Phóng to |
Ảnh chân dung Malala tại một buổi lễ cầu nguyện ở Lahore hôm 12-10 - Ảnh: Reuters |
Theo báo New York Times, mới đây lực lượng Taliban ở thung lũng Swat (tỉnh Khyber Pakhtunkhwa, Pakistan) thề sẽ tìm cách giết bằng được Malala và cả bố của cô. “Cả hai cha con họ đều nằm trong danh sách phải giết - người phát ngôn Taliban Sirajuddin Ahmad khẳng định - Quan điểm của chúng tôi rất rõ ràng. Bất cứ kẻ nào đứng về phía chính phủ (Pakistan) chống lại chúng tôi đều phải chết. Sẽ còn nhiều người nữa trở thành nạn nhân”.
Hiện Malala vẫn đang được điều trị tại bệnh viện quân đội thành phố Rawalpindi. Các bác sĩ cho biết cô bé có 50-70% khả năng sống sót dù bị bắn vào đầu và cổ. Cô vẫn đang phải thở bằng máy.
Hai gã sát thủ bắn một cô bé
"Malala đã thể hiện sự dũng cảm khi đối đầu với Taliban hơn hẳn chính phủ và quân đội Pakistan" |
Cô bé cũng thường xuyên xuất hiện trên phương tiện truyền thông để quảng bá quyền được đi học của trẻ em gái khiến Taliban “ngứa mắt”. Malala hiểu rõ những nguy hiểm rình rập xung quanh. Ở thị trấn Mingora quê hương cô, các tay súng của Fazlullah vứt xác người bừa bãi sau mỗi cuộc hành quyết. “Tôi nghe cha nói rằng có ba thi thể nằm ở ngoài đường” - Malala viết trong nhật ký.
Chiến dịch quân sự của chính quyền Pakistan năm 2009 đẩy lực lượng của Fazlullah ra khỏi thung lũng Swat, nhưng các tay súng của hắn vẫn hoạt động công khai tại đây từ căn cứ ở Afghanistan. Đầu năm nay, nhóm này đã bắt cóc và chặt đầu 17 binh sĩ Pakistan. Bất chấp nguy hiểm, Malala tiếp tục lên tiếng. Taliban đã đăng lời dọa giết cô trên báo, thậm chí tuồn những mẩu giấy ghi lời đe dọa vào nhà cô.
Nhưng Malala quyết không im lặng. Cha của Malala, ông Ziauddin Yousafzai, là hiệu trưởng một trường nữ sinh, cũng hoạt động mạnh mẽ vì hòa bình thung lũng Swat và rất ủng hộ cô con gái dũng cảm. “Chúng tôi không muốn giết cô ta nhưng buộc phải làm như vậy vì cô ta không chịu ngừng lại” - Reuters dẫn lời Ahmad. Hắn cho biết vài tháng trước, các lãnh đạo Taliban đã họp và quyết định giết cô bé.
Lực lượng Taliban ở thung lũng Swat có một biệt đội sát thủ 100 thành viên. Ahmad cho biết đích thân thủ lĩnh Fazlullah đã chọn ra hai tay súng trẻ, người gốc thung lũng Swat. Trước đó, hai gã này từng thực hiện ám sát một chính trị gia và một chủ khách sạn địa phương. Chúng luôn kết liễu nạn nhân bằng những phát đạn vào đầu. “Trước vụ tấn công, hai chiến binh đã thu thập thông tin về đường Malala đến trường, thời gian, phương tiện cô ta đi, ai bảo vệ cô ta” - Ahmad cho biết.
Biểu tượng toàn cầu
Và hôm 9-10, hai sát thủ đã chặn xe buýt chở Malala gần một trạm kiểm soát quân sự và xả súng bắn cô bé. Ahmad cho biết Taliban chọn địa điểm này để phát đi thông điệp rằng chúng có thể tấn công ở bất cứ đâu. Chúng bắn Malala vào đầu và cổ, làm bị thương hai nữ sinh khác trên xe buýt. Theo báo New York Times, mới đây cảnh sát Pakistan đã bắt giữ một số nghi phạm trong vụ ám sát hèn hạ này.
Nhưng phiến quân Taliban không hề biết rằng vụ ám sát đã biến nạn nhân của chúng trở thành biểu tượng toàn cầu. Cả đất nước Pakistan phẫn nộ. Báo Pakistan Observer đưa tin hôm 12-10, người dân cả nước Pakistan đã cầu nguyện cho Malala. Làn sóng cầu nguyện cũng lan sang Afghanistan và các nước Hồi giáo khác. Chính phủ Mỹ, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon, UNICEF, Quỹ Phụ nữ toàn cầu... đều lên án hành vi tàn bạo của Taliban.
Trên các mạng xã hội như Twitter, Facebook... Malala được cư dân mạng cả thế giới tôn vinh là một anh hùng. Nhiều người khẳng định cô xứng đáng với giải Nobel hòa bình 2012 hơn nhiều so với Liên minh châu Âu (EU). Cái tên Malala trở nên quen thuộc trên toàn thế giới. “Truyền thông đã gây sự chú ý quá lớn và đến giờ thậm chí cả Ban Ki Moon cũng nói xấu chúng tôi” - Ahmad cay cú.
Trên CNN, cây bút chính trị Frida Ghitis bình luận phản ứng dữ dội của dư luận Pakistan đối với vụ ám sát đê hèn cho thấy người dân Pakistan đã thức tỉnh và nhận ra rõ bản chất tàn bạo, vô nhân tính của Taliban và mối đe dọa mà chúng tạo ra.
Những dòng nhật ký “Mình sợ phải đến trường vì Taliban ra sắc lệnh cấm nữ sinh đi học. Hôm nay chỉ có 11/27 học sinh có mặt trên lớp chỉ vì sắc lệnh của Taliban”. “Mình đã sẵn sàng đến trường và định mặc đồng phục. Nhưng mình nhớ là hiệu trưởng nói rằng học sinh không nên mặc đồng phục đến trường, hãy mặc quần áo bình thường. Vì vậy mình mặc chiếc váy màu hồng mình rất thích. Các bạn khác cũng mặc váy nhiều màu. Và hiệu trưởng nói rằng chúng mình không nên mặc sặc sỡ vì Taliban không thích”. “Mình thấy buồn khi đến trường vì kỳ nghỉ đông bắt đầu vào ngày mai. Hiệu trưởng công bố kỳ nghỉ nhưng không nói trường có mở lại hay không. Các bạn đều không hào hứng với kỳ nghỉ vì họ biết nếu Taliban thực hiện sắc lệnh thì họ không thể đến trường được nữa. Mình nghĩ rằng trường sẽ mở cửa lại, nhưng khi ra về mình nhìn ngôi trường như thể sẽ không bao giờ được đến đó nữa”. “Mình thức dậy ba lần trong đêm vì tiếng đạn pháo. Vì không phải đi học mình thức dậy lúc 10g. Bạn mình đến để ôn bài cùng mình. Hôm nay là ngày cuối cùng trước khi sắc lệnh của Taliban có hiệu lực, nhưng mình và bạn vẫn ôn bài như thể chẳng có chuyện gì xảy ra”. Malala viết vào năm 2009 khi mới 11 tuổi. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận