25/07/2021 09:03 GMT+7

Cuộc chiến chống dịch tại TP.HCM: Cần nguồn nhân lực khổng lồ

HƯƠNG THẢO
HƯƠNG THẢO

TTO - Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn gần đây, các cơ sở y tế của TP.HCM chỉ lo được trong phạm vi 30.000 ca mắc COVID-19, còn trên 30.000 ca cần sự hỗ trợ từ trung ương và ngành y tế.

Cuộc chiến chống dịch tại TP.HCM: Cần nguồn nhân lực khổng lồ - Ảnh 1.

Các y bác sĩ từ Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật ngay bên giường ICU tại Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất (Đồng Nai) - Ảnh: ANH TUỆ

Thế nhưng, hiện số ca bệnh tại TP đã trên 55.000 người.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng - phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM - cho rằng theo cách tính thông thường từ các chuyên gia quản trị bệnh viện, với mỗi 1.000 giường bệnh cần tương đương ít nhất khoảng 2.000 nhân sự. Nếu chỉ tính hơn 35.000 bệnh nhân cần được điều trị sẽ cần đến 70.000 cán bộ y bác sĩ...

Căng kéo nhân lực điều trị kiểu "châm dầu vô đèn"

Để vận hành Bệnh viện hồi sức 1.000 giường điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 nặng và nguy kịch tại TP.HCM, ngành y tế ước lượng riêng về hồi sức sẽ cần tới 1.362 nhân viên y tế. Các nhân sự này, nếu chỉ TP.HCM thôi không đủ, mà phải cần sự huy động từ các bệnh viện trung ương, các địa phương.

TS.BS Nguyễn Tri Thức - giám đốc điều hành bệnh viện trên - cho biết sau hơn 10 ngày đi vào hoạt động, hiện tổng nhân lực (bao gồm cả nhân viên y tế và nhân viên hậu cần, hành chính...) của bệnh viện mới chỉ có 835 người. Để đảm bảo chăm sóc điều trị cho bệnh nhân, đòi hỏi phải bổ sung thêm nguồn nhân lực trong thời gian tới. 

"Chúng tôi đang hoạt động theo kiểu 'châm dầu vô đèn'. Với tình hình ca mắc tăng, đặc biệt ca bệnh nặng, bệnh viện đã có công văn đề nghị Bộ Y tế chi viện nhân lực để đảm bảo điều trị trong thời gian tới" - bác sĩ Thức nói.

Còn bác sĩ Bùi Văn Thanh - tham gia quản lý, điều trị tại Bệnh viện dã chiến số 2 (quận 12) - chia sẻ để tiếp nhận chăm sóc bệnh nhân, đơn vị có gần 200 nhân sự, trong đó có 64 bác sĩ, còn lại là điều dưỡng, y tá, nữ hộ sinh. Các y bác sĩ ở đây đã nỗ lực làm việc gấp 2 lần bình thường. Theo bác sĩ Thanh, đa phần bệnh nhân COVID-19 có triệu chứng liên quan đến hô hấp, do đó rất mong muốn "chi viện" thêm các bác sĩ chuyên khoa hô hấp, đảm bảo công tác chăm sóc bệnh nhân được tốt hơn.

Vấn đề cấp cứu cũng đang rất căng thẳng trong bối cảnh số ca mắc tăng cao, cần vận chuyển đến các bệnh viện. Bác sĩ Nguyễn Duy Long - giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 - cho biết mỗi ngày số lượng vận chuyển các ca F0 không triệu chứng mà đơn vị thực hiện vào khoảng 1.200 - 1.800 ca. Ngoài ra, còn số ca bệnh nặng cần chuyển lên tuyến trên, chỉ tính riêng Trung tâm cấp cứu 115 mỗi ngày đã có khoảng 40 chuyến xe xuất quân.

Với khối lượng công việc như vậy so với lực lượng cấp cứu ngoại viện hiện có, theo bác sĩ Long, "tương đối mỏng". "Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao, tôi mong muốn các cấp lãnh đạo "cắt" một phần lực lượng chuyên về cấp cứu từ các đơn vị chi viện cho Trung tâm cấp cứu 115 để đảm bảo công tác điều phối cấp cứu được nhanh chóng, kịp thời" - bác sĩ Long nói.

Một giám đốc bệnh viện cho rằng nhu cầu nhân sự cho chống dịch ở TP.HCM hiện đang rất "căng kéo" ở tất cả các bộ phận, từ điều trị, cách ly đến công tác xét nghiệm và tiêm chủng. Tuy vậy, nhân sự thực sự cấp bách phải bổ sung nhất ngay bây giờ là ở khối điều trị, tầng 1 (khu cách ly tập trung tạm ở các quận huyện) và tầng 5 (các trung tâm hồi sức điều trị bệnh nhân nặng, nguy kịch).

Bởi theo vị giám đốc bệnh viện trên, thời gian tới khả năng bệnh nhân nặng sẽ tăng cao, điều này đòi hỏi phải có lực lượng chuyên về hồi sức tham gia điều trị, kéo giảm số ca tử vong. Còn ở tầng 1, khi TP quyết định cách ly F1 tại nhà; thí điểm cách ly F0 không triệu chứng sẽ cần rất nhiều nhân lực. Nếu đủ nhân lực chăm sóc, quản lý tốt người bệnh từ tầng này sẽ kéo giảm gánh nặng cho các tầng khác.

Cuộc chiến chống dịch tại TP.HCM: Cần nguồn nhân lực khổng lồ - Ảnh 2.

Nhân viên y tế của Đại học Y Hà Nội chăm sóc bệnh nhân tại cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19 ở Bình Dương - Ảnh: QUỐC LINH

Cần thêm nhiều bác sĩ hồi sức cấp cứu

Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng - phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, để đảm bảo nhân sự phục vụ cho công tác điều trị, ngành y tế đã huy động tổng lực nguồn nhân lực từ nhiều đơn vị, bệnh viện; song song đó là nguồn nhân lực được hỗ trợ từ các bệnh viện trực thuộc trung ương đóng trên địa bàn TP.HCM như Bệnh viện Chợ Rẫy, Răng hàm mặt trung ương, Thống Nhất, Quân y 175…Thêm vào đó là lực lượng chi viện từ nhiều đơn vị, bệnh viện thuộc nhiều tỉnh thành trên cả nước.

Trước đó, ngành y tế TP.HCM đề xuất cần khoảng 1.500 bác sĩ (200 bác sĩ hồi sức), cùng 5.500 điều dưỡng (800 - 1.000 điều dưỡng hồi sức) và kỹ thuật viên để bổ sung nhân sự cho khối điều trị theo 2 đợt. Lực lượng nhân sự hỗ trợ dự kiến được bố trí tham gia công tác chăm sóc người bệnh không triệu chứng, có triệu chứng, hồi sức chuyên sâu bệnh nhân nặng và nguy kịch. Ngoài ra bổ sung cho các bệnh viện gián tiếp tham gia điều trị COVID-19, đồng thời cũng sẽ tham gia "chia lửa" để giảm tải cho các lực lượng y tế tuyến đầu.

Theo số liệu cập nhật mới nhất, hiện có 24 đoàn với hơn 4.400 nhân viên y tế cả nước hỗ trợ TP.HCM chống dịch. Trong đó có 535 bác sĩ, 1.222 điều dưỡng, 53 kỹ thuật viên, 8 giảng viên và 2.655 sinh viên. Ngoài ra còn có hơn 30 lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế được điều động trực tiếp hỗ trợ tất cả các quận, huyện triển khai các hoạt động chống dịch.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cũng cho biết ngoài điều trị bệnh nhân nhẹ, nguồn lực bác sĩ hồi sức cấp cứu cho các bệnh nhân nặng, nguy kịch cũng là vấn đề căng thẳng, không chỉ "căng kéo" ở TP.HCM mà cả các tỉnh khu vực phía Nam.

Một bác sĩ chuyên về hồi sức cấp cứu đang điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 cho biết với số lượng ca mắc có diễn tiến nặng như hiện nay rất đáng lo ngại. Trong khi số lượng máy hồi sức, bác sĩ chuyên về hồi sức rất hạn chế, nếu không muốn nói "vừa yếu vừa thiếu".

"Tỉ lệ người bệnh trở nặng và tử vong đang có dấu hiệu tăng, điều này có thể một phần từ sự quá tải của hệ thống hồi sức cấp cứu. Lúc này cần phải làm chậm diễn tiến bệnh nặng, tăng bệnh nhân điều trị khỏi để tránh tình trạng dồn số lượng bệnh nhân nặng quá lớn nếu không nguồn nhân lực, máy móc sẽ không đủ để đáp ứng" - bác sĩ này phân tích.

Cuộc chiến chống dịch tại TP.HCM: Cần nguồn nhân lực khổng lồ - Ảnh 3.

Y bác sĩ chăm sóc và điều trị bệnh nhân tại Bệnh viện hồi sức COVID-19 (TP Thủ Đức) - Ảnh: AN MỸ

Kêu gọi từ người dân đến trung ương hỗ trợ để chống dịch

Mới đây, tổ trưởng tổ điều phối nguồn nhân lực Huỳnh Thanh Nhân đã có văn bản gửi các cơ quan khối Đảng, đoàn trực thuộc Đảng bộ TP phối hợp cung cấp danh sách cán bộ, công chức, viên chức để tạo nguồn nhân lực khi cần sự hỗ trợ trong phòng chống dịch. Theo đó, TP huy động các cán bộ nam dưới 50 tuổi và nữ dưới 40 tuổi, có sức khỏe tốt, không có bệnh lý nền cùng tham gia công tác chống dịch.

Ngoài ra, Sở Y tế cũng đã đề nghị các tổ chức hội và các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Y tế huy động tình nguyện viên có chuyên môn y tế tham gia phòng chống dịch. Theo đó, lực lượng y tế về hưu, thành viên tổ chức hội thuộc lĩnh vực y tế; các điều dưỡng, dược sĩ, quân y; sinh viên, thực tập sinh ngành y tế; người có bằng lái có đủ sức khỏe được vận động tình nguyện tham gia chống dịch.

Sở Y tế cũng đề nghị các cơ quan, đơn vị thực hiện ký hợp đồng tiếp nhận tình nguyện viên tham gia hỗ trợ phòng chống dịch tại cơ quan, đơn vị hoặc báo cáo sở để phân công đến cơ quan, đơn vị khác nếu có nhu cầu.

Ngoài ra, ngày 23-7 Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cũng đã có công văn khẩn đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ, điều động lực lượng nhân viên y tế của các bệnh viện trung ương, bộ ngành đóng trên địa bàn TP.HCM. Theo đó, TP.HCM đang cần thêm 1.000 bác sĩ chuyên về hồi sức và khám, điều trị; 4.000 điều dưỡng và kỹ thuật viên.

Trước đó, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cũng có văn bản gửi Thủ tướng đề xuất hỗ trợ nhân lực tham gia phòng chống dịch. Cụ thể, TP đề nghị được hỗ trợ 927 bác sĩ, 4.137 điều dưỡng và kỹ thuật; 2.000 nhân viên có chuyên môn y tế tham gia lấy mẫu xét nghiệm.

THẢO LÊ

Điều thêm hơn 9.000 cán bộ y tế cho TP.HCM

222069429_1888791814625333_4165400589353896338_n

Nhân viên y tế tỉnh Yên Bái nhận nhiệm vụ tại Bệnh viện điều trị COVID-19 Củ Chi - Ảnh: THU PHƯƠNG

Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế Nguyễn Hồng Sơn cho biết đang chuẩn bị điều thêm trên 9.000 y bác sĩ, kỹ thuật viên y khoa đúng với nhu cầu nhân lực mà TP.HCM vừa đề nghị.

Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế Nguyễn Hồng Sơn cho biết đang chuẩn bị điều thêm trên 9.000 y bác sĩ, kỹ thuật viên y khoa đúng với nhu cầu nhân lực mà TP.HCM vừa đề nghị.

Ông Sơn cho biết thời gian qua Bộ Y tế đã điều động số lượng nhân lực khá lớn cho TP.HCM như 675 y bác sĩ từ các tỉnh thành phía Bắc, hơn 3.000 người từ Trường ĐH Y dược và hơn 200 người của các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế cũng đã được bộ đưa vào TP.HCM.

* TP.HCM lại vừa có đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ tiếp hơn 9.000 y bác sĩ, trong đó một số lượng lớn bác sĩ hồi sức. Lượng nhân lực này sẽ lấy ở đâu?

- Chúng tôi sẽ lấy từ các bệnh viện trực thuộc bộ và huy động từ các tỉnh. Chúng tôi đang theo dõi sát và lên kế hoạch chung để hỗ trợ nhân lực cho toàn bộ khu vực phía Nam, bao gồm cả Bình Dương, Đồng Nai, Đồng Tháp, Phú Yên... chứ không riêng TP.HCM.

Như thời gian qua đã điều 15 y bác sĩ của Bạch Mai vào Đồng Nai, ĐH Y Hà Nội có hàng trăm cán bộ, giáo viên, sinh viên vào Bình Dương và tới đây có thêm y bác sĩ của Bệnh viện ĐH Y Hà Nội. Đồng Tháp và Phú Yên cũng có đoàn của Bộ Y tế đến hỗ trợ, trong đó gồm các chuyên gia của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương.

* Với tình hình dịch như hiện nay, phương án hỗ trợ nhân lực của Bộ Y tế sẽ chú trọng đến điểm nào để hiệu quả nhất về nhân lực?

- Chúng tôi sẽ phải khớp cung - cầu rất chặt chẽ, xem các tỉnh thành có dịch đề nghị hỗ trợ nhân lực cần gì. Trên cơ sở nhu cầu nhân lực của bộ phận thường trực chống dịch tại khu vực phía Nam, chúng tôi sẽ thành lập tổ hỗ trợ nhân lực thuộc bộ phận thường trực. Khi bộ phận thường trực có thông báo nhu cầu thì chúng tôi sẽ điều động phù hợp. Như vừa qua bộ phận thường trực chống dịch có thư gửi bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị hỗ trợ nhân lực chủ yếu là các bác sĩ hồi sức thì chúng tôi huy động nhiều bác sĩ hồi sức để đáp ứng.

LAN ANH

Các tỉnh thành phía Nam đang thiếu nhân lực ra sao?

Phát biểu tại cuộc họp với Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cách đây 2 ngày, tỉnh Đồng Nai cho biết hiện tỉnh đang điều trị hơn 2.000 bệnh nhân COVID-19 dương tính, trong đó có 22 bệnh nhân thở máy. Tỉnh Đồng Nai cho biết có thể đảm đương được nếu số lượng bệnh nhân ở mức dưới 4.000 người.

Còn khi số lượng F0 trên mức 4.000 người thì Đồng Nai sẽ cần hỗ trợ nhân lực từ trung ương. Hiện tại Đồng Nai đang có êkip 15 người của Bệnh viện Bạch Mai hỗ trợ điều trị bệnh nhân nặng.

Còn Bình Dương, tại cuộc họp giao ban trực tuyến với Bộ Y tế hơn một tuần trước, đại diện Bình Dương cho biết nếu số lượng F0 vượt 3.000 thì nhân lực y tế khá căng. Tuy nhiên đến sáng 24-7, số F0 tại Bình Dương đã ở mức suýt soát 6.500 ca.

Ông Nguyễn Lân Hiếu, giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho biết ông mới nhận được đề nghị giúp vận hành đơn vị hồi sức tích cực mới thành lập của Bình Dương. Ông Hiếu cho rằng chiến lược chống dịch ở những khu vực như TP.HCM, Bình Dương đã thay đổi. Ngoài hạn chế lây lan cộng đồng, mục tiêu quan trọng là giảm tỉ lệ tử vong, giảm lây nhiễm chéo trong bệnh viện để đủ sức trường kỳ chống dịch.

Còn theo thông tin từ Bộ Y tế, hiện 8 trường ĐH y dược phía Bắc đã tập huấn, chuẩn bị cho 2.200 cán bộ giáo viên, sinh viên sẵn sàng lên đường tăng cường cho các tỉnh phía Nam đang có dịch khi được điều động.

Sáng 25-7: Thêm 3.973 ca COVID-19, 3 triệu liều vắc xin Moderna về đến Việt Nam Sáng 25-7: Thêm 3.973 ca COVID-19, 3 triệu liều vắc xin Moderna về đến Việt Nam

TTO - Sáng 25-7, Bộ Y tế cho biết đã ghi nhận thêm 3.973 ca mắc COVID-19 mới. Sau TP.HCM, sáng 24-7, Bình Dương - địa phương có số mắc cao thứ 2 cả nước - cũng phát động chương trình tiêm chủng vắc xin và phun khử khuẩn diện rộng để phòng chống dịch.

HƯƠNG THẢO
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên