyên hành vi của tổng thống là vi hiến, các tòa án liên bang có quyền lật lại các sắc lệnh hành pháp của tổng thống.

Cặp quan hệ cuối cùng: Tư pháp và lập pháp. Quốc hội, mà cụ thể là thượng viện, có quyền phê chuẩn các thẩm phán của Tòa án tối cao, tòa án liên bang và thành lập các tòa án cấp thấp khác.

Ở chiều ngược lại, các tòa án liên bang có quyền xem xét, đình chỉ và lật lại các đạo luật do quốc hội thông qua, nhưng chỉ có Tòa án tối cao mới có quyền tuyên các đạo luật của quốc hội là vi hiến.

DUY LINH

NHẬT ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên