Anh Triều cùng mẹ vào viện điều trị COVID-19 - Ảnh NVCC
Họ trao sự sẻ chia đến với người nghèo khó, nhưng một ngày nào đó chính họ lại không may trở thành F0.
Hai mẹ con cùng là F0
Đó cũng là câu chuyện của chàng "nhạc trưởng" nhóm thiện nguyện Minh Phước - Trần Huỳnh Quang Triều (27 tuổi, ngụ Bình Tân, TP.HCM).
Nhiều người nghèo khổ ở khắp TP.HCM chắc đã quá quen với Triều, chàng trai trẻ với dáng người cao, trắng trẻo và đầy ấm áp. Như cái duyên trời định, anh theo công việc thiện nguyện này đã rất lâu.
Kể cả khi dịch bệnh lập đỉnh, Triều cùng các cộng sự của mình vẫn lẳng lặng đi vào tâm dịch. Thứ họ trao đi là những suất cơm nóng do chính tay mình nấu, những phần quà là vài gói mì, chai dầu ăn, đùm gạo, bịch sữa... đến cho bất kỳ ai cần nó.
Nhưng đến một ngày giữa tháng 7, Triều được lực lượng y tế phường nơi mình ở lấy mẫu test nhanh COVID-19 rồi cho ra kết quả dương tính. Tải lượng virus SARS-CoV-2 của anh lúc đó là rất cao. Cuối cùng, điều mà Triều lâu nay vẫn nghĩ "chỉ vì chưa may mắn" cũng đã tới: trở thành F0.
Những lần trước Triều tìm đến bệnh viện thu dung dã chiến điều trị COVID-19 để trao quà cho các bệnh nhân, hỗ trợ cơm nước cho lực lượng y tế thì nay anh lại đến đây để được chữa trị.
Nhưng anh không một mình mà đi cùng mẹ - bà Huỳnh Thị Ngọc Thủy (52 tuổi). "Nói chuẩn bị sẵn tâm lý không có nghĩa là cẩu thả trong việc bảo vệ mình, nhưng công việc phải đi vào vùng dịch thường xuyên thì việc trở thành F0 có thể cũng chỉ là thời gian" - anh Triều nói nhẹ hều như cái cách anh âm thầm bao năm đi thiện nguyện.
Để mình lạc quan trước những triệu chứng đầy khó chịu như mất vị giác, khó thở, sốt cao liên tục, đau nhức cơ khớp... quả thực không phải ai cũng làm được.
Nhất là khi phải rời bỏ nhà cửa rộng rãi của mình để dọn đến sống lâu ngày trong căn hộ chung cư (bệnh viện dã chiến) cùng nhiều người lạ, môi trường đầy bệnh tật càng khiến con người ta dễ tìm đến tiêu cực.
Dù trở thành F0, nhưng vì thấu hiểu được những hy sinh vì bao người mà con trai đang chọn dấn thân khiến bà Thủy bình tâm. Ngày hay tin mình là F0, cả hai mẹ con cùng bình tĩnh thu dọn hành lý gồm vài bộ đồ, ít sữa, bánh rồi đưa nhau vào bệnh viện.
Tăng ăn, ngủ, giảm nghĩ tiêu cực
Những ngày ở bệnh viện dã chiến, Triều trải qua toàn bộ triệu chứng của người mắc COVID-19, thậm chí có ngày anh đã vật vã khi "lãnh đủ combo" sốt, ho, đau nhức... cùng một lúc.
Anh kể cảm giác khó chịu nhất vẫn là những lúc cơn mệt nổi lên rồi chắn ngang lồng ngực khiến anh khó thở, muốn ngủ thiếp đi.
Nhưng nhìn về góc tường đằng xa, nơi mẹ mình ngồi khiến anh như bừng tỉnh. Anh ngẩng cao đầu nhìn lên trời xanh cầu mong rằng mình có thể lãnh hết những đau đớn này thay cho mẹ. Chỉ khi nghĩ về người thân thì cơn mệt mới thôi "quật quậy" trong anh.
Để bản thân không khuất phục trước COVID-19, Triều lập ra cho mình những quy định tưởng chừng sẽ không bao giờ có trong cuộc sống mình.
Vốn là người trầm tính, nhưng vì muốn tạo ra không gian thoải mái nhất cho mẹ và 4 F0 cùng phòng thì Triều đã tập "tếu táo", pha trò nhiều hơn.
"Chàng hề" của phòng luôn xuất hiện với những trò đùa, câu đố mẹo giúp mọi người có tràng cười rôm rả. Có 6 F0 chung một phòng (căn hộ rộng chừng 60m2) nhưng trong khung cảnh ấy như không có chỗ cho sự đau đớn, bệnh tật, uể oải. Ở đó có rất nhiều nụ cười dù phải qua lớp khẩu trang, khoảng cách.
Thông điệp mà Triều lồng ghép qua những mẩu chuyện hài để đưa đến cho "khán giả" của mình là việc hãy suy nghĩ rằng: "Chúng ta sẽ khỏi bệnh, sẽ được về nhà, nhanh thôi nếu chúng ta nghĩ vậy". Anh Triều cười kể: "Tôi luôn nghĩ mình sẽ khỏi bệnh, kể cả lúc mệt mỏi nhất. Và tôi lan tỏa nó cho mọi người".
Tinh thần thôi là không đủ. Anh nói rằng dinh dưỡng là điều cực kỳ quan trọng cho một người muốn chiến thắng SARS-CoV-2.
Vốn rất kén ăn thì nay Triều "xơi tái" bất kỳ thứ gì có thể ăn trong phòng. Với anh ngày thường bữa sáng có thể có hoặc không thì nay anh ăn 6-8 bữa một ngày.
Chuyện nghe thì dễ nhưng với người mắc COVID-19 thì việc ăn và ăn nhiều lại chưa bao giờ là dễ dàng. "Bị bệnh vào đây thì miệng đâu còn khẩu vị gì, ăn chanh không biết chua, mặn cũng như lạt, mọi thứ ngon đều thành rất dở và khó nuốt" - anh cười.
Suốt mùa dịch, nhóm anh Triều (phải) đã trao đi nhiều tấn hàng hóa, hàng ngàn suất ăn cho người nghèo - Ảnh: C.T.
"Họ đang chờ tôi"
Có tải lượng virus SARS-CoV-2 cao nhất trong nhóm người vào viện đợt đó, thế nhưng sau 8 ngày Triều là người hoàn toàn khỏi bệnh sớm nhất. Dù được bác sĩ chỉ định có thể ra viện, nhưng vì còn mẹ, còn mọi người trong phòng nên anh tình nguyện xin ở lại thêm thời gian nữa.
Chẳng học qua lớp đào tạo nào, nhưng với sức trẻ và sự nhạy bén, anh nhanh chóng bắt kịp kinh nghiệm từ các điều dưỡng chính quy để trở thành "chàng điều dưỡng" của phòng. Uống thuốc hạ sốt khi nào tốt nhất?
Súc miệng bằng nước muối, uống vitamin C ra sao? Khi khó thở phải làm gì? Chàng trai trẻ nắm rõ, thuộc làu và hướng dẫn mọi người tận tình. "Nhờ đó mà ai nấy trong phòng đều khỏe rất nhanh" - anh Triều tâm sự.
"Mình xin tắt điện thoại chiều nay". Đó là lần hiếm hoi duy nhất trong suốt gần một tháng điều trị mà Triều đăng lên mạng xã hội, khác xa với những dòng trạng thái đầy hình quà cáp như thường lệ.
Có lẽ chiều này anh phải tập trung chăm mẹ trở mệt hay ai đó đang cần anh. Suốt thời gian nằm viện, điện thoại anh vẫn đổ chuông liên hồi. Đó là những cuộc gọi từ người nghèo khó, của những nhà hảo tâm, của cộng sự và của cả những nhóm thiện nguyện đang gửi lời "cầu cứu" tới anh.
Dịch bệnh khiến nguồn hàng, đặc biệt là mì gói tại TP.HCM có đôi lúc trở nên khan hiếm, tăng giá.
Trước dịch, nhiều loại mì gói có giá từ 55.000-65.000 đồng/thùng, nhưng trong dịch đã "đội giá" lên tới 85.000 đồng và thậm chí có lúc đỉnh điểm gần 100.000 đồng.
Và rồi, hơn 70.000 thùng mì được anh kết nối với một công ty vận chuyển từ Quảng Trị để chia lại cho các nhóm thiện nguyện tại TP.HCM với cùng một mức giá... 65.000 đồng như "cơn mưa đổ xuống vùng hạn nặng".
Hoàn thành đợt chữa trị tại bệnh viện và cách ly, theo dõi tại nhà, Triều tiếp tục với công việc thiện nguyện của mình.
Giờ đây, ngoài công việc của nhóm, anh còn đang là tình nguyện viên cho một đường dây nóng chuyên phát túi thuốc F0 miễn phí tại TP.HCM. Triều nói rằng đợt này rất bận, công việc của nhóm, của đường dây nóng buộc anh phải chạy, làm việc liên tục.
"Đôi khi áp lực quá cũng có nghĩ đến việc nghỉ ngơi vài ngày, nhưng lại nghĩ đến các F0, đến người nghèo là tôi lại không thể nghĩ gì hơn ngoài việc tiếp tục. Chỉ biết rằng họ đang chờ tôi, thế là lại chạy" - anh cười nhẹ nhàng.
Biết tin Triều và mẹ phải vào viện vì COVID-19, bạn bè, người thân gửi đồ ăn vào thăm. Triều chia lại thức ăn cho các F0 trong phòng ăn chung, từ đó không ai còn tình trạng bỏ bữa, để cơm thừa như mọi khi nữa. "Tăng ăn ngủ, giảm nghĩ tiêu cực là liều thuốc giúp tôi khỏe bệnh" - anh Triều dõng dạc nói.
-----------------------
Mấy tháng thành phố giãn cách, gia đình tôi hầu như không ra ngoài, nhưng cha tôi thì có. Ông suy thận mãn, chạy thận mỗi tuần 3 lần ở bệnh viện. Sáng ấy sau khi ra khỏi nhà chừng một tiếng, ông gọi về cho tôi giọng run run: "Cha đã dương tính...".
Kỳ tới: Cú sốc dương tính
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận