14/11/2022 08:19 GMT+7

Cuộc chiến chống sâu lạ ở vườn dừa Bến Tre

HÙNG ANH
HÙNG ANH

TTO - Đến nay, khoảng hơn 1.500ha vườn dừa ở Bến Tre đã bị sâu lạ đầu đen tàn phá khốc liệt. Dù đã tìm được "vũ khí sinh học" có thể chống lại nhưng nhà vườn vẫn khốn đốn vì sinh vật lạ này.

Cuộc chiến chống sâu lạ ở vườn dừa Bến Tre - Ảnh 1.

Vườn dừa ở Bến Tre bị sâu đầu đen ăn xơ xác - Ảnh: HÙNG ANH

Hơn hai năm qua, nhiều vườn dừa Bến Tre lá khô xác xơ, trái rụng sạch như bị nhiễm chất độc hóa học. 

Bà Huỳnh Thị Tuyền (xã Hữu Định, huyện Châu Thành, Bến Tre) xót xa nói: "Dừa bị sâu ăn, phun xịt đủ thứ thuốc mà cây vẫn chết. Con sâu gì tàn hại quá sức, cây dừa đang tươi tốt mà bị nó ăn hết lá non, lá già, vô phương cứu chữa".

Hoảng hồn với "siêu sâu"

Xã Hữu Định có nhiều vườn dừa bị sâu tàn phá nặng nề. Bà Trần Thị Hoa, chủ 1.500m2 vườn dừa, buồn rầu nói: "Vườn tui mỗi tháng cho thu nhập gần hai triệu đồng. 

Sâu lạ gây thiệt hại nặng không thể phục hồi được, tui đành đốn bỏ. Cây dừa đang cho trái, thân cao hơn chục thước nhưng bán chưa được trăm ngàn đồng, xót đứt ruột".

Ở Bến Tre, dịch sâu lạ hại dừa xuất hiện vào khoảng tháng 5-2020 tại khu vườn rộng 5.000m2 với 120 gốc dừa hơn chục năm tuổi của ông Năm Giúp (Bồ Quang Giúp, ấp Giồng Tre, xã Phú Long, huyện Bình Đại). 

Ông cho biết mình trồng dừa từ 1986, từng bị đuông và chuột gây hại nhưng lần đầu tiên bị sâu lạ tấn công gây thiệt hại nặng, mất trắng gần 50 triệu đồng/năm thu nhập từ trái dừa.

Ông Năm Giúp kể tháng 5-2020, khi đi thăm vườn, ông phát hiện cây dừa tự nhiên héo lá bất thường. Khi ông kéo mấy tàu lá dừa bị héo xuống xem thử thì tá hỏa phát hiện hàng trăm con sâu lạ đang ẩn nấp trong các bẹ lá, xúm nhau ăn lá cây. 

"Mấy chục năm trồng dừa, tui chưa từng thấy sâu nào kỳ lạ như vậy. Sau khi ăn hết lá dừa non và già, lũ sâu ăn tới phần vỏ của những trái dừa non, dừa đang độ uống nước, khiến trái dừa sau đó bị hư và rụng sạch. Chỉ có lá và trái dừa khô là đám sâu lạ không thèm đụng tới", ông Năm nhớ lại.

Theo ông Năm Giúp, sâu lạ lúc còn non lớn bằng cây tăm tre xỉa răng, màu trắng, khi trưởng thành chuyển sang màu xám. Lúc chuẩn bị hóa nhộng để thành bướm, nó chuyển sang màu nâu, to bằng thân hai cây tăm xỉa răng. 

Khi hóa bướm, con bướm sâu lạ có màu trắng toàn thân, bay phát tán khắp nơi trong các vườn dừa, tiếp tục chu kỳ đẻ trứng, nở sâu phá hoại cây trái.

Con sâu lạ và con bướm hóa thân của loài sâu này không gây ngứa ngáy, nổi mề đay như những loại sâu ăn lá dừa thông thường. 

Nhưng điều làm ông Năm Giúp và những chủ vườn khác hoảng hồn là khi nhốt mấy con sâu lạ vào ly thủy tinh, bỏ đói 5 ngày sau chúng vẫn không chết. Riêng con bướm dù bị nhốt trong lọ thủy tinh nhiều ngày nhưng nó không chết mà vẫn đẻ trứng bình thường. 

Do không biết sâu lạ là giống gì nên nhà vườn căn cứ vào cái đầu màu đen đặc trưng của nó mà đặt tên là sâu đầu đen (SĐĐ).

Cuộc chiến chống sâu lạ ở vườn dừa Bến Tre - Ảnh 2.

Không khả năng hồi phục, nhiều chủ vườn phải tiếc đứt ruột đốn bỏ cây - Ảnh: HÙNG ANH

"Vũ khí sinh học" chống SĐĐ

Ông Năm Giúp cho biết sau khi phát hiện sâu lạ hại dừa, ông đã thuê người mua đủ thứ thuốc bảo vệ thực vật về phun xịt nhằm diệt sâu, cứu vườn cây. Nhưng phun thuốc 4-5 lần mà SĐĐ và con bướm vẫn trơ trơ không chết nên ông hoảng quá, thông báo sự việc với chính quyền. 

Lúc đó, vườn dừa của ông Năm đã gần như thiệt hại hoàn toàn. Mấy vườn dừa của bà Hai Tú, ông Mười... gần đó cũng bị SĐĐ gây hại.

Chuyện SĐĐ được thông báo cho các cấp chính quyền, các cơ quan hữu trách của huyện và tỉnh. Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) tỉnh Bến Tre xác định đây là loài sâu gây hại dừa lần đầu tiên xuất hiện tại VN. 

Loài sâu này rất nguy hiểm, có tên khoa học là Opisina arenosella Wailker. Trước đó, chúng đã gây hại ở các quốc gia trồng nhiều dừa như Ấn Độ, Sri Lanka, Thái Lan.

SĐĐ ăn lá dừa và vỏ trái dừa tươi, làm cây héo lá, trái dừa bị hư hỏng, do lần đầu xuất hiện nên chưa có loại thuốc đặc trị để tiêu diệt sâu, ấu trùng và bướm hóa thân từ sâu. 

Vì vậy, Chi cục TT&BVTV khuyến cáo, khi phát hiện dừa bị sâu tấn công, tốt nhất là người dân nên chặt bỏ lá, trái bị sâu ăn và đem tiêu hủy để tránh lây lan.

Xui rủi nữa là chưa có giải pháp khả thi trị SĐĐ thì khắp nơi thực hiện phong tỏa chống dịch COVID-19, nhiều vườn dừa không người chăm sóc nên chúng tha hồ hoành hành, phát tán khắp nơi. 

Vì vậy mà từ 2,4ha vườn dừa bị nhiễm sâu ở xã Phú Long vào tháng 5-2020, chỉ hơn hai năm SĐĐ đã có mặt gây hại hơn 1.500ha dừa ở 70 xã của 9/9 địa phương trong tỉnh Bến Tre.

Các nơi bị SĐĐ gây hại nặng là Mỏ Cày Nam (hơn 290ha), Bình Đại (hơn 177ha), TP Bến Tre (hơn 131ha). Nhiều vườn dừa ở Châu Thành, Giồng Trôm, Mỏ Cày Bắc... cũng chịu thiệt hại nặng vì SĐĐ. 

Xót ruột, các chủ vườn thi nhau phun nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật để diệt sâu nhưng hầu như không mang hiệu quả. Bà Hai Kim, ở xã Hữu Định, than thở: "Thấy dừa héo lá, nhà vườn tự mua thuốc phòng trừ sâu rồi thuê người phun xịt với giá 5.000 đồng/cây, nhưng xịt thuốc ướt như mưa mà cây vẫn chết".

Nguyên nhân là con sâu rất nhỏ, nấp kín trong các kẽ của lá dừa, thuốc không ngấm vào được, nên sâu không hề hấn. 

Trong thời gian dài, dịch SĐĐ tác oai tác quái, hầu như không loại thuốc bảo vệ thực vật nào khắc chế được, khiến người trồng dừa bất an. Nhiều chủ vườn đã phải cắn răng đốn bỏ hàng ngàn cây dừa đang cho thu hoạch nhưng chết khô vì sự tàn phá của sinh vật ngoại lai quái ác này.

Giữa lúc dịch SĐĐ hoành hành khắp nơi, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bến Tre phối hợp với Trường đại học Nông Lâm TP.HCM nghiên cứu phát hiện được 10 loài thiên địch (chủ yếu là ong ký sinh - OKS) có khả năng diệt trừ SĐĐ, trong đó có một số loài hoạt động rất tốt tại những nước trồng dừa như Ấn Độ, Thái Lan. 

Những loài OKS chủ yếu được sử dụng để chống SĐĐ ở Bến Tre gồm: Habrobracon hebetor (ký sinh ấu trùng SĐĐ), Trichospilus pupivorus và Brachymeria sp (ký sinh trên nhộng SĐĐ).

Quy trình nuôi OKS đã được chia sẻ, phổ biến đến các trạm BVTV tại các huyện, sau đó phóng thích ong ra môi trường để diệt SĐĐ. 

Ông Võ Văn Nam, chi cục trưởng Chi cục TT&BVTV Bến Tre, cho biết đến nay đã có khoảng 80 triệu con OKS các loại được thả vào môi trường tự nhiên để diệt SĐĐ, hiệu quả ban đầu khá tốt với 792ha dừa có dấu hiệu hồi phục.

Gần đây nhất, vào trung tuần tháng 9-2022, một doanh nghiệp ở Bến Tre đã trao tặng cho tỉnh 37,5 triệu OKS để thả vào môi trường tiêu diệt SĐĐ. Trong khi đó, các nhà khoa học Trường đại học Nông Lâm TP.HCM khuyến cáo: 

Người dân cần thường xuyên theo dõi vườn dừa, kịp thời phát hiện sớm khi sâu mới gây hại để liên hệ trạm BVTV đưa OKS diệt sâu. Nếu vườn bị nhiễm nặng thì giật lá dừa xuống tiêu hủy, phun thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học để diệt SĐĐ. Nhà vườn cần tránh phun thuốc sau khi thả OKS để đạt hiệu quả cao trong việc diệt SĐĐ.

Cuộc chiến chống sâu lạ ở vườn dừa Bến Tre - Ảnh 3.

Sâu đầu đen gây hại vườn dừa Bến Tre - Ảnh: HÙNG ANH

Theo báo cáo tuần từ 17 - 23 tháng 10 của Văn phòng Tỉnh ủy Bến Tre, tổng diện tích nhiễm SĐĐ là 947,47ha, phân bố nhiễm ở 9/9 huyện, thành phố, trong đó tập trung nhiều ở huyện Mỏ Cày Nam (291,2ha), huyện Bình Đại (177,04ha) và thành phố Bến Tre (131,64ha).

Trong tuần, ngành nông nghiệp đã nhân nuôi và phóng thích 30.000 ong ký sinh Habrobracon hebetor và 1.300.000 ong ký sinh Trichospilus pupivorus tại thành phố Bến Tre, huyện Thạnh Phú và Mỏ Cày Bắc.

Cho đến giờ này chưa có lý giải thỏa đáng về sự xuất hiện của SĐĐ trên xứ dừa Bến Tre. Nhưng nhà vườn nghi ngờ: "Nhiều khả năng SĐĐ hiện diện từ nhập lậu sâu làm thức ăn cho chim cảnh, cá cảnh và làm xổng ra tự nhiên nên nó có cơ hội sinh sôi, phát tán rộng gây hại cho vườn dừa".

Mối lo SĐĐ vượt khỏi đất Bến Tre tấn công các vườn dừa ở những địa phương lân cận đã thành hiện thực, khi thông tin từ các cơ quan hữu trách cho biết: SĐĐ đã vượt sông Cổ Chiên, đang gây hại khoảng 40ha vườn dừa ở hai huyện Tiểu Cần và Càng Long, tỉnh Trà Vinh.

Sâu lạ tấn công dừa Bến Tre, có vườn phải đốn gần hết Sâu lạ tấn công dừa Bến Tre, có vườn phải đốn gần hết

TTO - Trong những ngày Tết Nguyên đán, sâu lạ tấn công nhiều vườn dừa ở xã Hữu Định, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre với tốc độ "chóng mặt".

HÙNG ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên