19/01/2019 09:38 GMT+7

Cuộc chiến chống gián điệp - Kỳ 2: GRU lộ diện

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Cơ quan Quân báo Nga (GRU) ra đời ngày 5-11-1918, với một thời gian dài nổi tiếng là cơ quan tình báo hoạt động bí mật nhất của Nga. GRU điều hành mạng lưới điệp viên hoạt động ở nước ngoài và lực lượng đặc nhiệm ưu tú Spetsnaz.

Cuộc chiến chống gián điệp - Kỳ 2: GRU lộ diện - Ảnh 1.

Đặc vụ GRU Vladimir Popov đăng ảnh trên mạng xã hội - Ảnh: Bellingcat

Cuộc chiến bóng tối gián điệp và phản gián là chuyện quốc gia nào cũng phải làm để bảo vệ quyền lợi của mình. Thế nên trong những câu chuyện thường là mập mờ về cuộc chiến này, bên nào sử dụng truyền thông tốt hơn sẽ tạo ra ưu thế hơn.

Vì lẽ đó, người ta có cảm giác trong những năm gần đây, nhiều đặc vụ GRU được cho là đã bị lộ. Các nước phương Tây hợp đồng tác chiến "hài danh hài tánh" GRU hơi bị nhiều. 

Nhà sử học Nga Alexander Kolpakidi nhận xét: "Tổn hại cho GRU rất khủng khiếp, từ đó GRU phải xem xét lại toàn bộ phương pháp tác nghiệp. Chưa bao giờ có tình cảnh phá sản như thế ở Nga".

Lộ danh lộ liễu vì mạng xã hội

GRU bị phương tây đơn phương cáo buộc liên quan đến các điệp vụ như sau:

- Đầu độc: Cựu điệp viên hai mang GRU Sergei Skripal và cô con gái Yulia bị đầu độc bằng chất độc thần kinh Novichok hôm 4-3-2018 tại thành phố Salisbury ở miền nam nước Anh. Anh cáo buộc hai đặc vụ GRU mang tên giả Alexander Petrov và Ruslan Boshirov liên can đến âm mưu đầu độc.

- Xâm nhập và tấn công mạng: GRU đã hậu thuẫn cho nhiều nhóm tin tặc tấn công mạng đối với Cơ quan Chống doping thế giới, các cơ quan thể thao quốc tế và quốc gia; tấn công mã độc NotPetya ảnh hưởng hàng trăm ngàn máy tính hồi tháng 6-2017; xâm nhập mạng máy tính của Đảng Dân chủ Mỹ; xâm nhập mạng WiFi của Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) ở Hà Lan...

- Can thiệp: Nhiều đặc vụ GRU dưới vỏ bọc cố vấn đã hiện diện tại Syria và miền đông Ukraine. GRU đã điều động lực lượng đặc nhiệm Spetsnaz can thiệp trong vụ sáp nhập Crimea vào Nga năm 2014. Đặc vụ GRU còn liên can đến âm mưu đảo chính ở Montenegro vào tháng 10-2016.

Những tháng cuối năm 2018 là thời gian GRU trải qua cuộc khủng hoảng vô tiền khoáng hậu. 305 điệp viên bị trang web điều tra The Insider (Nga) và trang web Bellingcat (Anh) phanh phui danh tính.

GRU không còn giữ tính chất bí mật như trước nữa bởi một số đặc vụ hoạt động rất tay mơ. Các điệp vụ thất bại cùng có điểm chung là để lại dấu vết quá rõ ràng. Đây cũng là những yếu tố khiến người theo dõi thế giới gián điệp bất ngờ và dẫn đến hoài nghi về các cáo buộc.

Một đặc vụ GRU bị nghi ngờ tham gia âm mưu đảo chính ở Montenegro đã chuyển tiền qua dịch vụ Western Union cho cộng tác viên ở Belgrade (Serbia) với địa chỉ người gửi là địa chỉ GRU ở Matxcơva.

Hai đặc vụ GRU Eduard Shishmakov và Vladimir Popov ngang nhiên chụp ảnh đăng trên mạng xã hội trong lúc giám sát người được thuê tổ chức đảo chính ở Montenegro.

Trong vụ bốn điệp viên Nga tìm cách xâm nhập mạng WiFi của OPCW bị bắt quả tang hồi tháng 4-2018, cơ quan tình báo Hà Lan chỉ cần xem máy tính và đối chiếu giấy tờ tùy thân đã phát hiện chân tướng của họ.

Nhà sử học Alexander Kolpakidi đặt vấn đề: "Thời Liên Xô những người làm việc cho GRU đều là dân trí thức, còn bây giờ nhân viên GRU chỉ là các chàng trai bình thường ở nông thôn. Vậy làm sao kỳ vọng vào họ được?".

Tiến sĩ Pavel Felgenhauer (Nga) lý giải ưu điểm của GRU là nghi binh và tiến hành chiến dịch đặc biệt chứ không phải đào tạo điệp viên, bởi thế trình độ các đặc vụ rất chênh nhau.

Cuộc chiến chống gián điệp - Kỳ 2: GRU lộ diện - Ảnh 2.

GRU triển khai đội đặc nhiệm Spetsnaz đến Syria - Ảnh: DEBKA

Gió đã xoay chiều

Theo đánh giá của giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tình báo (Pháp) Eric Dénecé, dù nhiều điệp vụ thất bại nhưng GRU vẫn còn rất mạnh và sự việc một số đặc vụ GRU bị lộ chỉ có nghĩa phương Tây biết cách vạch chân tướng của GRU tốt hơn trước.

Ông giải thích: "Sergei Skripal trước đây là sĩ quan GRU được Anh tiếp cận từ năm 1966, sau đó quay sang làm việc cho Anh. Nhờ vậy Anh hiểu rõ hơn cách thức hoạt động của GRU".

Thời Liên Xô chưa tan rã, người ta thường nói đến Ủy ban An ninh quốc gia Xô viết (KGB). Sau đó, Tổng cục An ninh Liên bang Nga (FSB) kế thừa KGB được nhắc đến nhiều hơn chứ ít ai biết đến GRU.

Năm 2008, uy tín của GRU lao dốc vì phạm nhiều sai lầm trong đánh giá chiến sự Gruzia như đánh giá thấp sức kháng cự của quân đội Gruzia.

Cơ quan Tình báo nước ngoài Liên bang Nga (SVR) vốn chủ trương hoạt động tình báo nhẹ nhàng để không làm mích lòng các cường quốc phương Tây, thì nay phương thức hoạt động này không còn phù hợp nữa. Trong khi đó, GRU ngày càng chứng tỏ thích hợp với thực tế địa chính trị mới.

Tiến sĩ Mark Galeotti ở Viện Quan hệ quốc tế Prague (Cộng hòa Czech) giải thích Nga xem vụ sáp nhập Crimea vào Nga là điển hình thành công về phương thức làm việc đặc trưng của tình báo quân sự, do đó Nga không chỉ khen ngợi riêng lực lượng đặc nhiệm Spetsnaz mà khen ngợi toàn bộ chiến dịch do GRU chỉ đạo.

Việc chuyển hướng để thích hợp với thời đại mới của GRU nhờ vào kỹ thuật số. Lịch sử của GRU vốn đánh giá cao phương tiện viễn thông như là một phần công việc.

Đến kỷ nguyên web, dĩ nhiên GRU biết cách đào tạo nhân viên hoạt động tình báo trong thế giới ảo. Đây là điểm khác biệt của GRU so với FSB vốn chú trọng các nhóm tin tặc hữu hảo ngoài ngành.

Tiếp đến, các phương pháp của GRU phù hợp với tinh thần làm việc của Tổng thống Vladimir Putin. Ngày 2-11-2018, ông Putin đã phát biểu tại lễ kỷ niệm 100 năm thành lập GRU: "Tôi tin tưởng vào tính chuyên nghiệp, lòng can đảm cá nhân và tính kiên quyết của các bạn".

Hiện nay, có nhiều dấu hiệu cho thấy Nga đang tăng cường huy động các điệp viên ra nước ngoài hoạt động.

Ngoài GRU và SVR thì FSB ngày càng quan tâm đến quốc tế nhiều hơn mặc dù theo truyền thống cơ quan này thường chỉ xử lý các điệp vụ trong nước.

Nguyên nhân do Nga đánh giá NATO không được trang bị để đối phó với mối đe dọa nghiêm túc từ Nga và đây là thời cơ cần tận dụng.

Tiến sĩ Mark Galeotti nhận xét: "NATO được thành lập để đối phó với các vụ tấn công trực tiếp do quân đội thực hiện chứ không phải tấn công mạng hay chiến dịch của lực lượng đặc nhiệm".

Ông Putin muốn dùng lại tên GRU

Cơ quan Quân báo Nga mang tên Tổng cục Tình báo Bộ Tổng tham mưu quân đội Liên bang Nga (GRU) vào năm 1953 sau nhiều lần đổi tên.

Đến năm 2010, GRU được đổi tên thành Tổng cục Bộ Tổng tham mưu quân đội Liên bang Nga (GU), tức từ "tình báo" đã bị bỏ đi.

kỳ 2 gru ảnh 3 4(read-only)

Tổng thống Vladimir Putin phát biểu tại lễ kỷ niệm 100 năm thành lập GRU đầu tháng 11-2018 - Ảnh: Sputnik

Đầu tháng 11-2018, trong lễ kỷ niệm 100 năm thành lập cơ quan này, Tổng thống Putin đã đề nghị khôi phục tên GRU.

Ông nói: "Không biết từ tình báo biến đi đâu mất rồi? Tại sao chúng ta không sử dụng lại là tổng cục tình báo?".

Đến nay, trên thế giới báo chí vẫn sử dụng phổ biến tên gọi GRU hơn GU.

Kỳ tới: Mỹ - Trung đấu nhau trên thị trường vi mạch

HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên